II- Bài luyện tập về phép đối:
3. Bài tập phần: Luyện tập.
Bài tập 1.Tìm hiểu đoạn trích (SGK): - Tác giả muốn chứng minh điều gì?
- Để làm rõ điều phải chứng minh, tác giả đã sử dụng những thao tác nghị luận chủ yếu nào?
- Cách dùng những thao tác nghị luận đó hay ở chỗ nào? Gợi ý:
- Tác giả muốn chứng minh: "Thơ Nôm Nguyễn Trãi đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn hoá dân gian, văn học dân gian".
- Thao tác nghị luận chủ yếu được tác giả sử dụng để làm rõ điều phải chứng minh là thao tác phân tích. Tác giả đã phân chia luận điểm chung thành những bộ phận nhỏ (thi liệu dân gian, ngôn ngữ dân gian,...). Mỗi bộ phận nhỏ lại được phân chia thành những bộ phận nhỏ hơn (chẳnh hạn, ngôn ngữ dân gian được chia ra thành tục ngữ, thành ngữ, ca dao, thanh điệu,...). Nhờ thế, luận điểm của đoạn trích được xem xét một cách cặn kẽ, thấu đáo.
- Câu cuối cùng của đoạn trích có giá trị qui nạp. Từ trường hợp riêng của Nguyễn Trãi, tác giả đã nâng lên thành sứ mệnh, thành chức năng cao quí của văn chương nghệ thuật. Nhờ thao tác qui nạp, tầm vóc tư tưởng của đoạn trích được nâng lên rõ rệt.
Bài tập 2. Viết một đoạn văn nghị luận sao cho đạt được các yêu cầu sau đây: - Đoạn văn đề cập tới một vấn đề đang đặt ra cấp thiết trong đời sống.
- Sử dụng có hiệu quả một hoặc nhiều thao tác nghị luận đã học. Gợi ý:
- Những vấn đề đang được đặt ra cấp thiết trong đời sống như: vấn đề mục đích, động cơ học tập; vấn đề phòng chống các tệ nạn xã hội; vấn đề an toàn giao thông; vấn đề lí tưởng của thanh niên hiện nay;...
Người viết cần tìm hiểu kĩ một trong các vấn đề gợi ý trên để đưa ra được những luận điểm xác đáng, có sức thuyết phục.
- Căn cứ vào nội dung nghị luận và xác định đối tượng người đọc (người nghe) để lựa chọn các thao tác nghị luận thích hợp.
- Bài tập chỉ yêu cầu viết một đoạn văn nên người viết cần tập trung vào một vài luận điểm chính.
LÀM VĂN:
VIẾT BÀI LÀM VĂN SỐ 7: VĂN NGHỊ LUẬN
(Bài làm ở nhà)
A- NHỮNG KIẾN THỨC VÀ KĨ NĂNG CẦN NẮM VỮNG
1. Bài làm văn số 7 là bài viết văn nghị luận tổng hợp, yêu cầu HS phải huy động kiến thức và kĩ năng trên nhiều phương diện. Cần đặc biệt quan tâm đến những kiến thức và kĩ năng dưới đây:
- Kiến thức lí thuyết về văn nghị luận (đặc điểm, yêu cầu, cách làm bài, lập luận, các thao tác nghị luận, lập dàn ý trong bài văn nghị luận,...).
- Kiến thức phần đọc - hiểu văn bản văn học (nghị luận văn học). - Kiến thức đời sống xã hội (nghị luận xã hội).
Đây là bài văn nghị luận đầu tiên. Để làm tốt bài viết, HS cần phân biệt kiểu bài nghị luận với kiểu bài tự sự và kiểu bài thuyết minh, phải quan tâm tới đời sống xã hội, nhất là những gì đang được đặt ra một cách bức thiết. Kiến thức đời sống sẽ giúp ích cho người viết làm tốt đề bài nghị luận xã hội. HS cũng cần ôn tập phần đọc - hiểu các tác phẩm văn học để làm tốt đề bài nghị luận văn học.
HS có thể được làm bài dựa trên các đề tham khảo trong SGK, cũng có thể làm đề mới do GV yêu cầu.
Trước khi viết, cần nhận thức tốt đề bài (yêu cầu nội dung nghị luận, yêu cầu phạm vi tư liệu, các yêu cầu khác); lập dàn ý đại cương (các luận điểm lớn).
2. Rèn luyện kĩ năng vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng viết bài nghị luận.