Các giải pháp chống thâm hụt thương mại

Một phần của tài liệu Hợp tác kinh tế đa phương trong ASEAN+3 (Trang 68)

Quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước “cộng 3” hiện nay đang là kiểu quan hệ “hàng dọc” với bất lợi nghiêng về phía Việt Nam và thâm hụt thương mại của Việt Nam với các nước trong nhóm trên ngày càng nghiêm trọng, gây bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện các giải pháp cấp bách chống thâm hụt thương mại với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Một là, sớm quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng thâm hụt thương mại gia tăng mạnh từ năm 2000 đến nay là do các ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta yếu kém. Do đó, Việt Nam càng tăng xuất khẩu thì càng phải nhập nhiều nguyên phụ liệu và chế phẩm trung gian để sản xuất hàng tiêu dùng. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị Việt Nam cần sớm có quy hoạch, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu và các sản phẩm

trung gian từ Trung Quốc; có chính sách hỗ trợ đối với việc quy hoạch, phát triển các vùng nguyên liệu và các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Hai là, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nay, khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc nói riêng và các nước “Cộng 3” nói chung còn yếu; chủ yếu do Việt Nam chưa có chính sách thương mại tổng thể phù hợp quan hệ thương mại với ba nước nói trên và còn thiếu các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các chính sách thương mại của Việt Nam và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có nhiều điểm khác biệt, khiến các doanh nghiệp Việt Nam thường thiếu thông tin chính thống về chính sách, giá cả, cách thức thanh toán…, nên gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập các thị trường nói trên. Chúng tôi cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, trước hết Việt Nam cần nghiên cứu kỹ thị trường này, lựa chọn những nhóm hàng nước ta có tiềm năng, thế mạnh xuất khẩu (như nông sản, khoáng sản, các sản phẩm của nước thứ 3 sản xuất tại Việt Nam…); từ đó có chiến lược quy hoạch sản xuất và tăng cường xuất khẩu vào các nước “Cộng 3”.

Ba là, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài để làm giảm thâm hụt thương mại, nhất là với Trung Quốc. Một khi doanh nghiệp từ các nước khác đầu tư mạnh vào Việt Nam để sản xuất các mặt hàng công nghiệp công nghệ cao để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước “Cộng 3”, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể; thâm hụt thương mại của Việt Nam, nhất là với Trung Quốc, cũng sẽ giảm mạnh.

Bốn là, cần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, tạo đột phá để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, qua đó tăng sức cạnh tranh của

hàng hóa Việt Nam, giảm bớt thâm hụt thương mại. Theo con số thống kê qua từng giai đoạn, từ năm 1995, hệ số ICOR của Việt Nam liên tục tăng: từ mức 3,5 giai đoạn 1991 - 1995, tăng đến 5,24 giai đoạn 2001 - 2003. Năm 2008, hệ số ICOR của nền kinh tế là 6,6 - đã gấp hơn 2 lần mức khuyến nghị, và đến 2009, ICOR đã leo lên con số 8. Thực tế này cho thấy, hiệu quả sử dụng vốn của Việt Nam ngày càng thấp khiến năng lực cạnh tranh quốc gia kém, dẫn tới cán cân xuất nhập khẩu luôn bị thâm hụt nặng nề. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị, trong những năm tới Việt Nam phải thay đổi được thực trạng này mới có cơ hội giảm thâm hụt thương mại.

Một phần của tài liệu Hợp tác kinh tế đa phương trong ASEAN+3 (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)