Tổng thể các quyền và nghĩa vụ do nhà nước quy định cho các tổ chức xã hội trong quản lý hành chính nhà nước tạo thành quy chế pháp lý hành chính của các tổ chức xã hội.
Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội được nhà nước quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như hiến pháp, luật công đoàn, pháp lệnh tổ chức luật sư, pháp lệnh thanh tra... các quyền và nghĩa vụ này phát sinh bên ngoài tổ chức, xác định địa vị pháp lý cũng như năng lực chủ thể để các tổ chức xã hội tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Những quyền và nghĩa vụ được quy định trong quy chế pháp lý hành chính của chúng là những quyền và nghĩa vụ mang tính pháp lý khác với các quyền và nghĩa vụ được quy định trong điều lệ của tổ chức xã hội.
Các tổ chức xã hội khác nhau thì có quy chế pháp lý hành chính khác nhau. Sự khác biệt về quy chế pháp lý hành chính của các tổ chức xã hội bắt nguồn từ sự khác biệt về vị trí vai trò và phạm vi hoạt động của các tổ chức xã hội. Tuy vậy, các tổ chức xã hội (các tổ chức tự nguyện) đều có những quyền và nghĩa vụ sau:
- Tham gia vào việc dự thảo các dự án pháp luật về các vấn đề có liên quan tới tổ chức mình trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua, ban hành.
- Phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc soạn thảo và ban hành các văn bản chung có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong tổ chức.
- Tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với các thành viên trong tổ chức và đối với nhân dân lao động.
- Tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật của cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch.
- Ðại diện cho đoàn viên, hội viên tham gia với cơ quan nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên.
--- CÂU HỎI
1. Thế nào là tổ chức xã hội? Thông qua các đặc điểm của tổ chức xã hội, hãy phân biệt chúng với cơ quan nhà nước?
2. Hãy phân loại các tổ chức xã hội ở nước ta? Theo anh (chị), loại tổ chức xã hội nào nằm trong cơ cấu quyền lực chính trị?
3. Nêu các quan hệ giữa tổ chức xã hội và cơ quan nhà nước?
Bài 7
QUY CHẾ PHÁP LÝ HÀNH CHÍNH CỦA CÔNG DÂN
VIỆT NAM - NGƯỜI NƯỚC NGOÀI - NGƯỜI KHÔNG QUỐC TỊCH