Phần nội bảng.

Một phần của tài liệu PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI (Trang 29 - 34)

III. PHÂN TÍCH HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI QUA CÁC BÁO CÁO TÀI CHÍNH

a. Phần nội bảng.

a.1. Tài sản nợ.

Tài sản nợ hoặc nguồn vốn của Ngân hàng thương mại là những giá trị tiền tệ do Ngân hàng huy động, vay và tạo lập được, dùng để cho vay, đầu tư và thực hiện các nghiệp vụ khác trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Tài sản nợ bao gồm các thành phần sau:

+ Vốn huy động.

Vốn huy động là những phương tiện tiền tệ do Ngân hàng thu nhận được từ nền kinh tế thông qua các nghiệp vụ ký thác và các nghiệp vụ khác để làm vốn kinh doanh. Đặc điểm cơ bản của nguồn vốn này là Ngân hàng chỉ được quyền sử dụng nó, quyền sở hữu tài sản này thuộc về những người ký thác. Mặt khác, vì đây là nguồn vốn chủ yếu của ngân hàng nên nó chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn và luôn biến động. Vì vậy, khi sử dụng nguồn này các ngân hàng phải luôn dự trữ một tỷ lệ an toàn nhằm đảm bảo khả năng chi trả cho các nhu cầu của khách hàng.

Dựa vào tính khả dụng của vốn huy động người ta phân nó thành các loại sau:

- Tiền gửi có kỳ hạn. - Tiền gửi tiết kiệm.

- Nguồn vốn huy động khác.

Tiền gửi không kỳ hạn: Đây là loại tiền gửi hoàn toàn theo nguyên tắc khả dụng. Người gửi có thể rút tiền bất cứ khi nào họ muốn và Ngân hàng phải đảm bảo cho các khoản rút của khách hàng.

Tiền gửi có kỳ hạn: Đây là loại tiền gửi có sự thoả thuận về thời gian rút tiền giữa khách hàng và Ngân hàng.

Tiền gửi tiết kiệm: là một bộ phận thu nhập bằng tiền của cá nhân tạm thời nhàn rỗi, được gửi vào Ngân hàng nhằm mục đích kinh doanh.

Nguồn vốn huy động khác: Ngoài việc huy động dưới dạng tiền gửi. Ngân hàng còn thu hút tiền gửi từ nền kinh tế bằng các hình thức phát hành các chứng chỉ tiền gửi (CDs: Certificates of Deposits), trái phiếu, kỳ phiếu....

+ Vốn vay.

Trong thị trường liên Ngân hàng, các Ngân hàng thương mại có thể vay mượn lẫn nhau nhằm giải quyết khó khăn về tài chính. Nếu thị trường liên Ngân hàng không cung cấp đủ vốn, Ngân hàng thương mại có thể xin vay ở Ngân Hàng Nhà Nước - Ngân hàng của các Ngân hàng thương mại.

+ Vốn tự có.

Vốn tự có của các Ngân hàng thương mại bao gồm hai phần chính: Vốn điều lệ và các quỹ.

Vốn điều lệ của các Ngân hàng thương mại là vốn mà khi Ngân hàng được thành lập và được ghi vào điều lệ. Pháp lệnh: “ Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính” buộc các Ngân hàng thương mại phải có đủ vốn điều lệ để tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh và về các nghiệp vụ cung cấp cho khách hàng và về khả năng tài chính của mình.

Các quỹ của Ngân hàng thương mại : Ngân hàng thương mại có hai loại quỹ dự trữ:

- Quỹ dự trữ đặc biệt: đây là quỹ dự phòng nhằm bù đắp rủi ro trong kinh doanh. Quỹ này được trích từ lợi nhuận.

Ngoài ra, Ngân hàng thương mại còn có các loại vốn sau: Lợi nhuận chưa chia, quỹ phát triển kỹ thuật Ngân hàng, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ khấu hao tài sản cố định và các quỹ khác.

a.2. Tài sản có - Tích sản ( ASSET).

Tài sản có là kết quả sử dụng vốn của Ngân hàng. Các tài sản có sinh lợi là phần tạo ra lợi nhuận cho Ngân hàng. Các thành phần của tài sản có bao gồm.

- Tiền dự trữ

Tiền dự trữ bao gồm: dự trữ bắt buộc và dự trữ dư thừa. Tiền dự trữ là phần tiền Ngân hàng thương mại gửi ở Ngân Hàng Nhà Nước, các tổ chức tín dụng, các khoản tiền mặt tồn quỹ ngân hàng, các khoản ngân phiếu thanh toán chưa đến hạn và các khoản khác. Tiền dự trữ là tài sản có không sinh lợi nhưng Ngân hàng thương mại buộc phải giữ lại vì hai lý do: Trước hết vì đó là khoản dự trữ bắt buộc theo luật định, sau nữa đây là các tài sản lưu hoạt nhất có thể đáp ứng tức khắc các nhu cầu rút tiền của người ký thác.

- Các khoản đầu tư chứng khoán.

Chứng khoán là những chứng từ có giá xác nhận một quyền về tài sản của người sở hữu chứng khoán. Có hai loại chứng khoán.

+ Chứng khoán nợ gọi chung là trái phiếu. + Chứng khoán vốn gọi chung là cổ phiếu.

Hoạt động kinh doanh chứng khoán mang lại cho Ngân hàng thương mại một khoản lợi nhuận tương đối lớn. Trong trường hợp chưa tìm ra khách hàng đáng tin cậy để cho vay thì đầu tư chứng khoán là nơi giải quyết nguồn vốn hữu hiệu cho Ngân hàng. Song, đầu tư chứng khoán là nghiệp vụ mang nhiều rủi ro. Do đó, Ngân hàng cần phải phân tích kỹ trước khi lựa chọn một loại chứng khoán để đầu tư.

Tín dụng là hoạt động chủ yếu của Ngân hàng thương mại. Nguồn thu từ hoạt động tín dụng luôn chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng thu nghiệp vụ Ngân hàng. Tuy nhiên, tín dụng là lĩnh vực có nhiều rủi ro và phức tạp nhất. Rủi ro tín dụng rất đa dạng có thể do thiên nhiên gây ra như: Hoả hoạn, lụt lội, động đất...Cũng có thể do Ngân hàng thiếu cân nhắc khi cho vay, cho vay sai nguyên tắc...Tín dụng liên quan chặt chẽ với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế từ tiêu dùng đến sản xuất kinh doanh. Do vậy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các hình thức tín dụng ngày càng đa dạng nhằm thoả mãn nhu cầu về vốn cho nền kinh tế, thu hút nhiều khách hàng và tạo điều kiện tăng lợi nhuận cho Ngân hàng thương mại. Hiện nay, Ngân hàng thương mại có các hình thức tín dụng sau:

+ Nghiệp vụ chiết khấu: là nghiệp vụ tín dụng ngắn hạn, trong đó khách hàng chuyển nhượng quyền sở hữu thương phiếu chưa đến hạn thanh toán cho ngân hàng để nhận một khoản tiền bằng mệnh giá của thương phiếu sau khi trừ đi lãi chiết khấu và hoa hồng phí.

+ Tín dụng chấp nhận: Liên quan đến thương phiếu nhưng nó khác với nghiệp vụ chiết khấu ở chỗ Ngân hàng chính là người chi trả thương phiếu. Trong loại tín dụng này, Ngân hàng chấp nhận thương phiếu do khách hàng lập cho mình, với điều kiện khách hàng phải hoàn trả tiền vay khi thương phiếu đến hạn chi trả. Người phát hành thương phiếu sau khi được Ngân hàng chấp nhận có thể sử dụng thương phiếu đó để thanh toán tiền hàng hoá hoặc chiết khấu ở Ngân hàng khác, Ngân hàng có thể thực hiện hai nghiệp vụ nối tiếp nhau là chấp nhận và chiết khấu thương phiếu.

+ Tín dụng ngân quỹ: Đây là loại tín dụng mà ngân hàng cho doanh nghiệp vay nhằm cân đối ngân quỹ ngân hàng. Tín dụng ngân quỹ được thực hiện dưới hai dạng chủ yếu:

+1. Tín dụng ứng trước trên tài khoản: là nghiệp vụ tín dụng thực hiên trên cơ sở hợp đồng tín dụng, trong đó khách hàng được sử dụng một mức cho vay trong một thời gian nhất định. Tín dụng ứng trước có hai loại:

+1.1. Tín dụng ứng trước có bảo đảm: là loại tín dụng được cấp phát trên cơ sở tài sản thế chấp, cầm cố....

+1.2. Tín dụng ứng trước không có bảo đảm : là việc cấp tín dụng dựa trên cơ sở uy tín của khách hàng, được ngân hàng đánh giá qua hàng loại chỉ tiêu như mức vốn lợi nhuận hàng năm, uy tín của sản phẩm trên thị trường, khả năng tiêu thụ, năng lực và phẩm chất của guồng máy quản lý...

+2. Tín dụng thấu chi ( Over Draft): Là loại tín dụng cho phép khách hàng có số dư trên tài khoản vãng lai ở một hạn mức thấu chi nhất định.

+ Tín dụng bằng chữ ký(dấu) bảo lãnh của Ngân hàng

Tín dụng bằng chữ ký hay tín dụng cam kết bảo lãnh khác với các loại tín dụng khác ở chỗ: khi cấp tín dụng, Ngân hàng không phải xuất quỹ cho khách hàng mà Ngân hàng chỉ đưa ra một cam kết thanh toán có điều kiện, tức là cam kết bảo lãnh cho con nợ. Chỉ khi nào con nợ không trả được nợ thì người bảo lãnh mới phải thanh toán hộ.

Ngân hàng cung cấp cho khách hàng các loại bảo lãnh sau: +1. Bảo lãnh cho một khoản tín dụng Ngân hàng.

+2. Bảo lãnh cho một khoản tín dụng thương mại. +3. Bảo lãnh cho việc nộp tiền cọc....

+ Tín dụng tiêu dùng: Đây là loại tín dụng cung cấp cho các cá nhân, hộ gia đình để phục vụ cho các nhu cầu tiêu dùng của họ.

+ Tín dụng uỷ nhiệm thu - Bao thanh toán ( Factoring).

Cho vay uỷ nhiệm thu được xem như việc thực hiện hợp đồng mà doanh nghiệp ( được gọi là Factor) mua đứt toàn bộ trái quyền ( các phiếu nợ, hoá đơn chưa thu tiền...) người cung cấp đang nắm giữ. Đây là trường hợp Ngân hàng mua chứng từ để đi đòi nợ. Factor chịu trách nhiệm về việc thu tiền và đảm bảo thực hiện tốt việc này ngay trong trường hợp con nợ mất khả năng thanh toán toàn bộ hoặc một phần trái quyền.

+ Tín dụng thuê mua ( Leasing).

Tín dụng thuê mua là nghiệp vụ tài trợ, trong đó người chủ tài sản (Người cho thuê) cho phép người cần tài sản giữ và sử dụng tài sản đó cho những mục đích nhất định trong một khoảng thời gian dài. Người đi thuê có

quyền sử dụng tài sản và phải có trách nhiệm thanh toán tiền thuê theo định kỳ. Có các loại thuê mua sau:

+1. Thuê mua thuần ( Net Finance Lease) +2. Thuê mua hợp tác ( Leveraged Lease). +3. Thuê lại sau khi bán.

+4. Thuê mua giáp lưng ( Under Lease)...

Ngoài các nghiệp vụ trên, Ngân hàng thương mại còn cung cấp cho khách hàng các nghiệp vụ khác như: Tín dụng chứng từ, tài trợ ngoại thương...

- Tài sản có khác.

+ Tài sản cố định và trang thiết bị.

Tài sản cố định và trang thiết bị là những tư liệu lao động có giá trị lớn, thời gia sử dụng dài và thoả mãn các quy định về chế độ quản lý tài sản cố định của nhà nước.

+ Các khoản phải thu tài sản thiếu hụt mất mát...

So với bảng tổng kết tài sản của các doanh nghiệp phi tài chính, bảng tổng kết tài sản của Ngân hàng thương mại có cơ cấu khác biệt. Sự khác biệt về thành phần tích sản giữa Ngân hàng thương mại với các loại doanh nghiệp khác xuất phát từ sự khác biệt về bản chất tiêu sản và đặc điểm hoạt động sinh lợi mà các đơn vị thực hiện. Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh phần lớn lợi nhuận tạo ra từ hoạt động sản xuất, buôn bán, do đó họ cần nhiều máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, hàng hoá tồn kho...Ngược lại, lợi tức của Ngân hàng thương mại có được từ việc cho vay và đầu tư. Cho nên Ngân hàng thương mại nắm giữ nhiều trái phiếu và các công cụ tài chính làm cơ sở cho các khoản tiền sẽ được thanh toán trong tương lai.

Một phần của tài liệu PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(39 trang)
w