8. Kết cấu luận văn
2.1. Quan niệm nhân sinh và trách nhiệm cá nhân
2.1.1 Quan niệm về cuộc sống
Trong quan điểm Nho giáo, đôi khi, trước một thực trạng xã hội mà trong đó, mâu thuẫn giữa các giai cấp và mâu thuẫn trong nội bộ giai cấp thống trị diễn ra gay gắt hầu như không thể điều hoà được, cũng như tình trạng xã hội rối loạn dường như không thể chấm dứt, các nhà Nho thường viện tới “đạo trời”, “mệnh trời”. Theo đó, cái trật tự đẳng cấp, phân vị ấy là do trời sinh ra, do trời sắp đặt, là “ý trời”, không thể thay đổi được. Và mọi hành động nào mà làm nguy hại đến “cái trật tự” đó, đi ngược với “ý trời” ấy là có tội với trời và bị trời
trừng phạt, giáng họa, dầu có cầu đảo thì trời cũng chẳng tha. Là một nhà Nho, Lê Quý Đôn cũng không thoát ra ngoài cái quan điểm duy tâm, định mệnh ấy của Nho giáo. Trong tư tưởng của Lê Quý Đôn cho thấy, ông cũng chịu ảnh hưởng quan điểm “mệnh trời”, “nhân quả báo ứng”, thuyết “tiền định”, những quan điểm chỉ có tác dụng làm cho người ta trở lại với lẽ sống của con người phong kiến mà Nho giáo đã giảng dạy, làm cho họ yên tâm, bằng lòng với số phận hiện có, không dám đấu tranh, không dám tiếm quyền, không dám đòi hỏi. Đúng như GS. Trần Đình Hượu khẳng định, ở Nho giáo “tư tưởng thiên mệnh là lá bùa hộ mệnh cho chế độ chuyên chế, cho dòng họ cầm quyền, là liều thuốc mê ru ngủ quần chúng bị áp bức, làm rã rời mọi mầm mống chống đối”[20, tr. 83].
Là vị quan tận trung với triều đình phong kiến, Lê Quý Đôn đã tìm mọi cách để bảo vệ chế độ ấy cũng như địa vị và những lợi ích căn bản của giai cấp phong kiến thống trị đương thời, xoa dịu sự phản kháng của nhân dân. Ông đã đưa ra nhiều lý lẽ thần bí và duy tâm để mê hoặc con người, như ông nói : “luân thường, trật tự... đó là người thể theo trời” (Thư kinh diễn nghĩa); “Kính thành, hiếu là lẽ đương nhiên của đạo người” (Thư kinh diễn nghĩa). Những luận điểm duy tâm và đậm màu sắc thần bí ấy ít nhiều đã mê hoặc, ảnh hưởng được một số người, khiến họ đi theo đạo lý của ông một cách mù quáng. Nhưng cách làm đó của ông không thể trở thành một biện pháp có hiệu quả to lớn và phổ biến.
Trong phương diện đạo đức, Lê Quý Đôn thấm nhuần những chuẩn mực, những nguyên tắc đạo đức Nho giáo, đạo đức phong kiến, gắn cho những chuẩn mực, những nguyên tắc đó tính chất thần bí, như ông cho rằng, “tam cương”, “ngũ thường” là ý của trời, vua chúa chỉ là người phát hiện thôi, và do vậy, nếu con người thực hiện “lễ”, “nghĩa” sẽ được trời cho phúc. Như trong sách Kiến
văn tiểu lục, ông nói: “Về phần tôi, tôi cho là: người quân tử làm điều tốt, không
Thế mà thân danh được yên lành, con cháu được thịnh vượng, phúc lộc đức lại thừa sức dồi dào. Bởi vì “thuận theo đạo tất được lành, thuận theo đức thì được thịnh”(Huệ dịch tất cát, thuận đức giả xương); câu nói ấy có phải là vu khoát đâu?”[9, tr. 37]. Hay như có chỗ ông viết: “Thời đại nhà Tống, có người họ Chúc tên Nhiễm, mỗi lần gặp năm đói, thường nấu cháo cấp phát cho người nghèo bốn phương. Sau con Chúc Nhiễm đi thi, Nhiễm mộng thấy một người cầm cái “bảng Trạng nguyên” đứng ở ngoài cửa, trên bảng viết bốn chữ “thí chúc chi báo”(báo công bố thí cháo). Được ít lâu, có người báo tin là con ông ta đỗ Trạng nguyên cập đệ. Đấy là báo công bố thí cho người nghèo”[9, tr. 37-38].
Bên cạnh đó, ông còn chủ trương và yêu cầu mọi người phải luôn tu thân, tu dưỡng đạo đức để diệt trừ “nhân dục” (nhu cầu, ham muốn vật chất của con người), để thực hiện “đạo tâm” (những chuẩn mực, nguyên tắc chính trị và đạo đức phong kiến). Trong lúc nhân dân đang muốn thoát ra khỏi mọi sự ràng buộc của lễ giáo và ý thức hệ phong kiến, của "tam cương", "ngũ thường" Nho giáo và đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột và thống trị của triều đình phong kiến, trong lúc có biết bao người nghèo khổ phải xiêu dạt nay đây mai đó, đang khát khao tự do và cơm ăn áo mặc, thì chủ trương và tư tưởng trên của Lê Quý Đôn là không phù hợp và đi ngược lại với lợi ích của đông đảo người dân lao động.
Đương nhiên rằng, bước đường phát triển của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ thứ XVIII vẫn là chế độ phong kiến, và Nho giáo vốn là sản phẩm và là hệ tư tưởng của chế độ đó vẫn còn cơ sở và điều kiện để tồn tại. Song, vật chướng ngại cho sự phát triển xã hội lúc đó là tập đoàn thống trị Lê - Trịnh và tư tưởng Nho giáo chính thống- chỗ dựa và là công cụ chủ yếu để bảo vệ sự thống trị đó. Vì vậy, học thuyết nào đóng được vai trò tích cực trong giai đoạn lịch sử này là phải nhằm đánh đổ sự thống trị của tập đoàn phong kiến Lê- Trịnh và phải phê
phán mặt tiêu cực, mặt hạn chế của Nho giáo chính thống. Học thuyết của Lê Quý Đôn không những không làm được như thế mà còn ra sức bảo vệ tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh, ra sức phục hồi những "thánh mô hiền phạm" của Nho giáo chính thống, do đó tính chất tiêu cực của nó là điều hiển nhiên.
Nhưng sống trong xã hội, con người và mỗi người luôn có nhiều mối quan hệ, trong những mối quan hệ này thì tư tưởng mang tính chất này, trong những mối quan hệ khác thì tư tưởng có thể mang tính chất khác. Con người và mỗi người là một thực thể, một hiện tượng phức tạp. Tình cảnh đó đúng với Lê Quý Đôn. Trong tư tưởng của ông, bên cạnh mặt tiêu cực còn có những yếu tố, tính chất tích cực, bên cạnh tư tưởng duy tâm, thần bí có những nhân tố hợp lý và biện chứng. Do đó, thật là phiến diện, nếu nghiên cứu tư tưởng của ông mà chỉ thấy toàn mặt tiêu cực, và cũng thật sự là siêu hình nếu tách những thành tựu và đóng góp của ông trong các lĩnh vực dân tộc học, sử học, văn học, nông học... khỏi từng yếu tố tích cực trong tư tưởng của ông. Vì xét cho đến cùng, những cống hiến chỉ có thể bắt nguồn từ những yếu tố tích cực trong tư tưởng của nhà tư tưởng.
Mặt tích cực trong tư tưởng của ông được trình bày rải rác ở nhiều nội dung, trong nhiều tác phẩm, có khi xen lẫn với màu sắc duy tâm tiêu cực, có khi còn phải dựa vào lời của người nói để nói lên ý của mình. Tuy vậy, những yếu tố đó vẫn hiện ra một cách khá rõ rệt mà chúng ta không thể không nhắc tới.
2.1.2. Quan niệm về lý tưởng sống và con đường, biện pháp để đạt tới
Trong cuộc đời mình, Lê Quý Đôn có hai hoài bão lớn. Một là, thi hành những cải cách quan trọng, nhất là thiết định pháp chế để làm cho nước giàu, dân mạnh, đưa xã hội và chế độ phong kiến Việt Nam thời Lê - Trịnh đến thái bình thịnh trị. Hai là, đọc sách, viết sách và chứa sách. Ngay cả khi ra làm quan rồi ông vẫn ham đọc sách, “trước thư lập ngôn” không biết mỏi.
ở hoài bão thứ nhất, ông thể hiện là một quan đại thần xông xáo trên trường chính trị và quân sự của triều đình phong kiến Lê - Trịnh. Có thể nói, ở phương diện này, Lê Quý Đôn tiêu biểu cho lớp nhà nho hết lòng bảo vệ, phụng sự chế độ phong kiến đương thời.
Cuộc đời của Lê Quý Đôn là cuộc đời của một sĩ phu tận trung với triều đình phong kiến Lê - Trịnh. Lê Quý Đôn sinh thời gặp phải lúc chế độ phong kiến Việt Nam đang trên đà suy sụp, khủng hoảng trầm trọng. Nội bộ giai cấp phong kiến chia năm xẻ bảy. Mâu thuẫn giữa nông dân và giai cấp phong kiến thống trị, giữa các tập đoàn trong nội bộ giai cấp phong kiến ngày càng gay gắt hơn bao giờ hết. Số lượng và quy mô của những cuộc khởi nghĩa nông dân thế kỷ XVIII đã phản ánh cụ thể và khá chính xác tình trạng rối ren của xã hội lúc bấy giờ. Trước cơn gió lốc của thời đại, dĩ nhiên vấn đề hàng đầu đặt ra đối với Lê Quý Đôn là làm thế nào để bảo vệ và duy trì vương triều phong kiến thoát dần ra khủng hoảng và khỏi bị sụp đổ. Ông đã nhiều lần dâng sớ điều trần, trình bày sở kiến chính trị của mình lên triều đình phong kiến và bản thân ông cũng ra sức thực hiện những điều đó. Cho nên, ông luôn tự hào rằng, mình đã đem "hết khả năng tâm lực mà làm điều chức phận nên làm", để thỏa lòng bề trên, ban ơn dân chúng.
Lê Quý Đôn vừa là nhà hoạt động thực tiễn vừa là nhà tư tưởng, học vấn uyên bác của ông đã đưa ông lên vị trí hàng đầu trong giới học giả đương thời. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà ông được cử làm Phó sứ và khi đi sứ sang Trung Quốc, gặp các sứ thần Triều Tiên, họ cũng phải ngạc nhiên “vừa gặp đã biết ngay là bậc anh tài của một nước”.
Trước tình hình xã hội phong kiến Việt Nam lúc bấy giờ, tâm tư Lê Quý Đôn luôn nặng trĩu. Ông than thở rằng, xã hội gì mà "nhân tâm thì vô định, thế biến thì vô lương". Ông trăn trở "giám cổ - nghiệm kim" (xem xưa xét nay),
nhận định về nguyên nhân sâu xa của sự bất ổn trong xã hội là xuất phát từ bản chất hung ác vốn có của những con người bất tri cộng thêm với điều kiện kinh tế - xã hội bất ổn.
Lê Quý Đôn luôn tâm niệm rằng, trị nước vốn là vấn đề không dễ dàng chút nào. Ngay đến vua Nghiêu, vua Thuấn tài giỏi như vậy mà còn phải vất vả, huống chi là người đời sau. Vậy phải làm thế nào? Theo ông, con đường duy nhất lúc này là phải dùng pháp chế. Rõ ràng, điều này là phù hợp trong tình cảnh xã hội hết sức hỗn loạn ở nước ta thời bấy giờ.
Như trên đã trình bày, bước vào thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến Việt Nam ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, ngày càng suy yếu về mọi mặt. Giai cấp phong kiến thống trị ngày càng đồi truỵ và phản động. Pháp luật và những văn bản dưới luật do chúng lập ra, ban hành và có trách nhiệm thực thi và chỉ đạo thi hành càng ngày càng bị chính chúng vi phạm trắng trợn. Chúng có thể làm gì thì làm, không có pháp luật nào ngăn cản được. Chẳng hạn, sử sách đã ghi chép việc Đặng Mậu Lân, em trai Đặng Thị Huệ cậy thế chị, thường đem hàng chục thủ hạ đi rong chơi ở khắp các phố phường kinh thành Thăng Long và các miền nông thôn phụ cận. Hễ gặp xe các nhà quyền quý mà Đặng Mậu Lân không ưa là lập tức gây chuyện để đánh giết. Gặp đàn bà, con gái có nhan sắc, ông ta sai bắt và vây màn để hãm hiếp ngay ở giữa đường. Người nào chống lại thì ông ta lấy dao cắt đầu vú vứt đi. Chồng hay cha người bị hãm hại lên tiếng phản đối thì y sai bẻ răng hoặc giết. Những việc như trên là những việc xảy ra hầu như hàng ngày giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt quần chúng nhân dân. Chúa Trịnh Sâm biết những hành vi bạo ngược của Đặng Mậu Lân nhưng cũng để mặc cho ông ta muốn làm gì thì làm. Rõ ràng, trong chế độ phong kiến, pháp luật thường không được thi hành một cách triệt để trong giới thống trị hoặc chỉ thi hành khi nào có lợi cho giai cấp phong kiến thống trị.
Trong bối cảnh xã hội, trật tự và kỷ cương xã hội rối loạn, nhiễu nhương như vậy không thể chủ yếu dùng nhân- lễ- nghĩa- trí- tín…để khắc phục và dần đưa xã hội vào vòng trật tự, có kỷ cương được mà buộc phải sử dụng pháp luật, pháp chế. Theo Lê Quý Đôn, nội dung của pháp chế có thể quy thành ba điểm sau:
Thứ nhất, xây dựng cơ cấu và cơ chế bộ máy nhà nước.
Thứ hai, chấn chỉnh luật pháp, lập lại trật tự, kỷ cương.
Thứ ba, đẩy mạnh văn hoá, giáo dục.
Trong ba điểm trên, vấn đề cơ cấu và cơ chế bộ máy nhà nước được Lê Quý Đôn đặt lên hàng đầu. Khi được thăng Tả thị lang bộ Lại, ông có tâu trình bốn điều về việc trị đạo, trong đó có hai điều về cơ cấu và cơ chế của bộ máy nhà nước: thứ nhất, sửa đổi đường lối bổ quan; thứ hai, sửa đổi chức vụ của các quan. Những kiến nghị giá trị đó đã được nhà chúa hết sức khen ngợi [ 4, tr. 390-391].
Lê Quý Đôn rất quan tâm đến cơ cấu, đến hàng ngũ quan lại. Ông gọi đó là chính sách sử dụng người hiền. Theo ông, vai trò của "người hiền" quyết định đến sự tồn vong của đất nước, của chế độ. Vì vậy, trong sách Quần thư khảo biện, ông dành nhiều trang bàn về thái độ của vua chúa đối với người hiền như thế nào là đúng mực. Ông nói: "Người làm tướng phải biết nhẫn nhịn, bao dung, kính người hiền, trọng kẻ sĩ. Người làm tướng mà không biết nhẫn nhịn, bao dung; không biết kính người hiền, trọng kẻ sĩ, chỉ toàn ỷ vào hiểu biết và suy nghĩ của mình đồng thời lạm dụng uy lực, thì rồi sẽ bị thất bại”[12, tr.141].
Ngược lại, trong mục Sĩ quy của sách Vân đài loại ngữ, ông cũng tham mưu cho các quan lại về thái độ khôn khéo cần có đối với vua chúa. Theo ông, "làm chính trị không khó, đừng gây oán hận với những đại gia tộc là được” [15, tr.11].
Ngoài ra, Lê Quý Đôn còn rất quan tâm đến việc tinh giản bộ máy nhà nước. Ông tỏ ra đồng tình với vua Trần Nhân Tông (khi đã làm Thái thượng hoàng) về việc phê phán bộ máy hành chính cồng kềnh dưới thời của vua Trần Anh Tông:
"Có bao giờ một nước to bằng bàn tay mà lại đặt triều ban nhiều đến thế này?" [9,tr.131].
Lê Quý Đôn đồng tình với cách tổ chức quan lại và chế độ bổng lộc của các đời sau hơn là các đời trước cũng từ chỗ tinh giản bộ máy. Ông viết:
"Xét ra chế độ đặt quan ngày trước, phần nhiều tước trọng trật cao, chế độ đặt quan ngày nay đều là rút bớt bổng lộc, hạ thấp phẩm trật, chức quan có đặt có nhiều hơn trước, mà chi bổng lộc so với trước vẫn ngang nhau. Như thế đã không có người ăn bám mà có người chịu trách nhiệm rõ ràng, làm cho chức lớn chức nhỏ ràng buộc với nhau, việc nặng việc nhẹ gánh vác lẫn nhau"[9, tr.139].
Lê Quý Đôn cho rằng, bộ máy nhà nước từ thời Lê Trung hưng trở về sau còn gọn nhẹ hơn cả triều Hồng Đức (triều Lê Thánh Tông trị vì 1470- 1497). Như ông viết:
"So với quan chế đời Hồng Đức chỉ độ một phần mười. Như thế, trong nước không phí tổn về bổng lộc, nhân dân không phiền phí về cung đốn, đều là chính sách hay theo thời mà bỏ bớt những việc tệ hại"[9, tr.144].
Việc chấn chỉnh luật pháp nhằm lập lại trật tự, kỉ cương cũng được Lê Quý Đôn hết sức chú ý. Năm 1770, ông đề xuất cải cách về đồn điền. Năm 1771, ông đề xuất cải cách thuế khoá ruộng đất. Khi đi công cán nơi nào, ông cũng kêu gọi chấn chỉnh luật pháp.
Lê Quý Đôn không đồng tình với chủ trương chỉ sử dụng biện pháp thuyết phục, buông lỏng quản lý bằng pháp luật. Ông cho rằng, “hướng dẫn hiểu
dụ nhiều lần, mà vẫn chưa chịu đi theo đường lối cai trị của ta, có thể nào ta lại cứ (đối xử) mềm mại nuông chiều với họ mãi được?”[11, tr.252].
Sở dĩ Lê Quý Đôn đưa ra chủ trương sử dụng pháp luật, chấn chỉnh pháp luật, sửa sang pháp chế trong việc quản lý xã hội, điều hành hoạt động của bộ máy nhà nước là bởi vì lúc bấy giờ, không phải ít người cứ khăng khăng chủ