Nguyên nhân dẫn đến hạn chế

Một phần của tài liệu Thực trạng hoạt động bảo lãnh tại chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn kiếm (Trang 33 - 36)

Biểu đồ 2.1: Dư nợ bảo lãnh phân theo kỳ hạn

2.2.5.3.Nguyên nhân dẫn đến hạn chế

Nguyên nhân từ phía ngân hàng

Chi nhánh NHCT Hoàn Kiếm là một trong những chi nhánh lâu đời của Hệ thống NHCT Việt Nam, do vậy các mục tiêu của Chi nhánh NHCT Hoàn Kiếm đều phải dựa trên các mục tiêu chung của hội sở chính đưa xuống cho Chi nhánh. Thế nên, nhiều lúc gây ra tính cứng nhắc, không linh hoạt cũng như làm hạn chế tính chủ động và làm giảm tính kích thích hoạt động tại chi nhánh.

Hiện nay hoạt động bảo lãnh do cán bộ tín dụng đảm nhiệm, các cán bộ này được phân công quản lý một hoặc một số khách hàng và thực hiện tất cả các giao dịch liên quan đến tín dụng, bảo lãnh. Ưu điểm của sự phân công này là giúp đỡ cán bộ tín dụng tiến hành thống nhất, nhanh chóng do am hiểu khách hàng mà họ quản lý. Tuy nhiên, họ lại không được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ bảo lãnh, trình độ ngoại ngữ và vi tính còn ít. Do vậy, cán bộ tín dụng rất bị động và lúng túng khi có đề nghị bảo lãnh ở các lĩnh vực khác nhau cũng như các khi có các dự án phức tạp.

Như đã khẳng định, công tác thẩm định bảo lãnh là một khâu quan trọng, nhưng việc thẩm định thực tế lại được thực hiện chủ yếu dựa vào các thông tin mà khách hàng cung cấp, việc chủ động tìm kiếm thông tin khách hàng của cán bộ tín dụng không cao. Hoạt động bảo lãnh luôn ở tình trạng thiếu thông tin, việc mua thông tin, tổ chức theo dõi phân tích và dự báo theo mặt hàng, ngành hàng và lĩnh vực kinh tế hầu như chưa phát triển. Quá trình kiểm tra, giám sát sau khi cấp bảo lãnh vẫn gặp nhiều khó khăn, mặc dù đã có quy trình bảo lãnh, nhưng với những công trình dự án được thực hiện ở địa điểm rất xa khiến cho công tác định kỳ đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tính hiệu quả của dự án gặp nhiều trở ngại và khó thực hiện, chủ yếu vẫn phải dựa vào uy tín và mối quan hệ lâu năm đối với khách hàng.

Phí bảo lãnh cao cũng như chưa đưa ra mức phí thích hợp cho từng đối tượng khách hàng, do quá thận trọng trong việc lựa chọn khách hàng, mà ngân hàng ít

tìm kiếm và tiếp cận đối với khách hàng mới. Cũng như vậy, các cán bộ tín dụng được phân công quản lý những khách hàng của mình cũng chưa chủ động mở rộng đối tượng khách hàng khác.

Nguyên nhân từ phía khách hàng

 Do việc thẩm định hiện nay của các ngân hàng chủ yếu vẫn dựa vào nguồn thông tin mà khách hàng cung cấp, trong khi những thông tin tài chính, báo cáo tài chính đều do tự khách hàng lập. Nên năng lực, trình độ kế toán, kiểm toán và việc thuyết trình tình hình tài chính của doanh nghiệp cũng như các số liệu về dự án và các tiêu chuẩn khác thiếu chính xác, gây nhiều khó khăn cho các cán bộ tín dụng trong khi tính toán các chỉ tiêu thẩm định, và thu thập, phân tích thông tin.

 Mặt khác cũng chưa tính đến những rủi ro đạo đức từ trước khi quyết định bảo lãnh cũng như sau khi đã cam kết bảo lãnh cho khách hàng. Trước khi đề nghị bảo lãnh, các khách hàng nộp hồ sơ đề nghị bảo lãnh có hiện tượng tô hồng tình hình hoạt động tài chính của doanh nghiệp, đồng thời có những thủ thuật lập dự án, phương án đề nghị bảo lãnh không lành mạnh, thiếu tính trung thực như tạo ra lãi giả, mượn cơ sở sản xuất, nâng chi phí, dùng một tài sản đảm bảo để bảo đảm bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh ở nhiều nơi. Gây những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản trong nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng chưa được tháo gỡ. Bên cạnh đó, sau khi được bảo lãnh, các doanh nghiệp có thể sử dụng không hiệu quả hoặc không đúng mục đích cũng là một vấn đề nan giải và khó giải quyết.

 Đối tượng bảo lãnh chủ yếu của ngân hàng vẫn là các DNNN, do vậy hình thức bảo đảm chủ yếu là tín chấp, hoặc các tài sản đảm bảo thuộc sở hữu nhà nước, nên vấn đề giải toả bảo lãnh cũng như phát mại tài sản khi rủi ro cũng có nhiều khó khăn, và rất phức tạp.

Nguyên nhân từ môi trường vĩ mô

Môi trường kinh tế trong ba năm qua có nhiều biến động phức tạp không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế, Sự biến động của các đồng tiền

mạnh, tình hình trong nước cũng gặp nhiều khó khăn; nạn dịch cúm gia cầm, thiên tai lũ lụt; giá cả leo thang, đặc biệt là giá cả của các vật liệu kinh doanh như dược phẩm, dầu khí, thép, các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản…Bên cạnh đó là sự biến động về lãi suất, lạm phát và các chính sách về tỷ giá, tình hình cạnh tranh lãi suất nóng bỏng giữa các ngân hàng, đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các thành phần kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp ký hợp đồng bảo lãnh với ngân hàng mà đặc biệt là các doanh nghiệp xây dựng, giao thông với nhiều bê bối. Chính những lý do đó làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như hiệu quả của các dự án đầu tư bị giảm sút.

Bên cạnh đó, các quy hoạch và dự báo một số lĩnh vực lớn của nền kinh tế thiếu khoa học, phần lớn mang tính chủ quan; Trên cơ sở đó hình thành nên các dự án một cách ồ ạt được phê duyệt, triển khai, gây sức ép lên ngân hàng buộc phải bảo lãnh, hoặc thiếu hiệu quả, gây rủi ro cho bảo lãnh của ngân hàng. Nhất là trong lĩnh vực đường mía, xi măng …

Quản lý của nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, đặc biệt là tình trạng thành lập doanh nghiệp tràn lan, hoạt động trái pháp luật, tình trạng doanh nghiệp ma, doanh nghiệp bị mất tích mà nhà nước chưa nắm bắt và quản lý sát sao được đã gây ra nhiều rủi ro trong nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng.

Mặt khác môi trường pháp lý cũng có nhiều bất cập, không phù hợp và không theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của hoạt động dịch vụ bảo lãnh, các yêu cầu của hội nhập kinh tế, và sự xuất hiện của các hình thức bảo lãnh mới. Đặc biệt là môi trường pháp lý đảm bảo an toàn cho hoạt động của Ngân hàng còn thiếu, không ổn định và đồng bộ, chưa bảo vệ được quyền lợi chính đáng của ngân hàng bảo lãnh. Mặc dù NHNN và Chính phủ đã có nhiều sửa đổi bổ sung về đảm bảo tiền vay như nghị định 178/1999/NĐ-CP về bảo đảm tiền vay, nghị định 85/2002/ NĐ-CP về việc sửa đổi bổ sung nghị định trên, và thông tư số 07/2003/TT-NHNN theo hướng giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho

các tổ chức tín dụng. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà cửa được triển khai chậm, thủ tục công chứng không rõ ràng và thống nhất.

Các quy định giải toả bảo lãnh còn nhiều thủ tục rườm rà, qua nhiều công đoạn nên gây khó khăn không chỉ với các doanh nghiệp mà còn với cả ngân hàng. Hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định về việc giải toả bảo lãnh của ngân hàng, nên các ngân hàng phải tự đưa ra cho mình thủ tục giải tỏa bảo lãnh, thế nên các thủ tục đó sẽ rất khác nhau ở các ngân hàng khác nhau. Do đó cũng ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và khả năng thu hút khách hàng của các ngân hàng, đặc biệt là các Ngân hàng thương mại Quốc doanh.

Do còn nhiều tồn tại trên mà hoạt động bảo lãnh tại Chi nhánh NHCT Hoàn Kiếm còn có những hạn chế trên. Do vậy để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động bảo lãnh tại Chi nhánh để đáp ứng được các nhu cầu, đòi hỏi của nền kinh tế trong thời kỳ đổi mới cũng như trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay. Chi nhánh NHCT Hoàn Kiếm cần phải thực thi hàng loạt các giải pháp nhằm khắc phục các nguyên nhân trên.

Một phần của tài liệu Thực trạng hoạt động bảo lãnh tại chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn kiếm (Trang 33 - 36)