Di dân là một bộ phận hợp thành của quá trình phát triển và là hệ quả tất yếu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Dòng di dân từ nông thôn ra thành thị ở Việt Nam có xu hướng ngày càng mạnh và trở thành một hướng quan trọng phân bố lại nguồn lực, nguồn nhân lực, góp phần quan trọng giảm sức ép về việc làm trong nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng tăng trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, người di cư cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội bức xúc, trong đó có vấn đề bảo đảm thực thi quyền của người lao động di cư trong quan hệ lao động. Lao động di cư luôn là đối tượng yếu thế, là người trực tiếp thực hiện các nghĩa vụ lao động nên thường phải đối mặt với các rủi ro dẫn đến quyền con người trong lao động của họ rất dễ bị vi phạm. Trong khi đó, lao động di cư luôn được xem là một lực lượng đông đảo và quan trọng trong việc quyết định sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước.
Đứng trước thực trạng đó, vấn đề cấp thiết đặt ra là hoàn thiện hệ thống chính sách, tạo môi trường pháp lý nhằm hỗ trợ cho người lao động di cư khi tham gia vào quan hệ lao động. Các vấn đề đặt ra có liên quan việc tôn trọng
và bảo đảm thực thi quyền con người trong lĩnh vực lao động cần được giải quyết một cách hợp lý như: bảo đảm quyền tự do việc làm, bảo đảm quyền thu nhập và đời sống; bảo đảm về an toàn tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và nhân cách của người lao động di cư; quyền tự do lập hội.. Nền tảng để thực thi và bảo đảm các quyền trên chính là hệ thống pháp luật lao động của nhà nước.
Chính vì vậy, các chính sách xã hội liên quan đến người lao động trong điều kiện di dân nông thôn - thành thị cần được quy định cụ thể, có tính khả thi và ngày càng hài hòa, bắt kịp các quy định về vấn đề lao động trong các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Xây dựng hệ thống chính sách góp phần hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các vấn đề về quan hệ lao động và tiêu chuẩn lao động ở Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Trong quá trình phát triển, những vấn đề mới phát sinh liên quan đến những chính sách xã hội cần được bổ sung, sửa đổi trong Hiến pháp, cần xây dựng các quy định chuyên biệt dành cho đối tượng là người lao động di cư từ nông thôn ra thành phố; hay cụ thể hơn là chính sách phân phối tiền lương và thu nhập theo cơ chế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; chính sách an sinh hoàn chỉnh theo hướng đa tầng và linh hoạt, có thể hỗ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhóm di dân nông thôn - thành thị đều có cơ hội tiếp cận nhằm phòng ngừa, hạn chế và khắc phục các rủi ro khi tham gia vào quan hệ lao động... trách nhiệm thực thi pháp luật của các bên trong quan hệ lao động..