Các tình huống khẩn cấp

Một phần của tài liệu CÁC TÌNH HUỐNG QUẢN LÝ GIÁO DỤC – AN TOÀN TRƯỜNG HỌC (Trang 28)

1. Quạt rơi vào đầu học sinh trong giờ học

Trong giờ học tại lớp 4A, trường tiểu học Q.T, một chiếc quạt trần đang quay đột nhiên rơi xuống. Rất may chỉ sướt qua đầu một học sinh, chảy máu nhưng không nghiêm trọng. Hiệu trưởng phải làm gì?

Gợi ý

Đảm bảo an toàn cho học sinh là quan trọng nhất. Hiệu trưởng có thể giải quyết như sau:

- Nhanh chóng tổ chức đưa học sinh bị tai nạn đi cấp cứu. - Trấn an học sinh và giáo viên. Tạm thời cho lớp nghỉ hôm đó.

- Cho cán bộ tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống quạt và các thiết bị khác trong nhà trường.

- Có kế hoạch kiểm tra thường xuyên cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường, kịp thời sửa chữa những hỏng hóc, tránh những tai nạn tương tự xảy ra.

2. Sập phòng học

Trường T.H đã được xây dựng từ lâu, phòng học đã xuống cấp trầm trọng. Hiệu trưởng đã báo cáo tình hìnhvới cơ quan cấp trên nhưng không có hồi âm gì. Vào một buổi chiều, hai dãy phòng học tự nhiên đổ ụp. Rất may lúc xảy ra sự cố không có học sinh và cán bộ giáo viên. Bảo vệ báo cáo với hiệu trưởng. Hiệu trưởng phải làm gì?

Gợi ý

Khi có dấu hiệu đe dọa sự an toàn của học sinh và thầy cô giáo, hiệu trưởng phải làm văn bản báo cáo với cơ quan quản lý giáo dục cấp trên. Trong trường hợp này, hiệu trưởng cần:

- Hiệu trưởng cho giữ nguyên hiện trường và nhanh chóng báo với các cơ quan chức năng ở địa phương và cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp.

- Nếu hiệu trưởng đã báo cáo tình hình xuống cấp các phòng học và khuyến cáo về mối nguy hiểm có thể xảy ra bằng văn bản thì trong việc này hiệu trưởng không phải chịu trách nhiệm.

3. Ngất tập thể

Trường trung học cơ sở L.H mấy ngày nay có hiện tượng lác đác một vài học sinh nữ bị ngất. Hiệu trưởng đã chỉ đạo y tế của trường cấp cứu các em kịp thời. Sáng nay, ở lớp 9A5 có một loạt học sinh nữ bị ngất. Cả lớp có tình trạng hoảng loạn. Hiệu trưởng giải quyết thế nào?

Việc nhiều học sinh bị ngất có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về tâm lý. Vì vậy, hiệu trưởng cần bình tĩnh xử lý.

- Thông báo khẩn cấp đến y tế tuyến trên, phòng giáo dục và phụ huynh học sinh. - Phân công giáo viên chăm sóc các học sinh bị ngất và trấn an học sinh.

- Phối hợp với phụ huynh học sinh tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của con em.

4. Phụ huynh đem súng dọa hiệu trưởng

Một phụ huynh có con thi vào lớp 10 của trường nhưng không đủ điểm. Một hôm ông ta vào trường gặp hiệu trưởng. Tại phòng hiệu trưởng, phụ huynh này rút súng dọa hiệu trưởng: Phải cho con tôi vào học ngay. Nếu không giải quyết, tôi sẽ bắn hiệu trưởng và tôi tự sát luôn.

Với bộ mặt giận dữ, tay lăm lăm cầm khẩu súng. Hiệu trưởng chỉ có một mình trong phòng với ông ta. Hiệu trưởng xử lý thế nào?

Gợi ý

Trong trường hợp này hiệu trưởng phải hết sức bình tĩnh và mềm mỏng, tìm cách hoãn binh. Sau khi thoát ra khỏi hoàn cảnh nguy hiểm, hiệu trưởng báo với cơ quan công an và chính quyền địa phương, đồng thời chấn chỉnh việc quản lý việc ra vào nhà trường.

Một phần của tài liệu CÁC TÌNH HUỐNG QUẢN LÝ GIÁO DỤC – AN TOÀN TRƯỜNG HỌC (Trang 28)