Liên kết giữa nội vùng và liên kết giữa các vùng

Một phần của tài liệu BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ ĐÁNH GIÁ SỰ CHÊNH LỆCH TRONG PHÁT TRIỂN GIỮA CÁC VÙNG SAU 5 NĂM GIA NHẬP WTO VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH (Trang 49)

2. Thực trạng phát triển các vùng ở Việt Nam trong giai đoạn qua

2.3. Liên kết giữa nội vùng và liên kết giữa các vùng

Cho đến nay, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong có thể nói chúng ta vẫn chưa có những biện pháp hữu hiệu nào từ trung ương cho việc liên kết vùng (nội vùng và liên vùng). Trước tình hình đó, một số vùng (hoặc tiểu vùng) đã hình thành những sáng kiến cho việc liên kết các địa phương trong vùng để phát triển kinh tế, ví dụ các hoạt động liên kết vùng ở ĐBSCL (đặc biệt là Diễn đàn hợp tác và phát triển kinh tế vùng ĐBSCL (MDEC)), liên kết phát triển du lịch của 7 tỉnh duyên hải miền trung,….

Tuy vậy, các sáng kiến, các hoạt động trên vẫn chưa thực sự tạo ra những động lực và “chất kết dính” giữa các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tiến trình liên kết – hợp tác nội vùng và liên vùng cơ bản vẫn chưa có những thay đổi có tính đột phá. Bằng chứng rõ rệt nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng. Các địa phương vẫn tiếp tục triển khai những dự án cảng biển, sân bay... “cho riêng mình” mà vẫn chưa hề có những động thái phối hợp để xem xét lại hiệu quả của quy hoạch mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo từ những nghiên cứu độc lập.

Mấu chốt quan trọng nhất cho việc liên kết giữa các địa phương trong vùng là tạo tạo ra “tài sản chung” để các địa phương cùng khai thác (ví dụ: sân bay, cảng biển, KKT,…). Hiện nay, theo sự phân cấp, tất cả những loại “tài sản” trên đều được đầu tư từ ngân sách TW vì thế việc hình thành “sức ép” từ TW buộc các địa phương trong vùng phải ngồi lại cùng nhau để thỏa thuận việc hình thành và phân bố “tài sản chung” đó là một điều hoàn toàn không phức tạp. Làm được điều này thì chắc chắn hiện tượng lãng phí trong việc xây dựng những sân bay, cảng biển, KKT san sát nhau như thời gian qua không thể xuất hiện được.

Tuy vậy, một trong những điều kiện tiên quyết cho việc liên kết phát triển vùng là phải có một tổ chức chịu trách nhiệm cho việc này. Rất tiếc rằng, cho đến nay vấn đề này lại chưa được quan tâm đúng mức.

Từ năm 1975 đến năm 1977, sau khi thống nhất đất nước, Hội đồng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu và phân 38 tỉnh, thành cả nước ra thành 07 vùng nông lâm nghiệp, làm cơ sở cho việc phân vùng quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp, mỗi vùng bao gồm một số tỉnh liền kề nhau. Sau đó có một số lần điều chỉnh, phân vùng lại và đến nay cả nước có 6 vùng kinh tế.

Vùng, Quy hoạch vùng, chính sách phát triển vùng đã được đề cập tại nhiều văn bản nhưng cho đến nay vẫn chưa có một cơ quan nào được giao chịu trách nhiệm cho việc quản lý phát triển vùng ở Việt Nam. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở quá trình hình thành và thực thi chính sách phát triển vùng cũng như điều phối giữa quy hoạch ngành và quy hoạch vùng, lãnh thổ ở Việt nam trong thời gian qua.

Hiện nay cả nước có 3 vùng kinh tế có Ban chỉ đạo, đó là: Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban chỉ đạo Tây Nguyên và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ song 3 Ban chỉ đạo này là các cơ quan do Bộ Chính trị thành lập nhằm giúp Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh tại 3 vùng trên. Dù có nhiều nỗ lực để phối hợp với Chính phủ và chính quyền các địa phương song vai trò điều phối phát triển của Ban chỉ đạo vẫn còn nhiều hạn chế.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ ĐÁNH GIÁ SỰ CHÊNH LỆCH TRONG PHÁT TRIỂN GIỮA CÁC VÙNG SAU 5 NĂM GIA NHẬP WTO VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH (Trang 49)