Ảnh hưởng của Phật giáo khu vực Đồng bằng Bắc Bộ đến tín

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa, tinh thần phụ nữ Việt Nam hiện nay” (khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Trang 75)

Niềm tin là định hướng giá trị được xác định vững chắc trong nhận thức và chi phối hành động của cá nhân. Niềm tin có vai trò hết sức quan trọng đối với con người. Nó không chỉ tác động đến trí tuệ mà còn tác động đến tình cảm. Niềm tin có thể làm thay đổi ý thức, động cơ và lối sống của cá nhân.

Đối với bất kỳ tôn giáo nào, niềm tin tôn giáo bao giờ cũng chiếm vị trí trung tâm. Niềm tin tôn giáo là một niềm tin đặc biệt. Nhà nghiên cứu người Nga P.A. Pavelkin có viết: “Tôn giáo là niềm tin vào các vị thần thánh và sự tôn thờ các thần thánh, các nghi lễ tôn giáo”[13; 56]. Có thể nói niềm tin tôn giáo là niềm tin hư ảo. Tính hư ảo này thể hiện ở chỗ những người theo tôn giáo hướng đến các lực lượng siêu nhiên, tìm kiếm sự che chở và giúp đỡ của các lực lượng này. Cùng với việc hướng đến lực lượng thần thánh, họ còn tin và hướng tới một cuộc sống ở thế giới khác.

Niềm tin của người phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ mang tính đa phức, họ tin vào tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ thần, thờ thành hoàng, thờ Mẫu,… trong đó niềm tin vào tổ tiên mang tính linh thiêng và chi phối đời sống hàng ngày của họ. Niềm tin trong thờ cúng tổ tiên của người phụ nữ Bắc Bộ phản ảnh ý thức về cộng đồng, về tổ tiên, về cội nguồn đoàn kết dân tộc. Không chỉ ở Bắc Bộ, thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng phổ biến ở nhiều dân tộc khác trong cả nước và trên thế giới. Là sự ý thức về thế giới bên kia, ý thức về tông tộc, về công ơn của những người có công sinh thành, nuôi dưỡng, xây dựng và bảo vệ cuộc sống, là sự “phản ánh hư ảo” quyền uy của người gia trưởng trong gia đình, dòng họ, làng xã và cả nước thông qua hệ thống nghi lễ thờ cúng.

Ngoài thờ cúng tổ tiên, niềm tin của người Việt ở Bắc Bộ còn tin và sùng bái, chinh phục thiên nhiên, cầu mùa, phồn thực, đề cao, ca ngợi những biểu tượng anh hùng văn hoá.

Trong niềm tin tôn giáo của người Việt, hình tượng, nguyên lý Mẹ được đề cao và nâng lên thành tín ngưỡng thờ Mẫu - tín ngưỡng chủ yếu trong các loại hình tín ngưỡng truyền thống Việt Nam. Về nguồn gốc và sự nghiệp của các nữ thần được trình bày có khác nhau nhưng nội dung đều ca ngợi người Mẹ khởi thuỷ, người mẹ dạy nghề… bởi các bà là anh hùng văn hoá, anh hùng đánh giặc, là mẹ của các anh hùng, là người hy sinh đầu tiên hoặc hy sinh lớn nhất cho cộng đồng… Mẫu Man Nương - người dạy dân trồng dâu, đứng đầu bộ tộc Dâu là một ví dụ điển hình.

Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, bên cạnh niềm tin hướng về thế giới siêu nhiên là các thần linh, các thánh, hướng về Mẫu, thờ cúng tổ tiên… thì người phụ nữ ở đồng bằng Bắc Bộ lại tiếp nhận một niềm tin tôn giáo mới. Đó là niềm tin vào đạo Phật. Niềm tin vào đạo Phật đã nhanh chóng hoà hợp với niềm tin tín ngưỡng dân gian của người Việt, để hình thành nên hệ tư tưởng với niềm tin đặc biệt là Tam giáo (Nho - Phật - Đạo).

Trong niềm tin của người phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ, Phật giáo cùng với tín ngưỡng thờ Mẹ, thờ Mẫu đã có sự hội nhập và hoà quyện vào nhau. Mẹ Dâu trở thành thuỷ tổ của hệ thống Phật giáo dân gian Tứ Pháp (Bà Dâu - Pháp Vân, Bà Đậu - Pháp Vũ, Bà Tướng - Pháp Lôi, Bà Dàn - Pháp Điện) ở vùng Thuận Thành - Bắc Ninh ngày nay.

Dưới ảnh hưởng của niềm tin, tín ngưỡng Phật giáo, trong niềm tin của người phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ, Đức Phật có vai trò đặc biệt quan trọng bên cạnh các vị thần, thánh, tiên khác. Họ kể lại cho con cháu của mình nghe nhiều câu chuyện về những câu chuyện thần thoại mang màu

Tiên - Phật, ví như chuyện Bà Cô Tổ, Bà Mẹ văn hoá đã sáng tạo ra vùng đất Kinh Bắc.

Niềm tin Phật giáo tồn tại trong tâm thức người phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ từ hàng nghìn năm nay. Đó là niềm tin sâu rễ bền chắc, niềm tin được hình thành một cách tự nhiên như một tất yếu của cuộc sống. Bởi, Phật giáo được truyền vào đồng bằng Bắc Bộ trong bối cảnh xã hội đặc biệt. Người Việt cổ đang sống trong cảnh nước mất nhà tan, kẻ thù đang quyết tâm bằng mọi biện pháp, văn hoá, quân sự, thuyết phục, cưỡng bức, nhằm đồng hoá và tiêu diệt nền văn hoá Việt cổ ở đồng bằng Bắc Bộ. Khác với Nho giáo, Phật giáo vào nước ta bằng con đường hoà bình, theo chân các thương nhân, tăng sĩ, những tư tưởng từ bi, hỷ, xả trong giáo lý nhà Phật khá gần gũi với tinh thần vị tha, bao dung, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau… trong đạo lý truyền thống người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Với tinh thần “tuỳ thời tuỳ quốc độ” (tuỳ thời đại, tuỳ phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo của mỗi quốc gia mà còn cách xiển dương Phật Pháp, cứu độ chúng sinh khác nhau), niềm tin tín ngưỡng Phật giáo đã nhanh chóng hoà nhập cùng với các tín ngưỡng bản địa trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ.

Trong các dạng sinh hoạt văn hoá tinh thần của người phụ nữ ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay thì sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, văn hoá tâm linh ngày càng được quan tâm. Điều này, thể hiện qua mục đích đi lễ chùa của người dân (Xem bảng 2.3)

Bảng 2.3 Ảnh hưởng của Phật giáo đối với tín ngưỡng, tâm lý của phụ nữ qua điều tra xã hội học người đi lễ ở các chùa Quán Sứ, Phúc Khánh và Chùa Hà ở Hà Nội. Mục đích tham dự các khóa lễ Khóa lễ Mục đích Cầu an (%) Cúng sao giải hạn (%) Cầu siêu (%) Cắt tiền duyên (%) Cầu duyên (%) Bán khoán (%) Chạy đàn (%) Khác (%) Cho bản thân 8,6 25,4 10,0 73,5 75,0 16,0 28,6 44,4 Cho gia đình 80,2 63,6 32,5 14,7 14,2 62,0 57,1 44,4 Cho người khác 1,5 2,3 20,0 2,9 5,3 20,0 14,3 5,6

Cho bản thân, gia đình, người khác

9,3 8,1 10,0 2,9 3,5 2,0 5,6

Nguồn: Lê Minh Thiện (2011), Mong muốn của người đi lễ chùa qua nghiên cứu thực tiễn, Tạp chí Công tác tôn giáo, số 4, tr 14)

Trước khi Phật giáo du nhập vào, từ xa xưa, người phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ đã coi trọng việc thờ cúng thần thánh, tổ tiên. Khi Phật giáo du nhập vào, người phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ nhanh chóng tiếp thu tín ngưỡng Phật giáo, và hình thành nên niềm tin vào đạo Phật. Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin và tín ngưỡng và thực hành nghi lễ của người phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ.

Trong việc thực hành nghi lễ tại gia đình người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ thường thì các vai chủ lễ là đàn ông, song sự sắp đặt đơm mâm, xếp bát lại là phụ nữ. Mua đồ cúng lễ gì, nấu gì, trình bày như thế nào, không thể không có bàn tay của người phụ nữ, dù ít, dù nhiều. Hầu hết các gia đình người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ đều lập bàn thờ trong nhà, bên cạnh bàn thờ tổ tiên, nhiều gia đình còn có bàn thờ Phật. Mâm lễ cúng, ông bà gia tiên, bên cạnh những món mặn truyền thống như xôi gà,… người phụ nữ cũng không quên bày thêm một số món chay. Còn bên bàn thờ cúng Phật trong gia đình là hoa thơm, quả đẹp và cỗ thuần chay. Người phụ nữ thường xuyên thắp hương vào các ngày rằm, mồng một.

Trong giáo lý “Tứ Ân” cũng nhắc nhở con người phải nhớ ơn tổ tiên, nhớ ơn cha mẹ, những người đã sinh ra, nuôi dưỡng và giúp cho chúng ta trưởng thành. Điều này phù hợp với tâm lý truyền thống của người phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ, phù hợp với phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Đối với người phụ nữ việc thờ cúng tổ tiên là môt ứng xử có văn hoá rất thiêng liêng của người Việt Nam. Đây là một việc làm có ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở mọi người tưởng nhớ đến công đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Hơn nữa còn nhằm giáo dục đạo đức, nhân cách, niềm tự hào về truyền thống của gia đình cho các thế hệ con cháu. Trong những ngày giỗ chạp, ngày đầu năm mới các gia đình họp mặt để tưởng nhớ tổ tiên, cùng nhau lên chùa lễ Phật, đồng thời còn thoả mãn nhu cầu cộng cảm, gắn kết cộng đồng, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Vai trò tổ chức, chỉ đạo của người phụ nữ ngày càng được phát huy hơn. Ngày nay, ở đồng bằng Bắc Bộ, phần lớn trong các gia đình người phụ nữ thường thực hiện các nghi lễ thờ cúng thường ngày trong gia đình và các dịp rằm, mồng một, các ngày lễ ở chùa.

Mặt khác, người phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ thường dạy bảo, hướng dẫn con cái về cách thức thực hành trong các ngày tết, tiết, giỗ, kỵ trong gia đình và nơi chùa chiền. Họ cũng là người trực tiếp truyền đạt những giáo lý cơ bản, các giới luật Phật giáo mà họ biết nhằm hướng các thành viên trong gia đình sống theo đúng lời Phật dạy, khuyến thiện, tránh ác, phát tâm Bồ Đề cứu độ chúng sinh. Đây chính là sự trao truyền văn hoá, tín ngưỡng cho thế hệ sau một cách tỉ mỉ, chu đáo, với một tâm thế đặc biệt, trong một không gian thiêng liêng, một thời gian thiêng liêng nên có tác dụng và ý nghĩa rất sâu sắc.

Những năm gần đây, số phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ đi lễ ở đình, chùa, miếu… dường như ngày một đông hơn. Thường thì người phụ nữ luôn chăm sóc việc lễ bái, song cũng không ít gia đình cả nhà cùng đi, trong đó,

người phụ nữ thường là người sắp xếp, tổ chức thời gian, đồ lễ chính là vận động các thành viên trong gia đình đi cùng. Mọi người tìm đến cửa Phật là nơi tôn nghiêm linh thiêng, đều mong ước tìm được sự thanh thản, tĩnh tâm cho mình, sự yên bình khoẻ mạnh cho gia đình, cầu Phật gia hộ cho quốc thái dân an, phú cường vật thịnh. Có lẽ không phải chỉ đơn thuần vì điều kiện kinh tế khá giả hơn, nhận thức xã hội cũng đã có nhiều thay đổi so với trước, các dịch vụ cũng thuận lợi hơn, mà còn vì một tâm lý chung hiện nay là mong muốn sự an sinh trong cuộc sống vốn nhiều phức tạp và may rủi trong kinh tế thị trường.

Bản chất của người phụ nữ là luôn hết lòng vì gia đình, hằng mong mỏi có một cuộc sống hạnh phúc, an lành cho gia đình, nên dường như họ thường là người chủ động tích cực trong việc lễ bái, thờ cúng trong gia đình cũng như ở chùa chiền, các nơi thờ tự khác.

Phật giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin, tâm lý của nhiều người phụ nữ Việt Nam. Họ tin vào Phật, tin vào sự mầu nhiệm của lẽ nhân quả trong giáo lý nhà Phật, sự mầu nhiệm hành thiện với tâm từ bi, hỷ xả, để đạt được phúc đức lưu truyền. Chính niềm tin ấy đã đem đến cho phụ nữ tâm lý bình an, nhờ vậy họ như có thêm sức mạnh trong cuộc sống.

Từ niềm tin của người phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ như vậy, họ đã truyền sang cho chồng con, khuyến khích và hướng chồng con cùng hoà vào niềm tin ấy. Niềm tin của người phụ nữ cũng phù hợp suy nghĩ của mọi thành viên trong gia đình nên thường nhận được sự ủng hộ của họ.

Ngoài việc thờ cúng trong nhà, trong thực hành nghi lễ, người phụ nữ thường quan tâm đến việc hiếu hỷ, tang ma, mồ mả dòng họ tổ tiên, chăm sóc phần mộ của những người đã khuất. Sau chiến tranh, nhất là hiện nay, ở đồng bằng Bắc Bộ cũng như nhiều nơi trên cả nước gần như có một phong trào rộng khắp của nhiều gia đình đi tìm mộ liệt sỹ, đồng thời người ta còn chú ý đến việc tu sửa, xây đắp, tôn tạo lại mồ mả, tổ tiên, và phụ nữ là

những người ủng hộ, tham gia nhiệt tình. Bởi họ tin vào luân hồi, nghiệp báo của nhà Phật. Họ mong muốn người mất được Phật độ, siêu thoát nơi chín suối. Chính vì vậy, nhiều người phụ nữ mời các nhà sư đến gia đình hay tổ chức Đại lễ cầu siêu cho tổ tiên, cha mẹ, ông bà, những người đã khuất, và những người đã hy sinh thân mình cho tổ quốc… Công việc này, bên cạnh ý muốn được cùng chồng con báo hiếu, giữ gìn đạo tổ tiên, cầu mong Phật độ cho gia tiên, cho người đã khuất được siêu thoát, còn có ý nghĩa tin tưởng rằng tổ tiên sẽ phù hộ cho con cháu, mang lại sự thuận hoà, thình vượng cho gia đình.

2.2.2 Ảnh hưởng của Phật giáo khu vực Đồng bằng Bắc Bộ đối với tâm lý và phong tục tập quán phụ nữ Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa, tinh thần phụ nữ Việt Nam hiện nay” (khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Trang 75)