Bài văn không thể thiếu phần mở bài và kết bài, những phần này thường thu hút người đọc, người nghe chú ý cách đặt vấn đề và cách cảm nghĩ về vấn đề mà người viết trình bày, Chính vì vậy việc rèn luyện cho học sinh xây dựng đoạn văn mở bài và kết bài là rất cần thiết.
- Đoạn văn mở bài: Có hai cách mở bài mà học sinh được học đó là mở bài trực tiếp và mở bài gián tiếp. Không nhất thiết phải gò bó học sinh làm mở bài theo cách nào mà để cho các em tự chọn cho mình cách mở bài hợp lý nhất và phù hợp với khả năng của từng em. Mở bài gián tiếp có thể xuất phát từ một vấn đề khác rồi mới dẫn vào vấn đề mình cần nói tới, có thể bắt đầu bằng những câu thơ, những câu hát,... nhưng phải bám sát vào yêu cầu của đề, không lan man, xa đề, không rườm rà. Giáo viên có thể cho học sinh làm việc nhóm đôi hoặc cá nhân tự nêu cách vào bài của mình, sau đó cho các bạn khác nhận xét. Chẳng hạn với bài tả con mèo, một học sinh mở bài: “Hè vừa
rồi, mẹ em đi chợ mua được một con mèo tam thể. Chú ta là thành viên thứ năm của gia đình em, nay đã được bốn tháng.”
Giáo viên nêu câu hỏi: đây là cách vào bài nào? ( trực tiếp) – Giáo viên nêu yêu cầu để học sinh nêu cách mở bài khác sinh động hơn: “Nhà em từ lâu đã không có một chú chuột nào dám bén mảng tới vì có một chú lính gác cừ khôi, đó chính là chú Mướp. Mướp ta đã được một năm tuổi, nó thật hiền dịu nhưng cũng thật tinh nhanh, nó như người bạn thân của em.”
Hay với đề bài miêu tả cây đa cổ thụ nơi làng quê, học sinh mở bài như sau:
“Ở đầu làng em có một cây đa cổ thụ có dễ phải hàng trăm năm tuổi.
Cả làng gọi đó là cây đa ông Đài, vì ông Đài là người trồng ra nó, nhưng ông Đài là ai, sống và chết từ bao giờ thì cả làng không ai nhớ cả.”
Học sinh khác lại viết: “Từ bến đò phía xa em đã nhìn thấy làng
em. Phải qua một cánh đồng bao la, một con đường liên xã dài hơn hai cây số, em đã nhìn thấy làng quê yêu dấu: cây đa cổ thụ in bóng xanh thẫm trên bầu trời. Mỗi lần đi xa về, em cảm động tưởng như cây đa làng quê đang giơ tay vẫy chào, đón đợi.” Từ các cách mở bài khác nhau cho các em nhận xét và
tìm ra ý đúng, ý hay để mở bài một cách hợp lý nhất.
- Đoạn văn kết bài: Kết bài tuy chỉ là một phần nhỏ trong bài văn nhưng lại rất quan trọng bởi đoạn kết bài thể hiện được nhiều nhất tình cảm của người viết với đối tượng miêu tả. Thực tế cho thấy học sinh thường hay liệt kê cảm xúc của mình làm phần kết luận khô cứng, gò bó, thiếu tính chân thực. Chủ yếu các em thường làm kết bài không mở rộng, kết bài như vậy không sai nhưng chưa hay, chưa hấp dẫn người đọc.Vì vậy đòi hỏi người giáo viên phải gợi ý để học sinh biết cách làm phần kết bài có mở rộng bằng cảm xúc của mình một cách tự nhiên thông qua những câu hỏi gợi mở, sau đó cho các em nhận xét, sửa sai và chắt lọc để có được những kết bài hay.
Ví dụ:
+ “Mới ngày nào vào học lớp Một, nghe tiếng trống trường ngày khai
giảng mà hồi hộp. Thế mà nay em đã là cậu học sinh lớp Bốn rồi. Càng thấy yêu, càng thấy nhớ cái âm thanh rộn ràng ấy mỗi buổi mai khi hừng đông rực đỏ.”
+ “Trống trường quả là người bạn thân thiết của tuổi học trò. Mai đây
lớn lên, chúng em dù có đi bất cứ nơi đâu cũng không thể quên tiếng trống trường. Tùng! Tùng! Tùng!... Trống gọi em về với những bài giảng của thầy cô, với những nụ cười, ánh mắt của bạn bè.”
+ “Cây gạo có thể sống đến nghìn năm. Nó là nhân chứng thầm lặng
của dòng đời. Cô giáo em nói thế. Đi học về, đứng trên bến đò, hoặc đi xa về, ngắm nhìn ba cây gạo, em thấy lòng bồn chồn xôn xao. Cây gạo là hồn quê, là tình quê vơi đầy.”
Văn chương không phải là sự đúng, sai, với làm văn đúng thôi chưa
đủ mà phải phải thấm đượm cảm xúc của người viết. Song tình cảm không phải là thứ gò ép bắt buộc, tình cảm ấy phải chân thực, hồn nhiên, xuất phát từ chính tâm hồn các em. Bài văn không thể hay nếu thiếu cảm xúc của người viết, cảm xúc không chỉ bộc lộ ở phần kết bài mà còn thể hiện ở từng câu, từng đoạn của bài. Vì vậy giáo viên cần chú ý rèn cho học sinh cách bộc lộ cảm xúc trong bài văn một cách thường xuyên liên tục, từ tiết đầu tiên của mỗi loại bài đến những tiết luyện tập xây dựng đoạn văn, tiết viết bài và ngay trong tiết trả bài nữa.
6. Chuẩn bị kỹ càng phần củng cố bài trong các tiết tập làm văn: Củng cố bài là phần chiếm không nhiều thời gian trong cả tiết học nhưng lại là lúc giáo viên tóm tắt toàn bộ nội dung kiến thức của bài và mở ra hướng kiến thức mới cho tiết học sau, vì vậy cần chú ý để phần củng cố bài hấp dẫn, thu hút được sự chú ý của các em.
- Như trên đã nói, cần giúp học sinh nhìn nhận mọi vật ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo của các em nên ở phần củng cố bài, giáo viên không nên đưa ra những bài văn mẫu hoàn chỉnh làm các em bắt chước, sao chép, dễ tạo cho các em cách làm văn sáo rỗng, na ná như nhau mà nên đưa ra những đoạn văn khác nhau. Cùng trong một tiết học, có thể đưa ra nhiều đoạn văn miêu tả của những tác giả khác nhau, giúp các em nhìn nhận đối tượng miêu tả toàn diện, phong phú hơn và từ đó các em sẽ biết chắt lọc, tìm tòi những chi tiết đặc sắc, học tập được các câu, các từ hay, cách diễn đạt hợp lý cho bài làm của mình.
Chẳng hạn, trong tiết luyện tập xây dựng đoạn văn miêu tả con vật, phần củng cố bài, giáo viên có thể đọc cho các em nghe một vài đoạn như sau:
“Tô-ny lớn nhanh như thổi. Giờ đây, nó đã là một chú chó trưởng thành với hình dáng cân đối và đẹp đẽ. Toàn thân nó phủ một lớp lông dày màu vàng nâu. Hai tai luôn dỏng lên nghe ngóng động tĩnh. Đôi mắt to, sáng.
Lỗ mũi đen, ướt, đánh hơi rất thính. Cái lưỡi màu hồng thè dài và hàm răng trắng bóng với bốn răng nanh cong và nhọn. Tô-ny có dáng như chó săn. Cái ức nở đầy đặn, bụng thon, bốn chân cao gân guốc và vững chãi. Cái đuôi xù cuốn tròn thành chữ “O” trên lưng”.
“ Con Rô sạch sẽ lắm. Mỗi lần mẹ gọi: “Rô đi tắm” là nó vẫy đuôi chạy theo, ngoan ngoãn như một đứa bé được nuông chiều. Thân hình nó không hề có một con bọ, con rận nào cả. Không biết mẹ dạy con rô từ bao giờ mà nó biết đi vệ sinh vào một chỗ phía sau nhà. Nó rất ý tứ. Mỗi khi có khách đến chơi nhà nó nằm im trên tấm đệm, đôi tai vểnh lên nghe bố mẹ và khách nói chuyện. Khách đứng dậy ra về, con Rô cũng theo bố mẹ em đi ra cửa như để tiễn chân khách”. ...
- Khi đưa ra những đoạn văn mẫu, giáo viên cần lưu ý sắp xếp theo thứ tự nhất định, không phải đưa ra đoạn nào trước cũng được. Việc sắp xếp phải theo hướng gợi mở dần, phải theo một trình tự logích. Có thể là từ những đoạn văn có kết cấu đơn giản đến phức tạp hoặc từ miêu tả hình dáng bên ngoài tới tả từng bộ phận hoặc từ tả hình dáng đến tính cách (đối với văn miêu tả con vật). Như thế sẽ giúp học sinh hiểu đối tượng miêu tả một cách có hệ thống có trình tự và cũng guíp học sinh vân dụng khi miêu tả là phải miêu tả theo một trình tự nhất định.
- Các đoạn văn mẫu đọc cho học sinh nghe cũng cần lựa chọn kỹ càng, có nội dung phù hợp, cùng chung một chủ đề, lời văn phải trong sáng, dễ hiểu, cụ thể, gần gũi với các em. Có thể lấy những đoạn văn của những nhà văn lớn, cũng có thể lựa chọn những đoạn văn hay của giáo viên, học sinh hoặc là những đoạn văn của các bài tập đọc mà các em được học trong chương trình. Chẳng han, khi dạy về văn miêu tả con vật có thể chọn những đoạn văn trong bài “Con chuồn chuồn nước”, “Con sẻ”, ... Các đoạn văn đưa ra cũng không nên quá dài hay quá ngắn vì nếu dài quá học sinh sẽ khó tiếp thu, ngắn quá sẽ không đảm bảo nội dung. Đặc biệt đoạn văn cần phải được
diễn đạt mạch lạc, đúng cấu trúc ngữ pháp, lời văn giản dị, câu văn giàu hình ảnh và phải mang tính mẫu mực cả về nội dung và hình thức.
- Khi đưa ra các đoạn văn mẫu cần phải phân tích, đánh giá để học sinh thấy được cái hay, cái đẹp trong từng đoạn văn, giúp học sinh nhận rõ nội dung miêu tả, sự khác biệt trong miêu tả và nét đặc sắc trong hành văn. Ví dụ: Đọc cho học sinh nghe đoạn văn “ Những cánh bướm bên bờ sông” : “ Ngoài giờ học, chúng tôi tha thẩn ở bờ sông bắt bướm. Chao ôi, những con bướm đủ màu sắc, đủ hình dáng. Con xanh biếc pha đen như nhung, bay nhanh loang loáng.Con vàng sẫm nhiều hình mặt nguyệt, ven cánh có răng cưa, lượn lờ đờ như trôi trong nắng. Con bướm quạ to bằng hai bàn tay người lớn, màu nâu xỉn, có hình đôi mắt tròn, vẻ dữ tợn. Bướm trắng bay theo đàn líu ríu như hoa nắng. Loại bướm nhỏ đen kịt, là là theo chiều gió hệt như tàn than của những đám đốt hương...”
Phân tích: Đoạn văn ngắn gọn nhưng đã miêu tả khá sinh động vô
số loài bướm. HÌnh ảnh những chú bướm hiện lên qua con mắt của mấy cậu học trò vốn say mê với thiên nhiên. Một từ tha thẩn miêu tả cảnh các cậu ra bờ sông bắt bướm, một từ chao ôi diễn tả cảm xúc mạnh mẽ trong lòng các cậu đến bật thành tiếng kêu chứng tỏ sự kinh ngạc và lòng say mê của các cậu học trò đến tột độ, tạo nền cho bài miêu tả, tạo nền cho hình ảnh những cánh bướm xuất hiện. Liên tiếp sau đó, mỗi câu văn được tác giả dùng để nói tới một con bướm. Mỗi con bướm lại được tả bằng các tính từ, các hình ảnh so sánh gợi vẻ đẹp đầy hấp dẫn: đen như nhung, loang loáng, vàng sẫm, lượn lờ đờ như trôi trong nắng, líu ríu như hoa nắng,.. Tác giả đã khéo chọn những hình ảnh mới mẻ, độc đáo để so sánh làm nổi bật dáng bay của từng loại bướm. Nó làm nên vẻ đẹp hấp dẫn riêng của đoạn văn miêu tả này.
Việc đưa ra đoạn văn mẫu cùng với lời phân tích rõ ràng như vậy sẽ giúp học sinh hình dung ra đối tượng miêu tả một cách cụ thể, sinh động hơn, giúp học sinh vận dụng cách dùng từ đặt câu vào bài viết của mình.