II/ GIÁO DỤC VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Mo hinh giao duc Trung Quoc va kinh nghiem tham khao cho giao duc VN (Trang 27 - 31)

III. HỆ THỒNG GIÁO DỤC VIỆT NAM

II/ GIÁO DỤC VIỆT NAM

Trong suốt hơn một thập niên qua, những vấn đề giáo dục của Việt Nam thường là những đề tài gây tranh luận trên báo chí. Hầu hết đều ghi nhận truyền thống hiếu học của học trò Việt Nam và sự hy sinh của bố mẹ cho việc giáo dục con cái. Sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ở các trường giỏi trong nước khi ra nước ngoài tiếp tục học ở các trường cấp trên thường đạt thành công không mấy khó khăn.

Thế nhưng, khi nhìn vào chương trình giáo dục của Việt Nam hiện nay và theo dõi báo động của các nhà giáo dục trong nước, khó có thể phủ nhận một thực tế là giáo dục tại Việt Nam đang có vấn đề, ở mức độ khủng hoảng. Khủng hoảng hiện diện trong rất nhiều lãnh vực khác nhau của giáo dục. Tình trạng bất cập, yếu kém trong chất lượng giáo dục và việc xem nhẹ hình thành nhân cách cũng đã được ghi nhận trong một báo cáo thẩm tra của Quốc hội. Vấn đề còn lại là làm sao giải quyết những khủng hoảng đó dựa trên điều kiện thực tế của Việt Nam.

Nhìn toàn thể, trường học Việt Nam đào tạo khá tốt về các môn khoa học tự nhiên và một số ngành kỹ thuật. Khuyết điểm, nếu có, trong các lãnh vực này, có thể được khắc phục tương đối dễ dàng. Khủng hoảng căn bản của giáo dục Việt Nam nằm ở mô thức giáo dục và những chính sách liên quan đến mục tiêu hàng đầu là phát triển con người toàn diện. Nói khác đi, nó liên hệ đến mục tiêu phát triển những giá trị

chính như sự trong sáng, khả năng sáng tạo, tư duy độc lập, và ý thức tôn trọng sự khác biệt, v.v.

Một nền giáo dục thực sự phát triển con người toàn diện không thể là một nền giáo dục nhằm phục vụ một chế độ, một quan điểm chính trị, một tập thể lãnh đạo, một giai cấp, một tôn giáo, v.v. Lỗi lầm quan trọng nhất trong giáo dục Việt Nam lại nằm ở điểm này. Ở miền Bắc trước khi chiến tranh chấm dứt, và ở cả nước trong khoảng gần 20 năm tiếp theo đó, nó là một nền giáo dục của xã hội chủ nghĩa, nó không chấp nhận những mô hình xã hội khác, những tư duy khác. Bên cạnh đó nó là một nền giáo dục mang tính giai cấp, dành đặc quyền giáo dục cho một thành phần của xã hội. Ngày nay, tính giai cấp quả thật đã giảm đi nhiều. Riêng về các môn học như Triết học Mác- Lê-nin, Chủ nghĩa khoa học xã hội, Lịch sử Ðảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh, v.v. dù thực tế cho thấy sự thất bại không thể chối cãi của mô hình xã hội chủ nghĩa, chúng vẫn còn là những môn học bắt buộc và chiếm một thời lượng không nhỏ trong chương trình học và cả trong thi cử. Dù rằng, không phải đến bây giờ mà đã hơn mười năm trước đây, các môn học này đã được xem là những môn mà “thầy không muốn dạy, trò không muốn học” . Sự bắt buộc này kéo theo một vấn nạn khác của giáo dục: buộc học trò chấp nhận và sống với sự giả dối và bất công. Nhất là bất công với những triết thuyết khác, những đóng góp trí tuệ khác trong suốt quá trình phát triển của nhân loại. Theo Quốc Việt, “Việc đưa lịch sử đảng cộng sản, chứ không phải lịch sử quốc gia và dân tộc thành một môn học bắt buộc là một việc không những đi ngược lại với yêu cầu của xã hội mà còn phản lịch sử, phản dân tộc, và phản tiến bộ.”

Ngoài sự bắt buộc giảng dạy các môn chính trị và triết học nói trên, phương pháp giáo dục của Việt Nam nói chung còn chịu ảnh hưởng nặng nề của một mô thức giáo dục mà Ngô Tự Lập gọi là mô thức áp đặt . Công bình mà nói, mô thức áp đặt vẫn có một vị trí quan trọng của nó trong giáo dục, nhất là giáo dục ở bậc tiểu học, và phần nào ở trung học, với điều kiện nó chỉ là một phần của phương pháp giáo dục mà mô thức chính chú trọng vào việc gợi ý để học sinh phát triển óc sáng tạo và khả năng tư duy độc lập. Dùng phương pháp áp đặt như một mô thức chính cho giáo dục như trong trường hợp Việt Nam hiện nay hoàn toàn không hợp lý cho sự phát triển một nền giáo dục tiên tiến trong điều kiện toàn cầu hóa và thời đại của bùng nổ thông tin. Ngược lại, nó đang biến nền giáo dục này trở thành lạc hậu, dù nhìn trên mặt nổi, lượng thông tin trong các chương trình học ở Việt Nam nhiều hơn chương trình giáo dục của nhiều quốc gia tiên tiến. Theo Hà Thư Sinh (HTS), thế hệ của ông “đã lớn lên trong một nền giáo dục thiếu vắng những nguyên tắc căn bản như trung thực và sáng tạo”. Chương trình giáo dục được cải cách và áp dụng từ vài năm nay không cho thấy thế hệ kế tiếp sẽ không còn đưa ra một nhận xét tương tự.

Một sai lầm căn bản khác của giáo dục Việt Nam là tính đồng phục trong giảng dạy. Ở Việt Nam, chỉ có một loại sách giáo khoa, của nhà nước. Ðiều này không thấy có ở nước Pháp, nước Mỹ, và cả ở miền Nam Việt Nam trước đây. Trên nguyên tắc, thầy giáo phải theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục, nhưng mỗi thầy giáo có khả năng tiếp cận và truyền đạt riêng và chỉ dạy giỏi với cách tiếp cận đó, cách truyền đạt đó. Mặt khác, một nền giáo dục tốt không thể là một nền giáo dục mà hàng triệu học sinh tốt nghiệp ngoài việc tiếp thu những bài vở giống hệt nhau, còn có cách nhận định, suy diễn như nhau, và nói năng giống nhau. Thật ra, hiện nay vẫn còn nhiều quốc gia tập trung quyền soạn sách giáo khoa trung, tiểu học vào bộ giáo dục như trường hợp Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề của họ sẽ nhẹ hơn nếu việc soạn thảo công phu, có

chất lượng cao, và sách giáo khoa được thay đổi và cập nhật nhanh. Những điều kiện này hiện nay Việt Nam đang thiếu. Nhiều sai lầm trong sách giáo khoa được phát hiện và khả năng cập nhật của Việt Nam lại rất chậm.

Sau cùng, giáo dục không thể là một thứ ghetto, hay một tháp ngà mà phải gắn liền với đời sống của xã hội. Nó ảnh hưởng lên xã hội và xã hội ảnh hưởng lên nó. Ảnh hưởng tiêu cực nguy hiểm nhất mà xã hội tác động vào giáo dục là những tệ đoan và tính phi nguyên tắc của xã hội. Thực tế của xã hội Việt Nam khó cho thấy khả năng cân bằng những ảnh hưởng tiêu cực này bằng những ảnh hưởng tích cực, ít ra trong tương lai gần. Ảnh hưởng tích cực lớn nhất mà mọi người đều nhìn thấy là sự hỗ trợ của gia đình trong việc giáo dục của con cái. Xuất phát từ ảnh hưởng của Nho giáo và truyền thống dân tộc, các gia đình Việt Nam thường mang lại cho học đường sự hỗ trợ và hy sinh đáng kể trong việc giáo dục con cái họ. Nhưng nếu giáo dục chỉ dừng lại ở những giá trị đào tạo chuyên viên và viên chức, thì không khéo, những hỗ trợ và hy sinh này chỉ còn lại mục tiêu là giúp tạo cơ hội tiến thân. Hiện nay, ý thức trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng chưa được phát triển đúng mức trong học đường như một trong những mục tiêu chính của giáo dục. Nó gần như chưa có được bao nhiêu sức mạnh cần thiết để học đường ảnh hưởng tốt lên xã hội, để cuối cùng giữa học đường và xã hội có những ảnh hưởng hỗ tương, như có thể nhìn thấy ở Singapore, ở Ðại Hàn, hay Ðài Loan ngày nay. Hay cả mười hay hai mươi năm trước đây. Những trình bày sau đây liên quan đến một số vấn đề đang được bàn cãi nhiều nhất trong việc giảng dạy ở trung, tiểu học và ở đại học.

Những người đang ở ngoài nước, nếu nhìn vào nội dung các sách giáo khoa dành cho học sinh tiểu học ở Việt Nam hiện nay, không khỏi không kính phục. Nhưng sau đó, suy nghĩ lại, thái độ thay đổi ngay. Chương trình giảng dạy quá nặng, hướng về nhồi sọ, nhồi thông tin hơn là giáo dục thật sự. Thầy cô giáo không thể có đủ thời giờ giảng dạy tất cả với thời lượng cho phép ở trường. Không kể, với thực tế về trình độ hiểu biết nói chung của giáo chức hiện nay, thật khó để tin rằng họ có đủ khả năng truyền đạt tốt một nội dung như vây. Ðồng thời, rất khó để tin rằng những đầu óc non nớt của các em ở lứa tuổi tiểu học có thể tiếp thu rồi tiêu hóa phần nội dung đó một cách dễ dàng. Hậu quả là hầu như tất cả học sinh đều phải đi học thêm.

Giáo dục nhằm đào tạo con người toàn diện, nhưng trong điều kiện như vậy thời giờ đâu để các em được hưởng những thứ khác, cần thiết không kém những bài học trong sách, như thể thao, như vui đùa với chúng bạn. Tình trạng ở trung học cũng không khác mấy. Chuyện học thêm, cũng chính với những thầy cô giáo đó, là một thực tế ở các trường trung, tiểu học Việt Nam. Nó giúp cho các em có được những điểm số cao hơn. Nó giúp thầy cô giáo có thêm ít thu hoạch thường rất ít ỏi nếu chỉ dựa trên đồng lương chính thức. Nhìn kỹ nó tệ hại hơn tình trạng “dạy kèm ngoài giờ học chính thức”. Ở Việt Nam, nó đang trở thành một thói quen nguy hiểm. Mặt khác, một tình trạng như vậy dễ tạo nên một loại tham nhũng trong trường học. Thực tế này đưa đến hai hậu quả vô cùng tai hại và rất phản giáo dục. Tại hại thứ nhất là học sinh dễ trở nên mệt mỏi. Sẽ không còn bao nhiêu sức lực về đầu óc khi bắt đầu lên đại học. Và nếu cố gắng qua khỏi được đại học thì dễ có khuynh hướng nghỉ ngơi về đầu óc và hưởng thụ hơn là để bắt đầu một hành trình vào đời thật sự của một người trẻ về cả thể xác lẫn tinh thần. Tai hại thứ hai phát sinh từ tình trạng tham nhũng nói trên đây. Nó khiến trẻ con chấp nhận sự tham nhũng ở trường học và cách đi bằng ngõ ngách một cách tự

nhiên, để rồi sau này ra trường đời sẽ coi chuyện tham nhũng là bình thường, không là một vấn đề phải ngăn chận hay tránh né.

Sau cùng, một chương trình giáo dục như vậy cướp đi sự hồn nhiên, và từ đó làm giảm sự phát triển trí thông minh của tuổi trẻ Việt Nam. Giáo sư Hoàng Tụy đã đưa ra những nhận xét sâu sắc và đáng báo động khi ông phân tích và so sánh giáo dục của Việt nam với giáo dục của Ðức. (Theo kết quả khảo sát công bố trên một tạp chí Ðức ngày 8 tháng 8 năm 2002 thì trình độ học vấn của học sinh tiểu học ở Hà nội cao hơn ở Munich, nhưng học sinh Ðức có phần thông minh hơn.)

Khi trao đổi với một số nhà giáo dục từ Việt Nam sang, chúng ta thường được nghe sự than phiền của họ về tình trạng giảng dạy ở đại học Việt Nam hiện nay. Câu kết luận thường giống nhau: đại học Việt Nam đang còn là một loại trường trung học cấp bốn. Dĩ nhiên, chương trình học có cao hơn ở trung học nhiều, phương tiện giảng dạy có đầy đủ hơn ở trung học và cả ở đại học trước đây, sinh viên tốt nghiệp ra nước ngoài học tiếp không khó khăn lắm (nếu xuất thân từ các trường giỏi trong nước). Ðiểm then chốt ở đây là đại học Việt Nam đang thiếu vắng những nét quan trọng nhất để phân biệt một trung học cấp bốn với một trường đại học. Ðó là: quyền tự do phát biểu của sinh viên; sự bình đẳng giữa thầy trò trong trao đổi tri thức, trong tranh luận; và một môi trường để trưởng thành như một trí thức thực sự, không chịu ảnh hưởng bởi những áp lực chính trị bên ngoài khuôn viên đại học. Không phải sinh viên nào khi ra trường cũng đều trở thành một trí thức, nhưng mục đích của đại học phải là để đào tạo trí thức và giúp sinh viên có khả năng độc lập để chọn lựa cách sống của mình. Kể cả sự lựa chọn không sống như một trí thức.

Một phần của tài liệu Mo hinh giao duc Trung Quoc va kinh nghiem tham khao cho giao duc VN (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(38 trang)
w