Một câu hỏi không thể né tránh khi thảo luận các vấn đề kinh tế của Việt Nam là làm thế nào để cạnh tranh với Trung Quốc. Câu trả lời ngắn gọn (và duy nhất) là không một quốc gia nào có thể cạnh tranh một cách đối đầu với Trung Quốc về các sản phẩm tiêu dùng được sản xuất đại trà. Đơn giản là vì lợi thế theo quy mô của Trung Quốc quá lớn. Chiến lược của Việt Nam vì vậy phải là “nhanh nhạy hơn và thông minh hơn” Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam cần phải nhanh chóng tiến lên các bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu được miêu tả ở phần đầu của bài viết này. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam còn chưa xâm nhập vào được quá trình sản xuất toàn cầu (mặc dù công bằng mà nói, nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc cũng như vậy.) Có lẽ lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc là với quy mô nhỏ hơn, Việt Nam có thể tiến hành cải cách nhanh hơn. Đồng thời, là người đi sau, Việt Nam có thể học được nhiều bài học vô giá từ thành công cũng như thất bại của những người đi trước, Việt Nam phải có khả năng đảo ngược những xu thế sai lầm thì mới có hy vọng thực hiện bước “nhẩy vọt” qua mặt Trung Quốc. Cũng phải nói ngay rằng, chừng nào khoảng cách giữa chất lượng đại học của Việt Nam và Trung Quốc chưa được thu hẹp một cách cơ bản thì ước muốn “qua mặt” Trung Quốc chỉ thuần túy là một niềm hy vọng không có cơ sở.