4.1.1. Tuổi
Ung thư vòm mũi họng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên độ tuổi thường gặp nhất là 40-60 tuổi. Điều này đã được xác nhận qua y văn, qua nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước. Theo Lê Chính Đại (2006) khi nghiên cứu trên 250 bệnh nhân ung thư vòm hầu điều trị tai bệnh viện K – Hà Nội thì nhóm tuổi hay gặp nhất là 40-60 chiếm 62.8% [7]. Nghiên cứu của Nguyễn Đình Giang (2003) trên 164 bệnh nhân tại Khoa Ung bướu bệnh viện Việt Tiệp – Hải Phòng thì nhóm tuổi 40 – 59 chiếm 54.87% [11]. Tác giả Trần Bảo Ngọc (2009) nghiên cứu trên 32 bệnh nhân ung thư vòm ở bệnh viên đa khoa Thái Nguyên thì nhóm tuổi 40-60 chiếm 56.5% [19].
Độ tuổi từ 40-60 cũng là độ tuổi mắc bệnh thường gặp nhất trong nhiều nghiên cứu khác. Tỷ lệ này trong nghiên cứu của Cheng và cs.(2001) trên 149 bệnh nhân là 49.6% [35]. Nghiên cứu của Prasad và cs.(2002) trên 91 bệnh nhân tỷ lệ này là 55% [50] và trong nghiên cứu của Jian và cs.(2002) là 47.9%[41]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, độ tuổi mắc bệnh thường gặp nhất là 41-60, chiếm tỷ lệ 56.5%, độ tuổi trung bình là 51.3 (từ 21 đến 84 tuổi). Nói chung độ tuổi trung bình không khác nhau nhiều qua các nghiên cứu, biến thiên trong khoảng 40-60 tuổi. Thật không may khi đây là nhóm tuổi lao động chính trong xã hội, nên đem lại nhiều bất hạnh cho gia đình và xã hội.
4.1.2. Giới
Về giới tính, tỷ lệ nam nữ gần bằng 2/1. Theo nghiên cứu của Nguyễn Trọng Minh và cs.(2011) trên 500 trường hợp ung thư vòm tại phòng khám
44
Bệnh viện Chợ Rẫy thì nam chiếm 64%, nữ chiếm 36%, tỷ lệ nam nữ là 1.8/1[17]. Theo tác giả Đặng Thanh (2006) trên 50 bệnh nhân ung thư vòm họng tại bệnh viện Trung ương Huế thì nam chiếm tỷ lệ 66% cao hơn nữ là 34%, tỷ lệ nam/nữ 1.94/1 [24].Theo Zhong và cs.(2013) nghiên cứu trên 46 bệnh nhân ung thư vòm thì nam chiếm 60.9%, nữ chiếm 39.1%, tỷ lệ nam nữ là 1.56/1 [53]. Nghiên cứu của Palazzi và cs.(2004) trên 171 bệnh nhân ung thư vòm thì nam chiếm 74%, nữ chiếm 26%, tỷ lệ nam nữ là 2.8/1 [46]. Trong nghiên cứu của chúng tôi kết quả bệnh nhân nam chiếm 62.2%, nữ chiếm 37.8%, tỷ lệ này là 1.7/1. Giống các nghiên cứu khác trong và ngoài nước bệnh nhân nam gặp nhiều hơn nữ. Nguyên nhân trong ung thư vùng đầu mặt cổ nói chung nam gặp nhiều hơn nữ. Mặt khác do nam giới tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố như uống rượu, hút thuốc... nên tỷ lệ ung thư vòm có lẽ cao hơn.
4.1.3. Nghề nghiệp
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy phần lớn bệnh nhân là lao động chân tay trong đó nghề nông chiếm tỷ lệ cao 59.4%, còn lao động trí óc, viên chức chiếm tỷ lệ thấp 5.4%. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của Đặng Thanh (2006) chiếm tỷ lệ cao nhất là nông dân 44% và lao động thủ công 34%, lao động trí óc, viên chức chiếm khoảng 10% [24]. Có thể do lao động nông nghiệp nguy cơ tiếp xúc với các yếu tố sinh ung cao hơn nên tỷ lệ mắc UTVMH cao hơn.
4.2. Một số đặc điểm lâm sàng 4.2.1. Lý do vào viện 4.2.1. Lý do vào viện
Nổi hạch cổ là nguyên nhân thường gặp nhất đưa bệnh nhân vào viện. Nghiên cứu của Lê Chính Đại (2007) cho thấy 56.2% trong tổng số 250 bệnh nhân vào viện vì xuất hiện hạch cổ [8]. Theo tác giả Ngô Thanh Tùng (2000), đa số bệnh nhân vào viện vì xuất hiện hạch cổ chiếm 47.7%. Các triệu chứng
45
đau đầu, ù tai chiếm 24.3%, các triệu chứng khác chiếm tỷ lệ thấp [28]. Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thanh Ái và cs.(2006) cho thấy hạch cổ là triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất, chiếm 85.9% [1]. Các nghiên cứu ở ngoài nước cũng cho thấy triệu chứng lâm sàng đầu tiên thường gặp nhất là nổi hạch cổ 1 hoặc 2 bên chiếm tỷ lệ 50-70% [44]. Theo Suzina và cs.(2003) thì triệu chứng hạch cổ chiếm tỷ lệ cao nhất 50%, nhức đầu 14.3%, chảy máu mũi 12.5%, nghẹt mũi 7% [51]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thì triệu chứng chủ yếu đưa bệnh nhân nhập viện là hạch cổ với tỷ lệ 62.1%, tiếp theo là nhức đầu, ù tai chiếm 13.5%. Ngoài ra còn có các triệu chứng như chảy máu mũi, nghẹt mũi. Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp các nghiên cứu khác, tỷ lệ hạch cổ chiếm tỷ lệ cao nhất.
4.2.2. Các triệu chứng lâm sàng
Thường bệnh nhân ung thư vòm vào viện vì các triệu chứng mượn của các cơ quan khác nên các triệu chứng thường không đặc hiệu. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thanh Ái và cs.(2006) hồi cứu trên 298 bệnh nhân ung thư vòm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế thì triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là hạch cổ chiếm 85.9%, nhức đầu chiếm 52.01%, các triệu chứng về tai chiếm 49.66%, các triệu chứng mũi họng chiếm 40.94%, ít gặp các triệu chứng thần kinh 20.13% [1]. Kết quả của tác giả Đặng Thanh (2006) nghiên cứu trên 50 bệnh nhân ung thư vòm mũi họng tại bệnh viện Trung ương Huế thì nổi hạch cổ chiếm tỷ lệ 80%, nhức đầu chiếm 76%, ù tai chiếm 72%, chảy máu mũi chiếm 54%, nghẹt mũi và tổn thương dây thần kinh sọ chiếm tỷ lệ thấp hơn nhiều 28% và 26% [24]. Theo tác giả Suzina và cs.(2003) thì triệu chứng hạch cổ chiếm tỷ lệ cao nhất 57.2%, nhức đầu 41.1%, chảy máu mũi 44.6%, ù tai chiếm 23.2%, nghẹt mũi 20.4% [51]. Trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các triệu chứng cơ năng chính như nhức đầu chiếm 45.9%, ù tai chiếm 48.6%, nghẹt mũi chiếm 37.8%. Các triệu chứng thực thể chủ yếu
46
là hạch cổ chiếm tỷ lệ 91.9%. So với các nghiên cứu trên thì nghiên cứu của chúng tôi không thấy khác biệt, các triệu chứng thường gặp của UTVMH là hạch cổ, nhức đầu, ù tai, chảy máu mũi, nghẹt mũi. Như vậy hạch cổ chiếm tỷ lệ cao, điều này góp phần giải thích tỷ lệ cao của giai đoạn muộn.
4.2.3. Nhóm hạch và tính chất hạch
Theo nghiên cứu của chúng tôi, cũng như các nghiên cứu khác thì nhóm hạch chiếm tỷ lệ cao nhất là hạch nhóm II chiếm 89.2%, tiếp đó hạch nhóm III, dù hạch nhóm V thường gặp trong ung thư vòm hầu nhưng ở nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ này chiếm không cao (21.6%), hạch nhóm I tỷ lệ 5.4%. Cũng như y văn thì nghiên cứu của chúng tôi không gặp trường nào hạch nhóm VI. Hạch thường xuất hiện nhiều trên lâm sàng chiếm tỷ lệ 70.3%, số lượng 1 hay 2 hạch chiếm tỷ lệ thấp, phần lớn trong nghiên cứu của chúng tôi, độ chắc của hạch chiếm tỷ lệ cao 88.2%, và hầu như kém di động 55.9%. Các hạch mềm và không di động chiếm tỷ lệ thấp lần lượt là 2.9% và 20.6%. Kích thước hạch chiếm tỷ lệ cao nhất là nhóm hạch có kích thước 4-6 cm chiếm 45.9%, tiếp đến là nhóm hạch < 4 cm chiếm 37.8%, hạch > 6 cm chỉ chiếm 8,1%.
Kết quả của chúng tôi tương tự như của Đặng Thanh (2006), nhóm hạch chiếm tỷ lệ cao nhất là nhóm II (76%), kế đến là nhóm V (30%), các vị trí khác là 18%. Kích thước hạch đa số là 4-6 cm chiếm 44%, nhóm hạch < 4 cm chiếm 18%, nhóm > 6 cm chiếm 18% [24]. Tuy nhiên theo tác giả Nguyễn Lan Hương (2012),có 20.5% bệnh nhân có kích thước hạch ≥ 6 cm [14]. Có thể do bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn.
4.2.4. Các yếu tố nguy cơ
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi, phần lớn bệnh nhân có các thói quen hút thuốc và uống rượu, chiếm 54.1%. Theo nghiên cứu của Đặng Thanh (2006) trên 50 bệnh nhân ung thư vòm tại bệnh viện trung ương Huế có
47
khoảng 66% bệnh nhân hút thuốc [24]. Theo Đặng Huy Quốc Thịnh (2013), tỷ lệ bệnh nhân có hút thuốc hoặc uống rượu bia là 81% [27]. Kết quả của chúng tôi phù hợp với các tác giả trên cũng như tác giả nước ngoài. Tác giả Wan-Lun Hsu và cs.(2009) thì tỷ lệ bệnh nhân UTVMH có hút thuốc lá là 65.4% [39]. Theo Polesel và cs.(2011), tỷ lệ bệnh nhân UTVMH có hút thuốc lá là 74%, có uống rượu bia là 89.3% [48]. Nghiên cứu của Xuemei Ji và cs.(2011) tỷ lệ hút thuốc lá 49.43%, uống rượu bia 23.28% [40]. Theo y văn, nghiện thuốc lá, nghiện rượu, làm việc trong môi trường độc hại, ăn nhiều thức ăn làm dưa làm mắm là những yếu tố nguy cơ của UTVMH.
4.2.5 Giai đoạn bệnh ung thư vòm mũi họng
Đa số bệnh nhân ung thư vòm đến bệnh viện ở giai đoạn muộn vào thời điểm chẩn đoán và đó là nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả không khả quan trong điều trị.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy bướu T1 và T2 chiếm tỷ lệ 54%, T3 và T4 chiếm 46%. Theo Leung và cs.(2013) nghiên cứu trên 72 bệnh nhân ung thư vòm thì T1 và T2 chiếm 68%, T3 và T4 chiếm 32% [43].
Theo Phan Thế Sung và cs.(2009), kết quả N0 và N1 chiếm 51.9%, N2 và N3 chiếm 47.8%. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy N0 và N1 chiếm 43.2%, N2 và N3 chiếm 56.7%.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi, giai đoạn sớm chiếm 24.3% trong khi giai đoạn muộn III, IV chiếm tỷ lệ 75.7% thấp hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Đình Giang và cs.(2003) là 95% [11], Nguyễn Thanh Ái và cs.(2006) là 99.33% [1]. Theo Leung và cs.(2013), nghiên cứu trên 72 bệnh nhân ung thư vòm mũi họng giai đoạn III - IV chiếm 64%, giai đoạn I - II chiếm 36% [43].
Các số liệu chứng tỏ tỷ lệ bệnh bệnh nhân UTVMH ở Việt Nam dù tỷ lệ phát hiện bệnh sớm rất thấp nhưng đã có cải thiện so với những nghiên cứu
48
trước đây. Vấn đề đặt ra là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về bệnh trong cộng đồng, chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ khám chữa bệnh của bác sĩ tuyến trước nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.