Nghi ngờ một chữ trong bài thơ Qua Đèo Ngang

Một phần của tài liệu BL VĂN HỌC (Trang 45 - 46)

--- Phúc Trach ---

Bài thơ Qua Đèo ngang của Bà huyện Thanh Quan là một bài thơ Đường luật rất hay, được lưu truyền rất rộng rãi. Bốn câu đầu của bài thơ như sau:

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà Cỏ cây chen đá, lá chen hoa Lom khom dưới núi tiều vài chú Lác đác bên sông chợ mấy nhà

Từ trước đến nay, các tài liệu chữ quốc ngữ truyền lại đều thống nhất ghi chữ thứ năm của câu thứ tư là "chợ". Nhưng suy nghĩ lại thì ta thấy chữ chợ rất đáng ngờ, cần bàn bạc xem.

Ở vùng nông thôn, miền núi của ta từ xưa, một cái chợ dù quy mô to hay nhỏ bao giờ cũng tập trung trên một khoảnh đất, chứ không phân tán lác đác mỗi nơi một nhà. Chợ được dựng thành từng dãy lều lụp xụp thấp bé, lợp bằng lá cọ, hoặc cỏ gianh gác trên hàng cọc chỉ cao trên dưới một mét, không thể gọi là nhà được. Nếu chợ có quy mô lớn thì lại có mấy cái đình tuy cao nhưng trống trải bốn bề, và lại cũng không phân tán lác đác; mà ở chân Đèo Ngang, vùng núi ngăn cách tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình nổi tiếng vì đất nghèo thì không thể có chợ lớn.

Xét về luật thơ Đường thì hai câu ba và bốn phải đối xứng với nhau về lời, về ý. Ta thấy chữ lác đác ở câu 4 là đối xứng với chữ lom khom ở câu 3; rồi chữ bên sông (4) đối với chữ dưới núi (3) chữ mấy nhà (4) đối với chữ vài chú (3). Vậy ở vị trí chữ chợ phải là một chữ đối xứng với chữ tiều. Tiều có nghĩa là nghề kiếm củi, chú tiều là người hái củi. Vậy chữ gì đối xứng với chữ tiều? Ta biết ở nông thôn miền núi có mấy nghề phổ biến được quy vào bốn chữ ngư, tiểu, canh, mục tức là đánh cá, hái củi, cày ruộng, chăn nuôi. Đây nói đến mấy nhà lác đác bên sông thì gần gũi nhất là nghề đánh cá tức là "ngư". Nhưng dùng chữ ngư, thuộc thanh bằng, lại không thay được chữ chợ, thuộc thanh trắc, không đúng luật thơ. Xét ra chỉ còn chữ vạn, nghĩa là nghề sinh hoạt dựa vào sông nước. Vùng Nghệ Tĩnh có các làng xã ven sông có tên Vạn Gia, Vạn Sồng, Vạn Rú, Vạn Phần v.v...

Ngoài ra cũng có người có ý kiến đọc chữ rợ thay chữ chợ. Chữ rợ có thanh trắc, âm gần giống chợ. Nhưng chữ rợ là nói người man rợ, một tiếng có ý khinh bỉ, ngày xưa tuy có dùng nhưng lại không đúng với dân ta người Việt ở vùng Đèo Ngang cạnh đường cái quan. Họ không mang tính chất gì là man rợ cả.

Tóm lại tôi nghĩ rằng nguyên văn của câu thơ vốn dùng chữ vạn, sau truyền tụng lại, và có người không thạo ngôn ngữ dân gian đã sửa thành chữ chợ một cách vô lý. Vậy câu thơ phải là:

Lom khom dưới núi tiều vài chú Lác đác bên sông vạn mấy nhà.

Tôi đề xuất ý kiến thô thiển trên đây, và mong đợi những ý bàn bạc thêm cho rõ. ---

Một phần của tài liệu BL VĂN HỌC (Trang 45 - 46)