LẬP LUẬN TRONG VĂN NGHỊ LUẬN

Một phần của tài liệu ngữ văn học kì 2 lớp 10 cơ bản (Trang 59)

III- Đề kết hợp thuyết minh về tác giả tác phẩm văn học:

B- GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

LẬP LUẬN TRONG VĂN NGHỊ LUẬN

A- NHỮNG KIẾN THỨC VÀ KĨ NĂNG CẦN NẮM VỮNG

1. Lập luận là đưa ra các lí lẽ, dẫn chứng nhằm dẫn dắt người đọc (người nghe) đến một kết luận nào đó mà người viết (người nói) muốn đạt tới.

Để xây dựng lập luận trong văn nghị luận , cần xác định được luận điểm chính xác, minh bạch; tìm các luận cứ (lí lẽ và bằng chứng) thuyết phục và vận dụng các phương pháp luận hợp lí.

Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị luận. Để làm sáng tỏ luận điểm, làm cho người đọc hiểu, tin vào tính đúng đắn của nó, người viết phải đưa ra các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục. Đó chính là các luận cứ.

Phương pháp lập luận là cách thức lựa chọn, sắp xếp luận điểm, luận cứ sao cho lập luận chặt chẽ và thuyết phục. Một số phương pháp lập luận thường được sử dụng như: Phương pháp diễn dịch; phương pháp qui nạp; phương pháp so sánh đối lập; phương pháp qua hệ nhân - quả; phương pháp phản đề; phương pháp loại suy;...

2. Bước đầu rèn luyện kĩ năng lập luận bằng các thao tác: Xác định luận điểm; tìm luận cứ; xác định phương pháp lập luận.

B- GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I-Khái niệm về lập luận trong bài văn nghị luận:

Đọc đoạn văn lập luận (SGK) và cho biết: a. Kết luận (mục đích) của lập luận là gì?

b. Để dẫn tới kết luận đó, tác giả đã đưa ra những lí lẽ hoặc dẫn chứng (luận cứ) nào?

c. Hãy cho biết thế nào là một lập luận? Gợi ý:

Đoạn văn lập luận là một đoạn trong bức thư Lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi. Đây là một áng văn chính luận mẫu mực về nghệ thuật lập luận.

a. Kết luận (mục đích) của lập luận là chỉ ra cho giặc thấy nếu không hiểu thời thế, lại dối trá (kẻ thất phu hèn kém) thì không thể "cùng nói việc binh được”.

b. Để dẫn tới kết luận đó, tác giả đưa ra các luận cứ. Các luận cứ đều là lí lẽ. Xuất phát từ một chân lí tổng quát: "Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết xét thời thế...", tác giả suy luận tới hai hệ quả: "được thời có thế thì biến mất thành còn, hoá nhỏ thành lớn"

"mất thời không thế thì mạnh quay thành yếu, yên chuyển thành nguy". Đó chính là cơ sở để khẳng định bọn giặc không hiểu thời thế, lại dối trá nên chỉ là "kẻ thất phu hèn kém", cầm chắc thất bại.

c. Khái niệm lập luận (xem phần: Những kiến thức và kĩ năng cần nắm vững).

II-Cách xây dựng lập luận:

Bài tập 1.Đọc văn bản “Chữ ta” (SGK) và cho biết:

a. Bài văn nghị luận trên bàn về vấn đề gì? Quan điểm của tác giả về vấn đề đó như thế nào?

b. Bài văn có bao nhiêu luận điểm? Tìm các luận điểm đó.

Gợi ý:

Văn bản Chữ ta của nhà báo Hữu Thọ là một văn bản nghị luận trong đó tác giả thể hiện rất rõ quan điểm của mình.

a. Bài văn bàn về vấn đề chữ viết trên quảng cáo, bảng hiệu, trên báo chí,... Quan điểm của tác giả về vấn đề nàylà: phản đối việc dùng chữ nước ngoài tràn lan ở nước ta hiện nay.

- Tiếng nước ngoài đang lấn lướt tiếng Việt trong các bảng hiệu, quảng cáo ở nước ta.

- Tiếng nước ngoài đưa vào báo chí một cách không cần thiết, gây thiệt thòi cho người đọc.

Bài tập 2. Đọc lại đoạn văn ở mục trước (Thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi), văn bản "Chữ ta” và:

a. Tìm các luận cứ cho mỗi luận điểm.

b. Cho biết đâu là luận cứ lí lẽ, đâu là bằng chứng thực tế. Gợi ý:

- Luận cứ trong đoạn trích Thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi đều là các lí lẽ.

- Luận cứ của cả hai luận điểm trong bài Chữ ta đều là những bằng chứng thực tế "mắt thấy tai nghe" của chính người viết khi tác giả sang Xơ-un (Hàn Quốc) và quay về Việt Nam.

Bài tập 3.Đọc lại hai ngữ liệu trên và:

a. Xác định và phân tích các phương pháp lập luận được vận dụng.

b. Kể thêm một số phương pháp lập luận thường được sử dụng trong văn bản nghị luận.

Gợi ý:

a. Hai ngữ liệu trên sử dụng hai phương pháp lập luận khác nhau:

- Đoạn văn của Nguyễn Trãi lập luận theo phương pháp diễn dịch và quan hệ nhân quả: đầu tiên đưa ra nhận định khái quát ("Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết xét thời thế mà thôi"), sau đó triển khai nhận định bằng các luận cứ (đồng thời cũng là nguyên nhân) và cuối cùng là lời đánh giá từ các luận cứ (đồng thời cũng là kết quả).

- Bài văn của Hữu Thọ lập luân theo phương pháp qui nạp và so sánh đối lập. Để đi đến kết luận về "thái độ tự trọng của một quốc gia", tác giả đã xây dựng hai luận điểm. trong mỗi luận điểm, người viết đều so sánh thực tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam về phương diện chữ viết trên quảng cáo, bảng hiệu và trên báo chí.

b. Một số phương pháp lập luận thường gặp (xem phần: Những kiến thức và kĩ năng cần nắm vững).

III- Luyện tập:

Bài tập 1.Tìm và phân tích các luận điểm, luận cứ và phương pháp lập luận trong đoạn trích ở bài Khái quát văn học Việt Nam từ TK X đến hết TK XIX (SGK).

Gợi ý:

- Luận điểm: Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại rất phong phú, đa dạng. - Luận cứ lí lẽ: Chủ nghĩa nhân đạo biểu hiện ở lòng thương người; lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên con người; khẳng định, đề cao con người;...

- Luận cứ thực tế: Các tác phẩm cụ thể giàu tính nhân đạo trong văn học trung đại Việt Nam từ văn học Phật giáo thời Lý đến văn học giai đoạn TK XVIII - giữa TK XIX (Cáo bệnh, bảo mọi người của thiền sư Mãn Giác; Tỏ lòng của thiền sư Không Lộ; Đại cáo bình Ngô, Tùng, Cảnh ngày hè,... của Nguyễn Trãi; Chuyện người con gái nam Xương của Nguyễn Dữ; Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều; Truyện Kiều của Nguyễn Du;...).

- Phương pháp lập luận: Chủ yếu là phương pháp qui nạp.

Bài tập 2.Hãy tìm luận cứ làn sáng tỏ luận điểm sau: a. đọc sách đem lại cho ta nhiều bổ ích.

b. Môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề.

c. Văn học dân gian là những tác phẩm ngôn từ truyền miệng. Gợi ý:

Có nhiều cách đưa ra luận cứ cũng như có thể có nhiều luận cứ cho mỗi luận điểm mà bài tập nêu ra. Dưới đây là một số luận cứ có thể tham khảo:

a. Đọc sách đem lại cho ta nhiều điều bổ ích.

- Nâng cao tầm hiểu biết về tự nhiên, xã hội, hiểu biết về cuộc sống mọi mặt. - Đọc sách giúp ta khám phá chính bản thân mình.

- Đọc sách sẽ chắp cánh cho những ước mơ, khơi nguồn cho những sáng tạo. - Đọc sách giúp cho việc diễn đạt (nói, viết) tốt hơn.

b. Môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề. - Đất đai bị xói mòn, sạt lở, bị sa mạc hoá. - Không khí bị ô nhiễm.

- Nguồn nước sạch bị nhiễm độc tố.

c. Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng. - Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ.

- Văn học dân gian là những tác phẩm truyền miệng.

Chú ý: Trên đây chủ yếu là các luận cứ lí lẽ. Mỗi luận cứ đều có thể lấy dẫn chứng để chứng minh.

Bài tập 3.Chọn một trong các lập luận vừa xây dựng ở bài tập 2 để viết thành một đoạn văn.

Gợi ý:

Tham khảo đoạn văn sau:

Sách đưa đến cho nhười đọc những hiểu biết mới mẻ về thế giới xung quanh, về vũ trụ bao la, về những đất nước và những dân tộc xa xôi. Những quyển sách khoa học có thể giúp người đọc khám phá ra vũ trụ vô tận với những qui luật của nó, hiểu được trái đất tròn mang trên mình nó bao nhiêu đất nước khác nhau với những hoàn cảnh thiên nhiên khác nhau. Những quyển sách xã hội lại giúp ta hiểu biết về đời sống con người trên các phần đất khác nhau đó với những đặc điểm về kinh tế, lịch sử, văn hoá, những truyền thống, những khát vọng.

(Theo Làm văn 10, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000)

TUẦN 30 2

ĐỌC VĂN: CHÍ KHÍ ANH HÙNG

(Trích Truyện Kiều)

Nguyễn Du A- NHỮNG KIẾN THỨC VÀ KĨ NĂNG CẦN NẮM VỮNG

1. Chí khí anh hùng là đoạn trích nói về Từ Hải - một “anh hùng cái thế”, nhân vật thể hiện giấc mơ công lý của Nguyễn Du. Đoạn trích khắc hoạ hình ảnh Từ Hải với tính cách anh hùng, chí khí phi thường, khát vọng tự do mãnh liệt.

Từ Hải là một anh hùng lí tưởng. Từ ngoại hình lời nói, đến hành động, tính cách và ngay cả cách tỏ tình của Từ Hải đều toát lên phẩm chất người anh hùng. Tâm thế Từ Hải luôn thuộc về "bốn phương", chàng là người của "trời bể mênh mang" và sẵn sàng vào tư thế "thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong". Mọi việc đến nhanh, dồn dập và dứt

khoát. Khẩu khí lời nói của Từ Hải khi từ biệt Kiều rõ là của bậc trượng phu chí lớn: đàng hoàng, đĩnh đạc, có hào khí.

Đoạn trích so với Kim Vân Kiều truyện là hoàn toàn sáng tạo, ngôn ngữ điêu luyện, hình ảnh gợi tả, gợi cảm lớn, giọng điệu đầy hào sảng,... tất cả bộc lộ khuynh hướng lý tưởng hoá trong việc xây dựng nhân vật Từ Hải.

2. Rèn luyện kĩ năng đọc - hiểu một đoạn trích hay trong một kiệt tác của văn học Việt Nam (Truyện Kiều).

B- GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

Bài tập 1- Anh (chị) hãy cho biết hàm nghĩa của các cụm từ " lòng bốn phương" và "mặt phi thường”. Tìm những từ ngữ thể hiện sự trân trọng, kính phục của Nguyễn Du với Từ Hải.

Gợi ý:

- "Lòng bốn phương" là cụm từ có sức gợi tả và gợi cảm lớn. Từ Hải nghe tiếng gọi của bốn phương dậy lên trong lòng trượng phu chí lớn. Bốn phương ở đây có ý nghĩa chỉ thiên hạ, thế giới. "Lòng bốn phương" chỉ chí nguyện lập công danh, sự nghiệp (trong trường hợp này "lòng bốn phương" đồng nghĩa với "chí tang bồng", "chí làm trai",...). Hai câu ba và bốn mở ra không gian "bốn phương" rộng lớn: "Trời bể mênh mang", "lên đường thẳng giong", không gian có sức biểu đạt "chí khí anh hùng". So với hiện thực xã hội thời phong kiến, Từ Hải là một con người “quá kích cỡ”, vì thế hình ảnh Từ Hải phải được đặt trong không gian vũ trụ, trời đất.

"Mặt phi thường" là cụm từ chỉ phẩm chất xuất chúng, hơn người. Điều đó không chỉ đơn giải thể hiện một cách cụ thể ở dung mạo bên ngoài (Râu hùm, hàm én, mày ngài/ Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao) mà quan trọng hơn là toàn bộ phẩm chất, tính cách cũng như cuộc đời, sự nghiệp của con người xuất chúng (trong trường hợp này

"mặt phi thường" đồng nghĩa với "người phi thường", "đời phi thường", "sự nghiệp phi thường",...)

Hai cụm từ: "lòng bốn phương""mặt phi thường" là hai cụm từ vừa có ý nghĩa chỉ khái niệm đồng thời cũng chính là hình tượng văn học. Chúng có quan hệ tương hỗ: những người anh hùng là những người xuất chúng, phi thường, phi phàm, đồng thời lại là con người vũ trụ chứ không phải người thường. Một trong các yếu tố của thi pháp tả người anh hùng là gắn với các hình tượng thiên nhiên, không gian vũ trụ.

- Trong đoạn trích, Nguyễn Du sử dụng rất nhiều từ ngữ biểu thị thái độ trân trọng, kính phục Từ Hải:

+ Đó là những từ ngữ có sắc thái tôn xưng như: "trượng phu", "lòng bốn phương", "mặt phi thường”,...

+ Đó là những từ ngữ chỉ hình ảnh kì vĩ, lớn lao: "mười vạn tinh binh”, "bóng tinh rợp đường", "gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”,...

+ Đó là những từ ngữ diễn tả hành động dứt khoát: "thoắt đã động", "lên đường thẳng dong”, "quyết lời dứt áo ra đi”,...

Nguyễn Du đã miêu tả Từ Hải với thái độ ngưỡng mộ. Ông đã dồn tất cả vẻ đẹp của người anh hùng lí tưởng, giấc mơ của nhân dân vào trong hình tượng Từ Hải.

Bài tập 2. Từ hải bộc lộ lí tưởng anh hùng của mình qua lời nói với Thuý Kiều như thế nào?

Gợi ý:

- Khác với cảnh tiễn biệt giữa Kiều với Kim Trọng và Kiều với Thúc Sinh, đây là cảnh tiễn biệt của Kiều với một trượng phu chí lớn. Chí khí, lòng quyết tâm của Từ là

không gì lay chuyển. Việc ra đi của Từ là công việc tất yếu, quan trọng hàng đầu cho nên phải miêu tả trước và miêu tả một cách ước lệ. Còn việc xin theo của Kiều, tuy rất quan trọng với cuộc đời Kiều, nhưng so với người anh hùng, thì đó chỉ là công việc “nữ nhi thường tình”. Cho nên, để Từ Hải lên ngựa và “lên đường thẳng dong” rồi Nguyễn Du mới nói đến lời tiễn biệt của Kiều vì mục đích miêu tả của Nguyễn Du trong đoạn này là muốn tôn vinh Từ Hải như một nhân vật anh hùng nổi bật.

- Từ Hải nói gì với Kiều và lời của Từ bộc lộ lí tưởng, tính cách anh hùng như thế nào?

+ Giải thích các từ cổ: “Tâm phúc tương tri”, “nữ nhi thường tình”, “tinh binh”, “bóng tinh”, “nghi gia” (xem SGK).

+ Khái quát lời Từ Hải nói với Kiều: Giải thích lí do không thể đem nàng theo và hứa hẹn ngày trở về.

+ Khẩu khí lời nói của Từ Hải rõ là của bậc trượng phu chí lớn: đàng hoàng, đĩnh đạc, có hào khí. Khẩu khí ấy một phần được tạo nên bởi các hình ảnh phi thường, hào hùng: "mười vạn tinh binh", "tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường", "bốn bể không nhà"...

Lời của Từ nói với Kiều không giống lời của người yêu với người yêu, không hẳn của người chồng với người vợ mà đó là lời của một trang anh hùng với người "tâm phúc tương tri". Qua lời Từ ta thấy hiện lên tính cách, phẩm chất, chí khí và khát vọng của một trang anh hùng hảo hán.

Bài tập 3. Nêu nhận xét về đặc điểm của cách miêu tả (hiện thực hay lí tưởng hoá) người anh hùng Từ Hải trong đoạn trích. Đây có phải là cách tả phổ biến của văn học trung đại không?

Gợi ý:

Từ Hải là nhân vật lý tưởng. Nguyễn Du đã dựng chân dung Từ Hải với cảm hứng ngợi ca bởi Từ chính là giấc mơ công lý của Nguyễn Du. Vì vậy miêu tả theo bút pháp hiện thực sẽ không làm nổi bật được điều đó mà phải miêu tả theo bút pháp lí tưởng hoá.

- Nhà thơ đã khắc hoạ những hình ảnh phóng túng, oai hùng: con người "thanh gươm yên ngựa”, “tưởng như che cả trời đất” (Hoài Thanh). Đoạn thơ khép lại bằng cách mở ra hình ảnh cánh chim bằng lướt gió tung mây ("Gió mây bằng đã đếm kì dặm khơi”).

- Nhà thơ sử dụng hệ thống từ ngữ chỉ bậc "trượng phu”: thoắt, quyết, dứt (áo), lòng bốn phương, thẳng giong, dậy đất, rợp đường, tinh binh, phi thường, bốn bể, dặm khơi...

- Ngôn ngữ đối thoại cùng với những biện pháp miêu tả có tính thậm xưng, ước lệ cũng góp phần làm cho khuynh hướng lí tưởng hoá trong ngòi bút Nguyễn Du thêm phần nổi bật. Hình ảnh Từ Hải được hiện lên với vẻ đẹp của sự phi thường.

Anh hùng, tráng sĩ là mẫu nhân vật lí tưởng truyền thống của văn học trung đại. Các nhà văn, nhà thơ đã khái quát thành những khuôn mẫu miêu tả người anh hùng trên hai phương diện: ước lệ và cảm hứng vũ trụ. Hai phương diện này gắn bó chặt chẽ với nhau. Hình tượng Từ Hải của Nguyễn Du vừa nằm trong hệ thống thi pháp tả người anh hùng của văn học trung đại đồng thời có những nét riêng biệt, độc đáo, đặc biệt là Nguyễn Du đã khéo léo lồng những phẩm chất rất anh hùng ở Từ Hải vào trong những phẩm chất rất người khiến cho nhân vật anh hùng nhưng không quá cách biệt với đời thường.

Một phần của tài liệu ngữ văn học kì 2 lớp 10 cơ bản (Trang 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w