Thời gian hiện tại gợi nhắc quá khứ

Một phần của tài liệu Thời gian trong Âm thanh và cuồng nộ và Absalom, Absalom ! của William Faulkner (Trang 146)

7. Bố cục luận án

3.2.1. Thời gian hiện tại gợi nhắc quá khứ

Sự đan xen hai quãng thời gian này tập trung chủ yếu ở hai chương đầu, giảm dần và biến mất ở hai chương cuối trong Âm thanh và cuồng nộ. Sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại trong tác phẩm của Faulkner tạo nên những văn bản phủ đầy những đoạn văn với một sức khêu gợi sắc sảo. Các nhân vật suy tưởng, rồi tưởng tượng, có lúc rơi vào ảo giác, chuyện nọ xọ chuyện kia. Sự đan xen quá khứ – hiện tại là một phức hợp giữa kỹ thuật dòng ý thức (stream of consciousness) và tính linh hoạt thay đổi bất thường của độc thoại nội tâm (internal monologue) nhằm trình bày những dao động, những biến chuyển bất ngờ của tâm trạng nhân vật. Thực ra, sự đan xen giữa thời gian quá khứ và hiện tại không phải là điều quá mới mẻ. Ta tìm thấy kỹ thuật này trong các tác phẩm của Dickens, Dostoievski, Virginia Woolf, James Joyce… Nhưng trong tiểu thuyết của Faulkner, kỹ thuật đó chiếm ưu thế và nó không phải là một kết cấu song tuyến đồng hiện mà là kết cấu với nhiều tuyến đồng hiện khác nhau.

Vì vậy, tiểu thuyết của ông phức tạp chuyển đổi bất thường như một ống kính vạn hoa với những mảnh ghép của hiện thực tâm trạng, thể hiện như sau:

Thời gian trong tiểu thuyết hiện đại bị cắt khỏi thời gian tuyến tính của nó. Nó không trôi đi. Nó không tạo nên cái gì nữa. Các nhà nghiên cứu nhắc đi, nhắc lại rất nhiều lần thời gian là “nhân vật chính” của tiểu thuyết hiện đại. Kể từ sau Proust, Faulkner, sự quay trở về với quá khứ, những đứt đoạn về niên đại là cơ sở cho chính bố cục, kết cấu của tác phẩm. Tiểu thuyết hiện đại là sự nghiền ngẫm về ký ức con người, về sự khủng hoảng, bấp bênh, rắc rối của ký ức. Các chiều thời gian trong ký

ức hiện ra hỗn độn, phân tán, chất kết dính của những liên tưởng, dường như biến mất hoặc mơ hồ, rời rạc theo dòng chảy. Thời gian được thể hiện trong tác phẩm chính là thời gian mang tính quan niệm, thời gian trong tri giác chủ quan của nhà văn nên nó cũng là công cụ nghệ thuật. Trong mọi trường hợp, tiểu thuyết ngày nay mang một kết cấu không giống chút nào với kết cấu tuyến tính (kết cấu của đồng hồ, lịch biểu), mà đó là kết cấu của khoảnh khắc, các quãng nghỉ và những bước kế tiếp.

Việc cách tân về mặt thời gian gắn với nhà tiểu thuyết hiện đại Marcel Proust với tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất. Trong cuốn tiểu thuyết này, Proust đã sử dụng kỹ thuật gợi lại ký ức và người kể chuyện ngôi thứ nhất. Các nhà nghiên cứu cho rằng: “Thay vì kể một câu chuyện có lớp lang rành mạch, Proust đã tái hiện thực tại bằng cái nhìn chủ quan qua những miêu tả, những cảm giác bất chợt và dòng thời gian bị cuốn hút vào đó, chồng chất. Cấu trúc tác phẩm vì thế trở nên rậm rạp, khó nắm bắt và dễ lạc hướng. Proust phục hồi lại kỷ niệm qua những ám dụ (đám mây, đóa hoa, một cái tên…) ứng với nghệ thuật đàn bà, ánh sáng, bóng tối… và qua đó quá khứ sống dậy” [39,137]. Tiếp nối hành trình nghệ thuật của tiểu thuyết, Faulkner vận dụng kỹ thuật đồng hiện triệt để nhằm liên kết trong một sinh thể nghệ thuật các sự kiện và tình tiết cách xa nhau về thời gian và không gian. Thông qua hồi tưởng của nhân vật, nhà văn phát hiện nhiều nhân cách trong một nhân cách, đó là ý nghĩa sâu xa của tác phẩm. Cái tôi ấy được khơi dậy từ quá khứ, một kỷ niệm đẹp bỗng nhiên sống lại từ bóng tối của thời gian, ký ức là một sức mạnh sáng tạo. Những tư tưởng này được gợi ý phần nào từ tư tưởng triết học “thời biến” của Henry Bergson hay “vô thức” của Sigmund Freud.

Thủ pháp đồng hiện trong Âm thanh và cuồng nộ thể hiện ở chương I, với nhân vật Benjy cảm nhận thế giới xung quanh bằng tiếng động, mùi vị, giọng nói… Mỗi cảm giác như thế gợi cho anh ta một liên tưởng về một sự việc hay con người trong quá khứ. Các ký ức trong đầu Benjy cứ bật ra từng mẩu rất chính xác nếu đối sánh với thực tại. Benjy là một gã khờ nên trí nhớ không rành mạch, trong dòng hồi tưởng luôn bị xáo trộn các khoảnh khắc của hiện tại với các khoảnh khắc của các thời kỳ khác nhau trong quá khứ.

Trong Âm thanh và cuồng nộ, như đã nói, thời gian đồng hiện còn ẩn chứa trong biểu tượng cái bóng, nước, chiếc đồng hồ. Từ trong những vật tưởng chừng bình thường đó lại chuyên chở ý nghĩa thời gian. Cái bóng ẩn ngữ của thời gian xuất hiện chủ yếu trong phần độc thoại nội tâm của Benjy và Quentin, cái bóng mang hàm ý rằng: tình trạng hiện tại của gia đình Compson chỉ là một cái bóng vĩ đại trong quá khứ của nó. Cái bóng được Faulkner sử dụng như là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng của thời gian trôi qua, từ từ thay đổi với mặt trời qua quá trình một ngày. Benjy đặc biệt nhạy cảm với bóng tối, một gợi ý nhận thức sắc bén về bóng của Benjy, như là một biểu tượng đặc biệt có ý nghĩa thời gian của mình, chỉ đơn giản là “Cây hoa cạnh cửa sổ phòng khách không tối, nhưng những cây rậm thì tối. Cỏ rì rầm trong ánh trăng khi bóng tôi bước đi trên” [26,57]. “Rồi bóng tối trở lại, và ông đứng đen sì trong khung cửa, và rồi cửa trở lại tối đen… và bóng tối, và những gì tôi ngửi thấy các cửa sổ, nơi cây cối rì rầm. Rồi bóng tối bắt đầu biến thành những hình thể êm ả…” [26,89].

Trong phần độc thoại nội tâm của Quentin cũng lặp đi lặp lại hình ảnh cái bóng như: “Bóng râm chưa rời hẳn hàng hiên… nhìn bóng râm xê dịch” [18,96]; “Bóng cây cầu, dãy lan can, bóng tôi ngã dài trên mặt nước, tôi lừa nó quá dễ nên nó chẳng rời tôi… bóng cái bọc như một đôi giày gói lại nằm trên mặt nước. Bọn đen bảo rằng bóng một kẻ chết đuối lúc nào cũng rình rập họ ở dưới nước…” [26,106-107]; “… và tôi có thể chùi tay, nhìn bóng tôi, thử lừa nó. Tôi dẫn nó lẫn vào bóng của bờ kè, rồi tôi đi về hướng Đông” [26,110]… Có thể tìm thấy nhiều phiến đoạn nói về cái bóng trong phần của Quentin. Quan trọng là từ cái bóng, ta tìm thấy thời gian đồng hiện, với Quentin cái bóng hiện ra mang hình hài của cái chết. Thêm nữa cái bóng còn là quá khứ của dòng họ Compson luôn bám riết như một định mệnh nghiệt ngã mà Quentin, Benjy không sao thoát khỏi. Như vậy, thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai đang diễn ra trong cái bây giờ được lồng trong cái bóng.

Bên cạnh đó chiếc đồng hồ cũng là nhân tố tạo nên đồng hiện thời gian. Tiếng đồng hồ xuất hiện trong phần I của Benjy còn thưa thớt. Đến phần II của Quentin thì chiếc đồng hồ như vật bất ly thân của nhân vật này. Tiếng kêu tích tắc của đồng

hồ vang lên như nhịp tim hối hả của người sắp chết. Nó có mặt hầu hết khắp nơi, tiếng kêu của nó có lúc là thật mà có lúc chỉ là tiếng kêu trong ảo vọng. Đồng hồ từ xa xưa đã là biểu tượng của thời gian, nhưng cái đồng hồ của Quentin vừa là biểu tượng thời gian, vừa là vật kỷ niệm từ thời ông nội để lại nhưng trong hiện tại nó bị chính đứa cháu Quentin phá vỡ mà dư âm vẫn mãi vang vọng. Vì vậy, cái đồng hồ gợi nhắc Quentin trở về với quá khứ của gia đình, nó liên tục nhắc nhở Quentin cái di sản vinh quang gia đình từ ông nội sẽ lại quan trọng đến thế nào, vừa như là sự phán xử của mình trong hiện tại. Nó gắn liền với triết lý thời gian mà con người chạy đua với số phận cũng chính là chạy đua với thời gian của chiếc đồng hồ, một lần nữa ta thấy Quentin là nô lệ chính thời gian cũng như thân phận của con người trong cõi nhân sinh không thể vượt thoát thời gian của vòng sinh tử. Điều mà các nhà triết học, thi sĩ, nhà văn.. lúc nào cũng trăn trở, suy ngẫm trước sự biến dịch muôn đời của thời gian và thân phận con người trên dòng tháng năm.

Trong Âm thanh và cuồng nộ, kỹ thuật đồng hiện còn được nhà văn thể hiện trong hình tượng lung linh của nước. Đó là con suối từng tắm mát cuộc đời tuổi thơ của những đứa bé trong gia đình Compson. Đó là dòng sông trước mặt ở Massachusetts, dòng sông định mệnh cuốn hút nhân vật Quentin vào cái chết. Dòng nước – thời gian có khả năng thanh tẩy tâm hồn như phép rửa tội khi nhân vật Caddy rửa nước hoa, tượng trưng rửa đi tội lỗi của mình. Tương tự như vậy, cô rửa miệng bằng xà phòng sau khi Benjy bắt gặp cô trên xích đu với Charlie. Một khi Caddy mất trinh, cô ấy biết rằng không có số lượng nước rửa có thể làm thanh sạch lại chính mình. Từ chi tiết này, nó làm thức dậy cả một nền luân lý Thanh giáo tồn tại nhiều đời ở Hoa Kỳ. Nỗi ám ảnh của Quentin trên dòng sông cũng là nỗi ám ảnh của thời gian, con người trên dòng sông đó mang hình hài Con Người trong quan niệm của Pascal: “là một cây sậy nhưng là cây sậy biết tư duy”. Đó cũng là con người cô đơn trong triết học Hiện sinh mà chính Faulkner cũng đã từng tiếp nhận để sáng tạo nên những đứa con tinh thần của ông.

Thời gian đồng hiện được thể hiện với sự kiện hiện tại, Benjy đứng bên bờ rào chơi với Luster đang tìm đồng 25 xu thì có tiếng gọi caddie của người chơi golf. Từ

trong tiềm thức của Benjy bỗng vụt dậy, người chị Caddy lại hiện về xâm lấn cả hiện tại, những giờ phút ấy anh ta sống trong sự ngất ngây hạnh phúc của tuổi thơ bên người chị lúc nào cũng dịu dàng, yêu thương và chăm sóc tận tình. Sự trong trắng, trinh nguyên của chị Caddy được Benjy cảm nhận với mùi cây, vì vậy trong hiện tại mỗi khi đi qua những khóm cây thì trường liên tưởng trong anh ta được thức gọi và Caddy lại quay về trong “giấc mơ ngày” của Benjy. Tiếng gọi “Caddie” của người chơi Golf là tiếng gọi cho người vắng mặt cũng là ẩn dụ cho việc Caddy không xuất hiện trong tác phẩm, Caddy mãi là hiện thân của cái đẹp truyền thống của miền Nam đã đi vào thời quá khứ.

Sự kiện hiện tại, Benjy bị vướng vào đinh gợi nhắc quá khứ Benjy bị vướng vào đinh và Caddy phải gỡ; Benjy đòi ra ngoài, Versh đưa Benjy ra ngoài. Họ gặp Caddy đi học về. Trong dòng hồi tưởng của Benjy luôn đồng hiện những sự kiện, hình ảnh hơi giống nhau tuy ở cách xa nhau. Trong đoạn Benjy đến bên cái xích đu có Quentin cháu đang ngồi với bồ. Cảnh này gợi cho Benjy nhớ lại quá khứ cái xích đu là nơi Caddy tự tình với Charlie.

Thời gian đồng hiện kiểu hiện tại gợi nhắc quá khứ được thể hiện trong hai phiến đoạn sau:

“Tối nay để con cho em ăn,” Caddy nói. “Versh cho em ăn thỉnh thoảng em lại khóc”. “Mang cái khay này đi,” Dilsey nói. “Rồi quay lại ngay cho Benjy ăn”.

“Em không muốn Caddy cho em ăn à,” Caddy nói”.

Cậu ấy cứ phải thượng cái dép rách bẩn thỉu ấy lên bàn mới được hay sao, Quentin nói. Sao không cho cậu ấy ăn ở trong bếp. Cứ như ăn với một con lợn. Nếu mày không thích cái kiểu chúng tao ăn, mày đừng ngồi vào bàn thì hơn,

Jason nói” [26,84].

Đây là hai sự kiện cách xa nhau 28 năm trời, những câu in thẳng thể hiện sự kiện Caddy cho Ben ăn tối vào năm 1900. Còn những câu in nghiêng thuộc về sự kiện trong hiện tại, đó là lời phàn nàn của Quentin cháu (con gái Caddy) vào năm 1928. Đặc biệt, hai sự kiện cách xa đằng đẵng về thời gian lại được nhà văn sắp xếp liền mạch trên cùng một trang văn bản, đồng thời hai hình ảnh mẹ và con được hiện về bên nhau tạo nên sự so sánh song trùng. Nếu không có sự sắp đặt in đứng, in

nghiêng trên câu chữ thì làm sao hiểu được ý nghĩa của câu chuyện. Qua đó ta thấy, kỹ thuật đồng hiện đã làm lạ hóa hình thức nghệ thuật của tác phẩm đồng thời nó cũng chuyển tải được thông điệp mới về cả nội dung. Vì vậy, Margaret Anne Clark nhận định: “Trong phần mở đầu của Âm thanh và cuồng nộ, trình tự thời gian khó nắm bắt trong dòng cảm xúc Benjy và sự thôi thúc mang lại trật tự cho trình tự hỗn loạn này đã đòi hỏi chúng tôi một sự nhận thức về thời gian. Benjy không có khả năng nhận thức niên biểu sự kiện. Anh ta trải nghiệm thời gian như một khoảng thời gian thuần túy (không pha trộn). Anh ta không phân biệt giữa quá khứ và hiện tại… một nỗ lực tự thân về phía người đọc nhằm sắp xếp theo niên biểu xấp xỉ 19 sự kiện trải qua trong 30 năm. Faulkner khiến người đọc trở nên bất lực để bỏ qua thời gian phần Benjy trong Âm thanh và cuồng nộ” [112,43].

Chương II, kỹ thuật đồng hiện lại xuất hiện trong độc thoại nội tâm của Quentin đang bị ám ảnh điên cuồng. Ký ức của Quentin là một chuỗi vỡ vụn, nhân vật chìm sâu trong suy tư bất tận trước cái chết đang gần kề. Tính phi lôgic trong văn bản trở nên thường xuyên, câu nọ tràn sang câu kia, không có xuống dòng, kiểu gặp đâu nhớ đó. Sự gợi nhắc quá khứ trong độc thoại nội tâm của Quentin thông qua tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ, mùi hương kim ngân hay sự tương đồng về chi tiết sự việc…

Tiếng tích tắc của đồng hồ quả quýt vang lên trong buổi sáng ngày 2/6/1910 bất chợt Quentin nhớ những lời căn dặn của người bố.

“… khoảng giữa bảy và tám giờ và thế là tôi trở lại với thời gian, nghe việc đồng hồ quả quýt. Nó là của Ông Nội và khi Bố đưa nó cho tôi ông nói, Quentin, bố cho con cái lăng mộ của mọi hy vọng và ước muốn; điều đáng suy tư hơn là con sẽ dùng nó để lĩnh hội bản toát yếu phi lý của toàn bộ kinh nghiệm nhân sinh có thể chẳng thích hợp với những nhu cầu cá nhân của con cũng như Ông Nội hay Tổ Nội. Bố cho con không phải để con nhớ thời gian mà để con đôi lúc quên nó đi và đừng có kiệt sức tàn hơi cố gắng chinh phục nó. Bởi vì không có trận đánh nào từng gọi là thắng cả, ông nói” [26,90].

Như vậy, từ một phút của hiện tại, Quentin trở về với quá khứ như anh ta được đi đôi hài bảy dặm trong cổ tích nhưng giờ đây anh đi bằng tâm tưởng để rồi anh ta

sống và cảm nhận thời gian đó như là của hiện tại. Faulkner đã cài sẵn mã nghệ thuật riêng trong đoạn văn vừa nêu trên. Bởi tâm lý của những người sắp tự tử như Quentin rất sợ thời gian, anh ta phải rượt đuổi theo thời gian, thời gian ở đây đồng nghĩa với sự vật lộn với cái chết. Thêm nữa, bắt đầu những dòng độc thoại nội tâm của Quentin là sự luận giải về thời gian, cái điều đã tạo nên bi kịch mới của người hiện đại. Bằng kỹ xảo đồng hiện, nhà văn Faulkner đã chuyển tải được những thông điệp đa nghĩa về con người và thời đại.

Thời gian hiện tại bị ngưng đọng không trôi đi. Từ chỗ ngưng lại của hiện tại, quá khứ được mở ra những chuỗi liên tục, có khi quá khứ – hiện tại trộn lẫn không phân biệt làm cho bạn đọc thấy rối rắm đến khó hiểu lạ lùng. Hình ảnh Quentin đập vỡ cái đồng hồ có nghĩa thời gian hiện tại không còn hiện hữu.

“Nếu cái giỏ mây ấy làm vướng anh ta, ông MacKenzie, ông hãy để sang phía ông. Tôi mang một giỏ rượu đi vì tôi nghĩ mấy cậu thanh niên thế nào chả uống, mặc dù cha tôi, ông của Gerald “từng làm thế Anh từng làm thế chưa Trong bóng tối xám ánh sáng mờ nhạt hai tay ghì lấy”

Một phần của tài liệu Thời gian trong Âm thanh và cuồng nộ và Absalom, Absalom ! của William Faulkner (Trang 146)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)