Khái niệm quản lý nhà nước về giáo dục

Một phần của tài liệu giáo trình giáo dục đại học việt nam và thế giới (Trang 70)

IV. QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

4.2.1.Khái niệm quản lý nhà nước về giáo dục

Theo Từ điển bách khoa về giáo dục học, khái niệm quản lý nhà nước về giáo dục được giải nghĩa là việc "Thực hiện công quyền để quản lý các hoạt động giáo dục trong phạm vi toàn xã hội ". Có thể hiểu:

Quản lý nhà nước về giáo dục là việc nhà nước thực hiện quyền lực công để điều hành, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động giáo dục trong phạm vi toàn xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục của quốc gia.

Trong khái niệm quản lý nhà nước về giáo dục nổi lên 3 bộ phận chính, đó là chủ thể của quản lý nhà nước về giáo dục; đối tượng của quản lý nhà nước về giáo dục ; mục tiêu quản lý nhà nước về giáo dục. Chủ thể quản lý nhà nước về giáo dục là các cơ quan quyền lực nhà nước (cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp). Tuy nhiên, chủ thể trực tiếp là bộ máy quản lý giáo dục từ trung ương đến cơ sở được cụ thể hoá ở điều 99 của Luật GD 2005. Đối tượng của quản lý nhà nước về giáo dục là hệ thống giáo dục quốc dân, là mọi hoạt động giáo dục trong phạm vi toàn xã hội. Mục tiêu quản lý nhà nước về giáo dục về tổng thể đó là việc bảo đảm tuân thủ các qui định pháp luật trong các hoạt động giáo dục để thực hiện được mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho xã hội, hoàn thiện và phát triển nhân cách của công dân. Ở mỗi cấp, bậc học và trình độ đào tạo mục tiêu này được cụ thể hoá trong Luật Giáo dục và Điều lệ nhà trường.

Có thể hiểu khái niệm quản lý nhà nước về giáo dục một cách đầy đủ hơn như sau:

Quản lý nhà nước về giáo dục là sự quản lí của các cơ quan quyền lực nhà nước, của bộ máy quản lí giáo dục từ trung ương đến địa phương đối với các thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân và các hoạt động giáo dục của xã hội nhằm đạt được các mục tiêu giáo dục đã xác định

Xuất phát từ khái niệm quản lý nhà nước về giáo dục cùng với việc phân tích các tính chất, đặc điểm và nguyên tắc quản lý nhà nước về giáo dục có thể rút ra kết luận:

Quản lý nhà nước về giáo dục là việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền do nhà nước qui định, phân cấp trong các hoạt động quản lý giáo dục ở địa phương và các cơ sở giáo dục, quản lý nhà nước về giáo dục thực chất là quản lí các hoạt động hành chính-giáo dục, vì vậy nó có hai mặt quản lí thâm nhập vào nhau, đó là quản lý hành chính sự nghiệp giáo dục và quản lí chuyên môn trong quá trình sư phạm. Chính vì vậy,quản lý nhà nước về giáo dục cần lưu ý các đặc điểm nêu trên để phân biệt rõ với khái niệm quản lý nhà trường được hiêủ là “ thực hiện hoạt động quản lý giáo dục trong tổ chức nhà trường và chịu sự tác động của những chủ thể quản lý bên trên nhà trường (các cơ quan quản lý giáo dục cấp trên) nhằm hướng dẫn và tạo điều kiện cho hoạt động của nhà trường và bên ngoài nhà trường, các thực thể bên ngoài nhà trường, cộng đồng, nhằm xây dựng những định hướng về sự phát triển của nhà trưòng và hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà trường phát triển”.

Nếu xem quản lý nhà nước như là một hệ thống thì quản lý nhà nước về giáo dục là một hệ thống bao gồm các thể chế, cơ chế quản lý giáo dục; tổ chức bộ máy quản lý giáo dục và đội ngũ cán bộ và công chức quản lý giáo dục ở các cấp. Ba bộ phận này có mối liên hệ và tác động qua lại với nhau rất chặt chẽ. Chúng có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm lẫn nhau trong quá trình vận hành, tác nghiệp.

Cơ chế quản lý giáo dục là tập hợp hệ thống các chính sách, nguyên tắc, quy chế, chế độ v.v… quy định các mối quan hệ, cách thức vận hành các hoạt động quản lý ở các cấp, giữa chủ thể và khách thể quản lý trong hoạt động giáo dục. Cơ chế quản lý được thể hiện qua hệ thống các văn bản pháp luật điều tiết, điều chỉnh các quan hệ trong hoạt động giáo dục. Nó có vai trò gắn kết các thành phần trong hệ thống quản lý, hướng các hoạt động quản lý vào các mục tiêu quản lý. Thiếu cơ chế quản lý thì hệ thống không thể vận hành được.

Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục là hệ thống các cơ quan công quyền từ TW đến các địa phương do nhà nước thành lập để thực thi công việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Bộ máy này được phân cấp, phân công trên cơ sở các định chế nhà nước và các cơ chế quản lý giáo dục đã được thiết lập. Bộ máy ở cấp này vừa là chủ thể quản lý của cấp đó vừa là đối tượng quản lý của các cấp trên cao hơn. Mỗi kiểu tổ chức bộ máy quản lý đều ứng với một kiểu thể chế nhà nước và cơ chế vận hành. Có thể nói mỗi một thể chế nhà nước và cơ chế quản lý nào thì có bộ máy tổ chức quản lý tương ứng.Trong thể chế và cơ chế quản lý phi tập trung sẽ có tổ chức bộ máy quản lý giáo dục khác với các nước có thể chế nhà nước tập trung và cơ chế quản lý tập trung.

Đội ngũ cán bộ và công chức quản lý giáo dục là những người đang làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục các cấp. Đây là thành phần, nhân tố cơ bản và quan trọng nhất của hệ thống quản lý nhà nước về giáo dục có tác động trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Năng lực của người quản lý giáo dục được hình thành và phát triển thông qua đào tạo, huấn luyện và tích luỹ kinh nghiệm trong thực tiễn công tác. Quản lý nói

chung và quản lý giáo dục là một nghề chuyên biệt nên người quản lý phải có các phẩm chất, năng lực phù hợp và nhất thiết phải có đào tạo hoặc bồi dưỡng về chuyên môn quản lý.

Một phần của tài liệu giáo trình giáo dục đại học việt nam và thế giới (Trang 70)