phá giá của Trung Quốc đối với Việt Nam
3.2.1 Kinh nghiệm đối với việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam 3.2.1.1 Thực trạng pháp luật Việt Nam về chống bán phá giá.
Trước năm 2004, thời điểm ra đời của Pháp lệnh về việc chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam, thì hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có những quy định cụ thể và chuyên biệt về vấn đề này. Cuối 2004, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với tổng cộng 18 vụ kiện chống bán phá giá ở nhiều thị trường. Ở thời điểm này cũng đã có những nghi ngờ đơn lẻ về việc phá giá hay trợ cấp của một số loại hàng hoá nước ngoài bán với giá rất rẻ gây ra nhiều thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan (ví dụ mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng, năng lực triển khai của các cơ quan liên quan…), vấn đề này đã không được điều chỉnh cụ thể bởi các chế định chuyên biệt mà chủ yếu vẫn sử dụng chung các quy định thuộc các chế định khác (ví dụ chế định về Giá….). Quá trình xây dựng các chế định này bắt đầu từ những năm 2002-2003, một mặt là trong khuôn khổ những nỗ lực chung để hoàn thiện pháp luật cho phù hợp với WTO nhưng mặt khác, quan trọng hơn, là nhu cầu nội tại trong nước nhằm tạo ra một công cụ pháp lý hiệu quả để bảo vệ ngành sản xuất nội địa Việt Nam trước sự thâm nhập của hàng hoá nước ngoài, một sự thâm nhập được dự báo là mạnh mẽ khi Việt nam gia nhập WTO. Nói một cách khác, việc xây dựng chế định về chống bán phá giá và chống trợ cấp không phải là đòi hỏi bắt buộc của WTO mà chủ yếu là nhu cầu tự thân của Việt Nam (trong việc chuẩn bị một công cụ cần thiết, hợp pháp để phản ứng kịp thời với những tác động không mong muốn của việc mở cửa thị trường, kết quả của việc gia nhập WTO). Cần nhấn mạnh là WTO không đòi hỏi các thành viên phải ban hành quy định về những vấn đề này mà chỉ yêu cầu các quy định này, nếu có, phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc trong các Hiệp định liên quan của WTO.
Cho đến thời điểm hiện tại, các quy định của pháp luật về chống bán phá giá bao gồm những văn bản như sau:
- Pháp lệnh 2004 về việc chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam;
- Nghị định 90/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam;
- Nghị định 04/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006 về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ;
- Nghị định 06/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục quản lý cạnh tranh;
- Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/02/2006 về việc quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa;
- Thông tư 106/2005/TT-BTC ngày 05/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu, nộp, hoàn trả thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và các khoản bảo đảm thanh toán thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp;
- Quyết định 32/QĐ-QLCT ngày 15/5/2008 của Cục Quản lý cạnh tranh về việc ban hành Mẫu hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
b. Nhận xét về hệ thống pháp luật chống bán phá giá của Việt Nam
So với các quy đinh về chống bán phá giá của Trung Quốc, thì các văn bản pháp luật của Việt Nam về cơ bản cũng có nhiều điểm tương đồng, đều xây dựng trên cơ sở phù hợp với các quy định của WTO. Tuy nhiên, pháp luật về chống bán phá giá Việt Nam còn nhiều điểm hạn chế cả về hình thức và nội dung, cụ thể là:
Về hình thức, so với các chế định pháp luật khác, các chế định về chống bán phá giá đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam là tương đối tập trung (về cấu trúc), ít về số lượng văn bản và do đó khá minh bạch. Để tìm hiểu các chế định này, nhà nghiên cứu cũng như các chủ thể thực thi không phải tìm kiếm vào nội dung từng văn bản pháp luật chuyên ngành để xem xét các tình huống bảo lưu hay có cách áp dụng đặc biệt mà chỉ cần tiếp cận trực tiếp các văn bản này là đủ. Tuy nhiên, điểm hạn chế sẽ là với số lượng không nhiều các văn bản và dung lượng của các văn bản này cũng không quá lớn trong khi vần đề cần điều chỉnh lại bao gồm rất nhiều các chi tiết nhỏ, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các lợi ích của các chủ thể liên quan nên việc thực thi trên thực tế có thể khó khăn.
Về nội dung, pháp luật chống bán phá giá của Việt Nam còn đơn giản và sơ khai. Pháp luật chống bán phá giá của Việt Nam cơ bản chỉ là sự lặp lại không đầy đủ những nguyên tắc đã được ghi nhận trong Hiệp định về thực thi Điều VI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994. Còn nhiều hạn chế trong các quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là:
- Pháp luật chỉ đưa ra khái niệm mà chưa làm rõ các căn cứ pháp lý để xác định hiện tượng bán phá giá, xác định thiệt hại vật chất và mối quan hệ nhân quả;
- Các quy định về thủ tục điều tra, xử lý vụ việc còn sơ lược. Với những quy định hiện hành, các doanh nghiệp, các cơ quan có thẩm quyền chỉ có thể hình dung những bước cơ bản của quá trình xử lý vụ việc mà chưa thể xác định được các hoạt động cần thiết khi tham gia vào một vụ việc cụ thể;
- Còn thiếu các quy chuẩn cụ thể khiến các chủ thể (đặc biệt là cơ quan điều tra) có hành động tuỳ nghi. Ví dụ như: nếu không có quy định cụ thể về Bảng câu hỏi, về quy trình phân tích đánh giá các yếu tố liên quan và do đó vi phạm quy định về thời hạn của WTO;
- Thiếu các quy định cụ thể đảm bảo tính khả đoán và ổn định của quá trình điều tra có thể là một nguy cơ dẫn tới thiếu minh bạch, từ đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các chủ thể liên quan. Ví dụ: nếu không có quy định về cách thức tiếp cận thông tin thì quyền lợi của các bên liên quan sẽ bị ảnh hưởng (do tiếp cận thông tin chậm, không đầy đủ nên khó chuẩn bị lập luận và chứng cứ để tự bảo vệ mình);
- Còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung như xác định thời kỳ điều tra, các căn cứ để xác định thiệt hại đáng kể, khái niệm và cách thức xác định ngành sản xuất trong nước…. Những hạn chế trên của pháp luật chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi theo hướng: việc điều tra, xử lý vụ việc sẽ gặp những trở ngại khi chưa đủ căn cứ pháp lý để áp dụng; các bên liên quan sẽ lúng túng khi tham gia tố tụng do không thể hình dung những yêu cầu, những chuẩn mực mà pháp luật đặt ra cho họ. Sự thiếu hoàn thiện của pháp luật là một trong những ảnh hưởng trước tiên và nghiêm trọng nhất đến khả năng thực thi pháp luật trong thực tế. Do đó, việc nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật chống bán phá giá nói chung và chế định về quy trình điều tra và xử lý vụ việc đang là nhu cầu cấp thiết để đảm bảo hiệu quả điều chỉnh của pháp luật.
Về cơ bản, pháp luật về chống bán phá giá của Trung Quốc và Việt Nam khá tương đồng, phù hợp với các quy định về chống bán phá giá của WTO. Tuy nhiên, cả hai hệ thống pháp luật của hai quốc gia này đều khá sơ sài, mang tính chất “khung” và còn khá chung chung, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật của các doanh nghiệp. Do vậy, cần đưa ra những bài học cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về chống bán phá giá tại Việt Nam, làm sao để các quy định của WTO về chống bán phá giá được “nội luật hoá” trong các quy định của mình.
3.2.1.2 Phƣơng hƣớng hoàn thiện trong việc xây dựng pháp luật về Chống bán phá giá của Việt Nam
Theo những phân tích ở trên cho thấy vấn đề cần giải quyết trước tiên và quan trọng nhất để nâng cao khả năng thực thi pháp luật chống bán phá giá là khắc phục những hạn chế nội tại của Pháp lệnh chống bán phá giá năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tác giả cho rằng việc nâng cấp lên thành đạo luật không quan trọng bằng việc phải đảm bảo cho văn bản pháp luật về chống bán phá giá có đủ những nội dung cơ bản về căn cứ và cách xác định việc hàng hoá nhập khẩu bán phá giá, xác định thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất và xây dựng quy trình điều tra cụ thể, minh bạch nhằm bảo đảm cho những quy định này được thực thi và áp dụng trong thực tế.
Vì vậy, để hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống bán phá giá và chống trợ cấp của Việt Nam cần thực hiện các công việc sau:
- Tiếp tục soạn thảo và thông qua các văn bản pháp lý để hướng dẫn chi tiết (cả về thủ tục và nội dung) việc thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ các vụ điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá hàng hoá nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Việc soạn thảo này cần đi theo hướng:
(i) Ghi nhận và nội luật hoá các quy định chi tiết có liên quan trong 02 Hiệp định liên quan của WTO;
(ii) Nghiên cứu các quy định pháp luật có liên quan của các thành viên WTO và chuyển hoá một cách hợp lý vào điều kiện Việt Nam;
(iii) Xây dựng các Bảng câu hỏi điều tra mẫu, các bản hướng dẫn về thủ tục hành chính cụ thể áp dụng cho cơ quan có thẩm quyền điều tra và các chủ thể liên quan. Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn này có thể được thực hiện trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh và thực tiễn phong phú về vấn đề này. Những vụ việc thực tế ở Việt Nam cũng sẽ là nguồn rất tốt để điều chỉnh các văn bản này.
3.2.2 Bài học kinh nghiệm đối với doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề phòng và chống bị kiện bán phá giá
Từ thực tế Việt Nam còn tồn tại nhiều khó khăn khi gặp các vụ kiện như đã nói ở trên và những đối sách rút ra từ thực tế đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của
Trung Quốc, chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm giải quyết tranh chấp bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể như sau:
(a) Tìm hiểu hệ thống pháp luật và quy định của nước nhập khẩu.
Mỗi quốc gia, mỗi thị trường đều có hệ thống luật pháp và những quy định riêng của mình từ đó tạo ra một hành lang pháp lí buộc các doanh nghiệp xuất khẩu khi muốn vào thị trường các quốc gia phải tuân thủ nghiêm ngặt. Do vậy vấn đề đầu tiên đặt ra khi doanh nghiệp muốn thành công trên thị trường nước nhập khẩu là phải tìm hiểu và nắm vững các hệ thống pháp luật và quy tắc của nước nhập khẩu.
Song đây cũng chính là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này một phần là do nguyên nhân khách quan một thời gian dài các doanh nghiệp hoạt động trong cơ chế kinh tế bao cấp, đến khi chuyển đổi cơ chế sang cơ chế thị trường thì các doanh nghiệp không nhận thức được sức mạnh của pháp luật. Khi bước ra thị trường thế giới, doanh nghiệp Việt Nam giữ nguyên nhận thức này, không tìm hiểu luật lệ và quy tắc của nước ngoài. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp luôn ở thế bị động và bị "dồn ép vào chân tường".
Chính vì vậy, vấn đề cần thiết với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là phải tìm hiểu hệ thống pháp luật và những quy định của nước mà mình thâm nhập. Điều này rất quan trọng khi chúng ta xuất khẩu vào những quốc gia, khu vực có hệ thống pháp luật rất phức tạp như Mỹ, EU, Trung Quốc. Ví dụ EU, đây là một khu vực thị trường gồm nhiều quốc gia hoạt động theo khuôn khổ pháp luật do Uỷ ban Châu Âu đề ra. Khi thâm nhập vào khu vực thị trường này các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải tuân thủ khuôn khổ pháp luật ấy đồng thời phải tuân theo luật pháp của mỗi quốc gia. Mà bản thân mỗi nước lại có hệ thống luật khác nhau, thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau, lấy ví dụ hệ thống luật của nước Anh là theo thông luật (Common Law) dựa trên hai bộ phận chính là luật tục và luật công bằng trong khi hệ thống luật của Pháp lại theo hệ thống Châu Âu lục địa, hay còn gọi là pháp luật dân sự (Civil Law). Nếu doanh nghiệp quen thuộc với hệ thống luật của Pháp cứ áp dụng cách hiểu của hệ thống luật Châu Âu lục địa này vào cách hiểu của thông luật khi kinh doanh trên nước Anh sẽ có thể dẫn đến việc vi phạm pháp luật và bị thiệt hại lớn. Hay như bản thân nước Mỹ, một nước bao gồm nhiều bang có tính độc lập tương đối cao thì ngoài Luật liên bang áp dụng trên toàn bộ nước Mỹ, mỗi bang đều có một cơ quan lập pháp riêng với hệ thống pháp luật và những quy tắc thủ tục riêng rất
phức tạp. Quy định của bang này có thể tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp nhưng quy định của bang khác lại hạn chế hoặc thậm chí ngăn cấm hoạt động của doanh nghiệp đó. Ngay trong trường hợp vụ tranh chấp bán phá giá cá tra và cá basa, trong khi một số bang miền Nam nước Mỹ có những chiến dịch tẩy chay cá Việt Nam thì một số bang khác lại bày tỏ sự đồng tình với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, không áp dụng những chính sách hạn chế việc nhập khẩu loại cá này như các bang miền Nam nói trên. Chính vì đặc điểm của luật pháp Hoa Kỳ như vậy mà khi kinh doanh trên đất Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần nghiên cứu luật toàn Liên Bang mà còn phải nghiên cứu luật của từng bang và hoạt động trên mỗi bang đều phải có một chiến lược kinh doanh riêng.
Đặc biệt là trong trường hợp các doanh nghiệp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá thì luật mà các doanh nghiệp cần tập trung tìm hiểu là luật chống bán phá giá của nước khởi kiện. Với sự hiểu biết về luật chống bán phá giá thì doanh nghiệp biết được những bước mình phải thực hiện và có thể chuẩn bị kĩ càng cho việc theo kiện. Đây là vấn đề mà đa số các doanh nghiệp Việt Nam còn rất bỡ ngỡ nhưng lại rất quen thuộc với doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí họ còn có thể lợi dụng các quy định, chính sách pháp luật của nước mình để phục vụ cho lợi ích của chính doanh nghiệp. Lấy ngay ví dụ về vụ tranh chấp cá basa, lợi dụng quy định của luật chống bán phá giá Mỹ là chỉ sau 20 ngày kể từ khi Uỷ ban Hiệp thương quốc tế Mỹ nhận đơn kiện bán phá giá, bên bị kiện sẽ phải điều trần trước Uỷ ban, CFA đã nộp đơn kiện vào đúng 4 giờ chiều ngày làm việc cuối cùng trong tuần (thứ sáu ngày 28/6) nên phía Việt Nam đã mất 3 ngày để chuẩn bị cho cuộc giải trình lần 1 này (thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật). Không chỉ có thế, CFA còn lợi