Những tác động tích cực

Một phần của tài liệu Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam (Trang 37)

2. Huỳnh Thúc Kháng và tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam

2.1.Những tác động tích cực

Nghiên cứu thơ văn Huỳnh Thúc Kháng trên quan điểm khách quan, chúng tôi nhận thấy thơ văn ông đóng vai trò là một trong những người đi tiên phong và là bước trung chuyển tuy khá phức tạp nhưng tất yếu tới tiến trình vận động của nền văn học. Với toàn bộ văn nghiệp khá đồ sộ và phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, Huỳnh Thúc Kháng nổi lên như một trong số ít cây bút tiêu biểu, một tác nhân uy quyền của tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam ba mươi năm đầu thế kỉ. Tuy nhiên, như đã nói, do tính đặc thù của bối cảnh lịch sử chính trị khi xuất hiện xu hướng hiện đại hóa trong văn học

nên trong các sáng tác của Huỳnh Thúc Kháng cũng như trong sáng tác của các tác giả đương thời đều mang những nét đứt gãy, những biểu hiện mang tính hai mặt, vừa có những tác động tích cực, kích thích hiện đại hóa tăng gia tốc phát triển, vừa có những hạn chế, thậm chí kìm hãm sự phát triển khách quan, tất yếu của quá trình hiện đại hóa. Ở phương diện thứ nhất là những tác động mang tính tích cực tới sự phát triển của nền văn học của thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, chúng tôi sẽ trình bày trên mấy bình diện sau :

Với tư cách là một yếu tố cơ bản và đầu tiên cấu thành nên cấu trúc nội tại của một phạm trù, một trào lưu văn học, quan niệm văn học đóng vai trò quan trọng đối với sự vận động và phát triển của văn học. Ngay từ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, từ một nền văn học trung đại mang tính khu vực, văn học Việt Nam bắt đầu chuyển dần từng bước sang nền văn học hiện đại mang tính quốc tế. Trong cuộc tiếp xúc đầy mới mẻ và khó khăn với phương Tây, yêu cầu hiện đại hoá nền văn học dân tộc đã từng bước thúc đẩy việc hình thành một quan niệm văn học mới. Bởi quan niệm văn học là một trong những phương diện phản ánh rõ nhất sự thay đổi của văn học, đồng thời sự thay đổi của văn học trước hết cũng được thể hiện ở sự thay đổi quan niệm văn học. Nhưng đó không phải là sự biến đổi hoàn toàn, ngay lập tức mà là một quá trình diễn ra dần dần, từ từ và qua nhiều chặng đường phát triển của văn học. Giai đoạn cuối thế kỉ XIX, cuộc sống đã bắt đầu có những thay đổi khác trước, nền văn học đang chuyển động với nhiều biến đổi sâu sắc. Bên cạnh quan niệm xã hội luân thường gắn với con người đạo đức và chức năng truyền thống của Nho gia vẫn được “giữ gìn một cách dai dẳng” (Trần Đình Hượu) trong kí ức sâu thẳm của công chúng thưởng thức văn học và những tác giả sáng tác văn chương thì ý thức về một quan niệm văn học mới cũng dần hình thành. Nếu người xưa lấy mục tiêu “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí” làm mục đích tối hậu trong sáng tác thơ văn, thì đến Huỳnh thúc Kháng và các chí sĩ

cùng thời, các ông quan niệm làm thơ với tâm lí “thế đạo nhân tâm”, tức là để nói lên những tâm sự thời thế, lòng yêu nước, niềm trăn trở về mở mang tri thức, bảo vệ luân lí, giống nòi. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng mặc dù đã có những nỗ lực cách tân trong ý thức sáng tạo nghệ thuật, trong quan niệm sáng tác nhưng văn chương tuyên truyền cổ động (thứ mà sau này văn học cách mạng phục sinh dưới nguyên lí văn nghệ phục vụ chính trị) của Huỳnh Thúc Kháng và các chí sĩ cách mạng đương thời thực chất lại là sự biến thái của quan niệm “văn dĩ tải đạo” của văn chương trung đại.

Sự thay đổi về quan niệm sáng tác sẽ kéo theo sự thay đổi về chủ đề, đề tài cũng như đối tượng thẩm mĩ. Nếu văn chương trung đại do tính chất phân hoá xã hội sâu sắc, chỉ những học trò ưu tú của “cửa Khổng sân Trình” mới đủ tư cách và quyền uy lựa chọn con đường lập ngôn, do đó đối tượng tiếp nhận của văn chương trung đại cũng phải là loại đối tượng được lựa chọn, bị phân hoá. Nói một cách chính xác, các tác giả văn học trung đại chỉ sáng tác cho riêng mình thưởng thức hoặc nếu có cho người khác thưởng thức thì cũng phải là một người tri kỉ hay cho một đối tượng tương xứng nào đó về mặt học thuật hoặc về tư tưởng. Đến Huỳnh Thúc Kháng và các chí sĩ cùng thời khác, mặc dù sáng tác của các ông đậm chất chính luận, tính thời sự và đề cập đến những vấn đề trọng đại của đất nước nhưng đối tượng hướng đến lại là đông đảo quần chúng nhân dân, đây vừa là đối tượng tiếp nhận thẩm mĩ lại vừa là đối tượng thẩm mĩ trong thơ ông. Nhìn chung, các sáng tác của Huỳnh Thúc Kháng được làm ra để phục vụ mục đích chiến đấu, nên nó có tính chất hô hào, cổ động nhân dân ta tiến bước lên trên con đường đấu tranh, giữ gìn đạo lí, giải phóng dân tộc. Chính vì thế mà trong thơ văn của Huỳnh Thúc Kháng dường như không có một biên độ hay một tịnh biên nào cho những chủ đề, đề tài được phản ánh trong sáng tác của ông. Thơ văn ông đề cập đến nhiều khía cạnh của đời sống và gắn liền với những biến động về chính trị – xã hội, vì lẽ

đó, thơ văn Huỳnh thúc Kháng cũng như thơ văn của nhiều nhà nho – chí sĩ đương thời khác mang tính thời sự, tính phản biện xã hội và tinh thần phê phán sâu sắc. Đặc điểm này ta ít bắt gặp trong văn học trung đại, mà nếu có thì nó cũng không hướng đến đối tượng là quần chúng nhân dân.

Qua những sáng tác thơ văn của Huỳnh Thúc Kháng, người đọc hiểu thêm về con người ông, một người suốt đời tâm huyết với sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là làm cách mạng bằng văn chương.Nhưng cũng phải nói ngay rằng quan niệm văn học mới mẻ này không phải đến Huỳnh Thúc Kháng mới xuất hiện và nó không chỉ xuất hiện ở một tác giả mà còn biểu hiện ở một nhóm các tác giả trước đó như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trọng Quản, Huỳnh Tịnh Của,… Với những sáng tác văn xuôi quốc ngữ của họ, mầm mống của một nền văn học hiện đại đang le lói qua những biểu hiện về quan niệm văn học không chỉ ở việc sử dụng ngôn ngữ nôm na đời thường để sáng tác mà còn hướng tới những vấn đề của đời sống thực tại và quan tâm đến đối tượng thưởng thức là người bình dân. Trở lại với những sáng tác bằng văn xuôi quốc ngữ của Huỳnh Thúc Kháng chúng tôi nhận thấy trong cách viết tác giả đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề nhận thức, mô tả, phản ánh hiện thực chứ không chỉ hướng đạo nêu gương như trong văn học truyền thống nữa. Cách lựa chọn đề tài của Huỳnh Thúc Kháng cũng khác nhiều so với văn học trung đại. Đề tài trong các sáng tác của ông thường không đề cao những nhân vật phi thường anh hùng liệt nữ hay ca ngợi những tấm gương trung hiếu tiết liệt vốn ngự trị hàng ngàn năm trên văn đàn mà thiết thực, gần gũi với đời sống.

Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, văn học nhận thức và thể hiện nhận thức về thế giới khách quan, về quan niệm thẩm mĩ thông qua hình tượng văn học. Hình tượng văn học là một trong những yếu tố tạo nên sức sống phi thời gian cho các tác phẩm văn học. Sự thay đổi của quan niệm văn học, đề tài, chủ đề cũng tất yếu đưa đến những thay đổi về hình tượng văn

học trong các sáng tác của các nhà nho – chí sĩ. Xét riêng trong các sáng tác của Huỳnh Thúc Kháng, chúng tôi thấy rằng nổi bật trong các sáng tác của Huỳnh Thúc Kháng là hình tượng người chiến sĩ đi tiên phong trong phong trào cải cách văn hoá, khởi xướng phong trào Duy Tân, một chiến sĩ tiêu biểu và quyền uy trên mặt trận báo chí những năm ông ra làm báo Tiếng Dân.

Đó cũng là hình tượng người anh hùng trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng vững vàng kiên trung, lạc quan.

Không chỉ ở trong thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, hình tượng người công dân tự nhiệm chúng ta còn bắt gặp trong các sáng tác của nhiều nhà nho – chí sĩ tiêu biểu đương thời như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,... Chính các ông đã đưa đến cho diện mạo văn học Việt Nam một kiểu hình tượng mới – hình tượng người công dân tự nhiệm, và cũng chính hình tượng người công dân tự nhiệm đã làm nên vẻ đẹp đặc biệt của thơ văn Việt Nam đầu thế kỉ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thấy hiện lên rõ nét trên trang viết của nhà chí sĩ một con người giàu tình cảm với quê hương, với vợ con, bạn bè, đồng chí và cả với những thân phận nhỏ bé, những nạn nhân đáng thương của chiến tranh (người bán bánh mì sớm,...). Ở những tác phẩm này, tuy tác giả chưa đi sâu vào miêu tả diễn biến các sắc thái tâm trạng của nhân vật trữ tình nhưng nói chung, sáng tác của nhà chí sĩ đã bắt đầu quan tâm tới việc nhận thức, mô tả

tâm lí, suy nghĩ của

nhân vật.

Một điều không thể phủ nhận làxuyên suốt các sáng tác của Huỳnh Thúc Kháng chúng ta thấy xuất hiện bóng dáng của những hình tượng trong văn học hiện đại, đó là hình tượng người công dân với ý thức tự nhiệm cao độ, giàu tình yêu thương đối với nhân dân lao động – những nạn nhân đáng thương nhất của chiến tranh, đó cũng chính là hình ảnh của nhà nho – chí sĩ

Huỳnh Thúc Kháng – một con người giàu lòng ưu thời mẫn thế. Cuộc đời ông giống như một ngọn nến luôn cháy cạn mình cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Con người ấy với những việc đã làm trên mọi mặt trận xứng đáng được nhân dân ngưỡng vọng và tin theo, ông xứng đáng là một trong số ít những chí sĩ yêu nước đầu thế kỉ XX mà nhân cách và khí phách sẽ còn sáng mãi đến mai sau, văn nghiệp của ông với những đóng góp nhất định đối với lịch sử văn học nước nhà cần được ghi nhận xứng đáng.

Về phương diện thể loại, như chúng ta đã biết, thể loại vừa là tiêu chí hình thức nhận diện và phân kì văn học, đồng thời cũng thể hiện những quan niệm về văn học, quan niệm thẩm mĩ, “cái nhìn đối với thế giới” tiêu biểu của một trào lưu hay một thời đại văn học. Sự chuyển dịch giữa những thời đại lớn của văn học thường được đánh dấu bằng việc cấu trúc hoá một hệ thống những thể loại đặc thù. Lấy tiêu chí thể loại để quy chiếu vào các sáng tác của Huỳnh Thúc Kháng, chúng tôi nhận thấy rằng : cùng với một số ít những tác giả nhà nho chí sĩ khác, mà tiêu biểu là Phan Bội Châu, thơ văn Huỳnh Thúc Kháng có được khả năng huy động tổng lực phương diện văn chương – trên tất cả các loại và thể – gần như không sót bất cứ dạng nào để nhập cuộc, gồm đủ thơ, phú, văn tế, câu đối, văn xuôi – chính luận, tranh luận, thư từ, tự truyện, dịch thuật,… trong đó có những thể loại được tác giả tái cấu trúc những thể loại văn học truyền thống nhưng là để nói những vấn đề trọng đại, nóng bỏng tính thời sự của đất nước và của thời đại, nhưng mặt khác cũng có những thể loại rất mới, rất hiện đại chỉ xuất hiện trên văn đàn Việt Nam những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Nhưng cũng cần ghi nhận rằng, ở bất cứ thể loại nào ông cũng đều có những tác phẩm in rõ dấu ấn sáng tạo của mình và nóng hổi tinh thần và khí thế thời đại. Với bất cứ thể văn nào và ở vào hoàn cảnh nào, ngọn bút của ông cũng sục sôi một bầu nhiệt huyết, mà

đến thẳng con tim, khối óc người đọc, để giục giã và hối thúc họ dấn thân hành động.

Khảo sát những trước tác của Huỳnh Thúc Kháng chúng tôi thấy, hai giai đoạn đầu (tức là từ năm 1921 trở về trước) sở trường của Huỳnh Thúc Kháng là sáng tác thơ để cổ động, hô hào, kêu gọi nhân dân trong cuộc vận động canh tân đất nước trên lĩnh vực văn hoá (giai đoạn 1) hoặc nêu lên chí khí làm trai, những trăn trở, tâm sự của nhà chí sĩ trong thời gian 13 năm bị tù đày tại Côn Đảo. Trong giai đoạn này, những bài thơ của ông được sáng tác bằng cả chữ Hán và chữ quốc ngữ, tuy nhiên, các sáng tác bằng chữ Hán vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, đề tài, chủ đề và những vấn đề được phản ánh trong thơ ông đã có những cái thoát ra ngoài phạm vi của thơ trung đại, đối tượng phản ánh đã tiệm cận gần hơn tới hiện thực cuộc sống và những diễn biến của thời đại. Cao hơn nữa, những tác phẩm thơ của Huỳnh Thúc Kháng không còn chịu gò bó trong những khuôn khổ chặt chẽ của niêm, luật như thơ truyền thống. Để diễn đạt có hiệu quả những điều trăn trở, những tâm sự về nhân tình thế thái, nhà chí sĩ thường lựa chọn lối thơ tự do, không chịu quy định về niêm luật, cách gieo vần, về số lượng câu chữ,… từ mục đích sáng tác, lẽ dĩ nhiên tác giả phải tìm đến một hình thưc diễn đạt như thế, vấn đề mối quan hệ giữa nội dung và hình thức vì thế được đặt ra và trở nên gắn bó chặt chẽ hơn so với các sáng tác thơ ca trung đại.

So với hai giai đoạn sáng tác trước thì giai đoạn sáng tác thứ ba những nỗ lực cách tân văn học của Huỳnh thúc Kháng mới thực sự được thể hiện đầy đủ và tương đối toàn diện hơn. Giai đoạn sáng tác này của nhà chí sĩ gắn liền với sự ra đời và tồn tại của báo Tiếng Dân – một tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kì. Tiếng Dân là một giai đoạn quan trọng đánh dấu sự chuyển biến về nỗ lực cách tân văn học của Huỳnh Thúc Kháng. Chỉ riêng sự kiện một nhà nho, một cựu “quốc sự phạm” ra làm báo và lại đứng ở vị trí

tuyến đầu đã là một sự kiện quan trọng, và thực tế lịch sử cho thấy, những gì mà Huỳnh Thúc Kháng đã làm trong thời gian này : làm thơ, viết phê bình, tranh luận, dịch thuật, viết biên niên sử,… đủ sức tạo ra những ảnh hưởng tích cực tới sự vận động và phát triển của nền văn học.

Từ một nhà nho chuyển sang làm báo, Huỳnh Thúc Kháng đã tỏ ra khá tinh tế, nhạy cảm với những biến động của thời đại, và dường như rất chủ động ông chọn báo chí như một lựa chọn đắc dụng để nhập cuộc, nhất là để tham gia vào quá trình hiện đại hoá văn học với một sự tự giác cao độ nhất và hiệu quả cao nhất. Mặc dù không thành công trong sự nghiệp cứu nước nhưng tiếng thơ và tài năng của nhà chí sĩ thì mãi còn lưu lại với non sông :

Anh hùng mạc bả doanh thâu luận ; Vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu.

(Khuyết danh)

(Dịch nghĩa : Không thể lấy việc được thua mà bàn luận về người anh hùng. Ở trong vũ trụ sẽ lưu mãi tiếng khen tiết nghĩa).

Với số lượng khá đồ sộ, đa dạng về mặt thể loại, thơ văn Huỳnh Thúc Kháng có những đóng góp không nhỏ về sự phát triển của các thể loại văn học trong thời kì đầu của tiến trình hiện đại hoá văn học dân tộc cả những sáng tác bằng chữ Hán và những sáng tác bằng chữ quốc ngữ.

Có thể nói, những bài tranh luận xung quanh Truyện Kiều những năm 1919 – 1934 trong đó có sự tham gia của Huỳnh Thúc Kháng từ năm 1930 đến năm 1934 ít nhiều đều có giá trị lí luận, phản ánh sự vận động của nền văn, đồng thời cũng thể hiện tư duy lí luận của các nhà chí sĩ đã phát triển ở

Một phần của tài liệu Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam (Trang 37)