4.1. Đặc điểm diễn xướng của ca dao nghi lễ
4.1.1. Hát Lãi Lê (Lải Lèn, Lả Lê)
Về nguồn gốc của tục múa hát Lãi Lê, chuyện xưa truyền lại rằng: cách đây hơn 1.000 năm, tổng Yên Trạch, phủ Nam Xang (nay là 3 làng: Yên, Đọ, Nội ở Bắc Lý, Lý Nhân) là vùng đất ven sông Hồng nước ngập mênh mông, lau sậy um tùm. Vào thế kỷ thứ VI, Triệu Quang Phục lúc đó đang giúp Lý Nam Đế đánh đuổi giặc Lương đã lấy đầm Dạ Trạch (nay thuộc Châu Giang, Hưng Yên) làm căn cứ chống giặc. Nằm ở vị trí cách đầm Dạ Trạch không xa, lại tiện sông nước, việc đi lại thuận lợi, tổng Yên Trạch được Triệu Quang Phục chọn làm vành đai bảo vệ, tiếp tế cho vùng căn cứ. Sau khi chiến thắng giặc Lương, lên ngôi vua, Triệu Việt Vương đã về thăm lại vùng đất Yên Trạch. Nhân dân mừng rỡ đón rước rất long trọng và múa hát Lãi Lê là một trong những nghi thức long trọng đó. Sau khi vua mất, người dân trong 3 làng cùng lập đền thờ, quanh năm hương khói. Múa hát Lãi Lê và nghi lễ dâng rượu đón mừng chính thức trở thành tục múa hát thờ thần. Cứ vào cữ “hai nhăm tết” là 12 cô gái và 8 chàng trai thanh tân độ tròn đôi tám lại tụ họp ở đình và được các thầy Lải dạy múa hát. Tối mồng 2 tết, mọi nghi thức, giai điệu, lời ca được ôn luyện thật kỹ, thật nhuyễn, chuẩn bị cho ngày mồng 3 chính hội.
Lãi Lê là loại hình ca múa nhạc rất cổ, chắc chắn là cổ hơn Dậm Quyển Sơn, vì đến bây giờ, ngay cái tên gọi làn điệu là “Lãi Lê” chẳng còn ai giải thích được nữa. Dân ca Lãi Lê có khoảng ba mươi sáu điệu hát khác nhau. Cách đây bốn mươi năm, tác giả Bùi Văn Cường đã nghiên cứu nó và ghi chép được khoảng ba mươi khúc
điệu, nhưng “tôi ghi mà chẳng biết ghi để làm gì vì tôi chẳng hiểu gì cả”.
Các điệu hát Lãi Lê thường rất ngắn gọn, lời cổ, âm hưởng du dương theo nhịp
phách, phảng phất màu sắc thần linh, huyền bí: “Chim kêu bằng một. Chiếng xuân
bóng mát. Đã dài ngoài xuân. Cất bút bay lên bốn nhuần. Nguyệt đã lên tầng cao. Nước mát xuống sâu tựa rào. Nguồn tầng cao là ta về biển. Quá ư lại nguồn. Chớ thay chớ chớ. Đã qua chớ chầy. Nguồn chớ thay là ta về biển”. (Khúc chim kêu)
Lời hát có khi tái hiện lại những câu chuyện huyền thoại xa xưa, những truyền
thuyết đánh giặc hay quang cảnh, khí thế tiến công của nhân dân ta: “Chàng trẩy đi
- 90 -
Đè nước chèo sang. Khoan khoan tiếng hò. Vào đánh cung đô. Đánh lấy cung đô phen này…” (Chàng Trẩy).
Hát Lãi Lê thường gắn với các động tác múa mang tính chất “diễn giả” như điệu Vũ cờ, điệu Trương cung, Chém mộc, Chém ma, điệu Cầu toan, điệu Sô siết…
Cũng là điệu hát nghi lễ thờ thần, nhưng nếu như hát Dậm chỉ tuyển chọn những cô gái thanh tân thì hát Lãi Lê phổ biến rộng rãi hơn trong đời sống nhân dân, trong đó có cả ông già, bà cả, trai thanh, gái lịch. Nhắc tới hát Dậm, người ta không thể không kể tới vai trò của bà Trùm, còn trong hát Lãi Lê, vai trò chủ chốt là của thầy trưởng lải. Thông thường, hàng năm, cứ vào ngày hai mươi lăm đến ba mươi tết, lại có tục rước bát hương sứ giả từ đình làng về nhà. Thầy trưởng lải và các cô lải sẽ phải tập các điệu hát, múa thánh ngay tại nhà. Vào hội (từ mồng một đến mồng ba tết), các nàng lải đứng xếp hàng ở đình, hát theo lời xướng của thầy trưởng lải trong suốt ba ngày tết. Đến ngày mồng ba tết, có hát hầu ma do tám người con trai được làng tuyển chọn hát. Ngoài ra, lúc hát giã, tống tiễn còn có thuyền rồng, trống phách linh đình.
Tục chạy ngựa, bơi chải là tích trò diễn xướng nhằm mô tả tái hiện những cuộc chiến, những thắng lợi của vua tôi họ Triệu. Sau khi có đình làng riêng rẽ cùng thờ chung Triệu Việt Vương, dân ba làng đã đặt ra lệ phân định những nghi lễ mà mỗi làng phải đảm nhiệm cho chu đáo: hát múa làng Nội, chạy ngựa làng Yên, đua thuyền làng Đọ. Những nghi lễ này làm cho hội làng càng thêm phần náo nức. Thuyền đua làng Đọ theo sông vòng qua trước cửa đình làng Nội trong tiếng reo hò của quan viên, khách họ và dân làng…Lâu dần, lệ phân định đó đã trở thành
câu ca truyền tụng của dân cư khắp cả vùng: “Làng Đọ bơi thuyền, làng Yên chạy
ngựa, làng Nội múa hát Lãi Lê”.
Thế rồi chiến tranh loạn lạc đã làm đứt đoạn những kỳ hội làng đáng nhớ ấy. Sau khi tỉnh Hà Nam tái lập, năm 1999, cùng với nhiều miền dân ca đặc sắc của quê hương Núi Đọi, Sông Châu, múa hát Lãi Lê thêm một lần được tôn vinh, được ca tụng. Những cảnh múa hát được dựng lại, được ghi hình và lưu truyền rộng rãi với khách gần, khách xa. Khỏi phải nói niềm vui của người dân nơi đây. Thế nhưng cũng chỉ chừng có thế, nhiều năm nay tục múa hát Lãi Lê đã không còn
hiện hữu trong những dịp hội làng. Mười lăm thế kỷ đã trôi qua, vùng đất trũng
um tùm lau sậy giờ đã thành những làng mạc trù phú đông đúc. Con đê Đại Hà đã giới hạn dòng sông Hồng, giới hạn vùng sông nước giữa Yên Trạch với đầm Dạ
- 91 -
Trạch linh thiêng. Những lão ông, lão bà cao tuổi nhất của tổng Yên Trạch bây giờ cũng không thể nhớ hết một cách đầy đủ về số lượng làn điệu, về trình thức, khúc thức của múa hát Lãi Lê. Những nghệ nhân nhiều lứa tuổi của làng Nội, làng Đọ, làng Yên hôm nay không phải ai cũng có thể hình dung một cách tường tận ngữ nghĩa của từng câu hát, từng điệu múa. Thời gian đã làm những lề tục đẹp đẽ một thời cứ phai nhạt dần. Tiếc, lo cho câu hát quê mình, cụ Lưu Thị Ngần đã nhờ đứa chắt nội lớp tiểu học chép lại gần 20 làn điệu Lải Lèn trên trang giấy vở học sinh. Ca từ, ngữ nghĩa dẫu có chỗ chưa đúng, chưa đủ nhưng cũng thấy tấm lòng của một “nàng Lải” đã qua thời xuân sắc. Chưa hết, cụ Lưu Thị Ngần và các cụ Nguyễn Thị Ngoãn, Khương Thị Hải cũng đã từng cùng nhau đứng vai đầu ban truyền dạy cho một vài lứa các con, các cháu thạo hát múa hầu vua mấy kỳ hội làng. Nhưng do tuổi cao, sức mỏi, giờ các cụ chỉ còn biết đành lòng nuối tiếc. Các thầy Lải giờ hầu như đã khuất núi. Con sông
trước cửa đình nay đã trở thành làng mạc, nhà chen san sát… Lải Lèn câu hát dân
gian một thời giờ có lẽ chỉ còn là miền ký ức đằm nặng trong tiềm thức của người dân làng Nội, làng Yên, làng Đọ. Hiện tài liệu ghi chép, lưu giữ, nghiên cứu về loại hình hát múa này không nhiều nên đây cũng là một khó khăn của chúng tôi khi khảo sát về vấn đề này. Đó cũng là lí do giải thích vì sao phần khảo sát đặc điểm diễn xướng của chúng tôi về hát múa Lãi Lê lại ngắn gọn hơn các loại dân ca khác của tỉnh nhà.
4.1.2. Hát Dậm
Theo truyền thuyết, khi đem quân đi đánh Chiêm Thành, Lý Thường Kiệt có dừng lại và đóng quân ở Quyển Sơn một đêm. Đêm đó, ngài nằm mộng thấy có hai vị nữ thần đến yết kiến và xin theo âm phù đánh giặc. Vậy nên, khi chiến thắng rồi, ông không quên lời thần mộng, bèn quay về đất này tìm dấu tích, lai lịch của thần để tạ ơn. Ở đây, quả có một ngôi đền thờ một vị hoàng hậu và một vị công chúa, không rõ thuộc đời nào. Ông bèn cho mở hội tế thần và mừng công tại đây. Trong lễ hội, ông cho quân dân ca hát và sai tù binh là vũ nữ ca công Chiêm Thành ra múa hát mua vui. Sau đó, ông mở trang trại tại đây để làm nơi tĩnh dưỡng lúc tuổi già. Từ bấy, cứ đến ngày kỷ niệm chiến thắng, ông lại về đây mở hội, tổ chức ca múa hát mừng. Sau khi ông mất, nhân dân lập đền thờ ông cùng hai vị hoàng hậu và công chúa. Đền ấy nay gọi là đền Trúc và những điệu hát Dậm ấy chính là hát Dậm ngày nay. Vẫn giữ tục lệ cũ, hàng năm, cứ đến ngày mồng 5 tháng 2 và ngày mồng 2 tháng 5, nhân dân lại mở hội như thuở ông còn sống để tưởng nhớ công lao của người anh hùng dân tộc tài ba này.
- 92 -
Cũng giống như các thể loại dân ca nghi lễ miền Bắc, hát Dậm có sự kết hợp giữa chức năng phục vụ tế lễ và chức năng vui chơi, giải trí. Trong quá trình diễn xướng hát Dậm cũng như dân ca nghi lễ miền Bắc, yếu tố lễ nghi, nghi thức, thờ tế thần linh ngày càng giảm, nhường chỗ cho yếu tố sinh hoạt – trữ tình. Chất hiện thực sinh động, khoẻ khoắn dần lấn át tính nguyên tắc khô khan, tạo nên sức sống mới và sức hấp dẫn, cuốn hút lòng người của dân ca nghi lễ Hà Nam nói riêng và dân ca nghi lễ nói chung.
Trước năm 1950 hát Dậm với tính cách là một lễ hội truyền thống, được định kỳ tổ chức trước tiên tại đình Trung (mà nay quen gọi là “đình Cháy”) rồi sau đó tổ chức ở đền Trúc, vào thời điểm từ mồng một đến mồng mười tháng hai âm lịch hàng năm. Từ năm 1950 trở lại đây, do đình Trung bị người Pháp hoả thiêu, thì dân chúng Quyển Sơn mới tổ chức lễ hội Hát Dậm ở Đền Trúc, từ mồng một đến mồng sáu tháng hai âm lịch, ít hơn trước bốn ngày. Gần như một ngàn năm qua, lễ hội Hát Dậm vẫn diễn ra theo một tình tự thời gian, không gian, địa điểm như vậy, hoặc thay đổi không đáng kể. Giống như nhiều lễ hội khác thuộc vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ như: hát Xoan Phú Thọ; Quan họ Bắc Ninh, Hát Dô, lễ hội Phủ Giầy Nam Định, lễ hội làng Xuân Phả, lễ hội Đền Thánh Tến ở Thanh Hoá… những tiết mục dân ca nghi lễ của hát Dậm được diễn xướng trong một không gian mang tính thiêng của thần linh. Đó là một không gian của tâm linh, thuần khiết, thoát tục. Thời gian tổ chức hát Dậm cũng phù hợp với thời gian hội hè của cư dân người Việt cổ. Đây là thời gian con người thư thái, an nhàn, “thóc lúa đầy bồ”, thời tiết đẹp, phù hợp với không khí du xuân. Dân gian cũng quan niệm rằng: đầu năm mà tinh thần sảng khoái, vui vẻ thì cả năm con người sẽ khoẻ mạnh, con giống sẽ tốt tươi, những lời khấn nguyện mùa màng bội thu sẽ được linh ứng.
Tham dự trực tiếp múa hát Dậm, cả khi tế lễ lẫn khi trình diễn độc lập, riêng lẻ, có bà Trùm và gần hai chục cô gái chưa chồng, số lượng linh hoạt, nhưng chỉ là số chẵn. Tất cả tụ họp thành “họ” gọi là “họ Dậm”. Họ là những người ngưỡng mộ Thành hoàng và yêu nghệ thuật. Cũng giống như trong lễ hội hát Dô, người được chọn biểu diễn hầu hết là nữ, chỉ cần một vài nam giới làm nhiệm vụ dẫn dắt mà thôi. Trong hát Chèo tầu, cái tầu và con tầu đều là các cô gái còn trinh trắng, đặc biệt hai quản tượng cũng là do nữ đóng giả nam. Điều này cho thấy trong lễ hội Việt Nam nói chung và trong diễn xướng dân gian phục vụ nghi lễ nói riêng, người phụ nữ luôn được trân trọng, đề cao.
- 93 -
Bên cạnh những người tham dự tế lễ và múa hát Dậm, còn có số người tham gia các trò chơi: tổ tôm điếm, đấu cờ người, bơi chải, đấu vật, leo dây múa rối, chơi chọi gà, hát chèo. Họ thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau: bô lão, trung niên, nam thanh niên, nữ thanh niên, trẻ em.
Hát Dậm là loại hình nghệ thuật nguyên hợp, trong đó các thành tố ca – múa – nhạc – trình diễn không tách rời nhau, thông qua nhau mà phát huy tác dụng. Ở nó có những nét gần gũi, tương đồng với Hát xoan Phú Thọ, Hát Dô, hội Lải Lèn Lý Nhân, Hà Nam, Hội hát Văn (Phủ Giầy) Nam Định,… và cũng có những nét khác biệt. Trong mối tương quan với tế lễ, với các trò chơi như tổ tôm điếm, đấu vật, múa lân, leo dây múa rối, bơi chải thì hát Dậm thực sự đóng vai trò cơ bản hình thành hội làng – hội Dậm.
Hát Xoan Phú Thọ chỉ có 14 làn điệu (Quả cách), Quan Họ Bắc Ninh có 30 làn điệu gốc và gần 300 làn điệu phát sinh, Hát Đúm Hải Phòng chỉ có một làn điệu, Hát Dậm có 36 làn điệu. Nhưng trên thực tế vận hành, Hát Dậm chỉ có 30 làn điệu. Có lẽ một số làn điệu đã thất truyền do tình trạng truyền khẩu giữa các nghệ nhân nhiều thế hệ. Trong số 30 làn điệu đang lưu hành của hát Dậm, chỉ có 26 làn điệu là có lời và giai điệu riêng, còn một số làn điệu không có ranh giới rõ ràng như: làn
điệu Trấn Ngũ Phương, Cần Miêu, Hỡi Anh xinh…
Khi trình diễn hát múa Dậm, các gái Dậm lần lượt thực hiện động tác múa và lời
hát theo nhịp sênh tre hoặc nhịp trống con từ làn điệu đầu tiên Trấn ngũ phương, đến hai làn điệu cuối Bỏ bộ, Huê tình, đấy là hát thờ - một hình thức bổ sung cho “lễ
túc trực” sau buổi đại tế của các quan viên.
Lúc diễn xướng, Bà Trùm mặc váy lụa đen, áo nhiễu tứ thân màu đỏ, thắt lưng lụa hồng, đầu chít khăn mỏ quạ bằng vóc đen, tay cầm đôi sênh tre (đôi khi cầm trống con), đứng giữa, trước hương án Thành hoàng (nếu ở đình), hoặc ở giữa sân đình (khi đan xen cùng tế lễ); trước hương án thần (nếu ở đền Trúc), để điều hành, bảo đảm cho việc múa hát thờ được thông suốt, không bị vấp váp. Phía sau, hai bên tả và hữu bà trùm là các gái Dậm, đứng thứ tự theo hai hàng thẳng, trên lớn, dưới nhỏ, mỗi hàng từ 10 đến 12 cô. Có khi họ quay mặt vào nhau, cũng có khi họ cùng quay mặt về phía ban thờ. Tất cả đều mặc váy lụa đen, áo lụa tứ thân mầu xanh hoặc màu hồng, đầu chít khăn mỏ quạ bằng nhiễu đen, thắt lưng hoa lý buông chùng, tay cầm quạt giấy, cũng có khi cầm gươm, giáo bằng gỗ. Trang phục của họ Dậm như thế là gần giống với cách ăn vận của các “liền chị” Quan Họ Bắc Ninh, nhất là
- 94 -
giống cách trang phục của các cô gái trong hát Đúm Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Vài chục năm trở lại đây, trang phục của các gái Dậm và các “liền chị” Quan Họ mới thay đổi, so với trang phục truyền thống. Chẳng hạn, các “liền chị” thay áo tứ thân bằng áo ngũ thân. Còn các gái Dậm thì thay áo tứ thân và váy bằng áo dài (kiểu áo tân thời) do làng may sắm. Riêng bà Trùm thì mặc quần và áo dài bằng vải lĩnh màu vàng. Tất cả đều có đai thắt ngang bụng, mỗi người đội một cái khăn xếp có gắn kim tuyến óng ánh. Nhìn chung, về y phục, của họ Dậm tương đối giống với y phục của các nghệ nhân Quan họ Bắc Ninh và các nghệ nhân trong lễ hội Hát Xoan Phú Thọ. Điểm khác biệt là các “liền chị” thì tay cầm hoặc đầu đội nón quai thao, còn các gái Dậm thì không bao giờ đội nón.
Về lề lối hát múa Dậm, rất giống với lề lối của một số lễ hội khác thuộc đồng bằng sông Hồng như hát Xoan Phú Thọ, hát Quan Họ Bắc Ninh, hát Dô, hát Ải Lao trong hội Dóng ngoại thành Hà Nội, hát Lãi Lê Hà Nam. Hát Dậm Quyển Sơn và các lễ hội kia bao giờ cũng vận hành theo một trình tự chặt chẽ, đó là: trước tiên hát múa giọng lề lối (mang tính lễ nghi), sau hát múa giọng vặt (mang tính trữ tình, giao duyên). Phần hát giọng lề lối của hát Dậm chiếm tới trên 80% tổng số các làn điệu,