HỘP THƯ KHUYẾN NÔNG

Một phần của tài liệu Thông tin Khuyến nông Việt Nam 8 (2014) (Trang 27)

Hỏi: Tôi nuôi 100 con gà chọi 2 tháng tuổi, chuồng trại thông thoáng. Bốn ngày nay gà có hiện tượng ho, mỗi lần ho bị vẩy mỏ, chảy nước mắt, nước mũi, đi ngoài phân sáp ướt màu trắng, ăn kém, bị xù lông. Tôi đã cho gà uống kháng sinh, thuốc long đờm giảm ho nhưng không có tiến triển. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?

Vũ Giang Nam, Đại Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang

Đáp:

Với những biểu hiện như trên, đàn gà có thể mắc bệnh hen (CRD), tham khảo cách phòng, trị bệnh cho gà như sau:

Điều trị:

Dùng một trong các loại thuốc đặc trị như Tylosin, Tylan, hoặc phối hợp với thuốc Genta- costrim, Doxygen, Gentadox, liều lượng theo hướng dẫn sử dụng của hãng thuốc (nếu phối hợp 2 loại thuốc thì liều lượng mỗi loại giảm đi 1/2); có thể hoà nước uống hoặc trộn đều vào thức ăn.

Bệnh nặng, có thể tiêm Genta -tylo hoặc Lincospecto, liều lượng theo hướng dẫn sử dụng của hãng thuốc. Kết hợp bổ sung vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực cho gà.

Khi điều trị bệnh, việc tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cải thiện môi trường chăn nuôi, tạo sự thông thoáng và vệ sinh đảm bảo là điều quan trọng giúp gà nhanh hồi phục.

Phòng bệnh:

- Dùng vắc-xin để phòng bệnh. - Mua gà con giống ở những nơi an toàn bệnh để tránh gà con

mắc nhiều bệnh từ trứng. Cách ly gà ốm và gà khoẻ.

- Định kỳ tẩy uế chuồng trại và môi trường xung quanh.

Hỏi:Gia đình tôi trồng mấy hécta lúa, hiện lúa bị vàng lá từ ngọn xuống gốc và chết khô, (đã chết 1 ha). Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?

Hoàng Văn Lộc, Minh Tân, Bảo Yên, Lào Cai

Đáp:

Theo mô tả, ruộng lúa bị chết đồng loạt 1 ha, lúa bị vàng lá từ ngọn xuống gốc rồi chết thì khả năng là do bệnh nghẹt rễ. Có rất nhiều nguyên nhân, như:

- Đất sản xuất tại những chân ruộng trũng, thoát nước kém, không được khử chua, tiêu độc…

- Ruộng ít được bón phân hữu cơ, hoặc bón phân tươi chưa hoai mục, ruộng cấy lúa vụ trước không được làm kỹ… đất yếm khí, thiếu ôxy, lại bị nhiễm độc khí mê-tan, khí sunphua hydro nên gây độc cho bộ rễ làm bộ rễ bị thâm đen, có mùi tanh, không hút được dinh dưỡng, cây lúa bị vàng toàn bộ rồi chết.

* Cách khắc phục:

- Với ruộng lúa xuất hiện hiện tượng nhiễm bệnh (giai đoạn đầu) thì tuyệt đối không bón phân đạm hoặc NPK. Nhanh chóng

tháo cạn nước ở ruộng, để đến nẻ chân chim. Trong điều kiện ruộng trũng không tháo cạn được nước triệt để thì tiến hành tạo rãnh xung quanh ruộng để hạn chế tối đa nước trên mặt ruộng. Dùng vôi bột hoặc phân lân nung chảy kết hợp làm cỏ, sục bùn; đồng thời bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa bằng cách bón các loại phân phun quá lá thì cây lúa mới hấp thu dinh dưỡng. Nếu kết hợp các biện pháp trên thì cây lúa sẽ được phục hồi, ra rễ mới. Khi đó mới đưa nước vào ruộng, bón phân và chăm sóc bình thường.

* Phòng bệnh: Những điểm đặc biệt phải chú ý:

- Bố trí mùa vụ hợp lý, không nên để thời gian chuyển vụ quá ngắn, không có thời gian xử lý đất, rơm rạ chưa kịp phân hủy.

- Không được bón phân tươi. Bổ sung bón lót phân hữu cơ đã hoai mục, hạn chế bón phân hóa học nhiều vụ liên tục mà không có phân hữu cơ. Nếu ruộng chua phải khử chua, tiêu độc bằng vôi bột.

- Thường xuyên thăm ruộng, sớm phát hiện sâu, bệnh để kịp thời có biện pháp khắc phục. Bác có thể tham khảo cán bộ bảo vệ thực vật, khuyến nông viên ở xã, huyện để được kiểm tra và hướng dẫn chi tiết hơn.

TRANG VĂN NGHỆ

SỐ 8/2014

Một phần của tài liệu Thông tin Khuyến nông Việt Nam 8 (2014) (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(32 trang)