Nghĩa chính trị, pháp lý của việc xóa án tích

Một phần của tài liệu Chế định xóa án tích trong luật hình sự Việt Nam (Trang 28)

Xuất phát từ tính chất nhân đạo, tôn trọng quyền con người của chính sách hình sự nói chung và của việc xóa án tích nói riêng, việc xóa án tích đối

với người bị kết án theo bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án có ý nghĩa chính trị - xã hội, pháp lý rất quan trọng. Điều này được thể hiện như sau:

Việc xóa án tích cho người phạm tội mang tính phòng ngừa tội phạm cao, điều này được thể hiện qua việc quy định: "Người được xóa án tích coi như chưa can án". Vì vậy, sau khi được cấp giấy chứng nhận xóa án tích hoặc sau khi Tòa án ra quyết định xóa án tích thì trong những giấy tờ về căn cước, lý lịch tư pháp cấp cho họ phai ghi rõ "chưa can án". Người đã được xóa án tích mà sau lại phạm tội mới thì không được căn cứ vào những tiền án đã được xóa án tích mà coi như là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Thông qua việc quy định về xóa án tích, đã góp phần động viên người bị kết án tích cực cải tạo, học tập, lao động và ngăn ngừa họ phạm tội mới để nhanh chóng trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội. Còn đối với gia đình, họ hàng thân thích của người được xóa án tích, họ cũng sẽ không bị mang tiếng xấu là có người trong gia đình phạm tội.

Về mặt thực tiễn, nếu Tòa án áp dụng đúng đắn và chính xác trong thực tiễn các quy phạm của chế định xóa án tích sẽ đưa đến một loạt các lợi ích xã hội, đó là việc tăng cường pháp chế và củng cố trật tự pháp luật, bảo vệ vững chắc các quyền và tự do của con người; nâng cao uy tín của Tòa án, làm tăng thêm lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào tính công minh và sức mạnh của pháp luật [22, tr. 823].

Về mặt chính trị - pháp lý: Với chế định xóa án tích, một mặt góp phần đảm bảo cho việc thực hiện nhất quán nguyên tắc công bằng, mặt khác phản ánh nguyên tắc nhân đạo, tôn trọng quyền con người của pháp luật hình sự. Vì pháp luật cần thiết phải quy định các chế tài để nghiêm trị và răn đe người phạm tội, nhưng không thể thiếu tính nhân đạo; xã hội muốn có công bằng và nhân đạo phải là xã hội có một hệ thống pháp luật vì con người; xã hội không thể ổn định và phát triển được nếu như pháp luật không vì con người, nhưng nếu pháp luật không mở lối hoàn lương của người bị kết án thì vô hình chung, pháp luật đã bị phản tác dụng [22, tr. 823].

Quan điểm trên của PGS.TSKH Lê Cảm đã thể hiện đầy đủ ý nghĩa thực tiễn cũng như ý nghĩa chính trị pháp lý của việc xóa án tích.

Một phần của tài liệu Chế định xóa án tích trong luật hình sự Việt Nam (Trang 28)