Trong quá trình tuyển dụng lao động, người lao động phải có chứng nhận đủ sức khỏe để có thể đảm bảo yêu cầu công việc, đây cũng là điều kiện
tối thiểu để người sử dụng lao động có căn cứ bố trí công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động. Bên cạnh đó người lao động cũng được quyền huấn luyện, hướng dẫn thông báo về các quy định, biện pháp làm việc an toàn, phong tránh các nguy cơ tai nạn lao động.
Điều 152 BLLĐ quy định:
2. Hằng năm người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề; lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm công việc nặng nhọc, độc hại, người lao động là người khuyết tật, người lao động là người chưa thành niên, người lao động là người cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần[2].
Mục đích của việc khám sức khỏe là nhằm kịp thời phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động để có hướng điều trị đúng đắn và chuyển họ làm công việc khác phù hợp hơn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Khi người lao động bị bệnh nghề nghiệp thì được điều trị và toàn bộ chi phí do người sử dụng lao động chi trả.
Trong trường hợp người lao động bị tai nạn lao động, tai nạn nghề nghiệp, người lao động sẽ được chi trả toàn bộ chi phí từ sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong. Nếu sau khi điều trị ổn định người lao động bị suy giảm khả năng lao động còn được bồi thường. Điều 145 BLLĐ quy định:
3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau: a) ít nhất 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động, sau đó cứ tăng 0,1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; b) Ít nhất 30
tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động[2].