Quy luật đi từ trừu tượng đến cụ thể nói lên con đường, theo đó tư duy lý luận tái hiện được bản chất đối tượng trong sự vận động của khái niệm. Trên con đường này, khái niệm trong sự vận động, ngày càng sát hợp với đối tượng. ở đây, trước hết có mối quan hệ giữa khái niệm vận động
trong tư duy lý luận và đối tượng tồn tại trong khách thể nhận thức. Khái
niệm không chỉ vận động trong tư duy con người, mà còn vận động cả trong lịch sử nhận thức của nhân loại. Thành thử, còn có mối quan hệ giữa một bên là khái niệm vận động trong tư duy lý luận với bên khác là khái
niệm vận động trong lịch sử nhận thức nhân loại. Khái quát lại ta có mối
tương quan lôgíc và lịch sử của sự vận động khái niệm trong tư duy lý luận. Tương quan này chi phối sự vận động của các khái niệm ở hai trường hợp.
Trường hợp đầu tiên là tương quan giữa khái niệm vận động trong tư duy lý luận với đối tượng tồn tại trong khách thể nhận thức.
Cái lịch sử, trước hết là bản thân đối tượng với toàn bộ những biểu hiện, chi tiết và xu hướng, những điều kiện và quan hệ, những giai đoạn và bước chuyển của nó diễn ra theo trình tự thời gian. Đây là lịch sử đối tượng, vốn mang tính khách quan (theo nghĩa tương đối) đối với sự vận động khái niệm của nó trong tư duy lý luận. Từ cái lịch sử này, thông qua thực tiễn, nhận thức bước đầu của con người phản ánh đối tượng bằng những trực quan và kinh nghiệm. ở đó đối tượng được diễn tả một cách trực tiếp trong cái mà theo Mác, là những “biểu tượng hỗn độn về tổng thể” [70, 876-877]. Các biểu tượng này thể hiện được đối tượng trong tính tổng thể bề ngoài và vận động theo đúng trình tự mà đối tượng phải trải qua theo thời gian. Toàn bộ những biểu tượng ấy cũng hợp thành “cái lịch sử” với tính cách là sự nhận thức bước đầu về đối tượng, bao gồm hết thảy những
trực quan và kinh nghiệm về đối tượng. Đây là cái lịch sử được tạo ra trong
sự phản ánh đối tượng, có nguồn gốc từ đối tượng. Dù ở phương diện nào cái lịch sử cũng có đặc trưng là tính toàn vẹn, tính phong phú, có nội dung pha trộn cả bản chất và hiện tượng, quy luật và sự kiện, tất yếu và ngẫu
nhiên. Nghĩa là trong cái lịch sử, những gì thuộc về bản chất, quy luật và tất
yếu không có biểu hiện thuần khiết.
Với những tài liệu trực quan và kinh nghiệm được cung cấp ở bước đầu, tư duy (và nhận thức nói chung) đi theo con đường lịch sử đến chỗ tạo dựng nên những trừu tượng. Rồi từ những trừu tượng đơn giản, theo con đường lôgíc, tư duy xây dựng và triển khai các khái niệm theo những liên hệ và trình tự có tính quy luật để diễn tả ngày càng chính xác, đầy đủ hơn bản chất của đối tượng. Đó là sự vận động của khái niệm đi từ những trừu tượng đến chỗ tái hiện đối tượng với tính cách cái cụ thể trong tư duy. Theo con đường này, tư duy tạo ra một chuỗi những liên hệ và trình tự có tính quy luật của sự triển khai các khái niệm, tức là tạo ra “cái lôgíc”. Vậy cái
lôgíc ở đây là, hệ thống những mối liên hệ và trình tự có tính quy luật của
sự vận động khái niệm trong tư duy lý luận. Đó là lôgíc vận động của khái
niệm và rộng hơn nữa là lôgíc hoạt động của tư duy lý luận. Theo quan điểm duy vật biện chứng, lôgíc vận động của khái niệm là sự phản ánh có cải biến và sáng tạo trên bình diện lý luận những mối liên hệ và trình tự có tính qui luật của sự vận động đối tượng. Những liên hệ và quy luật ấy cũng hợp thành cái lôgíc, song đó là cái lôgíc khách quan tồn tại trong đối tượng với tính cách cái lịch sử. Cái lôgíc ở phương diện nào cũng có nội dung bao
hàm các liên hệ và trình tự mang tính tất yếu, phổ biến và bản chất, hay nói khái quát là những liên hệ và trình tự có tính qui luật. Song, nếu cái lôgíc khách quan thuộc về đối tượng mà với nó tính tất yếu, phổ biến và bản chất không có biểu hiện thuần khiết, thì lôgíc vận động của khái niệm lại thuộc về tư duy mà với nó tính tất yếu, phổ biến và bản chất lại được tách ra và có biểu hiện dưới dạng thuần khiết. Để sáng tỏ tương quan lôgíc và lịch sử, ở đây chúng ta hiểu “cái lôgíc” là hệ thống những mối liên hệ và
trình tự có tính quy luật của sự vận động (hay triển khai) khái niệm trong tư
duy lý luận.
Vậy ở trường hợp này, tương quan lôgíc và lịch sử trong sự vận động của khái niệm có ba nội dung chính.
Nội dung thứ nhất thể hiện quan hệ giữa lịch sử đối tượng và lôgíc
vận động của khái niệm. Lôgíc là sự phản ánh lịch sử trong tính quy luật, là
sự diễn tả trong sự vận động của các khái niệm về lôgíc khách quan của đối tượng. Cái lịch sử là tính thứ nhất có địa vị chi phối, còn cái lôgíc là tính thứ hai lệ thuộc vào cái lịch sử. Phản ánh cái lịch sử, cái lôgíc nắm lấy những gì thuộc về bản chất, tất yếu, phổ biến đồng thời lột bỏ đi những gì chỉ có tính đơn nhất, bề ngoài và ngẫu nhiên. Trong cái lôgíc, cái lịch sử không bị loại trừ đi mà được cải tạo, sửa chữa và rút gọn lại theo tính quy luật. Vậy lôgíc của sự vận động khái niệm cũng là cái lịch sử, nhưng đó là cái lịch sử đã thoát khỏi tính sự kiện, bề ngoài, ngẫu nhiên của nó. Cho nên cái lôgíc trong sự vận động của khái niệm phù hợp về đại thể với lịch sử đối tượng. Ăngghen viết:
Lịch sử bắt đầu từ đâu thì quá trình tư duy (lôgíc) cũng phải bắt đầu từ đó, và sự vận động tiếp tục của nó chẳng qua là sự phản ánh quá trình lịch sử dưới một hình thái trừu tượng và nhất quán về lý luận; nó là sự phản ánh đã được uốn nắn, nhưng uốn nắn theo những quy luật mà bản thân quá trình lịch sử hiện thực đã cung cấp [71, 614].
Do chỗ đối tượng chỉ tồn tại trong sự vận động, cho nên khái niệm phải phản ánh nó trong tư duy như một quá trình trở thành và phát triển mới có thể diễn tả được lôgíc khách quan của nó. Sự phản ánh như thế về đối tượng, đảm bảo cho lôgíc vận động của khái niệm phù hợp về đại thể với cái lịch sử và vì vậy, cái lôgíc biểu hiện như sự nhận thức bản chất, quy luật của cái lịch sử, là sự tái sinh cái lịch sử trên những nét chính.
Sự phù hợp của cái lôgíc với cái lịch sử chỉ là trên xu thế chung và
về cơ bản, chứ không phải là trên tất cả các mặt và về chi tiết. Trong sự vận
động của khái niệm, cái lôgíc không thể theo dõi hết tất cả những chi tiết đa dạng và bước chuyển quá độ của cái lịch sử, mà chỉ hướng đến nắm lấy những gì có tính quy luật. Do đó, cái lôgíc không trùng lắp hoàn toàn với cái lịch sử, thậm chí có chỗ nó không theo trình tự diễn tiến cụ thể của cái
lịch sử. Ăngghen chỉ rõ:
Lịch sử thường phát triển qua những bước nhảy vọt và những bước khúc khuỷu quanh co, và nếu nhất định bất cứ ở chỗ nào cũng đều phải đi theo nó, thì không những sẽ phải nêu lên nhiều tài liệu không quan trọng, mà thường thường còn phải ngắt đoạn tiến trình tư tưởng nữa [71, 614].
Nội dung thứ hai thể hiện quan hệ giữa những trực quan và kinh
nghiệm về đối tượng với lôgíc vận động của khái niệm. Đây thực chất là
quan hệ giữa hai cấp độ và hai phương thức phản ánh đối tượng. Trong những trực quan và kinh nghiệm, đối tượng được phản ánh như một tổng thể phong phú về bề ngoài, pha trộn vẻ ngẫu nhiên và tính sự kiện đa dạng; còn trong khái niệm và sự vận động của nó, đối tượng được diễn tả về mặt bản chất, tất yếu và quy luật. Để đạt được sự nhận thức về mặt bản chất, tất yếu và quy luật của đối tượng, tư duy lý luận phải trải qua quá trình cải biến những tài liệu trực quan và kinh nghiệm, lột bỏ vẻ bề ngoài, ngẫu nhiên và thứ yếu của chúng, xây dựng và triển khai sự vận động của các khái niệm. ở đây, cái lịch sử là sự nhận thức trực quan và kinh nghiệm về đối tượng, là nguồn tài liệu trên đó tư duy tạo dựng cái lôgíc; còn cái lôgíc là sự nhận thức lý luận về đối tượng, là sự tổng kết, khái quát hóa, tóm tắt và rút gọn lại cái lịch sử ấy. Vì vậy, khái niệm cùng vận động của nó trong tư duy lý luận có tính cách là sự phủ định biện chứng đối với những trực quan và kinh nghiệm về đối tượng. Sự phủ định này, một mặt gạt bỏ đi vẻ bề ngoài, ngẫu nhiên và tính sự kiện nhất thời của những tài liệu trực quan, kinh nghiệm, mặt khác giữ lại, sửa chữa, uốn nắn, sắp xếp một cách nhất quán những gì trong đó mách bảo được bản chất, tất yếu, quy luật và làm cho cái lôgíc được tạo dựng trong tư duy như là hình thức rút gọn, kết tinh, cô đặc lại trên trình độ cao của cái lịch sử. Đặc trưng đó của cái lôgíc nói lên rằng, nó chính là bản thân cái lịch sử đã được giải phóng khỏi hình thái ngẫu nhiên pha trộn và được nâng lên trên trình độ cao (lý luận) của sự nhận thức
đối tượng. Vậy là ở nội dung này, cái lôgíc cũng chỉ phù hợp về đại thể mà không có sự trùng lắp hoàn toàn với cái lịch sử, trình tự của cái lôgíc có thể bỏ qua những chi tiết thứ yếu, những bước đi quá độ của cái lịch sử.
Nội dung thứ ba thể hiện quan hệ giữa con đường lịch sử và con
đường lôgíc của sự nhận thức đối tượng trong vận động của khái niệm. Từ
cái lịch sử đến cái lôgíc, nhận thức phải thực hiện một quá trình trải qua hai vòng khâu. Vòng khâu thứ nhất theo con đường lịch sử, từ trực quan và kinh nghiệm rút ra những trừu tượng ngày càng đơn giản; vòng khâu thứ hai theo con đường lôgíc, từ những trừu tượng ban đầu đơn giản tạo dựng nên cái cụ thể trong tư duy. Nói chung, sự theo dõi đối tượng trong tư duy với đầy đủ tất cả những giai đoạn, những biểu hiện đa dạng, chi tiết là con
đường lịch sử, còn sự triển khai các hình thức tư tưởng theo những liên hệ
và trình tự có tính quy luật để mô tả đối tượng với tính cách cái cụ thể trong tư duy là con đường lôgíc của nhận thức. Sự hình thành và vận động các khái niệm trong tư duy lý luận cũng bao gồm hai vòng khâu ấy, thể hiện mối quan hệ giữa con đường lịch sử và con đường lôgíc của sự nhận thức đối tượng.
Mỗi khái niệm trong tư duy lý luận với tính cách là cái trừu tượng cụ thể, được hình thành thông qua hai vòng khâu nhận thức, từ cụ thể đến trừu tượng và từ trừu tượng đến cụ thể. Trước hết, chủ thể tư duy tiếp cận đối tượng với tính cách là cái cụ thể và theo dõi nó trong tính toàn bộ lịch sử. Lúc này đối tượng hiện ra trước chủ thể như là cái lịch sử về cả khách quan và chủ quan. Từ điểm xuất phát đó, bằng phân tích và trừu tượng hóa, chủ thể rút ra trong tư duy những trừu tượng. Sự nhận thức để tiến đến chỗ rút ra những trừu tượng phải bám sát vào các tài liệu trực quan và kinh nghiệm về đối tượng, cho nên nó mang đầy đủ đặc điểm của cái lịch sử. Đó là con
đường lịch sử của sự hình thành khái niệm.
Mỗi trừu tượng phản ánh được từng mặt, từng liên hệ chung, tất yếu, nhưng hãy còn phiến diện vì đã bị tách ra khỏi tính tổng thể đối tượng, trong khi khái niệm lại là sự phản ánh có tính chỉnh thể của nhiều qui định đối tượng tức là cái trừu tượng cụ thể. Thiếu những trừu tượng thì không có khái niệm và tư duy cũng chưa thực sự bước vào xây dựng khái niệm. Vậy con đường lịch sử quanh co và phức tạp của sự nhận thức đối tượng, là một tiền đề cần thiết để tư duy xây dựng khái niệm.
Xuất phát từ những trừu tượng ban đầu (đơn giản, trực tiếp nhưng cơ bản), bằng tổng hợp, nhận thức từng bước tạo dựng khái niệm với tính cách là cái cụ thể trong tư duy. ở đây sự tổng hợp đáp ứng yêu cầu thực hiện hệ thống mối liên hệ có tính quy luật giữa các trừu tượng nhằm khắc phục tính phiến diện của nhận thức trước đây, triển khai chúng một cách nhất quán theo trình tự được chi phối bởi quy luật, tái hiện lại tính tổng thể đối tượng về bản chất. Sự vận động như vậy của nhận thức tuân theo những liên hệ và trình tự có tính quy luật, khắc phục được tính ngẫu nhiên pha trộn, tính sự kiện đa dạng, phức tạp của cái lịch sử và có đầy đủ các đặc điểm của cái lôgíc. Đó chính là con đường lôgíc của sự hình thành khái niệm.
Cũng vì mỗi khái niệm trong tư duy lý luận có tính cách là cái trừu tượng cụ thể, cho nên sự vận động của nó cũng trải qua hai vòng khâu, từ cụ thể đến trừu tượng và từ trừu tượng đến cụ thể. Lôgíc vận động của khái niệm ở hai vòng khâu này có nội dung chủ yếu là sự thâm nhập lẫn nhau
giữa cái đơn nhất và cái phổ biến. Sự thâm nhập của cái đơn nhất vào cái
phổ biến thực hiện vòng khâu đi từ cụ thể đến trừu tượng. Nó phải dựa vào cái đơn nhất mang đầy đủ tính toàn bộ lịch sử để tạo dựng nên cái phổ biến trừu tượng. Đó là con đường lịch sử của sự vận động mỗi khái niệm. Còn sự thâm nhập của cái phổ biến vào cái đơn nhất, thực hiện vòng khâu đi từ trừu tượng đến cụ thể. Đây là sự nhận thức cái đơn nhất bằng việc triển khai cái phổ biến và được thực hiện trên tầm cao của cái phổ biến. Việc triển khai cái phổ biến nhằm quán triệt cái đơn nhất trong vận động của khái niệm dựa chắc trên tính quy luật và có đủ các đặc điểm của cái lôgíc. Đó là
con đường lôgíc trong vận động của mỗi khái niệm, làm cho cái đơn nhất
trở thành mắt khâu tất yếu của cái phổ biến và cái phổ biến trừu tượng ngày càng trở thành cái phổ biến cụ thể tức cái cụ thể trong tư duy.
Tuy nhiên, trong sự vận động của mỗi khái niệm, các vòng khâu thâm nhập lẫn nhau giữa cái đơn nhất và cái phổ biến là đồng thời, cho nên ở đây con đường lịch sử và con đường lôgíc cũng được thực hiện đồng thời, cứ mỗi bước tiến của lịch sử cũng là mỗi bước tiến của lôgíc và không có con đường nào chiếm ưu thế tuyệt đối.
Cả con đường lịch sử và con đường lôgíc đều được thực hiện trong sự hình thành và vận động của khái niệm. Đây là hai con đường khác nhau nhưng thống nhất biện chứng với nhau.
Để nắm được bản chất và quy luật của đối tượng trong sự vận động khái niệm, tư duy phải theo dõi nó trong tính toàn bộ lịch sử; ngược lại, chỉ khi diễn tả được bản chất và quy luật của đối tượng vào trong khái niệm, tư duy mới có thể nhận thức nó một cách đúng đắn về mặt lịch sử. Tuy vậy, chính sự kiện những trừu tượng hay cái phổ biến trừu tượng được tạo dựng trong sự hình thành và vận động của khái niệm đã chứng tỏ con đường lịch sử cũng hướng đến nắm bắt cái lôgíc, qua việc phân tích lịch sử đối tượng cùng những tài liệu trực quan và kinh nghiệm về đối tượng. Dĩ nhiên, trong