Mỹ (1961 - 1964)
Để cứu vãn chế độ Sài Gòn và duy trì, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới nhằm đối phó với cao trào cách mạng, Tổng thống Mỹ Kennơđi quyết định thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam.
Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” là một hình thức đặc thù của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ được thí điểm ở miền Nam nước ta bằng thủ đoạn “dùng người Việt đánh người Việt”, kết hợp những thủ đoạn chiến tranh xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ có vũ khí, kỹ thuật hiện đại với những biện pháp khủng bố, đàn áp dã man của bọn phong kiến, tư sản mại bản thân Mỹ ở miền Nam. Lực lượng chủ yếu tiến hành “Chiến tranh đặc biệt” là quân đội của ngụy quyền Sài Gòn do Mỹ tổ chức, trang bị, huấn luyện, chỉ huy và nuôi dưỡng.
Ngày 13-5-1961, Phó Tổng thống Mỹ Giôn xơn và Ngô Đình Diệm ra thông cáo chung với các điểm như: Tăng viện trợ kinh tế, phát triển các lực lượng chính quy ngụy, tăng cường cố vấn quân sự, kêu gọi sự giúp đỡ của các nước chư hầu theo Mỹ xâm lược miền Nam, đẩy mạnh công tác “bình định” nông thôn, chống du kích, lập “ấp chiến lược”, tăng cường hoạt động biệt kích phá hoại miền Bắc...
Để phát triển nhanh quân ngụy, Mỹ cho tăng viện trợ quân sự lên gấp đôi, từ 321,7 triệu đô la (trong đó có 80 triệu đô la vũ khí) cho năm 1961 - 1962,
đến năm 1962 - 1963 đã lên 675 triệu (có 100 triệu đô la vũ khí). Vì thế, quân ngụy đã tăng khá nhanh. Từ 15 vạn quân chính quy trong năm 1960 lên 20 vạn quân trong năm 1961, 36,2 vạn quân trong năm 1962. Quân số lực lượng bảo an từ 70.000 tên năm 1960 lên 174.500 tên năm 1962.
Dân vệ trở thành lực lượng vũ trang thường trực gồm 128 đại đội và hơn 1.000 trung đội, 2.000 tiểu đội làm lực lượng chiếm đóng rộng, kìm kẹp nhân dân ở ấp, xã.
Một kế hoạch tổ chức “thanh niên chiến đấu” được thực hiện do CIA phụ trách huấn luyện, trang bị, đài thọ vừa để tăng cường, hỗ trợ cho quân thường trực trong việc bình định gom dân, lập “ấp chiến lược”, vừa bổ sung cho mạng lưới tình báo của Mỹ.
Mỹ-Ngụy coi bình định, dồn dân, lập “ấp chiến lược” là nội dung cơ bản, là “xương sống” của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Mục tiêu cơ bản của “ấp chiến lược” là kìm kẹp dân để thực hiện “tát nước, bắt cá”, lùng bắt cán bộ, đảng viên cộng sản, tiêu diệt cơ sở cách mạng, đánh phá “tận gốc” phong trào đấu tranh của quần chúng, bóp chết từ đầu các cuộc nổi dậy của quần chúng.
Cách mạng miền Nam đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt của tuổi trẻ và nhân dân miền Nam là giữ vững và mở rộng quyền làm chủ đã giành được, đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Để cách mạng miền Nam tiến lên một bước mới, Đảng ta chủ trương chuyển khởi nghĩa sang chiến tranh cách mạng. Ngày 23-1-1961, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam để tăng cường sự chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với cách mạng miền Nam.
Tiếp đó, ngày 31-1-1961, Bộ Chính trị ra chỉ thị về phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam, là: đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tiến công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự.
Do tương quan lực lượng giữa ta và địch ở từng vùng khác nhau nên phải nắm vững phương châm công tác ba vùng. ở vùng núi, lấy đấu tranh quân sự làm chủ yếu. ở vùng đồng bằng, kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự. ở vùng đô thị lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu gồm cả hai hình thức hợp pháp và không hợp pháp.
Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục, Khu ủy khu V và các Đảng bộ địa phương, tuổi trẻ cùng quân dân ta ở miền Nam đã đấu tranh anh dũng, lần lượt đánh bại các mục tiêu của kế hoạch chiến tranh của địch, giành được thắng lợi quan trọng, đưa cách mạng tiến lên vững chắc.
Đảng bộ miền Nam đã có hệ thống tổ chức thống nhất, tập trung từ Trung ương Cục đến các chi bộ. Các cấp ủy quân khu, tỉnh ủy, huyện ủy được củng cố. Công tác phát triển Đảng được quan tâm. Nhiều đoàn viên ưu tú được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, số Đảng bộ lớn mạnh lên trong đấu tranh quyết liệt ngày càng nhiều. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam nhiệm vụ ngày càng mở rộng. ở các xã giải phóng, ủy ban Mặt trận đã làm chức năng của chính quyền, tổ chức nhân dân chiến đấu, sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Các tổ chức thành viên của Mặt trận thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, có ảnh hưởng trong nước và ngoài nước.
Lực lượng vũ trang đã hình thành với ba thứ quân rõ rệt. Ngày 15-2-1961 các lực lượng vũ trang cách mạng được thống nhất thành Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ngày 2-9-1961, Trung đoàn 1 bộ binh (lúc mới thành lập mang bí số C.56 sau đổi là Q. 761) được thành lập tại căn cứ Dương Minh Châu (miền Đông Nam Bộ). Đây là đơn vị chủ lực cơ động cấp trung đoàn đầu tiên của chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Tính đến cuối năm 1961, du kích, tự vệ có 100.000 người trong đó thanh niên chiếm 80% (70.000 ở Nam Bộ, 30.000 ở khu V). Nhiều xã vùng giải phóng thành lập được trung đội du kích tập trung, sử dụng một số súng thu được của địch và vũ khí tự tạo. Du kích tự vệ là lực lượng lòng cốt của phong trào đấu tranh chính trị ở xã, ấp, là lực lượng phối hợp chiến đấu quan trọng và nguồn bổ sung thường xuyên cho các đơn vị vũ trang tập trung. Bộ đội địa phương tỉnh, huyện và bộ đội chủ lực khu có 24.500 cán bộ, chiến sĩ. Mỗi huyện đều tổ chức được 1 trung đội bộ đội địa phương, có huyện tổ chức đến đại đội. Mỗi tỉnh có 1 đến 2 đại đội. Bộ đội chủ lực thuộc các quân khu có 11 tiểu đoàn.
Hoạt động của Đoàn và phong trào thanh niên sau đồng khởi có bước phát triển mới. Tất cả các xã vùng giải phóng và vùng tranh chấp đều có chi đoàn hoặc xã đoàn, nhiều nơi hình thành cấp huyện và cấp tỉnh. Hội liên hiệp thanh niên giải phóng thành lập và phát triển là thành viên trong Mặt trận dân tộc giải phóng. Phong trào thanh niên sôi nổi, đi đầu trên nhiều lĩnh vực công tác. Năm 1962 tại Liên khu V, trong đợt 1 tuyển quân đã có 2.600 thanh niên xung phong tòng quân. Xã Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa, (Phú Yên) từ đồng khởi đến năm 1962 đã có 200 thanh niên tòng quân,
400 thanh niên vào du kích. Tính chung lực lượng vũ trang toàn khu từ huyện trở lên có tới 85% là thanh niên, 95% du kích là nam nữ thanh niên. Phong trào chiến tranh du kích phát triển. Hai nữ đoàn viên thanh niên Tạ Thị Kiều (xã An Thạnh) và út Tuyết (xã Đa Phước) tỉnh Bến Tre đã phối hợp hiệp đồng, dùng mưu lấy 2 đồn giặc, thu vũ khí, bắt tù binh. Chị Tạ Thị Kiều được tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam”. ở Giồng Trôm (Bến Tre), Lê Văn Chính sáng tạo các kiểu đánh địch, bố trí trận địa toàn vũ khí thô sơ, hầm chông cạm bẫy, lựu đạn già, mìn tự tạo cùng ong vò vẽ diệt một lúc 20 tên ngụy. Tại Cà Mau, đoàn viên Nguyễn Việt Khái, đội trưởng du kích xã Tân Hưng Tây đã dũng cảm đón lõng, chờ cho máy bay địch xuống thấp, với 8 viên đạn các bin, anh đã bắn rơi 2 máy bay địch và bắn bị thương hai chiếc khác. Chiến công của anh đã mở ra phong trào dùng súng trường bắn máy bay địch trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nguyễn Việt Khái được tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam”. ở Tân Trụ (Long An), trung đội trưởng du kích Huỳnh Văn Đảnh, với 73 viên đại hạ mấy chục tên địch. Tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tuổi trẻ miền Nam năm 1962 là chiến công của 10 dũng sĩ Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Ngày 20-4-1962, 7 chiến sĩ đặc công do tiểu đội trưởng Lê Tấn Hiển và tiểu đội phó Võ Như Hưng chỉ huy, cùng với 3 cán bộ của huyện ủy Điện Bàn về phát động quần chúng ở xã Điện Ngọc. Địch phát hiện, huy động 1 tiểu đoàn biệt kích và nhiều dân vệ bao vây tiến công. Để bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân, các anh vừa chiến đấu vừa rút ra ngoài cánh đồng, cố thủ tại một giếng đìa cạn, đánh địch từ 8 giờ sáng tới chiều tối, diệt hơn 100 tên, bên ta có 3 đồng chí hy sinh. Lợi dụng đêm tối, 2 đồng chí nghi binh đánh lạc hướng địch, chôn cất tử sĩ xong đưa thương binh và toàn đội rút về nơi an toàn. Cả 10 người đều là đoàn viên thanh niên. Trận chiến đấu của họ trở thành huyền thoại về 10 dũng sĩ Điện Ngọc anh hùng. Tiểu đội phó Võ Như Hưng về sau chiến đấu nhiều trận, diệt 54 tên địch, bắt sống 9 tên Mỹ, thu 12 súng, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh và anh dũng hy sinh. Ngày 5 - 5 - 1965 Võ Như Hưng được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Từ năm 1961 đến năm 1964, ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mỗi tỉnh còn có hàng ngàn thanh niên tình nguyện lên miền Đông tham gia bộ đội chủ lực miền, đông nhất là các tỉnh Long An, Mỹ Tho, Bến Tre. Các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Cà Mau, Hà Tiên, Rạch Giá... lựa chọn thanh niên là xã đội trưởng, xã đội phó có thành tích, các trung đội trưởng du kích dày dạn kinh nghiệm đưa về miền Đông để đào tạo thành cán bộ chỉ huy. Riêng tỉnh Rạch Giá trong hai năm 1961 - 1962 đã gửi 2.000 thanh niên lên miền Đông. Phong trào thanh niên tòng quân đã góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng quân sự giữa ta và địch. Năm 1960, tỉ lệ 1/17, thì năm 1961 là 1/10 và càng rút ngắn trong những năm sau. Chiến tranh du kích phát triển mạnh trên cả ba vùng chiến lược.
Để có vũ khí cung cấp cho lực lượng vũ trang, đầu năm 1962, những chiếc tàu “không số” đầu tiên lần lượt chở “hàng quân sự” vào Cà Mau. Tháng 3 - 1962, chuyến tàu chở vũ khí do đồng chí Bông Văn Dĩa phụ trách di chuyển trinh sát, mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển từ Bắc vào Nam đã cập bến an toàn ở Rạch Gốc, xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đồng chí Bông Văn Dĩa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trung tuần tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển. Đoàn 759 bước vào giai đoạn vận chuyển đầy bí mật, bất ngờ, viết nên những trang anh hùng về con đường huyền thoại trên biển Đông - đường Hồ Chí Minh trên biển, góp phần đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
Trong hai tháng cuối năm 1962, bốn chuyến tàu “không số” đã đưa được 111 tấn vũ khí cho khu 9, cập bến ở Cà Mau an toàn.
Tháng 5-1961, Quân khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập, chỉ một thời gian ngắn đã có 20.000 thanh niên thành phố xin gia nhập lực lượng vũ trang, đánh địch trên mọi chiến tuyến. Ngày 26-3-1961, Ban cán sự sinh viên, học sinh Sài Gòn thành lập “Đội vũ trang quyết tử” gồm thanh niên công nhân thợ tiện và anh Hà Văn Hiền lãnh đạo. Ra quân trận đầu, đội diệt tên Uyliam Tômát, chuyên viên cao cấp không quân Mỹ tại đường Ngô Thời Nhiệm. Tiếp đó, đội tập kích bằng lựu đạn vào trụ sở cơ quan USOM của Mỹ trên đường Trần Hưng Đạo, làm 7 tên chết và bị thương, cùng nhiều trận đánh khác. Đặc biệt đội đã nghiên cứu, chuẩn bị công phu, tổ chức diệt tên đại sứ Mỹ Nâutinh trên đường Páttơ, thủ pháo rớt đúng chỗ ngồi của Nâutinh nhưng kíp lâu ngày bị ẩm không phát nổ. Nâutinh thoát chết, nhưng đã gây tiếng vang lớn. Do sơ suất, chúng theo dõi bắt được Lê Hồng Tư và một số đồng chí, đồng đội của anh. Tiếp đó, tháng 8-1961 căn cứ của ban cán sự ở Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa bị địch phát hiện, chúng bất ngờ vây đánh, đồng chí Trần Quang Cơ, Bí thư Ban cán sự hy sinh, 2 đồng chí Lê Quang Vịnh và Lê Văn Dung bị bắt.
Ngày 24-5-1962, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa các anh Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Thành, Huỳnh Văn Chín cùng 8 đồng chí khác ra xử, với tội danh “chống lại cuộc bầu cử và mưu sát đại sứ Mỹ Nâutinh”. Trước tòa án địch, anh Lê Hồng Tư đã nói: “Tôi rất tiếc không đủ lựu đạn để giết hết những tên cầm đầu bọn xâm lược”. Các anh bị kết án tử hình, còn người thấp nhất là 5 năm tù. Tòa tuyên án vừa dứt, các anh đồng thanh hô to: “Đả đảo luật phát xít của ngụy quyền miền Nam”, “Đả đảo phát xít”, “Đả đảo đàn áp” rồi cất tiếng hát vang bài “Giải phóng miền Nam” trên đường từ tòa án về nhà giam. Phiên tòa đã gây xôn xao dư luận Sài Gòn, phong trào chống vụ án 24-5 từ Sài Gòn lan đến nhiều địa phương khác.
Đánh dấu sự phát triển của phong trào cách mạng, ngày 16-2-1962, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, bầu Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, Đại hội công bố 4 chủ trương cứu nước khẩn cấp:
1. Đế quốc Mỹ phải đình chỉ cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam. 2. Giải tỏa toàn bộ “ấp chiến lược”.
3. Thành lập ở miền Nam một Chính phủ Liên hiệp dân tộc. 4. Thực hiện đường lối ngoại giao hòa bình trung lập.
Chính quyền Kennơđi, sau gần một năm thăm dò, đầu năm 1962, mới quyết định tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” mà xương sống của nó là kế hoạch Stalây-Taylo. Để hỗ trợ cho kế hoạch bình định này, năm 1962, Mỹ-Diệm đã tiến hành 2.577 cuộc hành quân cấp tiểu đoàn trở lên (gấp hai lần năm 1961).
Năm 1962, Mỹ ngụy dự định lập 16.000 “ấp chiến lược” trên toàn miền Nam. Nhưng đến hết 9 tháng chỉ lập được 3.225 ấp, đến cuối năm cũng chỉ lập được 3.900 ấp. Cùng thời gian trên, toàn miền Nam đã có 2.665 lần nhân dân nổi lên phá “ấp chiến lược”, 463 ấp bị phá hoàn toàn, 115 ấp được xây dựng thành “ấp chiến đấu”.
Hòa nhịp với đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị cũng phát triển thành một phong trào rộng lớn, mãnh liệt, thu hút mọi tầng lớp nhân dân ở miền Nam. Bằng những hình thức và phương pháp đấu tranh thích hợp, mọi người già, trẻ, trai, gái đều xông lên, mặt đối mặt với kẻ thù. Trong cuộc đấu tranh trực diện với địch, chống cào nhà, gom dân, lập “ấp chiến lược”, phải kể đến vai trò nữ thanh niên. Điển hình là phân đoàn nữ thanh niên xóm Bàu Mây, ấp An Đước, xã An Tịnh do phân đoàn trưởng Bảy Trinh cùng 10 đoàn viên làm trụ cột, đấu tranh giằng co quyết liệt với địch liên tục 60 ngày đêm, chống cào nhà, gom dân thắng lợi. Những đội quân chính trị hùng hậu của quần chúng đã góp phần làm thất bại nhiều cuộc hành quân càn quét của địch, cản trở và phá vỡ kế hoạch “ấp chiến lược”, bảo vệ tài sản và tính mệnh của nhân dân. Lực lượng đó đã vận động hàng vạn binh sĩ và nhân viên ngụy quyền trở về với nhân dân.
Ở nông thôn, đấu tranh chính trị nhằm chống càn quét, gom dân, lập ấp và