Axit clohiđric và muối clorua

Một phần của tài liệu SGK hóa học 10-vật liệu tạo powerpoin (Trang 25)

IV. Phân nhóm chính nhóm VII Nhóm halogen

4.Axit clohiđric và muối clorua

a) Axit clohiđric

Axit clohiđric là chất lỏng không màu. Axit đặc chứa tới 37% hiđro clorua và "bốc khói" trong không khí ẩm. Trong dung dịch, axit clohiđric là axit mạnh, có đầy đủ tính chất hoá học đã biết của axit. Các oxit bazơ, nhiều kim loại và một số muối tác dụng với axit clohiđric.

Ví dụ :

Zn + 2 HCl = ZnCl2 + H2 CuO + 2HCl = CuCl2 + H2O

Al(OH)3 + 3HCl = AlCl3 + 3H2) AgNO3 + HCl = HNO3 + AgCl ↓

Axit clohiđric có nhiều ứng dụng. Nó được dùng để điều chế các muối clorua (bari clorua, kẽm clorua....). Một lượng lớn axit clohiđric được dùng để tẩy gỉ, làm sạch bề mặt những vật liệu bằng gang, thép trước khi quét sơn hoặc phủ lên chúng một lớp kim loại có tác dụng bảo vệ.

Axit clohiđric còn được dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm và trong y tế.

Axit clohiđric được giữ và vận chuyển trong các xitec có lót cao su không bị axit ăn mòn, trong các lọ thuỷ tinh, lọ polietilen.

b) Muối clorua

Những muối clorua quan trọng nhất là :

NaCl không những quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày của con người mà còn là nguyên liệu sản xuất clo, natri hiđroxit, axit clohiđric.

KCl là phân bón chứa kali.

ZnCl2 dùng quét lên gỗ chống mục, bôi lên mặt kim loại trước khi hàn vì nó vừa có tác dụng tẩy gỉ, vừa làm cho hợp kim hàn bám chắc vào kim loại.

BaCl2 là chất độc, dùng để trừ sâu bệnh trong nông nghiệp.

CaCl2 ở dạng khan dùng làm khô các khí (sau khi hút nước, nó biến thành CaCl2.6H2O). AlCl3 thường được dùng làm chất xúc tác trong tổng hợp hữu cơ.

c) Nhận biết gốc clorua

Hầu hết các muối của axit clohiđric đều dễ tan trong nước.

Bạc clorua AgCl là muối ít tan nhất. Nếu nhỏ dung dịch bạc nitrat vào axit clohiđric hoặc dung dịch muỗi clorua nào đó thì tức khắc xuất hiện kết tủa trắng bạc clorua :

HCl + AgNO3 = AgCl ↓ + HNO3 NaCl + AgNO3 = AgCl ↓ + NaNO3

AgCl không tan trong axit nitric. Nếu để ra ngoài ánh sáng nó xám dần lại do phân huỷ thành clo và bạc kim loại ở dạng bột màu đen.

Như vậy, muốn nhận ra gốc clorua (axit clohiđric hoặc muối clorua) trong dung dịch, ta nhỏ dung dịch bạc nitrat vào dung dịch đó. Nếu thấy xuất hiện kết tủa màu trắng không tan trong axit nitric thì kết luận rằng trong dung dịch cần nhận biết có gốc clorua.

Một phần của tài liệu SGK hóa học 10-vật liệu tạo powerpoin (Trang 25)