6. Một số nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động TTQT bằng L/C tại NHĐT&PT Hà Nộ
6.1 Nhóm nguyên nhân khách quan
a- Hành lang pháp lí cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ nói riêng còn thiếu và chưa đồng bộ.
Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực thi hành từ 1/10/1998, song vấn đề ban hành các Nghị định văn bản pháp quy để thi hành luật còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa hoàn chỉnh. Riêng hoạt động thanh toán quốc tế ở Việt Nam chưa có một văn bản riêng nào điều chỉnh các mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia, chưa có riêng một quy chế, hệ thống các văn bản pháp lý hướng dẫn thựchiện giao dịch thanh toán xuất nhập khẩu nói chung và thanhtoán tín dụng chứng từ nói riêng.
Trong khi đó, các văn bản pháp lý hiện hành chỉ quy định chung chung như: "Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghia Việt Nam tham gia có quy định khác với quy định của...(Nghị định này), thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. Trong trường hợp pháp luật Việt Nam không cấm. Các bên tham gia hoạt động ngoại hối với nước ngoài có thể thoả thuận áp dụng tập quán quốc tế hoặc pháp luật nước ngoài, nếu không gây ra hậu quả làm thiệt đến lợi ích của Việt Nam." (Nghị định của chính phủ số 63/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 về quản lí ngoại hối).
Sự khác biệt giữa luật các quốc gia và các điều luật quốc tế là một trở ngại cho các bên tham gia trong thanh toán L/C. Phòng Thương mại quốc tế (ICC) có quy định nếu có sự khác biệt, thậm chí đối nghịch với UCP thì luật quốc gia sẽ được ưu tiên áp dụng và tuân thủ, nên trong bất kỳ trường hợp nào quyết định của toà án địa phương vẫn là quyết định cuối cùng. Luật pháp của một số nước cho phép toà án của họ áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhằm bảo đảm sự công bằng trong thanh toán quốc tế, bất kể quyết định đó trái ngược với UCP 500. Điều này ở Việt Nam chưa có, nên đôi khi ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, ngân hàng phía Việt Nam. Ví dụ điển hình là:
Còn nhiều trường hợp khác cũng do thiếu hệ thống các văn bản điều chỉnh hoạt động thanh toán tín dụng mà nhiều khi NH cũng gặp những rủi ro không nhỏ do thiếu căn cứ mang tính luật pháp để giải thích cho hoạt động của mình như:
◊ Trường hợp một doanh nghiệp ký quỹ 100% trị giá L/C, nhưng trong lúc chờ nhận hàng thì người mở bị phá sản và bị bắt giam, vậy số tiền ký quỹ có bị phong toả để phân chia cho các chủ nợ theo luật phá sản không? Nếu số tiền bị thu giữ mà NH vẫn phải thanh toán cho người hưởng lợi vì bộ chứng từ xuất trình phù hợp với L/C (theo quy định của
UCP 500) thì NH có được quyền sở hữu hàng hoá để bù đắp số tiền đã thanh toán cho bộ chứng từ hợp lệ không?
◊ Trong trường hợp người mua bị mất khả năng thanh toán, thậm chí còn có thể bị phá sản, mà khi mở L/C là bằng nguồn vốn vay NHPH là chủ yếu và một tỷ lệ ký quỹ nào đó, thì NHPH vẫn buộc phải thanh toán cho người bán trong khi không thể thu hồi vốn từ người mua được. Mặc dù NHPH có quyền sở hữu B/L theo lệnh để đi nhận hàng nhưng lại bị các cơ quan chức năng từ chối với lý do "NH chỉ là người bão lãnh chứ không phải người mua nên không nhận được hàng". Để nhận được hàng hoặc để bán lại cho bên thứ ba NHPH Việt Nam vẫn chưa có điều kiện cơ sở pháp lý nào làm đảm bảo do chưa có luật nào quy định về phát mại tài sản trong nghiệp vụ tín dụng chứng từ.
◊ Sự phối kết hợp giữa các bộ ngành liên quan chưa chặt chẽ, chức năng của từng bộ, ngành, đặc biệt là chức năng của NH trong việc quản lý xuất nhập khẩu chưa được làm rõ cũng là một trở ngại cho hoạt động thanh toán quốc tế nói chung và thanh toán tín dụng chứng từ nói riêng. b- Các chính sách và cơ chế quản lý vĩ mô của Nhà nước đang trong qúa trình đổi mới và hoàn thiện nên thường có sự điều chỉnh
+Chính sách thương mại chưa ổn định đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng. Trước năm 1997 việc định hướng những mặt hàng được phép nhập khẩu bằng L/C trả chậm chưa được quan tâm đúng mức nên xảy ra tình trạng mở L/C trả chậm tràn lan. Có những mặt hàng, năm nay cho phép xuất, nhập nhưng năm sau lại không cho phép xuất, nhập nữa làm cho các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất nhập khẩu với nước ngoài rơi vào tình trạng khó khăn. nhiều doanh nghiệp trong qúa trình kinh doanh đã không theo kịp những quy định thay đổi nên bị động, dự báo nhu cầu thị trường không sát dẫn đến phát triển tràn lan như đối với các mặt hàng: Xi măng, thép, mía, df, gốm, sứ, gỗ...Một ví dụ khá cụ thể là trường hợp các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe máy trong nước. Theo kế hoạch từ đầu năm 2003 các doanh nghiệp sản xuất xe máy trong nước được cấp quota nhập 900.000 bộ linh kiện cho xe gắn máy. Tuy nhiên vào đầu tháng 2, dưới sức ép từ nhiều phía đặc biệt là vấn đề tai nạn giao thông gia tăng nhanh chóng, Chính phủ đã ra quyết định tăng
thuế nhập khẩu. Thêm vào đó, theo qui định trong các văn bản về giao thông thì mỗi người chỉ được sở hữu một chiếc xe, ai muốn đăng ký xe phải có bằng lái ... và nhiều những qui định khác. Những qui định này đều phản ánh khá đúng những tâm tư tình cảm của nhân dân phù hợp với tình hình thực tế, song thực tế cho thấy vì không có thời gian chuẩn bị và đối phó với tình hình,mặc nhiên những qui định đang dồn các doanh nghiệp xe máy vào chỗ phá sản. Do giá đầu vào tăng đẩy chi phí lên cao, nhu cầu của người dân trong những tháng qua, đặc biệt đầu tháng 4 năm 2003 gần như đóng băng. Trong bối cảnh đó Ngân hàng cũng không đứng ngoài cuộc, bởi lẽ đối với mặt hàng xe máy, thông thường quota nhập khẩu được cấp vào đầu năm nên các doanh nghiệp trên cơ sở năng lực sản xuất, nhu cầu dân cư...để đưa ra quyết định nhập khẩu, mở L/C nhập khẩu. Vậy, nếu doanh nghiệp không thể tiêu thụ số linh kiện nhập khẩu trên trong khi L/C đã được mở và bên nước ngoài vẫn cứ thực hiện giao hàng, thì chắc chắn Ngân hàng Việt Nam phải thanh toán cho họ cho nên rủi ro xảy ra là điều không tránh khỏi.
+ Chính sách giá hối đoái: trong một thời gian dài từ 1993 đến 1997 tỷ giá hối đoái ổn định một cách cứng nhắc, không phản ánh đúng giá trị thực của đồng Việt Nam. Đến năm 1998, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hai lần điều chỉnh tỷ giá hối đoái giữa USD và VND. Theo tư vấn của một số chuyên viên cao cấp của Ngân hàng Thế giới thì đồng VND nên neo theo USD ở mức 1 USD ăn 17000 VND. Điều này sẽ phản ánh chính xác hơn thực trạng của nền kinh tế Việt Nam. Một đồng tiền được đánh giá thấp hơn sẽ hạn chế nhập khẩu và khuyến khích nhập khẩu. Tuy nhiên việc giữ giá trị đồng VND ổn định và dần có xu hướng giảm trong thời gian tới sẽ thuận lợi cho hoạt động xnk. Một đồng tiền được đánh giá thấp hơn sẽ hạn chế nhập khẩu và khuyến khích nhập khẩu. Tuy nhiên việc giữ giá trị đồng VND ổn định và dần có xu hướng giảm trong thời gian tới sẽ thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và hạn chế bớt rủi ro trong kinh doanh ngoại hối và thanh toán quốc tế của Ngân hàng.
+Việt Nam chưa có thị trường hối đoái hoàn chỉnh, mặc dù hiện nay đã có thị trường hối đoái nhưng hoạt động của thị trường này cũng còn kém sôi động, các thành viên tham gia vào thị trường này còn bị hạn chế, cung còn chưa đáp ứng đủ cầu, làm cho các ngân hàng thương mại khó cân đối nguồn ngoại tệ khi có nhu cầu để thanh toán L/C đã phát hành.
+ Thông tin tín dụng không đầy đủ: nguyên nhân chủ yếu do trung tâm CIC của ngân hàng Nhà nước cung cấp số liệu thiếu tính cập nhật, sự phối hợp giữa các ngân hàng thương mại còn hạn chế tạo ra khe hở cho khách hàng lợi dụng vay vốn nhiều nơi, pháp lệnh thống kê kế toán chưa đủ hiệu lực để buộc các doanh nghiệp phải báo cáo số liệu đầy đủ và chính xác.
c. Nguyên nhân từ phía khách hàng:
Một là, Trình độ nghiệp vụ thanh toán quốc tế và nghiệp vụ ngoại thương của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn yếu kém dẫn đến kỹ năng lập chứng từ của khách hàng chưa cao, hoặc thực hiện sai một khâu của qúa trình thanh toán, hoặc hành động không đúng theo UCP 500 và các thông lệ tập quán quốc tế khác.
Do bước đầu tham gia vào qúa trình hội nhập thế giới, kiến thức kinh doanh xuất nhập khẩu và các kinh nghiệm chuyên môn của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường. Những kiến thức về tập quán buôn bán quốc tế, các kiến thức về tập quán của các quốc gia đối tác và đặc biệt về thanh toán quốc tế còn rất hạn chế. Do vậy, trong qúa trình đàm phán hợp đồng ngoại thương cũng như trong qúa trình tổ chức thực hiện, dễ bị đối tác nước ngoài lợi dụng.
+ Đối với các khách hàng nhập khẩu, khi hoàn thành các thủ tục, tiến hành xin mở L/C thì NH mới phát hiện ra một số điều khoản bất lợi trong hợp đồng. Khi đó người bán nước ngoài hoàn toàn có quyền không chấp nhận sửa đổi, thậm chí nếu người bán có chấp nhận sửa đổi hợp đồng thì người mua cũng phải chịu toàn bộ các chi phí phát sinh. Thiếu kiến thức về kinh doanh ngoại thương và thanh toán quốc tế, thiếu kinh nghiệm trong đàm phán hợp
đồng, dẫn đến việc doanh nghiệp bị đối tác nước ngoài ép những điều khoản bất lợi như: phải mở L/C xác nhận, trong khi họ không bị yêu cầu phải có bảo lãnh thực hiện hợp đồng; thoả thuận phía nước ngoài bao tiêu sản phẩm, nhưng không yêu cầu họ phải mở L/C đối ứng, để nước ngoài lừa bán máy cũ...Tại NHĐT&PT Hà Nội Thanh toán viên tư vấn cho khách hàng, khi người Mua nhận được yêu cầu từ phía đối tác nước ngoài phải mở L/C cho họ hưởng. L/C đó được soạn theo mẫu điện MT700 hoặc MT701, ở trường 73 có ghi “May add”. Khi thực hiện tư vấn, Thanh toán viên đã khuyến cáo với khách hàng rằng nếu ghi như Vậy sẽ gây bất lợi cho cả người mở L/C và cho cả Ngân hàng. Bởi lẽ, bên nước ngoài sẽ chủ động chuyển từ “May add” sang chế độ “Confirmed”. Như vậy, người hưởng lợi L/C sẽ cực kỳ thuận lợi, ngay sau khi họ gửi hàng cho bên Việt Nam họ có thể lập điện đòi tiền ngay Ngân hàng. Trong trường hợp này Ngân hàng sẽ phải thanh toán cho Ngân hàng nước ngoài cho dù hàng chưa cập cảng, rủi ro hàng mất, hàng thiếu và tranh chấp xảy ra người Mua phải chịu. Về phía Ngân hàng, khi phải thực hiện “Confirmed” nghĩa là chịu sự xác nhận của Ngân hàng thứ ba, chứng tỏ Ngân hàng không có uy tín và không được người Bán tin tưởng. Tuy NHĐT&PT Hà Nội đã tư vấn hết sức rõ ràng, đầy đủ với tinh thần trách nhiệm cao song khá đông các khách hàng đều không nghe theo tư vấn của Ngân hàng, dẫn đến những thiệt hại không đáng có.
+ Đối với khách hàng mới tham gia nghiệp vụ xuất khẩu, do những yêu cầu nghiêm ngặt của chứng từ trong thanh toán mà đặc biệt là chứng từ thanh toán theo phương thức L/C rất khó khăn để lập được một bộ chứng từ phù hợp với nội dung của L/C. Trước hết L/C xuất khẩu do NH nước ngoài phát hành có văn phong khác nhau, trong khi đó trình độ ngoại ngữ của cán bộ thanh toán của doanh nghiệp có hạn, dẫn tới việc lập chứng từ không đúng theo yêu cầu của L/C. Nhất là đối với một số những mặt hàng xuất khẩu như gạo, hàng hải sản..., số lượng chứng từ mà L/C yêu cầu xuất trình tương đối
nhiều và phức tạp. Từ những sai sót đơn giản như lỗi chính tả... đến những sai sót phức tạp như thiếu loại chứng từ, chứng từ lập sai với yêu cầu của L/C, hoặc không thống nhất với nhau... đều có thể đem lại rủi ro cho khách hàng và từ đó làm ảnh hưởng tới uy tín của NHĐT&PT Việt Nam.
Do hiểu biết về nghiệp vụ xuất nhập khẩu chưa đầy đủ nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã không quan tâm đầy đủ đến một số điều kiện bất lợi trong hợp đồng cũng như trong L/C, thường xảy ra nhất là điều kiện giao hàng và thời hạn xuất trình chứng từ. Nếu khoảng thời gian cần thiết giữa ngày bắt đầu mở L/C và ngày giao hàng không tương xứng với chu trình sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ không giao kịp hàng theo yêu cầu. Thời hạn cần thiết để lập và xuất trình chứng từ, luân chuyển chứng từ đến ngân hàng nước ngoài cũng cần phải được tính toán hợp lý mới có thể đảm bảo cho việc đòi tiền được hợp lệ, đúng với thời hạn quy định trong tín dụng thư.
+ Một trong những điểm yếu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đối với nghiệp vụ ngoại thương là thiếu hiểu biết về luật pháp cũng như về các thủ tục tố tụng. Khi xảy ra tranh chấp với khách hàng nước ngoài đã không khiếu nại kịp thời, đúng chỗ. Thay vì khiếu kiện đối tác của mình thì lại khiếu nại NH.
Hai là, Thiếu thông tin để lựa chọn đối tác trung thực nước ngoài.
Do thiếu các mối quan hệ với đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam không mua được hàng trực tiếp từ người sản xuất hoặc các nhà phân phối lớn mà phải ký hợp đồng với các công ty môi giới trung gian làm cho giá mua bị đẩy lên cao, thời gian thanh toán bị kéo dài, chi phí tăng, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến kinh doanh của NH vì thông thường các L/C phát hành đều do NH tài trợ. Do không quan hệ trực tiếp với nhà cung cấp, lại thiếu thông tin về đối tác nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị đối tác nước ngoài lừa đảo.
Kinh doanh trên thị trường quốc tế đầy bất trắc và phức tạp, các doanh nghiệp muốn đứng vững đòi hỏi phải kinh doanh có lợi nhuận. Vì vậy trước khi vươn ra hoạt động ở thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp phải nắm được thông tin về khả năng thanh toán của đối tác để biết được ai là bạn hàng đáng
tin cậy, muốn cùng ta làm ăn lâu dài, biết chăm lo đến lợi ích của cả haibên. Nhưng trên thực tế các doanh nghiệp nước ta mới bước đầu tham gia và thị trường thế giới nên còn thiếu thông tin về thị trường, cũng như các thông tin về đối tác dẫn đến ký kết hợp đồng bất lợi hoặc hợp đồng bị huỷ bỏ gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và NH. Trong kinh doanh ngoại thương, sự thiện chí giữa các bên mua và bán đóng vai trò quan trọng hàng đầu nhất là khi thực hiện thanh toán L/C
Ba là, Sự thiếu trung thực của một số khách hàng Việt Nam
Các tranh chấp phát sinh trong qúa trình thanh toán hàng nhập khẩu bằng L/C không chỉ bắt nguồn từ sự không trung thực của đối tác nước ngoài mà nhiều trường hợp còn do các doanh nghiệp Việt Nam gây ra. Ngoài việc thiếu hiểu biết, thiếu thông tin trong kinh doanh xuất nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua việc giữ uy tín để kinh doanh