Năm 1978, Trung Quốc bắt đầu thực hiện công cuộc cải cách và gặt hái được những thành tựu kinh tế xã hội vang dội, thế giới bắt đầu chú ý và gọi đó là hiện tượng Trung Quốc.
Từ năm 1978-2006, GDP của Trung Quốc tăng bình quân 8,6% một năm, thu nhập thực tế đầu người tăng 4,7% ở nông thôn; 5,8% ở thành thị; tốc độ tăng
GDP bình quân đầu người tăng trung bình 9,5%/năm. Thậm chí trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997-1999 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1996-2000 vẫn đạt 8,3%/năm; thu ngân sách tăng 16,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 67%.
Đến năm 2006, theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) thì GDP của Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 10,5%, đạt tổng giá trị GDP là 2500 tỷ USD, trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, Nhật, Đức [23]. Những kết quả đạt được trên đây một phần nhờ vào chính sách phát triển chất lượng NNL Trung Quốc với quan niệm “sự nghiệp hưng suy mấu chốt là nhờ con người”. Đây là những kinh nghiệm phát triển quý báu mà Việt Nam có thể tham khảo.
+ Một là, chú trọng đầu tư cho giáo dục, đào tạo để phát triển nguồn nhân lực. Trung Quốc có tốc độ phát triển kinh tế cao, có những năm tốc độ tăng GDP đạt trên 2 con số, cách mạng khoa học công nghệ bùng nổ chuẩn bị tiếp cận và phát triển kinh tế tri thức đã đặt ra yêu cầu cho Trung Quốc phải phát triển giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển đang tăng cao.
Trung Quốc coi giáo dục đào tạo là kế hoạch lớn cơ bản để thực hiện hiện đại hoá đất nước. Theo đó, Trung Quốc đã thực hiện xong chương trình học mới, xây dựng chế độ học bổng nhân dân, xây dựng được nguồn nhân lực dự bị có chất lượng.
Ngân sách dành cho giáo dục đào tạo của Trung Quốc không ngừng tăng lên qua các năm. Những năm 70, tỷ lệ đầu tư cho giáo dục đào tạo là 1-2% GNP. Đến những năm 80 tỷ lệ này tăng lên 3%, đến những năm 90 tỷ lệ này giảm xuống nhưng giá trị tuyệt đối lại tăng do thời kỳ nay GNP tăng rất cao. Từ cuối những năm 90 đến nay tỷ lệ dành cho giáo dục đào tạo của Trung Quốc lại đạt 3% GNP.
Ngoài ngân sách nhà nước, Trung Quốc còn thực hiện xã hội hoá giáo dục mạnh mẽ cho nên nguồn vốn đầu tư cho giáo dục đào tạo không chỉ có vốn ngân sách nhà nước mà còn nguồn vốn vật vật chất, tài chính của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, xã hội, chính phủ các nước. Nhờ đó mà Trung Quốc đa dạng hơn được nhiều loại hình đào tạo như:hệ thống các trường công lập, dân lập, trường dân lập có nhà nước hỗ trợ, các trường liên doanh liên kết với nước ngoài…
Cũng giống như Hàn Quốc, lượng học sinh ra nước ngoài học tập rất đông theo nhiều kênh khác nhau như: du học bằng ngân sách nhà nước; du học có học bổng của các tổ chức, các doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài… Tính từ năm 1978 đến thời điểm hiện nay, Trung Quốc đã có hơn một triệu học sinh ra nước ngoài học tập và số lượng du học sinh vẫn tăng nhanh hằng năm, năm sau cao hơn năm trước. Tuy vậy, Trung Quốc cũng phải đối mặt với hiện tượng chảy máu chất xám. Một lượng lớn du học sinh đã không trở về nước làm việc, đặc biệt giai đoạn 1978-1984 có 230.000 sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài học tập nhưng chỉ có 700.000 người về nước để làm việc. Bên cạnh đó, một bộ phận nhân tài trong nước do tiền lương eo hẹp, điều kiện làm việc khó khăn cũng đi ra nước ngoài tìm việc làm.
Tính ở thời điểm năm 1995, riêng ở nước Mỹ đã có 45.0000 sinh viên, cán bộ Trung Quốc du học ở lại làm việc. Tuy nhiên, hiện nay ở Trung Quốc quan điểm đối với vấn đề chảy máu chất xám cũng có những điểm mới. Khi người ta cho rằng chính bộ phận có trình độ làm việc ở nước ngoài là nguồn cung cấp ngoại tệ cũng như khoa học công nghệ quan trọng cho Trung Quốc. Bởi vậy, họ lại càng có điều kiện tốt hơn để học tập và nâng cao vốn tri thức, trình độ chuyên môn. Đến khi cần trở về nước đây sẽ là lực lượng lao động chất lượng cao của Trung Quốc, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Thực tế đã chứng minh quan điểm này hoàn toàn đúng đắn. Cùng với chính sách ưu đãi
trải thảm đỏ trong nước, kế hoạch kêu gọi người tài, danh nhân Trung Quốc ở nước ngoài về nước ngoài về nước đầu tư kinh doanh và làm việc đã đánh đúng tâm lý quay về nguồn cội quê hương của nhiều thế hệ người Trung Quốc ở nước ngoài. Làn sóng Hoa kiều trở về nước ngày một tăng, góp phần không nhỏ vào kết quả đưa nền kinh tế Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.
Bên cạnh những thành tựu to lớn như vậy, giáo dục và đào tạo của Trung Quốc cũng còn nhiều hạn chế như: chất lượng giáo dục và đào tạo chưa cao. Theo thống kê năm 1991 của Ngân hàng thế giới, tỷ lệ số dân đến tuổi học cao đẳng đại học của Trung Quốc mới chỉ đạt 6,5%. Trong khi tỷ lệ dân đến tuổi học đại học cao đẳng ở Hàn Quốc là 40%; Singapore 25%; HồngKông 18%;… Do phương pháp đào tạo còn nặng về nhồi nhét kiến thức mà chưa chú trọng phát huy tính tích cực của người học khi trong thực tế tính sáng tạo là một trong những tố chất quan trọng nhất của đội ngũ nhân lực tiếp cận, phát triển kinh tế tri thức ở Trung Quốc.
+ Hai là, phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ để phát triển nguồn nhân lực.
Với quan điểm phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ để phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đến lượt nó, nguồn nhân lực chất lượng cao lại là cơ sở để nâng tầm trình độ của khoa học công nghệ, Trung Quốc rất chú trọng phát triển khoa học kỹ thuật. Chính phủ ưu tiên đặc biệt cho những ngành khoa học mũi nhọn, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, phổ biến thông tin để vật chất hoá tri thức trong thực tiễn.
Năm 1999, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh bốn lần, trong đó đặc biệt nhất là cuộc phóng thành công con tàu vũ trụ đầu tiên “Thần Châu” do chính Trung Quốc nghiên cứu chế tạo. Đến năm 2003, Thần Châu 5 đã đưa người lên vũ trụ, Trung Quốc trở thành một trong những cường quốc vũ trụ của thế giới.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực sinh học, tin học, y học….
Trung Quốc còn thành lập ra quỹ khoa học tự nhiên cung cấp tài chính cho các nhà nghiên cứu. Trung bình mỗi năm quỹ tài trợ cho hơn 30.000 dự án nghiên cứu cơ bản; 3000 dự án chủ chốt và 125 dự án cấp nhà nước. Mỗi năm ngân sách của quỹ tăng 29,9%, cho thấy mức độ quan tâm của nhà nước tới kinh phí nghiên cứu khoa học. Để tăng tính thực tiễn và hiệu quả kinh tế các dự án nghiên cứu đều được lồng ghép với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Ngay từ tháng 3 năm 1986 Trung Quốc đã cho ra đời chương trình, kế hoạch phát triển và nghiên cứu công nghệ cao quốc gia (Chương trình 863). Theo nội dung của kế hoạch này, thông tin, an ninh thông tin và vi điện tử sẽ đặc biệt được chú trọng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chủ trương xây dựng vườn ươm doanh nghiệp, hỗ trợ các nhà khoa học đưa các thành tựu nghiên cứu khoa học vào ứng dụng trong thực tiễn. Các phong trào này thu hút được rất đông các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp trong và ngoài Trung Quốc tham gia rộng rãi, tạo ra hiệu ứng tích cực, to lớn cho việc phát triển nguồn nhân lực.
Với tham vọng đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển trên thế giới vào năm 2050, Trung Quốc cần một lượng cán bộ khoa học công nghệ khổng lồ. Để đáp ứng nhu cầu đó, Trung Quốc ngoài đào tạo trong nước còn rất chú trọng đưa nhân tài ra nước ngoài đào tạo. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có nhiều chính sách ưu đãi thu hút người tài bằng các chương trình xây dựng nhà ở, nâng cao mức lương, thu nhập thực tế, tạo điều kiện làm việc thuận lợi. Việc kêu gọi đội ngũ cán bộ du học sinh Trung Quốc ở lại các nước phát triển làm việc sau khi học xong hồi hương cũng rất thành công. Năm 2002, Trung Quốc có 18.000 cán bộ, du học sinh hồi hương, tăng gấp 2 lần so với năm 2000. Đặc biệt, chiếm tới 90% số đó có học vị tiến sỹ hoặc thạc sỹ. Năm 2006, số lượng du học sinh, cán bộ trở về Trung Quốc đạt con số kỷ lục 31.000 người [40].
Ngoài ra, mỗi năm Trung Quốc thu hút một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có năm lên tới hơn 50 tỷ USD. Điều đó đồng nghĩa với việc công nghệ kỹ thuật tiên tiến cũng được đưa vào Trung Quốc và đương nhiên trình độ chuyên môn, tay nghề của lực lượng lao động tiếp nhận, sử dụng những kỹ thuật công nghệ đó cũng phải được nâng lên tương ứng. Đây cũng chính là một kinh nghiệm của Trung Quốc để phát triển nguồn nhân lực có chất lương cao phục vụ cho việc tiếp cận, phát triển kinh tế dựa trên tri thức.
Việc luân chuyển nhân tài cũng rất được Trung Quốc quan tâm, coi đó như biện pháp để khuyến khích tối đa sức sáng tạo của đội ngũ những nhà khoa học, giáo dục, làm phong phú hơn tri thức, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.