6. Cấu trúc của luận văn
3.2.2. Không gian tâm linh
Mô hình thế giới của người xưa, ở phương Đông cũng như phương Tây bao gồm ba tầng không gian tách biệt. Cao nhất là thiên giới, xứ sở thần linh. Mảnh đất con người cư trú được xem là trung tâm và là tầng giữa. Tầng dưới
là thế giới dưới đất, được đồng nhất với điạ ngục, âm phủ, xứ sở của yêu quỷ, quái vật. Nếu trong khi di chuyển trên mặt phẳng nằm ngang, con người vẫn luôn luôn ở trên bình diện tồn tại quen thuộc thì theo phương thẳng đứng, nó hướng đến những bình diện xa lạ, những tiềm năng tồn tại khác. Trên mặt phẳng nằm ngang, con người thể hiện tư cách xã hội thì theo phương thẳng đứng, nó thể hiện tầm cao, chiều sâu của đời sống tâm linh.
A.J.A Gurêvich trong "Những phạm trù văn hóa trung cổ" đã cho rằng: "Nguyên tắc nhị nguyên của những biểu tượng trung cổ phân cắt thế giới một cách rạch ròi thành những mâu thuẫn đối cực, tập hợp những phạm trù đối lập với nhau này theo trục dọc: trời đối lập với đất, thần đối lập với quỷ là chủ nhân của cõi địa ngục, khái niệm thượng được kết hợp với những khái niệm cao thượng, trong sạch, thiện, còn khái niệm hạ thì mang sắc thái không cao thượng, thô lỗ, dơ dáy, ác. Tương phản giữa vật chất và tinh thần, giữa thể xác và linh hồn cũng chứa đựng nguyên tắc tương phản giữa thượng và hạ." [15, tr76 ]
Tuy nhiên vị trí của con người khi chết (tức linh hồn) không cố định. Những người khi còn sống hiền lành, đức độ thì được lên thiên đàng, còn những kẻ sống độc ác thì chết phải xuống địa ngục như A.J.A Gurêvich từng viết: "Việc đạt tới tính thánh cũng được ý thức như một sự vận động trong không gian ... Vị trí không gian của con người phải tương xứng với vị thế đạo đức của nó."[15, tr78 ]
Về cơ bản, các nhân vật trong Iliat chỉ di chuyển trên mặt phẳng nằm ngang. Người Troy cố thủ sau những bức tường thành, quân Hy Lạp thì xoay quanh câu hỏi lựa chọn ở lại chiến đấu hay lên thuyền vượt biển trở về quê hương. Giống như Hymalaya của người Ấn Độ, dãy núi Olympus là nơi cư ngụ của các thần linh Hy Lạp. Nhưng có vẻ như các vị thần thân trên núi mà tâm để cả dưới trần, mọi hội họp, cãi cọ đều vì chuyện của con người. Để khuyên can người này, giúp đỡ kẻ kia, các thần tất bật bay lên bay xuống.
Con người không có cánh nên chẳng thể bay lên. Cầu xin ân huệ của các thần, con gnười cũng chỉ cầu xin những năng lực cho cuộc sống trên mặt phẳng nằm ngang của họ mà thôi. Khi nữ thần Thetis muốn đứa con trai trần tục của mình rời bỏ chiến tranh để được cuộc đời trường thọ, Asin trả lời: "giờ đây con chỉ mong sao cho được lừng lẫy danh thơm". Tuyệt đích của người anh hùng Hy Lạp là "danh thơm" tức là những giá trị của con người được thừa nhận ở cuộc sống hiện tại và trong tương lai trong cộng đồng xã hội sống cùng trên cùng một mặt phẳng là Trái Đất.
Các anh hùng Ấn Độ chia sẻ lý tưởng với Asin, coi cái chết trên chiến trường nhẹ tựa lông hồng. Những cái chết như vậy được người Ấn Độ nhấn mạnh vào hạnh phúc trong mai hậu. Trong sử thi Mahabharata, Krishna kêu gọi: "Này Arjuna, thất bại, nhà ngươi sẽ đạt đến cõi trời, chiến thắng nhà ngươi sẽ thỏa vui nơi trần thế.", "Này Arjuna, những bậc Kshatriya sung sướng đón nhận một cuộc đấu tranh công lý bởi trong lúc đấu tranh thình lình họ sẽ biết mở những cánh cửa của trời." [Chuyển dẫn 26, tr116 ]. Ở đây có sự phân biệt rất rõ ràng. Kẻ chiến thắng thì có được địa vị, tiếng tăm trên trần gian này, còn người hy sinh trong cuộc chiến tranh chính nghĩa mở được cánh cổng trời, có chỗ ngồi giữa các bậc thần linh. Cõi trời mới là tuyệt đích. Nên đức vua chiến thắng Yudhisthira cuối cùng sẽ từ bỏ vương quốc trần gian để lên Hymalaya. Hymalaya trở thành biểu tượng chiếc thang cho khát vọng của con người trái đất vươn tới tuyệt đích hòa nhập với thần linh.
Trong sử thi Ramayana, thiên đường và địa ngục là nơi đến của linh hồn con người khi kết thúc đời sống trên cõi trần gian. Địa ngục là nơi dành cho những kẻ không làm tròn phận sự của mình và phần thưởng cao quý cho những ai thực hiện tốt bổn phận tôn giáo là được hưởng cuộc sống trên cõi thiên giới của kiếp sau. Ở đây có sự phân biệt ba loại sinh vật sống ở ba tầng thế giới: Yêu quỷ, quái vật sống ở tầng dưới cùng, có bản chất bạo lực. Con người ở tầng giữa, có bản chất tư hữu. Và thần linh ở tầng cao nhất, là sự
hoàn thiện cao nhất về thể xác và tâm hồn, trí tuệ, trung thực, cao thượng, vị tha,…Sự phân biệt ba tầng không gian thế giới được đồng nhất với ba trình độ tiến hoá tâm linh.
Tâm thức của các anh hùng Ấn Độ luôn hướng lên các tầng trời cao. Nơi đó các thần linh hiện ra thường không phải để giúp đỡ sức mạnh vật chất mà để khích lệ, tôn vinh mỗi khi con người khắc phục được trọng lực của trái đất, lên cao thêm mỗi bậc thang tiến hoá tâm linh. Vì vậy các anh hùng xem thường cái chết trên chiến trường nhưng qua đó họ mong muốn có một chỗ ngồi xứng đáng cạnh các thần linh. Họ dốc sức thực hiện bổn phận của đẳng cấp mình – chiến đấu dũng cảm - cuộc sống của các chiến binh Kshatrya. Thái độ hèn nhát trên chiến trường là không xứng đáng với tư cách chiến binh.
Trong sử thi Mahabaharata, mỗi khi người anh hùng lập được chiến công cũng có nghĩa là đang bước gần tới cổng trời. Thần linh hiện ra tung hoa, tấu nhạc như khuyến khích, hứa hẹn hội ngộ ở cuộc sống mai sau. Nhưng trong sử thi Ramayana không miêu tả sự có mặt của hình ảnh thần linh khi cái chết đến với Ravana. Nhưng các nhân vật khác dù có oán thán Ravana cũng đều tin rằng linh hồn Ravana đã bay về đó - về nơi ở của thần linh sau cái chết hào hùng, oanh liệt, xứng đáng là một trang Kshatrya của y.
"Nom thấy Ravana, anh của mình, ngã trên chiến trường, Viphisana cất tiếng than khóc thảm thiết... Anh đã đạt tới cõi cực lạc dành cho các bậc anh hùng, để lại nỗi đau buồn thương xót cho chúng tôi." [66, tr220 ]
"Thấy Viphisana than thở như vậy , Rama nói ... Chúa tể loài Raksaxa đây không ngã xuống như một kẻ yếu hèn kiệt sức, mà cho đến lúc chết, y vẫn ghê gớm và không sợ chết. Y bị giết một cách ngẫu nhiên. Những trang Kshatrya mà đi tìm kiếm vinh quang không bao giờ là kẻ bất hạnh khi họ ôm cái chết ở trên chiến trường; vậy ông không nên than khóc cái chết của người dũng sĩ đã từng khiến ngay cả Inđra cũng bỏ chạy trong giao tranh. Hơn nữa,
không có phép nào mà một người lại bao giờ cũng giành được chiến thắng; y hoặc sẽ tiêu diệt kẻ thù, hoặc ngã xuống vì tay kẻ thù; đó là bổn phận của giới Kshatrya mà các bậc thánh hiền thuở xưa đã dạy như vây." [66, tr221 ]
"Chính cung hoàng hậu Manđôđara, cất tiếng than khóc xé ruột xé gan... Người đã lên cõi trời, mang theo cả những thành công và thiếu sót, Người không đáng bị chê trách." [66, tr227 ]
Ngược lại, khi quân Vanara khiếp đảm chạy trốn Kumhakacna, Angađa đã khiển trách hành vi đó và khẳng định: "Hoặc là chúng ta sẽ chết và đạt tới cõi phúc, nơi mà kẻ yếu đuối và hèn nhát không tới được, và chúng ta sẽ hưởng mọi lạc thú ở nơi cư ngụ dành cho các bậc anh hùng sau khi chết; hoặc là bằng chiến thắng của mình chúng ta sẽ dành được danh tiếng bất diệt trên cõi trần." [66, tr129 ]
Con người cũng có thể đạt tới cõi trời bằng cách khước từ mọi cám dỗ vật chất như quyền lực, vương quốc, của cải,... tháo gỡ mọi ràng buộc với gia đình, xã hội vào rừng sống một cuộc sống khổ hạnh. Đây chính là con đường lên thiên đường của các tu sĩ Bàlamôn.
Khi tiêu diệt xong Virat, Hai anh em Rama đến am của đạo sĩ Sarabhanga. Ở đó, chàng nhìn thấy Inđra và chư thần đang nói chuyện với đạo sĩ. Rama bèn hỏi tại sao vị vua các thần lại viếng thăm am thì Sarabhanga bèn đáp:
"Con ạ, nhờ công sám hối khắc nghiệt và trầm tư, ta đã giành được cõi Bramaloka. Inđra tới mời ta đi lên cõi đó." [64, tr253 ]
Khi người con hiếu lễ, biết phụng sự cha mẹ, vợ thủy chung phụng sự chồng,... Tất cả những hành vi tuân thủ bổn phận đó cũng chính là con đường đưa con người lên tới được cõi trời.
Trong câu chuyện về nhà tu hành Anha do Đaxaratha kể lại, anh con trai của cặp vợ chồng tu sĩ mù Anha bị Đaxaratha giết chết cũng đã đạt tới cõi trời cao vòi vọi do đã hầu hạ cha mẹ mù lòa hết lòng.
"Sau đó người con hiếu thảo của nhà tu hóa thành người trời, đi trên cõi trời với Inđra, và vừa an ủi cha mẹ già và vừa nói rằng anh đã đạt tới cõi trời cao vòi vọi do đã hầu hạ họ và anh yêu cầu họ lên với anh không chút chậm trễ." [64, tr183 ]
Khi Rama được lệnh lưu đày, Xita yêu cầu chồng cho mình cùng đi. Lúc đầu Rama từ chối và chàng giải thích:
"Những ai vâng lời cha mẹ sẽ đạt tới cõi trời và các cõi phúc khác. Bởi vậy cho nên, thực hiện mệnh lệnh của người cha trung thực của anh, đó là bổn phận và tôn giáo của anh." [64, tr147 ]
Đối với người phụ nữ, nếu nàng làm tròn bổn phận của của mình với chồng cũng có thể được lên thiên đường. Rama đã khuyên nhủ mẹ khi bà than khóc thảm thiết xin chàng cho đi cùng vào rừng:
"Bổn phận của mẹ là phải săn sóc nhà vua cao tuổi. Người phụ nữ mà không phục vụ chồng mình ngay cả trong kỳ nhịn ăn hoặc các nghi thức khác, người đó sẽ sống khổ sở ở thế giới mai hậu, nhưng nếu phục vụ chồng thì sẽ được lên cõi trời. Thậm chí đối với những ai cảm thấy không thích tôn thờ quỳ lạy các Thần, điều tốt nhất ấy là hầu hạ chồng. Đấy là bổn phận của một phụ nữ được quy định bởi Kinh Vêđa và Xmiriti." [64, tr139 ]
Trong sử thi Ramayana, cả thiên đàng và địa ngục đều không phải ở quá xa, chỉ tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người. Kịch tính của chiều thẳng đứng diễn tả sự căng thẳng trong nỗ lực tinh thần của con người từ bỏ sự bám víu, si mê, nô lệ vào cuộc sống trần tục để vượt lên nấc cao hơn của tâm linh. Điều này gắn với thuyết luân hồi - nghiệp báo. Con người vì sợ phải xuống địa ngục, khao khát được lên thiên đường ở kiếp sau mà cố gắng thực hiện bổn phận của mình. Chiều cao từ địa ngục tới thiên đường vì thế trở thành con đường hoàn thiện con người Hinđu giáo. Mỗi cá nhân, tùy thuộc đẳng cấp trong xã hội và địa vị trong gia đình mà có bổn phận khác nhau nên
cũng có nhiều cách thức khác nhau để mở cánh cửa lên Thiên đường. Và cổng trời luôn rộng mở đón chờ những con người luôn cố gắng, nỗ lực vì bổn phận.