Trong hoạt động kinh doanh ngân hàng việc NHTM đương đầu với rủi ro tín dụng là điều không thể tránh khỏi, và thừa nhận một tỷ lệ rủi ro tự nhiên là điều khách quan hợp lý, yêu cầu đặt ra đối với nhà quản trị ngân hàng là làm thế nào để có thể hạn chế rủi ro ở một tỷ lệ thấp nhất có thể chấp nhận được. Trong thông lệ quốc tế, tổn thất 1% trên tổng dư nợ bình quân hàng năm được xem là một NHTM có trình độ quản lý tốt và tỷ lệ tổn thất này hoàn toàn không tác động xấu đến ngân hàng. Tại Việt Nam, để quản trị rủi ro tín dụng đạt hiệu quả cao nhất, các NHTM cần vận dụng một cách có hiệu quả các mô hình lượng hoá rủi ro tín dụng như mô hình chất lượng, mô hình điểm số, và mô hình điểm số tín dụng tiêu dùng. Các mô hình này được xem như là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc ra quyết định đúng đắn trước khi cấp tín dụng. Bên cạnh đó cũng cần những biện pháp hỗ trợ như thiết lập quỹ dự phòng rủi ro, phân cấp giới hạn tín dụng, đào tạo đội ngũ chuyên môn, kiểm tra giám sát hoạt động tín dụng sẽ giúp cho hệ thống các NHTM tại Việt nam phát triển vững mạnh hơn trên con đường hội nhập vào thị trường tài chính khu vực và thế giới.
Quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế luôn là một trong những chủ đề nhận được sự quan tâm của các NHTM, NHNN đã ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn về quản trị rủi ro tín dụng bao gồm quyết định 493/2005/QĐ-NHNN và quyết định 18/2007/QĐ-NHNN sửa đổi bổ sung trong đó quy định phân loại nợ theo tiêu chuẩn định tính (Điều 7) và lộ trình yêu cầu các NHTM phải đệ trình đề án.
XHTD nội bộ thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng quản trị rủi ro tín dụng của các NHTM. Mỗi NHTM đều có những kinh nghiệm, điều kiện kinh doanh riêng biệt nên hệ thống xếp hạng tín nhiệm sẽ có những đặc trưng khác nhau về tiêu chí đánh giá, số mức xếp hạng. Rất khó để có thể xác lập một chuẩn XHTD cho tất cả các NHTM. Do vậy, các NHTM sẽ phải tự xây dựng hệ thống XDTD nội bộ phù hợp với đặc thù riêng và có tham khảo hướng dẫn của NHNN, tham khảo kinh nghiệm của các NHTM và các tổ chức xếp hạng trong nước cũng như trên thế giới.
Yêu cầu đặt ra đối với hệ thống XHTD của các NHTM là phải cho phép thay đổi linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Ngoài ra, cùng với tiến trình hoàn thiện mô hình XHTD của các NHTM cũng cần phải chú ý đến vai trò kinh nghiệm và chuyên môn của chính các cán bộ tác nghiệp.