Giải pháp của các doanh nghiệp XNK của Việt Nam

Một phần của tài liệu Biến động tỉ giá, thực trạng và giải phápx (Trang 29 - 34)

IV. TÁC ĐỘNG CỦA SỰ BIẾN ĐỔI TỶ GIÁ ĐẾN HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT

3. Giải pháp của các doanh nghiệp XNK của Việt Nam

3.1. Giải pháp lựa chọn đồng tiền tính giá và đồng tiền thanh toán

Các doanh nghiệp kinh doanh XNK cần chú ý chọn những đồng tiền có giá trị tương đối ổn định và có khả năng chuyển đổi để làm cơ sở tính toán và thanh toán trong hợp đồng ngoại thương. USD thường được các doanh nghiệp XNK chọn là ngoại tệ chủ yếu trong thanh toán. Nhưng ngoài USD ra còn khá nhiều loại ngoại tệ khác với sự biến động rủi ro khác nhau phụ thuộc vào tình hình kinh tế, xã hội của quốc gia đó. Do vậy, thay vì lựa chọn USD để thanh toán, các doanh nghiệp nên lựa chọn ngoại tệ nào có giá trị ổn định để giảm thiểu được rủi ro biến động tỷ giá mang lại. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên tính đến việc ký kết hợp đồng bằng đồng tiền của nước nhập khẩu thay vì bằng đồng USD truyền thống.

Đơn cử gần đây, HSBC đã tư vấn thành công cho một doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ký hợp đồng với một bạn hàng Nhật bằng tiền yên. Đối tác Nhật rất hài lòng do loại trừ được rủi ro tỷ giá khi họ nhập khẩu bằng tiền yên và phân phối lại trong nước cũng bằng tiền yên. Việc nhà xuất khẩu năng động thanh toán bằng đồng tiền của nước nhập khẩu có thể giúp họ mở rộng được mạng lưới khách hàng của mình trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm sút.

3.2. Chiến lược tự bảo hiểm của các doanh nghiệp kinh doanh XNK

Để tránh bị thiệt hại do sự cố biến động tỷ giá hối đoái cũng như có kế hoạch đảm bảo trạng thái ngoại hối cho các khoản thanh toán cũng như thu nhập bằng ngoại

tệ tương lai thì các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu có thể sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng giúp thực hiện bảo hiểm rủi ro tỷ giá như kỳ hạn, giao sau, hoán đổi tiền tệ, quyền chọn ngoại hối…

Hợp đồng kỳ hạn là hợp đồng mà việc giao hàng và thanh toán sẽ là một ngày nào đó được chỉ ra trong tương lai kể từ khi hợp đồng được ký kết. Tỷ giá giao dịch sẽ được xác định trước và không thay đổi trong thời gian thực hiện hợp đồng. Vì thế số lượng ngoại tệ thu về hay chi ra được tính toán trước và là cố định cho dù tỷ giá trên thị trường có biến động. Song những người dùng hợp đồng kỳ hạn thường phải có khả năng dự báo tỷ giá giúp họ không những tránh được rủi ro tỷ giá mà còn biết trước hiệu quả kinh doanh. Với dự báo tỷ giá sẽ tăng nhẹ trong ngắn hạn như nhóm đã phân tích trong phần trước, các doanh nghiệp có thể tiếp tục kinh doanh xuất nhập khẩu mà không có sự ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên trong dài hạn khi tỷ giá được dự báo là tăng mạnh thì các doanh nghiệp nhập khẩu nên sử dụng hợp đồng kỳ hạn để xác định trước tỷ giá giao dịch trong tương lai, phòng tránh trường hợp khi tỷ giá tăng mạnh các doanh nghiệp sẽ phải bù ra một khoản tiền để bù đắp sự biến động về tỷ giá và bù lỗ cho hợp đồng kinh doanh.

Hợp đồng giao sau là hợp đồng có sẵn những tiêu chuẩn về số lượng, phẩm cấp hàng, điều kiện vận chuyển và giao hàng… tất cả đều được sở giao dịch tiêu chuẩn hóa, vấn đề duy nhất là thỏa thuận giá cả. Giá cả sau khi được quyết định tại phiên giao dịch gọi là giá giao sau. Đó là mức giá được tính toán gần giống như giá giao trong tương lai, đó sẽ là giá giao kỳ hạn với thời điểm kỳ hạn chính là mốc đã định sẵn trong hợp đồng. Tương tự với hợp đồng kỳ hạn, sau khi doanh nghiệp đã dự báo được sự biến động tỷ giá là tăng mạnh trong dài hạn, các doanh nghiệp cần tính toán kỹ mức giá giao sau để doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi tỷ giá tăng do đã có sự tính toán và dự báo trước.

Hợp đồng quyền chọn là hợp đồng cho phép người mua nó có quyền nhưng không bắt buộc được mua hoặc được bán một số lượng xác định các đơn vị tài sản cơ sở, tại hay trước một thời điểm xác định trong tương lại và với một mức giá xác định ngay tại thời điềm thoả thuận hợp đồng. Hợp đồng quyền chọn có phí nhưng kèm theo tính linh hoạt cao. Tại thời điểm xác định trong tương lại, người mua quyền có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền mua (hay bán) tài sản cơ sở. Để phòng

tránh rủi ro biến động tỷ giá, do dự báo tỷ giá tăng trong tương lai, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể sử dụng hợp đồng quyền chọn để tự bảo hiểm. Nếu giá trong tương lai tăng lên bất lợi thì người xuất khẩu có quyền chọn không thực hiện hợp đồng và có thể giảm tối đa rủi ro biến động tỷ giá.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sử dụng hợp đồng hoán đổi tiền tể để bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Hợp đồng hoán đổi tiền tệ có các tính năng gần giống với hợp đồng kỳ hạn nhưng thường cho kỳ hạn trên một năm. Doanh nghiệp cần linh hoạt lựa chọn các công cụ nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

3.3. Đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh

Các công ty có thể phòng chống rủi ro bằng cách đa dạng hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh và tiến hành nhập khẩu song song với hợp đồng xuất khẩu và ngược lại. Bằng cách lấy lãi của hợp đồng này bù cho lỗ của hợp đồng kia, rủi ro ngoại hối sẽ được trung hòa.

Tuy nhiên cách phòng chống này có nhiều nhược điểm. Thứ nhất, nó đòi hỏi công ty phải đa dạng hóa hoạt động của mình sang những lĩnh vực khác mà đôi khi công ty không am hiểu lắm. Thứ hai là không phải lúc nào công ty cũng có được cùng một lúc cả hai hợp đồng xuất khẩu và nhập khẩu. Thứ ba là phòng chống rủi ro theo kiểu này luôn mất đi cơ hội kinh doanh nếu thị trường biến động theo chiều hướng có lợi cho công ty.

3.4. Sử dụng quỹ dự phòng để bù đắp rủi ro tỷ giá hối đoái

Với phương pháp này công ty không cần có chiến lược phòng chống rủi ro hối đoái mà tiến hành tạo lập quỹ dự phòng. Quỹ này được hình thành từ lợi nhuận do chênh lệch tỷ giá khi tỷ giá biến động thuận lợi và dùng để bù đắp lỗ khi tỷ giá biến động bất lợi cho công ty. Tuy nhiên cách này đòi hỏi những theo dõi phức tạp về mặt kế toán và dẫn đến tình trạng công ty lạm dụng chênh lệch tỷ giá để tiêu dùng và việc khác.

Như vậy là có rất nhiều biện pháp để phòng chống rủi ro tỷ giá hối đoái, mỗi biện pháp có những ưu điểm cũng như nhược điểm riêng của nó, do vậy các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải phân tích kỹ lưỡng sự biến động của tỷ giá và đưa ra những dự đoán hợp lý về sự biến động của tỷ giá, từ đó quyết định lựa chọn phương pháp nào là tối ưu nhất.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần tranh thủ các nguồn vốn, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hạ giá thành. Chỉ có như vậy thì hàng Việt Nam mới có thể nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như thị trường nội địa. Đó có thể xem như hàng rào bảo hộ mậu dịch tốt nhất cho sản xuất trong nước mà không một công cụ nào như tỷ giá hối đoái có thể tạo ra.

KẾT LUẬN

Tỷ giá hối đoái là giá cả của một đồng tiền này được biểu thị thông qua một đồng tiền khác, nói cách khác tỷ giá biểu thị số đơn vị đồng tiền định giá tương ứng với một đơn vị đồng tiền niêm yết. Các nhân tố tác động tới tỷ giá hối đoái là tình hình cán cân thanh toán quốc tế của quốc gia, tăng trưởng kinh tế của quốc gia, sự chênh lệch lạm phát, mức chênh lệch lãi suất… Tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu, đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa, kim ngạch xuất nhập khẩu và đến cơ cấu xuất nhập khẩu. Chính vì thế, đề tài đã nghiên cứu được thực trạng và nguyên nhân biến động tỷ giá USD/VND giai đoạn 2008 đến nay, bên cạnh đó, đưa ra dự báo về tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn sẽ ổn định và tăng nhẹ, trong dài hạn tỷ giá có xu hướng tăng mạnh. Từ đó, xem xét tác động của sự biến đổi tỷ giá đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và đưa ra các nhóm giải pháp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Tóm lại, đề tài đưa ra được 4 nhóm giải pháp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu như sau: Giải pháp lựa chọn đồng tiền tính giá và đồng tiền thanh toán, chiến lược tự bảo hiểm của các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng quỹ dự phòng để bù đắp rủi ro tỷ giá hối đoái.

Một phần của tài liệu Biến động tỉ giá, thực trạng và giải phápx (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(34 trang)
w