Đánh giá hiệu quả của các giao thức định tuyến

Một phần của tài liệu Đánh giá ảnh hưởng của sự di động của nút mạng đến hiệu quả của các thuật toán định tuyến trong mạng MANET (Trang 79)

Trong cả hai mô hình Random Waypoint và Random Walk, tôi xây dựng các mạng mô phỏng với các vận tốc nút khác nhau còn các tham số hoạt động khác là giống nhau đồng thời sử dụng một tệp truyền thông duy nhất với 10 nguồn phát để đánh giá hiệu quả hoạt động của bốn giao thức định tuyến: AODV, DSR, DSDV và OLSR. Các giao thức này thuộc nhiều các kỹ thuật định tuyến khác nhau bao gồm định tuyến nguồn, định tuyến theo yêu cầu, định tuyến trước, định tuyến phân tán, định tuyến dựa trên trạng thái liên kết, định tuyến dựa trên véc tơ khoảng cách, … Từ những kết quả mô phỏng thu được, ta thấy được mỗi giao thức đã thể hiện tính hiệu quả khác nhau của các cơ chế định tuyến. Những kết luận chung nhất về hiệu suất của từng giao thức và các cơ chế định tuyến được trình bày dưới đây.

Là giao thức chủ ứng dựa trên vectơ khoảng cách, DSDV hoạt động hiệu quả trong cả hai mô hình với hai độ đo là trễ trung bình đầu cuối và tải định tuyến chuẩn hóa thấp và ổn định. Còn phần trăm phân phát gói tin thành công và thông lượng đầu cuối trung bình trong mô hình Random Walk lại thấp hơn khá nhiều so với trong mô hình Random Waypoint nhưng trong cả hai mô hình thì hai độ đo này đều giảm khi vận tốc nút tăng. Tổng hợp kết quả của bốn độ đo, ta có thể thấy được tính ổn định cùng hiệu quả khá tốt của DSDV trong hoạt động định tuyến ở cả hai mô hình.

Tương tự như DSDV, OLSR là giao thức chủ ứng nhưng dựa trên phương pháp định tuyến trạng thái liên kết. Trong mô hình Random Waypoint độ trễ đầu cuối trung bình cao hơn nhiều so với trong mô hình Random Walk mà phần trăm phân phát gói tin thành công và thông lượng đầu cuối trung bình lại cho kết quả cao hơn. Kết quả tải định tuyến chuẩn hóa ở cả hai mô hình Random Waypoint và Random Walk là giống nhau. Như vậy, ta có thể đánh giá hiệu quả hoạt động của OLSR đạt mức trung bình.

Thuộc giao thức định tuyến phản ứng, AODV là sự kết hợp cơ chế định tuyến véc tơ khoảng cách của DSDV và cơ chế định tuyến phản ứng theo yêu cầu của DSR. Sự kết hợp này đem đến cho AODV hiệu quả hoạt động rất tốt khi vận tốc nút tăng.

Trong cả hai mô hình, phần trăm phân phát gói tin thành công và thông lượng đầu cuối trung bình ổn định và cao. Trung bình của phần trăm phân phát gói tin thành công là trên 80% còn của thông lượng đầu cuối trung bình là trên 130 kbps. Với hai độ đo còn lại là trễ đầu cuối trung bình và tải định tuyến chuẩn hóa cho kết quả tương tự ở cả hai mô hình và đó là kết quả khá tốt. Đánh giá hiệu quả hoạt động của AODV ta thấy đây là một giao thức phản ứng tốt với sự linh động của các nút mạng.

Cuối cùng, ta xét đến hiệu quả hoạt động của giao thức định tuyến DSR. Cũng là giao thức phản ứng như AODV nhưng DSR dựa trên định tuyến nguồn. Do đó, DSR đã loại bỏ được các chi phí cho cập nhật định kỳ đường và phát hiện hàng xóm. Chính vì vậy, khi cấu hình mạng thay đổi nhanh chóng do các nút chuyển động nhanh thì DSR hoạt động kém hiệu quả. Kết quả trễ đầu cuối trung bình và tải định tuyến chuẩn hóa lớn đã làm rõ nhận định trên. Điều này cho thấy đặc điểm của các giao thức phản ứng theo yêu cầu là tải định tuyến thay đổi theo môi trường mạng. Khi vận tốc các nút tăng kéo theo cấu hình mạng thay đổi liên tục và nhanh chóng, tải định tuyến chuẩn hóa của các giao thức phản ứng đã cao hơn hẳn các giao thức chủ ứng. Nguyên nhân là sự bùng nổ các gói tin phát hiện đường, trả lời đường và thông báo lỗi. Mặc dù tải định tuyến chuẩn hóa không quyết định hiệu suất cuối cùng là phân phát tỷ lệ cao các gói tin thành công tới đích, tải định tuyến chuẩn hóa quá cao sẽ tiêu tốn băng thông mạng và có thể gây nên tắc nghẽn mạng. Đây chính là hạn chế của các giao thức phản ứng theo yêu cầu. Và cũng giống như DSDV, OLSR, AODV phần trăm phân phát gói tin thành công và thông lượng đầu cuối trung bình của DSR giảm khi vận tốc nút tăng. Nhận xét của ta về DSR là nó hoạt động tồi khi vận tốc nút tăng lên.

Ta có thể đưa ra một sắp xếp giảm dần về hiệu quả hoạt động của các giao thức định tuyến khi chịu ảnh hưởng của sự linh động của các nút mạng như sau: Hoạt động hiệu quả nhất là AODV khi hai độ đo quan trọng là phần trăm gói tin thành công và thông lượng đầu cuối trung bình đều cho kết quả tốt nhất; Đứng thứ hai là DSDV với tải định tuyến chuẩn hóa và trễ đầu cuối trung bình đều thấp trong khi phần trăm gói tin thành công và thông lượng đầu cuối trung bình cho kết quả chấp nhận được; OLSR đứng vị trí thứ ba khi cả bốn độ đo đều đạt kết quả trung bình; Đứng cuối cùng là DSR, giao thức này hoạt động tồi khi vận tốc nút tăng với số gói tin định tuyến rất lớn, trễ đầu cuối trung bình cao, thông lượng đầu cuối trung bình và phần trăm phân phát gói tin thành công thấp.

Chương 6: KẾT LUẬN VÀ HƯỚNG NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Đánh giá ảnh hưởng của sự di động của nút mạng đến hiệu quả của các thuật toán định tuyến trong mạng MANET (Trang 79)