Trước khi xây dựng kế hoạch chúng ta có thể làm phiếu xin ý kiến của giáo viên về nhu cầu cá nhân, xác định mức độ quan tâm của họ đối với một số chủ điểm nào. Sau đó thu nhập, phân tích, trên cơ sở đó lên kế hoạch tổng thể cho cả năm, xác định nội dung hoạt động ưu tiên, xác định kết quả sẽ đạt được sau khi thực hiện các hoạt động bồi dưỡng, xác định danh sách các thành viên cho mỗi nội dung hoạt động được bồi dưỡng.Kế hoạch lập ra phải dựa trên thực trạng của đội ngũ giáo viên nhà trường, vào sự nỗ lực phấn đấu của bản thân từng giáo viên(VD ở phần phụ lục 1).
BGH cần xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn cụ thể, có kế hoạch tuần, tháng, năm song cần xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn trong công tác bồi dưỡng CM cho đội ngũ, ví dụ như hoạch định nguồn nhân sự sau đó có kế hoạch cử một số GV có năng lực đi học các lớp ngắn hạn, dài hạn để trở thành cán bộ nguồn trong việc bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ GV.
Ban giám hiệu nhà trường luôn động viên và tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên theo học các lớp bồi dưỡng thường xuyên, lớp đại học, cao đẳng tại chức. Để tạo điều kiện cho các đồng chí đi học, ban giám hiệu đã sắp xếp thời khoá biểu phù hợp để các đồng chí giáo viên được nghỉ trong các ngày đi học, giảm bớt một số buổi họp bằng cách ghi thông báo trên bảng giúp giáo viên nắm được và thực hiện. Đồng chí nào đi học sáng thì dạy học buổi chiều... Tất cả các đồng chí giáo viên đi học đều được nhà trường hỗ trợ kinh phí để mua sách, tài liệu tham khảo.Mỗi đồng chí giáo viên thực sự coi việc học tập, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn là quyền lợi và trách nhiệm của mình.