5. Lý luận và phương pháp tiếp cận
5.3.2. Phương pháp phỏng vấn sâu
Có thể thấy rằng, các thông tin định lượng trên đặc biệt có ích cho các phân tích khi nó kết hợp với các thông tin định tính. Tuy nhiên, sự nhấn mạnh của nghiên cứu này là thu thập các thông tin định tính thông qua phỏng vấn sâu.
Trong quá trình nghiên cứu, tôi tập trung vào những trải nghiệm cuộc sống và sự thích ứng của người di cư tại đô thị và những nhu cầu an sinh xã hội bức thiết của nhóm đối tượng này; từ đó lý giải các nguyên nhân và tìm hiểu các tác động của hệ thống chính sách an sinh từ phía Nhà nước và các mối quan hệ tương tác của người di cư đối với cuộc sống sinh tồn của họ ở đô thị; nên các cuộc phỏng vấn sâu, các câu chuyện đời của mỗi con người trong quá trình di cư, kiếm sống tại thành phố là mối quan tâm hàng đầu của nghiên cứu.
Thông qua các câu chuyện như vậy, đề tài tìm hiểu được lý do họ rời quê ra thành phố, những khó khăn họ trải qua trong quá trình mưu sinh, sự thay đổi trong lối sống, suy nghĩ, hành xử của họ khi tham gia vào cuộc sống tại đô thị, thái độ của họ trước sự kỳ thị, phân biệt đối xử của chính quyền và người dân địa phương; nhu cầu, mong muốn của họ về việc được trợ giúp trong cuộc sống. Các câu chuyện về mạng lưới xã hội của họ, mối quan hệ gia đình, anh em, đồng hương trong quá trình di cư giúp ích cho việc khám phá một mạng lưới an sinh của riêng họ, những nỗ lực trong việc tận dụng mọi nguồn vốn thông qua các mối quan hệ của người di cư nhằm giảm thiểu những rủi ro họ gặp phải.
Để có một cái nhìn toàn diện, và kiểm chứng chính xác thực của thông tin, nghiên cứu tiến hành phỏng vấn, tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau. Xoay quanh các mối liên hệ xung quanh người di cư, chúng tôi cũng quan tâm tới thái độ, các ứng xử, đặc biệt là những hành xử trong một không gian chung, của người dân sở tại đối với người di cư, điều này cũng
thể hiện một mức độ an sinh nhất định. Thái độ và những động thái của chính quyền sở tại đối với người di cư cũng được tìm hiểu thông qua các cuộc phỏng vấn một số nhà quản lý.