Hiện trạng giao thông tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các giải pháp kết nối mạng cho Giao thông thông minh (Trang 81)

Việt Nam có tổng diện tích 331.212 km2 và dân số khoảng 84,12 triệu người. Trong suốt những thập kỷ qua, nền kinh tế đất nước đã duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định khoảng 7,5% hàng năm và tỷ lệ đói nghèo giảm từ 51% vào năm 1990 xuống 8% trong năm 2005 (Tổng cục thống kê, 2007). Trong giai đoạn đó, ngành giao thông vận tải đã đạt được những thành quả đáng kể, có ý nghĩa quan trọng đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và khu vực. Năng lực của hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. [13]

Trong những thập kỷ qua, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển thông tin công nghệ và viễn thông. Năm 2007 tỷ lệ sở hữu điện thoại trên 1000 dân là 191, con số đó minh chứng cho sự nhảy vọt khi so sánh với tỷ lệ là 1 tại thời điểm năm 1990 (UNDP 2008). Một sự bùng nổ tương tự cũng đang diễn ra trên khía cạnh số người sử dụng internet ở nước ta. [13] Năm 2000, mới chỉ có 200 nghìn người Việt sử dụng internet, chiếm 0,3% dân số thì tính đến cuối tháng 6 năm 2008 đã có 20,16 triệu người, chiếm 23,6% dân số (VNNIC 2008). Được xem như thành tựu chính trong việc phát triển công nghệ ở Việt Nam, cơ sở hạ tầng thông tin và viễn thông là một nền tảng cơ bản vững chắc cho công cuộc phát triển ứng dụng công nghệ cao tới các lĩnh vực công nghiệp dịch vụ khác nhau bao gồm hệ thống logistics và giao thông vận tải.

Dưới áp lực của nhu cầu phát triển, Việt Nam đã dành những nỗ lực vô cùng to lớn trong việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ. Đến cuối năm 2006, quốc gia có 151.632 km mạng lưới đường bộ, trong đó 64.413 km đã được trải nhựa hoặc bê tông, chiếm khoảng 42,5%. Tỷ lệ đường quốc lộ được trải nhựa đã tăng từ 60% trong năm 1995 lên đến 92,5% trong năm 2006 (Tổng cục thống kê 2008). [13] Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, Việt Nam còn thiếu những trục đường bộ có năng lực vận tải lớn. Vấn đề này đã được chính phủ và các ngành nhận thức một cách nghiêm túc rõ ràng đó chính là những rào cản để có thể đạt được một thời kỳ vàng về phát triển kinh tế.

4.1.1. Quan điểm phát triển giao thông của chính phủ .

1. Giao thông vận tải là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, một trong ba khâu đột phá, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

80

2. Phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước, đặc biệt là tiềm năng biển, để phát triển hệ thống giao thông vận tải hợp lý, tiết kiệm chi phí xã hội.

3. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm, vừa có bước đi phù hợp vừa có bước đột phá theo hướng hiện đại tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn trên phạm vi toàn quốc. Coi trọng công tác bảo trì, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động đảm bảo hiệu quả, bền vững trong khai thác kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.

4. Phát triển vận tải theo hướng hiện đại, chất lượng ngày càng được nâng cao với chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng; ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức và logistics.

5. Kết hợp đầu tư mới với cải tạo, nâng cấp, đầu tư theo chiều sâu phát huy hiệu quả của các cơ sở công nghiệp giao thông vận tải hiện có, nhanh chóng đổi mới và tiếp cận công nghệ hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực đóng tàu, chế tạo ô tô và đầu máy, toa xe để sử dụng trong nước và xuất khẩu.

6. Phát triển hệ thống giao thông vận tải đối ngoại gắn kết chặt chẽ với hệ thống giao thông vận tải trong nước để chủ động hợp tác, hội nhập khu vực và quốc tế.

7. Nhanh chóng phát triển phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn đối với các đô thị lớn (trước mắt là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh); phát triển vận tải ở các đô thị theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính, đảm bảo hiện đại, an toàn, tiện lợi; phát triển hệ thống giao thông tĩnh; kiểm soát sự gia tăng phương tiện cá nhân; giải quyết ùn tắc giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đô thị.

8. Phát triển giao thông vận tải địa phương, gắn kết được mạng lưới giao thông vận tải địa phương với mạng giao thông vận tải quốc gia, tạo sự liên hoàn, thông suốt, hiệu quả.

9. Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Người sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông có trách nhiệm đóng góp phí sử dụng để bảo trì và tái đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

10. Dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo hành lang an toàn giao thông. Quy hoạch đất sử dụng cho kết cấu hạ tầng giao thông cần có sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ giữa các Bộ, ngành và địa phương. [11]

81

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các giải pháp kết nối mạng cho Giao thông thông minh (Trang 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)