Ở trên, chúng ta đã chỉ ra rằng, “sự tự trị” là cơ sở để ý chí thực hiện công việc tự thiết lập những nguyên tắc đạo đức. Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu xem ý chí thực hiện công việc đó như thế nào?
Trong các tác phẩm đạo đức học, Kant đã đề cập đến quá trình ý chí tự thiết lập những nguyên tắc đạo đức. Ông cho rằng, quá trình đó diễn ra như sau: ý chí bắt đầu từ những châm ngôn chủ quan của nó (đó là những châm ngôn bị chi phối bởi những "ham thích sinh lý" và chỉ có giá trị đối với từng chủ thể riêng lẻ) đi đến thiết lập những điều lệnh thực hành (những điều lệnh
có giá trị đối với một số chủ thể nhất định nào đó); sau đó, ý chí dựa vào những nguyên tắc tiên nghiệm của lý tính để loại bỏ những yếu tố chủ quan và cảm tính ra khỏi những điều lệnh đó; cuối cùng, ý chí có được hình thức thuần túy của những quy luật, đó là những nguyên tắc thực hành có giá trị phổ quát đối với mọi chủ thể tồn tại trong thế giới cảm tính này. Ông viết: “Ta biết những gì ta phải bắt đầu trong việc nghiên cứu về lĩnh vực thực hành, đó là, từ “những châm ngôn” được mọi người đặt nền tảng trên những xu hướng riêng của mình, tiến tới “những điều lệnh” có giá trị hiệu lực cho một loại nhất định những hữu thể có lý tính trong chừng mực họ nhất trí trong những xu hướng nhất định; và sau cùng, là “quy luật” có giá trị cho mọi người bất kể những xu hướng của họv.v.. ” [7, tr. 120]. Nói cách khác, đây chính là quá trình mà ý chí sử dụng những nguyên tắc đạo đức vào việc làm cho những châm ngôn chủ quan của nó trở nên phù hợp với những nguyên tắc này. Theo đó, chúng ta thấy rằng, "sự tự trị của ý chí" chính là hạt nhân của quá trình thiết lập này. Kant viết: “sự tự trị của ý chí là nguyên tắc duy nhất của mọi quy luật luân lý và của mọi nghĩa vụ phù hợp với chúng” [7, tr. 60]. Như vậy, với Kant, nếu không có "sự tự trị của ý chí" thì không có những nguyên tắc đạo đức chỉ dẫn ý chí cũng như hành vi của con người. Hay, có thể nói rằng, nếu không có "sự tự trị của ý chí" thì không có những giá trị đạo đức cho loài người.
Mặc dù vậy, Kant vẫn cho rằng, con người có những giới hạn nhất định trong việc hiện thực hoá "sự tự trị của ý chí". Bởi lẽ, con người là những thực thể hữu hạn thường xuyên bị lôi kéo bởi những "ham thích sinh lý" và động cơ cảm tính bên ngoài; do dó, con người khó đạt được sự phù hợp một cách tuyệt đối giữa những châm ngôn chủ quan của ý chí với những nguyên tắc đạo đức, tức khó đạt được "sự tự trị của ý chí" một cách tuyệt đối. Vì thế, Kant coi ý chí có năng lực tự trị tuyệt đối là một lý tưởng mà con người luôn
ngưỡng mộ và khao khát vươn tới trong cuộc đời này. Hay, đó là ý chí thiêng liêng. Ông viết: “Tính thiêng liêng này [của ý chí] là một ý niệm thực hành nhất thiết phải giữ vai trò như một nguyên mẫu mà những hữu thể có lý tính nhưng hữu tận chỉ có thể vươn đến một cách vô tận” [7, tr. 59]. Cũng vì thế, theo Kant, công việc thiết lập những nguyên tắc đạo đức không phải là công việc dễ dàng đối với những con người hữu hạn trong thế giới này. Ông hiểu rằng, dù sức mạnh của lý tính có lớn đến đâu, con người cũng không thể đảm nhận hoàn toàn công việc thiết lập những quy luật phổ quát vốn là công việc thuộc về đấng tối cao - Thượng đế, mà con người chỉ có thể hy vọng rằng, bản thân mình sẽ làm được điều đó trong "một tiến trình tiến lên vô tận".
Kant nói về ý chí và "sự tự trị của ý chí" như là những khái niệm thuần túy thuộc về "thế giới siêu cảm tính" ("thế giới trí tuệ") bên trong con người; do đó, theo ông, thế giới cảm tính với vô vàn những sự kiện ngẫu nhiên và bất tất hoàn toàn không thích hợp để biểu tả về những khái niệm như vậy cũng như quá trình ý chí thiết lập những nguyên tắc đạo đức. Vì thế, Kant cho rằng, ý chí cần có một lãnh địa riêng để thực hiện công việc thiết
lập của nó. Trong Đặt cơ sở cho siêu hình học về đạo đức, ông đã nói về
lãnh địa này như sau: “đó là một vương quốc được tôi hiểu là sự hợp nhất có hệ thống từ vô số những tồn tại có lý tính thông qua luật chung. Luật quy định mục đích hướng tới những giá trị phổ quát của họ, nếu chúng ta trừu tượng những khác biệt cá nhân của mọi tồn tại có lý tính cũng như mọi nội dung của những mục đích riêng tư thì, chúng ta có thể nghĩ về một tổng thể những mục đích được liên kết có hệ thống (một tổng thể bao gồm những tồn tại có lý tính như là những mục đích tự thân, và mục đích của mỗi người do người đó đặt ra), đó là vương quốc của mục đích” [16, pg. 83]. Để làm rõ hơn về khái niệm “vương quốc mục đích” (“vương quốc đạo đức”), Kant đã phân biệt một cách rõ ràng giữa “mục đích chủ quan” và “mục đích khách
quan”. Ông viết: “…không chỉ có những mục đích chủ quan - cái mà tồn tại như là kết quả của hành động và có một giá trị nào đó đối với chúng ta, mà còn có những mục đích khách quan - cái mà tồn tại như một mục đích tự thân, và đối với nó thì không thể có một mục đích nào khác - cái mà được sử dụng như là phương tiện, có thể xen vào vị trí của nó” [16, pg. 79]. Ông còn cho rằng, “mục đích chủ quan” với tư cách là kết quả của hành động mà chủ thể hướng tới “thì chỉ mang tính tương đối, chúng chỉ dùng để thiết lập nên những khả năng của những khát vọng - cái mà bản thân chủ thể tự đem lại giá trị cho chúng”, do tính chất thường nghiệm “nó không thể cung cấp những nguyên tắc phổ quát, những nguyên tắc cơ sở và tất yếu cho mọi tồn tại có lý trí cũng như cho mọi ý chí, tức là không thể có quy luật thực hành”, vì thế, “tất cả những mục đích tương đối này chỉ là cơ sở cho những mệnh lệnh giả thiết” [16, pg. 78]; còn “mục đích khách quan” với tư cách là “mục đích tự thân” là “một cái gì đó mà bản thân nó tồn tại mang giá trị tuyệt đối, một cái gì đó mà bản thân nó là một mục đích tự thân có thể được sử dụng để làm cơ sở cho một quy luật xác định, và bản thân nó có thể làm cơ sở cho một mệnh lệnh tuyệt đối, tức là một quy luật thực hành” [16, pg. 78]. Do vậy, “vương quốc mục đích” trong đạo đức học của Kant chính là vương quốc của những “mục đích khách quan” hay những “mục đích tự thân”. Với ông, đó là thế giới hoàn toàn khác biệt với thế giới cảm tính nơi mà con người vẫn thường theo đuổi những “mục đích chủ quan” của chính mình.
Theo Kant, quá trình ý chí thiết lập những nguyên tắc đạo đức cũng chính là quá trình xây dựng “vương quốc mục đích” (“vương quốc đạo đức”). Chúng ta có thể hình dung quá trình đó như sau: ý chí đi tìm cơ sở quy định cho những châm ngôn của nó ở lý tính; tiếp đó, những châm ngôn này sẽ được trừu tượng hóa khỏi những “mục đích chủ quan” (loại bỏ cơ sở thường nghiệm); cuối cùng, chỉ còn lại hình thức của một quy luật phổ biến vận động
theo “mục đích tự thân” (bản thân quy luật này sẽ là mục đích của chính nó) - “quy luật luân lý”; quy luật này sẽ trở thành cơ sở cho việc hình thành “vương quốc mục đích”. Hay, có thể nói rằng, đây là cách thức mà mỗi cá nhân tự thiết lập những nguyên tắc đạo đức cho bản thân và biến chúng thành quy luật phổ quát cho những người khác, nhờ đó có thể đóng góp sức lực vào việc kiến tạo “vương quốc mục đích” (“vương quốc đạo đức”) của loài người trên thế gian này. Ông viết: “Một thế giới của những tồn tại có lý tính với tư cách là vương quốc mục đích được thiết lập thông qua việc những thành viên của vương quốc ấy tự thiết lập luật cho chính họ” [16, pg. 87]. Chính vì đề cao “sự tự trị của ý chí” trong việc thiết lập những nguyên tắc đạo đức như vậy, nên ông khẳng định rằng, con người “không thể tìm thấy giá trị tuyệt đối ở bất cứ nơi đâu, và nếu tất cả mọi giá trị đều mang điều kiện và ngẫu nhiên thì chúng ta cũng không thể tìm thấy những nguyên tắc thực hành tối cao cho lý tính ở bất cứ nơi đâu” [16, pg. 79] ngoài “vương quốc mục đích”. Nói cách khác, con người chỉ có thể thực hiện quyền “lập pháp” của mình ở trong “vương quốc mục đích”. Trên cơ sở đó, ông đưa ra quy tắc yêu cầu mọi người “…không được hành động dựa trên châm ngôn của người khác trong việc thiết lập quy luật phổ quát, mà hãy hành động sao cho tự bản thân ý chí có thể đồng thời thiết lập quy luật phổ quát thông qua châm ngôn của nó” [16, pg. 84]; “một tồn tại có lý tính phải hành động sao cho thông qua châm ngôn của chính mình, anh ta có thể trở thành một thành viên thiết lập luật của vương quốc mục đích phổ quát” [16, pg. 87]. Đến đây, chúng ta thấy rằng, “vương quốc mục đích” của Kant thực chất là nơi mà mỗi cá nhân luôn sống và hành động theo luật, cụ thể là “quy luật luân lý”, trong đó, họ vừa đóng vai trò là những “bậc nguyên thủ” thiết lập luật vừa là những “thần dân” tuân theo luật. Hay, đó chính là “vương quốc đạo đức” lý tưởng mà ông mong muốn thiết lập trên thế gian này.
Nói tóm lại, trong quan niệm của Kant, quá trình ý chí thiết lập những
nguyên tắc đạo đức chính là quá trình mà ý chí sử dụng những nguyên tắc này vào việc làm cho những châm ngôn chủ quan của nó trở nên phù hợp với chúng. Theo ông, ý chí có thể thực hiện công việc thiết lập thiêng liêng như vậy phải là ý chí có năng lực tự trị. Hay, có thể nói rằng, “sự tự trị của ý chí” chính là hạt nhân của quá trình thiết lập đó. Cũng nhờ vào quá trình thiết lập ấy, Kant cho rằng, con người có thể xây dựng một “vương quốc đạo đức” (“vương quốc mục đích”) cho chính mình trên thế gian này. Đó cũng là mục đích tối cao mà ông muốn đạt được trong đạo đức học của mình.
***
Trong toàn bộ chương 1, chúng tôi đã trình bày một cách có hệ thống
quan niệm của Kant về những nguyên tắc đạo đức (nguyên tắc thực hành). Ở đó, chúng tôi đã luận giải những vấn đề sau: thứ nhất, quan niệm của Kant về lý tính thực hành và khả năng của nó; thứ hai, quá trình lý tính thiết lập những nguyên tắc đạo đức; thứ ba, quan niệm của Kant về ý chí và “sự tự trị của ý chí”; thứ tư, quá trình ý chí tự thiết lập những nguyên tắc đạo đức. Chúng tôi cho rằng, việc trình bày như vậy là cơ sở quan trọng để tiếp tục tìm hiểu quan niệm của Kant về “tự do” trong chương 2 này.
Chương 2
Ý NIỆM “TỰ DO” TRONG ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA KANT