Cách mạng tháng Mười Nga 1917 thắng lợi đã mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên toàn thế giới. Nhân dân Liên Xô cũng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng CNXH, nhưng cũng chính điều đó đã khiến cho suy nghĩ và hành động của một số người lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô có những sai lầm. Họ đã vi phạm trong một thời gian dài các quy luật khách quan của sự phát triển xã hội dẫn đến sự trì trệ của xã hội Xô viết trong những năm 80 của thế kỷ trước. Khi nhận ra những sai lầm, khuyết điểm, họ đã cố gắng khắc phục những khuyết tật hệ thống bằng cách tiến hành công cuộc cải tổ, nhưng do không tính toán kỹ các bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước, họ lại liên tiếp đưa ra những quyết định chính trị duy ý chí khiến cho tình hình càng thêm rối ren dẫn đến sự khủng hoảng toàn diện đời sống kinh tế - xã hội vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Như vậy, công cuộc cải tổ của Liên Xô không đem lại kết quả tốt đẹp hơn mà nó đã làm sụp đổ một cường quốc, tan rã chế độ XHCN đã tồn tại hơn 70 năm trên lãnh thổ rộng lớn chiếm tới 1/6 quả địa cầu.
CNXH ở Liên Xô sụp đổ cũng kéo theo sự sụp đổ mô hình XHCN cả ở các nước Đông Âu. Khi CNXH ở Liên Xô tan rã, các nước XHCN cũ ở
châu Âu đều ra sức tìm kiếm những con đường đi riêng cho dân tộc mình, điểm chung là không nước nào lựa chọn định hướng XHCN nữa mà ngả theo sự phát triển TBCN, lệ thuộc vào các nước phương Tây. Tuy nhiên, sự phát triển theo hướng TBCN này cũng gặp không ít những khó khăn bởi sự can thiệp sâu rộng vào nội bộ của các nước này từ phía CNTB Âu - Mỹ, dẫn tới đời sống kinh tế - chính trị - xã hội vẫn không được cải thiện là bao và người chịu khổ cuối cùng vẫn là nhân dân lao động.
Sự đổ vỡ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu càng khiến người ta phải suy ngẫm về những giá trị và ý nghĩa đích thực của CNXH, của chủ nghĩa Mác - Lênin và thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH. Bản chất và đặc điểm của thời đại là không thay đổi dù nó đã có thêm những biểu hiện mới của những mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu. Bài học được rút ra là, cần phải trung thành một cách có phê phán đối với di sản kinh điển Mác - Lênin, vận dụng và phát triển sáng tạo nó trong điều kiện, hoàn cảnh mới, cần phải xây dựng niềm tin khoa học vào CNXH chứ không phải là tin tưởng mù quáng, giáo điều, máy móc, thì mới là nhân tố đảm bảo cho thắng lợi của CNXH trong tương lai.
Cuộc khủng hoảng của CNXH hiện thực và những vấn đề thời đại là nhân tố tác động trực tiếp tới nhận thức và ra quyết sách đổi mới của Đảng CSVN - một Đảng luôn luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc, với các nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế XHCN, luôn luôn lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mình.
Trung Quốc cũng lựa chọn con đường đi lên CNXH bỏ qua TBCN và cũng gặp không ít khó khăn. Trong một thời gian dài vào những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, Trung Quốc đã rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, lòng tin của nhân dân đối với
Đảng và Nhà nước Trung Quốc cũng bị giảm sút trầm trọng. Nhưng dần dần Trung Quốc cũng tìm được hướng đi riêng cho mình thông qua công cuộc cải cách mở cửa, họ vẫn luôn kiên định mục tiêu XHCN để tiến hành xây dựng CNXH hài hòa mang màu sắc Trung Quốc. Những thành tựu mà Trung Quốc đạt được trên các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, công nghệ đã và đang làm cho các nước tư bản phải kính nể và thận trọng hơn trong các đối sách với nước này.
Như vậy, từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, hầu hết các nước XHCN từ Liên Xô đến Đông Âu, từ Trung Quốc đến Việt Nam và cộng hoà dân chủ nhân dân Lào đều tiến hành các cuộc cải cách với những tên gọi khác nhau. Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đi vào cải tổ. Trung Quốc thực hiện cải cách và mở cửa. Thành công của Trung Quốc trong việc cải cách và mở cửa nền kinh tế là vẫn giữ được con đường XHCN và kinh tế Trung Quốc đã có sự tăng trưởng phát triển nhanh, vượt lên trên Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Có thể nói đây là những gợi ý và tham khảo cho chiến lược phát triển của Việt Nam trong bối cảnh mới. Cùng ở châu Á như Trung Quốc, nhưng Việt Nam và Lào tiến hành công cuộc đổi mới. Cải cách hay đổi mới dù có những điểm khác nhau nhưng đều có một điểm chung là nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng và thúc đẩy sự phát triển của CNXH, làm cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở mỗi nước có hiệu quả hơn, thể hiện được nhiều hơn tính ưu việt thuộc bản chất của CNXH.
Bối cảnh thế giới trong xu thế toàn cầu hoá đã và đang đặt ra nhiều thách thức, nêu ra yêu cầu khách quan buộc các nước nêu trên phải đổi mới tư duy, nhất là tư duy về kinh tế. Bởi toàn cầu hoá (đặc biệt là toàn cầu hoá kinh tế) có tác động nhân quả tới sự vận động của phương thức sản xuất, là một quá trình xã hội hoá ngày càng rộng, ngày càng sâu sắc đối với sự phát
triển của LLSX và QHSX cùng với sự tác động biện chứng giữa hai mặt đó ở phạm vi toàn cầu. Thế giới hội nhập toàn cầu và nền kinh tế toàn cầu hóa đòi hỏi các quốc gia dân tộc phải mở cửa hội nhập để phát triển. Xu thế toàn cầu hoá kinh tế đã tạo ra những điều kiện để các nước tận dụng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống cho nhân dân. Ngoài ra, tác động của toàn cầu hoá kinh tế gắn với quá trình tiếp xúc, giao lưu, đối thoại giữa các nền văn hoá cũng là một xu thế khách quan và phổ biến: Từ nửa sau thế kỷ XX, nhất là từ vài thập kỷ nay, mối quan tâm và bàn luận về toàn cầu hoá ngày càng trở nên sâu rộng và phổ biến. Toàn cầu hoá là một quá trình nhiều mặt, một xu thế lớn trong đời sống thế giới đương đại, tác động hàng ngày hàng giờ tới mọi mặt sinh hoạt, mọi hoạt động và các mối quan hệ giữa các quốc gia – dân tộc, đến toàn bộ cuộc sống của từng người trên toàn thế giới. Cuộc đấu tranh trong thế giới toàn cầu hoá rất phức tạp, gay gắt và quyết liệt, chứa đựng trong đó tổ hợp các vấn đề kinh tế, chính trị và văn hoá, các lợi ích giữa các quốc gia – dân tộc, giai cấp và nhân loại, giữa chủ quyền an ninh của nhà nước – dân tộc với khu vực và thế giới, sự đụng độ giữa các nền văn minh, sự va chạm giữa các hệ giá trị truyền thống với hiện đại, giữa các thể chế pháp lý – chính trị hiện tồn của từng nước, từng khu vực với những chuẩn mực mà khi mở cửa và hội nhập cũng tác động lớn tới từng quốc gia (trong đó có Việt Nam).
Toàn cầu hoá như một quá trình vận động lớn bao hàm trong đó những diễn biến mạnh mẽ của quá trình quốc tế hoá và khu vực hoá, từ sản xuất và kinh tế đã thâm nhập vào các lĩnh vực đời sống văn hoá, chính trị, xã hội. Mở cửa hội nhập với thế giới toàn cầu, việc chuẩn bị tiềm lực, việc thường xuyên chăm lo bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc là vấn đề cần giải quyết ở tầm chiến lược chính trị thông qua các quyết sách, chính sách trên nhiều lĩnh vực. Mà điều này cũng đòi hỏi phải có tư duy mới, tức là
phải đổi mới tư duy. Chính yêu cầu này trong bối cảnh toàn cầu hoá và các vấn đề toàn cầu nói chung đã có tác động mạnh mẽ tới sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Nó không chỉ tác động ở thời kỳ mở đầu đổi mới mà còn tác động lâu dài trong suốt tiến trình đổi mới ở Việt Nam.
Nửa sau thế kỷ XX, nhất là từ những năm 70 trở đi, thế giới bước vào thời kỳ cách mạng khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, ngày càng có nhiều hơn các nghiên cứu, phát minh mới tạo ra sự bùng nổ thông tin mạnh mẽ tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Khoa học đang ngày càng trở thành LLSX trực tiếp với sự liên tiếp lan tỏa các làn sóng đổi mới công nghệ… đã cho thấy, đây thực sự là giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt trong lịch sử khoa học – công nghệ. Những tiến bộ trong sự phát triển khoa học – công nghệ không chỉ minh chứng cho những bước tiến dài của tư duy và tư tưởng, sức mạnh của trí tuệ và năng lực sáng tạo vô tận của loài người trong nhận thức và cải biến thế giới khách quan, mà còn trở thành động lực quyết định đối với sự phát triển sản xuất, tăng trưởng và phát triển nền kinh tế, đem lại nguồn của cải vật chất to lớn cho xã hội và làm phong phú sâu sắc hơn nhiều giá trị tinh thần của con người – cá nhân và cộng đồng dân tộc.
Cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực khoa học – công nghệ đã có tác động sâu sắc tới những biến đổi kinh tế - chính trị - văn hoá và tổ chức đời sống xã hội. Đây thực sự là một trong những xu thế lớn của thế giới đương đại. Sự lạc hậu về công nghệ là nguyên nhân trực tiếp nhất của sự lạc hậu về kinh tế, đẩy các chủ thể sản xuất – kinh doanh vào tình trạng thua thiệt, phá sản trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt. Dưới ảnh hưởng của cách mạng khoa học – công nghệ, càng lộ rõ tính quyết liệt trong cạnh tranh sản xuất và kinh doanh - nổi bật là ở cạnh tranh công nghệ
mà phần thắng bao giờ cũng thuộc về ai nắm giữ và làm chủ công nghệ cao, tiên tiến và hiện đại.
Như vậy, muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để phát triển nhanh và bền vững, các nước tất yếu phải rất chú trọng xây dựng tiềm lực về công nghệ, có chiến lược và chính sách đổi mới công nghệ, coi đó là khâu then chốt, đầu tư phát triển công nghệ là đầu tư trực tiếp cho sản xuất. Chính những thành tựu to lớn của cách mạng khoa học và công nghệ dẫn tới sự ra đời một nền kinh tế mới: nền kinh tế tri thức. Nền kinh tế này đã tác động làm thay đổi cơ cấu kinh tế thế giới, nó không những tạo ra bước phát triển vượt bậc của LLSX mà còn tác động đến QHSX, đến tư duy (nhất là tư duy kinh tế). Trong điều kiện kinh tế tri thức được triển khai nhanh chóng ở các nước phát triển, thì các nước đang phát triển lại sở hữu một nguồn nhân lực dồi dào. Đây sẽ là thế mạnh cho phát triển kinh tế, nếu biết huy động hết các khả năng sáng tạo của con người, nếu không thì chính nguồn lực to lớn không công ăn việc làm này sẽ là gánh nặng cho các nước với biết bao hậu quả xã hội tiêu cực. Như vậy, sự tác động to lớn tới đời sống xã hội của khoa học – công nghệ, của sự bùng nổ thông tin và sự hình thành xã hội thông tin, của nền văn minh tin học và kinh tế tri thức đã buộc các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) phải lựa chọn cho mình một hướng đi đúng đắn, bắt kịp, đi tắt, đón đầu bước tiến của thời đại. Trước một thế giới đổi thay và phát triển nhanh, làm thế nào để chúng ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, trì trệ, bắt trúng nhịp sống chung của thế giới hiện đại để bước vào sự phát triển năng động, thích ứng với những đòi hỏi mới của thời đại? Đổi mới - trước hết là đổi mới tư duy đã trở thành một nhu cầu bức thiết, mang tính sống còn và ngày càng trở nên chín muồi, đòi hỏi phải được hiện thực hóa không chậm trễ.