5. Bố cục của đề tài
1.2.3. Phân biệt Từ điển bách khoa và Bách khoa thư
Mục tiêu, quy mô, đối tượng phục vụ, nội dung, bảng cấu trúc mục từ, kết cấu mục từ, bảng chỉ dẫn tra cứu, phương pháp biên soạn của từ điển bách khoa và bách khoa toàn thư là khác nhau. Tuy đều là sách công cụ nhưng chức năng của hai loại sách này có phần giống lại có phần khác nhau.
Bách khoa toàn thư rất đa dạng, loại hình cũng rất phong phú, có nhiều mô hình biên soạn khác nhau và đang ở trong giai đoạn vận động, thay đổi liên tục, chưa hình thành được những hình mẫu cố định. Có loại được biên soạn theo chủ đề, có loại lại được biên soạn theo mục từ, độ dài cũng khác nhau. Từ điển bách khoa cũng vậy, rất nhiều chủng loại, có loại gắn kết hữu cơ với từ điển ngôn ngữ, có loại chủ yếu thu thập những mục từ mang tính bách khoa… Như vậy, trên thực tế, việc phân biệt hai loại hình từ điển này là rất khó khăn, vì phổ của mỗi loại rất rộng. Phổ ở đây là muốn nói về cấu trúc mục từ, thành tố cơ bản của từ điển bách khoa hay bách khoa toàn thư.
Từ điển bách khoa là loại sách dùng để tra cứu, tìm kiếm thông tin nhanh và thuận tiện. Còn bách khoa toàn thư là loại sách giúp cho việc tra cứu,
tìm kiếm tri thức, tạo điều kiện cho việc tự học, tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, nắm được hoàn chỉnh, có hệ thông các khái niệm, các chủ đề tri thức. Chức năng khác nhau của bách khoa toàn thư và từ điển bách khoa được thể hiện chủ yếu qua việc xây dựng bảng cấu trúc phân loại mục từ và cấu trúc các mục từ.
Về mặt lí luận, bách khoa toàn thư và từ điển bách khoa loại chuẩn mực là hai loại hình khác nhau vì chức năng khác nhau. Mỗi quốc gia đều cần biên soạn cả hai loại sách này, chúng chỉ bổ sung cho nhau chứ không thể thay thế cho nhau được.
Chức năng của Từ điển Bách khoa và Bách khoa thư là khác nhau do đó mục tiêu biên soạn cũng như khung mục từ và kết cấu mục từ… cũng khác nhau:
Về mục tiêu: từ điển bách khoa là loại sách công cụ, chủ yếu để tra cứu, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, thuận tiện, phục vụ cho mục đích tự học hạn chế. Từ điển bách khoa cung cấp một khối lượng lớn tư liệu, thông tin chính xác, tinh gọn, nhưng là một tập hợp kiến thức rời rạc, tản mác, chồng chất lên nhau, thiếu sự kết nối theo những quan hệ logic của tư duy. Còn bách khoa toàn thư là loại sách công cụ, chủ yếu phục vụ cho việc giáo dục, tự học, tự bồi dưỡng một cách có hệ thống và cơ bản với những chủ đề tri thức độc lập, những khái niệm hoàn chỉnh, những vấn đề quan trọng cuả thời đại.
Về quy mô: Từ điển bách khoa thường có quy mô nhỏ, chỉ gồm vài tập. Bách khoa toàn thư thì lớn hơn rất nhiều, thường từ 24- 25 tập đến 30 – 32 tập.
Về đối tượng: Từ điển bách khoa có đối tượng phổ cập hơn. Trình độ đối tượng là từ trung học trở lên, thấp hơn trình độ đối tượng của bách khoa toàn thư là đại học.
Mục từ trong từ điển bách khoa thường được viết ngắn gọn, chủ đề hẹp và nông hơn mục từ trong bách khoa toàn thư, tính hệ thống, cơ bản và hoàn chỉnh cũng kém hơn.
Về khung mục từ: Thông thường, mục từ trong từ điển bách khoa có số lượng nhiều, chủ đề hẹp, biên độ ngắn. Còn mục từ trong bách khoa toàn thư có số lượng ít, chủ đề rộng, biên độ trung bình dài hơn 4 – 5 lần, có những mục từ dài hàng chục trang có phân chia theo tầng bậc, có tiêu đề. Nói chung, trong bách khoa toàn thư, dưới các mục từ có ghi tên tác giả và thư mục thao khảo.
Về kết cấu mục từ: Mục từ bách khoa toàn thư là sự trình bày khái quát có hệ thống một chủ đề tri thức độc lập, một khái niệm, một tổ chức, một sự kiện, một học thuyết, một trường phái, một ngành hoặc phân ngành học thuật… để người đọc có thể hiểu được một cách toàn diện, cơ bản, có hệ thống. Vì vậy, khi xét riêng biệt hoặc xét kết hợp với các mục từ khác thông qua hệ thống chuyển chú, mục từ bách khoa toàn thư phải phản ánh được ở mức độ nào đó tính toàn diện, tính hoàn chỉnh của tri thức. Trong khi đó, từ điển bách khoa không đòi hỏi cáo tính toàn diện, tính toàn diện của tri thức. Từ điển bách khoa chứa đựng những thông tin vắn tắt nhằm giải đáp những thắc mắc nảy sinh trong quá trình hoạt động hàng ngày.
Theo nhà biên soạn bách khoa toàn thư người Hoa Kì Louis Shores thì nguyên tắc rất thông dụng để phân biệt từ điển bách khoa và bách khoa toàn thư là ở chỗ: Nội dung mục từ bách khoa toàn thư và của cả từ điển bách khoa giải nghĩa các từ thuộc từ điển ngôn ngữ hay các mục từ có tính bách khoa theo kiểu định nghĩa, nghĩa là giải đáp vấn đề “cái gì” (What). Đồng thời còn giải đáp các vấn đề “ai” (Who), “ở đâu” (Where), “khi nào” (When), “như thế nào” (How) và “tại sao” (Why). Tuy nhiên, mức độ giải đáp những vấn đề này của từ điển bách khoa không đầy đủ, không toàn diện, không hệ thống, không sâu sắc bằng
bách khoa toàn thư. Trong bách khoa toàn thư, các mục từ dài và rất dài có thể phân thành tầng bậc, cấp độ, ví dụ theo sơ đồ cây để biên soạn.
Về bảng chỉ dẫn nội dung, bảng chỉ dẫn (Index) là bộ phận rất quan trọng của bách khoa toàn thư và từ điển bách khoa, rất cần thiết để nâng cao tính hiệu quả sử dụng sách. Bảng chỉ dẫn nội dung đối với bách khoa thư hiệu quả hơn nhiều so với từ điển bách khoa. Bảng chỉ dẫn nội dung không chỉ đơn thuần để tra cứu, tìm kiếm tên đầu mục từ, mà chủ yếu là tìm các thông tin, tư liệu, các đơn nguyên tri thức không thành lập đầu mục từ nhưng có trong nội dung mục từ. Đối với bách khoa toàn thư số lượng những đơn vị này rất lớn, gấp 4-5 lần, thậm chí hàng chục lần so với từ điển bách khoa. Đối với các bộ từ điển bách khoa, số lượng mục từ lớn, dung lượng mục từ lại nhỏ, thông tin có thêm trong mục từ cần tra cứu không nhiều, do đó chỉ lập bảng mục lục mục từ, không cần bảng chỉ dẫn nội dung. Nhưng hệ thống chuyển chú trong loại sách này lại rất phong phú và sử dụng rất có hiệu quả.