Để có thể hội nhập hiệu quả, nâng cao khả năng tham gia của Việt Nam trong hợp tác ASEAN+3, nhất là các FTA, theo chúng tôi, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện các khuôn khổ pháp luật theo nguyên tắc quốc tế, trên một số lĩnh vực cụ thể sau:
Một là, xây dựng cơ sở pháp lý chung cho các hoạt động thương mại quốc tế trong lĩnh vực hàng hóa. Theo đó, đẩy mạnh cải cách hệ thống thuế; xây dựng và công bố các lộ trình tổng thể các danh mục cắt giảm các biện pháp thuế quan và phi thuế quan; xây dựng các chính sách bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp thông lệ và cam kết quốc tế; từng bước áp dụng chế độ tỷ giá phù hợp với cung cầu thị trường; xây dựng các chính sách chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu; sớm bổ sung và hoàn chỉnh các tiêu chuẩn sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc tế… Hai là, xây dựng các khuôn khổ pháp lý đẩy mạnh hội nhập trong lĩnh vực đầu tư. Ba là, xây dựng và hoàn thiện các khuôn khổ pháp luật để hội nhập trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bốn là, xây dựng các chế tài và cơ chế phối hợp để hội nhập trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
3.3.3.Thực hiên phương châm “tiến nhanh, bắt kịp”, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trong khu vực
Từ phân tích so sách tương quan của Việt Nam với các nước ASEAN khác và các đối tác Trung-Nhật-Hàn, có thể thấy khoảng cách lớn về trình độ phát triển của ta so với đa số các nước tham gia hợp tác ASEAN+3. Trong bối
cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ và những nền kinh tế trình độ thấp, sức cạnh tranh yếu thường bị thua thiệt, muốn có vị thế bình đẳng và đạt được nhiều lợi ích trong hợp tác ASEAN+3, không còn cách nào khác là Việt Nam phải nỗ lực “tiến nhanh, bắt kịp” trình độ phát triển của các nước trong khu vực. Theo đó, chúng tôi cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng chiến lược, thực hiện lộ trình bắt kịp trình độ khu vực ở một loạt các ngành nghề mũi nhọn như công nghệ chế tạo, công nghệ phụ trợ, công nghệ thông tin…
Đồng thời, cần nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, phải tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế; xác định và xây dựng được chiến lược phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên lợi thế cạnh tranh để trong khoảng thời gian ngắn có thể tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao. Trong ngắn hạn cần phát triển các ngành kinh tế dựa trên lợi thế về nhân lực, điều kiện tự nhiên. Đồng thời, từng bước xây dựng nền tảng để phát triển những ngành kinh tế dựa vào công nghệ cao và tri thức, trong đó giáo dục và đào tạo cần được xác định là cơ sở quan trọng nhất..
Một trong những giải pháp quan trọng để tăng năng lực cạnh cho nền kinh tế là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng nâng cao tính chủ động, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Theo đó, Việt Nam cần giảm nhanh số lượng doanh nghiệp, lĩnh vực và ngành nghề hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Chỉ nên giữ lại một số doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực an ninh quốc phòng, an ninh kinh tế; một số ngành tư nhân không có khả năng đầu tư như kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội…