Để đảm bảo cho việc xây dựng các công trình trong khu vực về mặt ổn định nền, khả năng thoát nước nhanh, khả năng chống úng lụt, sự ổn định nền của từng loại công trình, đồng thời đảm bảo về mặt kiến trúc theo chức năng của từng loại đất sử dụng trong khu vực lập dự án nghiên cứu khả thi, đề xuất giải pháp kỹ thuật san nền như sau:
Cao độ khống chế: Khu vực xây dựng nằm trong vùng đồng bằng ven biển có địa hình thấp trũng. Cao độ biến thiên từ (–0,8)m ÷ (+3,8)m, hướng dốc chính của địa hình từ trung tâm khu vực dốc về 3 phía sông với độ dốc trung bình từ (0,003 ÷ 0,01). Nhìn chung các khu vực có độ dốc nhỏ, cao độ nền <2m.
Với đặc điểm địa hình như trên, giải pháp thiết kế san nền chủ yếu là đắp, tạo độ dốc đường và độ dốc mặt phẳng xây dựng sao cho việc thoát nước mặt và thoát nước bẩn thuận lợi, nhanh chóng, hạn chế ngập úng vào mùa mưa.
Về việc khống chế cao trình, theo tiêu chuẩn qui hoạch đô thị TCVN4449-87, trong điều kiện bình thường thì chọn tần suất ngập lụt 1%. Dự kiến đắp toàn bộ nền có cao độ Hmin ≥ 3,5m đạt cao trình ứng với tần suất lũ <1% (H = 3,5m).
Đối với khu vực dân cư hiện trạng cần tôn nền đến cao độ khống chế để hài hòa với các khu vực đã xây dựng với độ cao nền tối thiểu Hmin = 3,5m.
Phần hồ cảnh quan và lạch dẫn nước: chọn cao trình đáy -2.00m là phù hợp với cao trình đáy các hồ hiện trạng tại khu vực này, đảm bảo đủ độ sâu để dẫn nước từ sông Vĩnh Điện vào cũng như cho các vi thủy sinh phát triển.
Với khu vực cây xanh và sân vườn dự kiến cao độ tối thiểu mép bờ sông Hmin ≥ (2.0 ÷ 2,5)m.
Khống chế độ dốc đường và nền: để giảm thiểu khối lượng đắp nền, kiến nghị khống chế độ dốc đường và nền như sau:
Độ dốc nền tối thiểu trong khu vực xây dựng công trình: Imin <0,004. Độ dốc nền trong khu công viên, cây xanh: Imax < 0,025; Imin >0,004. Khối lượng đắp nền được tính toán với hệ số dôi 1,1.