6. Cấu trúc của luận văn
3.2.1.3. Không gian chiến địa
Không gian vừa thấm đẫm máu của những người anh hùng, vừa rực sáng trong hào quang chiến thắng là loại không gian đặc thù của sử thi. Không gian Lanka là nơi dồn nén hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, tâm trạng… tạo nên sự gia tăng áp suất đến tột đỉnh tạo nên một không gian chiến địa hỗn độn, vừa khốc liệt bi thảm nhưng cũng không kém phần hào hùng.
Trong sử thi Mahabharata, trong mười tám ngày chiến tranh, sân khấu vĩ đại của sử thi đã biểu dương tầng tầng lớp lớp những gương mặt anh hùng từ bậc lão tướng cao niên đến trang thiếu niên dũng sĩ, từ đẳng cấp Kshatrya bẩm sinh mang máu nóng chiến tranh trong huyết quản đến đẳng cấp Bàlamôn mà bổn phận vốn phải là xa lánh chém giết, hằn thù. Chiến tranh hiện ra như một lễ hội náo nhiệt, tưng bừng màu sắc, vang động âm thanh, dồn dập tiết tấu tên bay, gươm múa, chùy vung, đĩa liệng và bừng bừng nhiệt huyết, sôi sục căm thù, khát vọng lập công.
Chiến tranh Lanka cũng diễn ra trong một khung cảnh vĩ đại. Không gian này cũng giống như trong sử thi Iliat, Mahabharata. Nó như một sân khấu khổng lồ biểu dương sức mạnh người anh hùng, làm nền cho người anh hùng sừng sững hiện lên. Hình ảnh người anh hùng hiện lên trong cảm hứng hùng tráng, được đo bằng kích cỡ của vũ trụ, lớn lao, kì vĩ:
"Laksmana phóng những mũi tên sắc vào Inđragit. Áo giáp của y bị vỡ tan và các mảnh rơi xuống như sao sa trong cỗ xe. Toàn thân mình Inđragit phủ đầy vết thương, tắm máu nom như mặt trời buổi mai. Inđragit bắn trả, áo giáp của Lapsmana cũng bị vỡ tan. Kẻ đánh, người né, cả hai đều kiệt sức và cả hai thở dốc... Cũng như mây đen tuôn mưa xuống cả hai dũng sĩ bắt đầu bắn dồn dập, vừa bắn vừa gầm thét... Những tiếng gầm thét oai hùng của họ như sấm động, như sét đánh, âm vang lên hết lượt này đến lượt khác, dội mối khiếp đảm vào lòng người khác. Những chiếc tên của họ đánh vào người nhau, rồi cắm sâu xuống đất. Một số mũi tên bị cắt ngay trên, các đoạn rơi xuống đất. Cuối cùng, bãi chiến trường bị tên che phủ chẳng khác bãi đất tế sinh được phủ bằng cỏ Kusa. Hai dũng sĩ người đỏ lòm máu, nom như hai cây Kinxuka nở hoa; và với các mũi tên cắm trên người, nom họ như hai trái đồi có cây mọc trên đó. Với thân mình đầy máu đông, nom họ như hai cột lửa cháy sáng rực." [66, tr182 - 183]
"Thanh xakti khiến cho mọi vật sáng chói lên, như một ngôi sao chổi xuất hiện vào ngày tận thế, nó đâm bổ vào thanh Xula, và ngay tức khắc, thanh xula bị cắt tan tành.
Rama lại bắn tiếp những mũi tên vào những con tuấn mã của Ravana và chọc thủng trán của Ravana. Bị bắn khắp mình, máu tuôn lênh láng, Ravana nhiều đầu nhiều tay nom như một cây Axôka nở hoa... như mưa trút rào rào xuống mặt hồ. Nhưng Rama vẫn đứng hiên ngang không động thân, như một ngọn núi, gạt rơi mọi mũi tên bắn vào chàng. Ravana đưa tay thoăn thoắt đánh vào cạnh sườn Rama bằng những mũi tên lấp lánh như ánh mặt trời. Chàng bị thương, nom như một cây Kiaxuka nở hoa, và trong cơn điên giận, chàng sáng rực rỡ, không ai có thể nhìn vào được chàng, chẳng khác mặt trời chói lóa vào kỳ tận thế." [66, tr210]
Các sự vật của thiên nhiên đựơc dùng làm hình ảnh so sánh xuất hiện nhiều nhất là các hiện tượng có liên quan đến thú dữ, các hiện tượng thiên nhiên, thần linh,… So sánh người anh hùng với thú dữ, với thần linh, với các hiện tượng thiên nhiên,... là thủ pháp quen thuộc được ưa thích góp phần phóng đại - thần bí hóa các hình tượng anh hùng trong chiến chiến tranh.
"Quân Raksaxa đâm hoảng loạn và bắt đầu kêu thét lên khiếp đảm lúc trông thấy Rama, như con voi phải lánh xa khi nom thấy con sư tử." [66, tr136]
"Ngày hôm nay đây, Ravana bị Rama giết chẳng khác gì một con voi bị chọc tức - mà sự dũng cảm là đôi ngà, sự kiêu hãnh về địa vị là cột xương sống, và sự mãn nguyện là chiếc vòi - bởi một con sư tử trong hình thù Rama, Ravana như lửa, mà ngọn lửa là sự kiêu hùng và nghị lực, những tiếng thở dài giận dữ là khói, sự hùng mạnh là quyền năng thiêu đốt - đã bị dập tắt bởi Rama - như đám mây Ravana - như bò mộng đã bị giết chết bởi Rama - như hổ. Đuôi, sừng, bướu của bò mộng đó là loài Raksaxa, và sinh lực năng động là đôi tai, đôi mắt. Và chàng ta nhanh như trận gió vô địch." [66, tr221 ]
"Laksmana anh hùng phóng hết sức mạnh của năm mũi tên vào ngực Inđragit... như hai con sư tử trong rừng, quyết cùng nhau một trận sống còn." [66, tr182]
Các hình dung ngữ so sánh người anh hùng với sư tử, hổ, chim ưng, cá mập, chó sói, ... thường rất quen thuộc trong các sử thi khác. Trong sử thi Ấn Độ, hình ảnh các loài vật này thường được ưa thích khi so sánh với hình ảnh của các anh hùng. Trong sử thi Mahabharata, người anh hùng được so sánh với ngựa, voi, sư tử: "Tiếng giao chiến rung động xé toang bầu không khí. Tiếng kẻng, kèn, còi, tiếng tù và ầm ỉ khiến trời đất rung chuyển. Ngựa hí, voi gầm. Các chiến binh hò la như sư tử. Tên phóng đi trong không khí tựa như những ngôi sao băng." [Chuyển dẫn 26, tr112]
Trong sử thi Ramayana, hình ảnh ưa thích dùng để so sánh với người anh hùng được ưa thích là loài rắn: "Chàng Rama hùng mạnh, ghê gớm như vua loài rắn." [66, tr104 ]
"Rama tay cầm chiếc cung vàng như một con rắn ghê gớm.... Rama với đôi cánh tay dài như thân mình con rắn..." [66, tr135 ]
"Lúc gã Inđragit nghiêm nghị kia giận dữ điên cuồng xông ra mặt trận, y nom thấy Rama và Laksmana đang đứng sừng sững, oai phong lẫm liệt giữa đám quân Vanara, chẳng khác những con rắn ba màu." [66, tr168 ]
"Laksmana giận dữ thở phì phì như một con rắn, phóng tên vào Inđragit." [66, tr182 ]
"Cũng như không ai có thể sống trước cái nhìn chằm chằm tiết nọc độc của một con rắn, cũng như loài rắn không thể thoát chết nếu chúng để Garuda trông thấy được." [66, tr204 ]
Không chỉ dùng loài vật để so sánh mà sử thi Ramayana còn dùng những hiện tượng tự nhiên để làm đối tượng so sánh với nhân vật. Sức mạnh, tầm vóc, chiều kích của anh hùng do đó được phóng đại lên nhiều lần. Thân
hình, sức hủy diệt, sự giận dữ thường được so sánh với lửa, đặc biệt là lửa ngày tận thế.
"Chàng Rama anh hùng cầm cung và tên lên. Đôi mắt của chàng trợn trừng giận dữ, nom chàng khủng khiếp như lửa ngày tận thế." [66, tr37 ]
"Mũi tên của Rama soi sáng khắp bốn phương. Bọn Raksaxa đứng trước chàng bị tiêu diệt như thiêu thân sa vào lửa." [66, tr79 ]
"Hanuman quyết giết kẻ thù ngay lập tức; chàng tiến về phía y, đất rung chuyển dưới bước chân kiêu hùng của chàng. Được nung nấu bởi tài nghệ của mình, chàng gầm, chàng thét, và nom dữ tợn như một ngọn lửa ngùn ngụt bốc cháy."
"Hanuman nom như một đỉnh núi cây cối xum xuê, như một cột lửa sáng rực, như một cây Axôka đỏ thắm những chùm hoa." [66, tr99]
"Rama giận dữ nâng chiếc cung lên, nhìn chằm chằm vào Kumhakacna như muốn thiêu đốt y bằng lửa giận của mình." [66, tr134 ]
"Làm thế nào mà Rama có thể giết chết được chàng hảo hán đã từng hạ nhục các Axura và chẳng khác gì như như lửa ngày tận thế." [66, tr137 ]
"Tôi đã hỏi thăm Hanuman. Ngay dù quân đội chúng ta có bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng nếu chàng hảo hán đó còn sống, thì tôi sẽ coi như họ đang sống vậy... Tính mạng và hy vọng của chúng ta tùy thuộc vào chàng đại hảo hán đó - một hảo hán nhanh như gió và hùng mạnh như lửa." [66, tr155 ]
"Thế là Hanuman giận điên ruột, mắt chàng sáng rực như lửa." [66, tr157]
"Rama đứng cạnh em,...chàng ngẫm nghĩ phút chốc, thế rồi chàng nổi cơn thịnh nộ và chàng trở nên khủng khiếp như như lửa ngày tận thế." [66, tr203 ]
Sức mạnh, khí thế, ... được so sánh với mây, mưa, sấm, chớp, giông tố, biển cả, núi cao, sông dài:
"Quân đội Vanara vung vũ khí lên và náo nức gầm thét; tiếng gầm của họ vang ra xa như sấm động đêm mưa." [66, tr91 ]
"Người dũng sĩ cao cường đang tiến lên thì thấy quân đội Vanara, được bảo vệ bởi tài nghệ của Rama, đông bạt ngàn như một biển cả ầm ầm nổi giận, dâng trào mối hăm họa hủy diệt." [66, tr92 ]
"Vào lúc đó, đoàn quân Raksaxa rùng rùng tiến bước nom chẳng khác những đám mây vào mùa mưa, chở sấm chớp." [66, tr95 ]
"Chàng tráng sĩ bất khuất nước da đen sẫm như đám mây, tiếng nói vang như sấm động." [66, tr97 ]
"Akapana bèn bắn vào Hanuman xối xả như mưa nhiệt đới." [66, tr98 ] "Thuở xưa, Visnu nom thật ghê gớm lúc đã tiêu diệt Manthukaitapha vĩ đại, giờ đây Hanuman nom như vũ bão không gì cưỡng lại được sau cái chết của Akampana." [66, tr99 ]
"Liền ngay đó, Prahaxta lại tấn đánh dữ dội. Quân đi đi, quân chuyển lại giày xéo bãi chiến trường, dấy lên một trận xoáy lốc cuồn cuộn. Và nổi lên một tiếng âm vang như sóng gào biển đông." [66, tr103 ]
"Ngay sau đó, nghe Giambuvan nói như vậy, đại hảo hán Hanuman suy đi tính lại trong thâm tâm, và trí óc chàng xao động như đại dương nổi sóng trước gió.' [66, tr156 ]
"Rama và Lakmana thực sự phải đứng dưới một trận mưa tên, xối xả như mưa nhiệt đới." [66, tr168 ]
"Cũng như dòng sông, ngọn suối bắt nguồn từ trong núi, mọi đức hạnh cũng bắt nguồn từ những cố gắng. Mọi hành động của một con người yếu hèn không mục đích, bị phân tán và tan biến như nước của một con sông cạn vào mùa hạ." [66, tr174 ]
"Còn Inđragit lại chạy theo Lakmana, và cuộc giao tranh hung tàn lại tiếp diễn. Cả hai ẩn sau đám mưa tên của họ phóng ra, như mặt trời mặt trăng ẩn sau các đám mây." [66, tr184 ]
"Ravana đứng đối đầu với Rama và Lakmana, như sao Kêtu ghê gớm ở trước mặt trời và mặt trăng" [66, tr201 ]
"Rama đứng cạnh em, đau buồn khôn xiết trước cảnh ngộ của em. Nước mắt chàng tuôn ra như suối... Rama trong thấy Lakmana bị xakti bắn trúng và đang nằm sóng soài tren mặt đất, chẳng khác một trái đồi lúc nhúc những loài rắn." [66, tr203 ]
Trong sử thi Iliat và sử thi Mahabharata các anh hùng sánh ngang với các vị thần linh. Hình tượng anh hùng trở nên bay bổng, rạng ánh hào quang thiêng liêng. Với người Hy Lạp, thần linh là người xuất sắc nhất, lỗi lạc nhất - so sánh với thần có nghĩa một so sánh tuyệt đối:
"Trong lúc đó, Asin đi đến, vung lên trên vai phải cây lao bằng gỗ tần bì của núi Pêliông, trông chẳng khác Ênialiôt (Aret) chiến sĩ mụ trụ nhấp nhô."
"Còn quân Troy thì sững sốt, rụng rời khi trông thấy người con nhanh nhẹn của Pêlê xuất hiện, khiên giáo sáng ngời, khủng khiếp chảng kém gì Aret (thần chiến tranh), tai họa của loài người." [Chuyển dẫn 26, tr113 ]
Với người Ấn Độ những so sánh này thường nhắc nhở nguồn gốc hóa thân thần linh của các anh hùng, cuộc giao tranh giữa con người hiện ra như ánh hồi quang của cuộc giao tranh thần - quỷ trong vũ trụ:
"Trời vừa rạng sáng, Bhisma đã lại dẫn quân Kaurava tiến ra. Bao quanh ông có Drona, Duryodhana và các người khác. Người ông trông hệt như Ngọc hoàng Inđra đứng giữa các thần tay giơ cao lưỡi tầm sét" [Chuyển dẫn 26, tr113]
"Ông hoạt động nhanh đến nỗi quân dội Pandava cảm thấy như thể Drona ở nhiều nơi cùng một lúc, phóng tên như mưa và biến bãi chiến trưòng thành một vũ đài của thần Chết"[Chuyển dẫn 26, tr 113 ]
"Với chiếc đĩa, chàng chiến đấu mãnh liệt như một Visnu thứ hai." [Chuyển dẫn 26, tr113 ]
Giống như các sử thi khác, người anh hùng trong sử thi Ramayana
cũng thường được sánh ngang với các vị thần linh. Khả năng hủy diệt, sự dữ dội của người anh hùng cũng được so sánh với Thần Chết Yama.
"Hanuman nổi cơn thịnh nộ.... trông thấy chàng chẳng khác gì Thần Chết thứ hai, quân Raksaxa khiếp đảm bỏ chạy tháo thân." [66, tr99]
"Rama anh hùng đã tiêu diệt hằng hà sa số là cỗ xe, ngựa, voi, và bộ binh, có vẻ chẳng khác gì Ruđra, Inđra, hay chính Thần Chết đã đội lốt mà đi vào Lanka." [66, tr195 ]
"Ở bên cạnh Hanuman, xin người chú ý đến một hảo hán mắt bông sen, và có nước da xanh, đó là Rama. Chàng là bậc Atirata trong dòng họ Ikoaku. Tài nghệ của chàng nổi tiếng. Chàng không bao giờ vi phạm những lệnh luật của đạo giáo, và trong đám những người thông tuệ kinh Vêđa, chàng là trang kiệt xuất. Chàng tinh thông vũ khí Brama. Những mũi tên của chàng có thể chọc thủng cả ba cõi trời, đất và vùng dưới đất. Cơn thịnh nộ của chàng như của Thần Chết, và sức hùng mạnh của chàng như của Inđra." [66, tr51 ]
Sự hùng mạnh đựơc so sánh với thần Inđra - thần Dông tố (thần Mưa, thần Sấm Chớp). Đây là vị thần được đem ra so sánh nhiều nhất. Cũng như hiện tượng giông tố là hiện tượng thiên nhiên đựơc dùng làm hình ảnh so sánh với tần số cao nhất. Điều này có lẽ gợi đến vai trò nổi bật nhất của Inđra như Ngọc Hoàng của thiên triều trong Vạn thần miếu Rig Vêđa.
"Hanuman quyết giết kẻ thù ngay lập tức; chàng tiến về phía y, đất rung chuyển dưới bước chân kiêu hùng của chàng... Cũng như thuở xưa Inđra tay cầm sét xông tới Namuchi, giờ đây Hanuman vừa múa tít tảng đá vừa đâm bổ tới chỗ Akampana." [66, tr99 ]
"Cũng như Inđra dập tắt ngọn lửa ngày tận thế bằng những trận mưa xối xả không ngừng, Rama cũng cố dùng những trận mưa tên ngăn chặn xula hùng mạnh." [66, tr209]
"Rama bèn nhảy lên lưng Hanuman và xông về phía Ravana đang ngồi trên xa. Nom chàng chẳng khác gì Visnu đang nổi cơn thịnh nộ xông tới vali, vua loài Đanava." [66, tr110 ]
"Cũng như Ngọc Hoàng Visnu tỏa sáng trên trời khi cầm chiếc đĩa phát ánh chói chang, chàng hảo hán to lớn này xuất hiện với khối đá trong tay." [66, tr157 ]
Những tính từ, động từ mạnh, cách nói quá được ưa chuộng sử dụng liên tiếp để phóng đại hình tượng. Cú đấm phải là những "cú đấm thôi sơn", "trời giáng", "dữ dội",...Bước nhảy phải là những bước nhảy "hùng hùng hổ hổ nhảy", "ba chân bốn cẳng chạy", "bỏ chạy tháo thân", "kinh oàng bỏ chạy thục mạng",...cái nhìn thì "chằm chằm", "gườm gườm",... Nỗi "đau buồn xé ruột", "giận tím ruột gan", "hầm hầm giận dữ", "tức lộn ruột", "giận điên người", "nổi giận bừng bừng", "sát khí bừng bừng", "nộ khí xung thiên", " giận dữ như điên cuồng",... Tiếng thét "xé tan trời đất", "tiếng gầm thét oai hùng",... Ăn thì phải "ăn ngấu nghiến", "ăn tươi nuốt sống", "nhai ngấu nhai nghiến",... và vô số những từ ngữ, hình ảnh tương tự khác.
Cuối tác phẩm Iliat, khi Asin buộc xác Hector vào chiến xa, quất ngựa chạy, kéo lê xác quanh thành và quanh mộ Patroklos, Homer miêu tả hình ảnh khuôn mặt Hector vùi trong cát bụi khiến con người và thần linh đều xót xa:
"Xác chết bị kéo tung bụi mịt mù. mái tóc đen của Hector buông xõa quanh chàng và cả khuôn mặt chàng trước đây xinh đẹp nhường ấy, giờ cũng bị vùi trong cát bụi."
"Thế là cát bụi phủi đầy mặt mũi Hector. Trông thấy con mẹ chàng bứt tóc, giật chiếc khăn chùm đầu óng ánh vứt đi, thét lên một tiếng xé trời. Cha chàng rên rỉ thảm thương và quanh hai người, trong khắp thành dân chúng đều kêu gào khóc lóc,..."
"Chàng phóng xe chạy quanh mộ con của Menoitios ba lần, rồi về trại nghỉ, để xác Hector nằm, mặt vùi trong cát bụi. Song Apollo giữ cho da mặt
Hetor khỏi bị xây xát, vì thần thương hại người anh hùng đó, mặc dù chàng đã chết. Thần đem chiếc khiên vàng của mình ra che cho thi thể chàng, để chàng khỏi bị thương khi Asin kéo." [Chuyển dẫn 26, tr114]
Nếu như ở Iliat chỉ là một chi tiết, dù không phải chi tiét thoáng qua, thì trong sử thi Mahabharata, hình ảnh chién địa cát bụi, nhầy nhụa bùn máu được tô đậm thành một hình tượng không gian mang tính quan niệm. Tất cả đều gặp nhau trong khát vọng hướng về lòng nhân ái.