“Giá trị cuộc sống của bạn trên thế giới này, không phải vì bạn có thể làm gì, mà là bạn nên làm gì.”
— Mã Vân
Những phụ nữ Trung Quốc cảm thấy cuộc sống buồn phiền, không chỉ những người hai, ba mươi tuổi. Tôi thường xuyên nghe thấy những câu thế này:
“Bao nhiêu năm nay tôi luôn cố gắng làm cho chồng vui, nhưng hiện tại tôi cảm thấy anh ta đang làm một số chuyện ‘mờ ám’. Cứ nghĩ đến việc anh ta đang ngủ cùng với ả đàn bà nào đó là tôi phát buồn nôn. Tôi cảm thấy cuộc sống trôi qua thật chậm chạp.” “Tôi có cảm giác mình đang mắc kẹt trong một cuộc sống mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Cuộc sống là một vòng xoay xung quanh sếp, chồng và con, tôi hầu như đã quên mất mình là ai.”
Mẫu phụ nữ không hy sinh quá nhiều, liệu có trên đời không?
Blog vui StuffWhitePeopleLike.com từng gộp chung “phụ nữ Châu Á” vào trong mục “Những thứ người da trắng ưa thích”, lý do là: “Phụ nữ châu Á không có những đặc điểm điển hình của phụ nữ da trắng, ví dụ như: Khủng hoảng tuổi trung niên, ly hôn, có sở thích quẳng con cho người khác để tận hưởng cuộc sống.”
Đau lòng hơn – vấn đề khủng hoảng tuổi trung niên và ly hôn của người da trắng cố nhiên là không đáng khen ngợi, nhưng hàng ngàn năm nay, phụ nữ châu Á chúng ta đã quá quen với việc hy sinh bản thân cho gia đình của mình. Hiện tại, dù chúng ta đã có nhiều khát vọng hơn, nhưng để thoát ra khỏi tâm thức phục tùng, răm rắp nghe lời ấy, thật không phải chuyện dễ dàng.
Ngày nay chúng ta luôn mong muốn mình có thể làm được tất cả: Con ngoan, vợ đảm, mẹ hiền. Không có gì đáng ngạc nhiên, khi để không phụ lại những kỳ vọng này, rất nhiều người trong chúng ta đã đánh mất chính mình.
Mỗi người chúng ta ngay từ nhỏ đã luôn được dạy phải phấn đấu để vượt qua người khác, không cần quan tâm đến bản thân. Trên thực tế, rất nhiều người từ lâu đã không bàn về việc chúng ta thực sự muốn gì, bởi chúng ta đã không biết mình là ai và mình muốn gì mất rồi.
Một mặt, chúng ta nghĩ: “Làm một phụ nữ tốt đồng nghĩa với phải quan tâm đến nhu cầu của người khác.” Mặt khác, chúng ta cũng muốn hét lên rằng: “Tôi thực sự muốn được quan tâm như thế, tôi cũng xứng đáng có được một người đàn ông yêu mến tôi, quan tâm tôi.” Tâm lý mâu thuẫn này khiến chúng ta luôn phải sống trong căng thẳng
và áp lực; chỉ có khi chúng ta nhận thức được mình đáng được yêu thương, lúc đó chúng ta mới có được tình yêu mà mình cần.
Tôi quen với một cô gái, cô ấy giống như một thỏi nam châm thu hút đàn ông, nhưng thường đều là những người đàn ông không dành cho cô ấy – các bạn trai, các sếp của cô ấy đều không muốn nghiêm túc với cô ấy. Phương thức hành vi của “một phụ nữ tốt cần phải làm” gây tổn hại đến sự tự tin của cô ấy, làm giảm khả năng thiết lập mối quan hệ giữa cô ấy và các chàng trai. Có thể bạn cũng quen những người như vậy, hoặc có thể bạn chính là người như vậy.
Xung quanh bạn là những người như thế nào, điều này do chính bạn chịu trách nhiệm, bởi vì người bị bạn thu hút thường là người có thể tăng cường cảm giác của bạn. Hy sinh cho người khác là một chuyện rất tốt, nhưng đóng gói mình quá chặt trong vai trò của một “phụ nữ tốt” lại là một chuyện hoàn toàn khác. Làm như vậy lâu dần sẽ khiến chúng ta không còn quan tâm đến nhu cầu của bản thân nữa.
Khi chúng ta xây dựng cuộc sống dựa trên việc tiêu hao bản thân quá mức, hy sinh nhu cầu của mình vì người khác, chúng ta sẽ khó tránh khỏi cảm giác mệt mỏi, thất bại và chán nản trong cuộc sống. Nếu chỉ vì duy trì hình tượng “người hộ lý hoàn hảo” mà khiến cho bản thân luôn phải sống trong trạng thái gượng ép này, chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất đắt, bởi vì mệt mỏi quá độ là một hình thức ngược đãi bản thân. Đây là một thực tế rất đáng lo ngại – Cuộc sống của biết bao phụ nữ đã bị phá vỡ, chỉ vì suốt cuộc đời họ đã cam kết trở thành người phụ nữ tốt – một hình mẫu mà xã hội này luôn muốn nhào nặn cho chúng ta.
Để phù hợp với người khác và được người ta mang ra so sánh, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều áp lực, cho nên chúng ta không dám ấp ủ một hy vọng ngông cuồng rằng cuộc sống sẽ đong đầy niềm vui. Vì sao lại không mong đợi một cuộc sống hạnh phúc? Tại sao không muốn nhận được tình yêu từ một người đàn ông tốt? Một trích đoạn trong cuốn Những chuyện của tuổi 60-70 (Doing Sixty and Seventy) của Gloria Steinem khiến tôi bị sốc mạnh:
Tôi chưa bao giờ gặp một cô gái có thể hoàn toàn thoát khỏi tâm lý sống để được người khác cần đến, nói cách khác, đó là một người chỉ sống dựa vào ý thức của bản thân chứ không phải dựa vào ý thức của người khác. Khi chúng ta từ chối gánh vác quá nhiều trách nhiệm vì gia đình, chúng ta vẫn sẽ gánh quá nhiều trách nhiệm trong công việc; khi chúng ta không gán ghép tự trọng lên chồng hoặc con, chúng ta vẫn quá phụ thuộc vào cảm giác được cần đến – được đồng nghiệp và sếp cần đến, được người yêu và bạn bè cần đến, thậm chí là được tất cả những hoạt động (chính trị) mà đáng lẽ ra chúng ta phải được giải phóng cần đến.
Lần đầu tiên đọc được đoạn văn này, tôi đã vô cùng ngạc nhiên: Trời ơi! Ngay đến những người tiên phong cho chủ nghĩa nữ quyền của chúng ta cũng đang đấu tranh vì phải trả giá quá nhiều! Khi hồi tưởng lại, tôi phát hiện rằng mỗi lần cảm thấy mất mát hoặc khó khăn, tôi đều gạt mình sang một bên để đáp ứng sự mong đợi của người khác – sự mong đợi có thể đến từ cha mẹ, bạn trai hoặc công ty mà mình đang phục vụ.
Trong cuộc sống hàng ngày, có những lúc chúng ta không thể không đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình. Ví như rất nhiều đêm, tôi mệt đến mức ước gì được đổ sụp xuống giường ngay lập tức, nhưng vẫn phải căng mí mắt để cho con bú. Thế nhưng, rất nhiều người trong chúng ta luôn cảm thấy thật khó để nói “không” với yêu cầu của người khác, thậm chí là với cả những yêu cầu vô lý. Nếu việc yêu cầu nằm trong phạm vi khả năng của mình, thì phản ứng tức thì của chúng ta sẽ là: “Ok, tôi sẽ đến ngay.”
Khi chúng ta có được sự tự nhìn nhận tích cực, rằng chúng ta cũng đáng được hưởng sự quan tâm của người khác, lúc đó chúng ta mới có thể cân bằng được mong muốn của chúng ta. Chúng ta muốn phân định một số giới hạn với mọi người. Vậy thì đừng khiến cho cuộc sống của chúng ta chỉ là một phản ứng đơn thuần trước những nhu cầu của người khác, chúng ta có thể biểu lộ sự thấu hiểu đối với cảm nhận của họ, làm cho họ biết rằng, tuy chúng ta rất quý trọng mối quan hệ với họ, nhưng chúng ta không thể đáp ứng mọi nhu cầu của họ; và chúng ta hy vọng rất cả những gì chúng ta có thể làm là có ích cho họ.
Mỗi người chúng ta đều có thể bắt đầu đối xử với mình giống như đối xử với người khác, quan tâm đến bản thân mình giống như quan tâm đến người khác. Yêu cầu này có quá cao không?
Với rất nhiều người, áp lực muốn chúng ta từ bỏ ước mơ không phải đến từ mẹ đẻ, mà là từ mẹ chồng. Rất nhiều bà mẹ chồng đòi hỏi chúng ta phải quên đi bản thân, hy sinh cả cuộc đời để chăm sóc cho sự nghiệp của con trai và các cháu của họ. Ở điểm này tôi thấy mình thật may mắn, vì khi kết hôn với Dave, cha mẹ của anh ấy không chỉ chấp nhận tôi là con dâu, mà còn xem tôi là con gái. Lenny, mẹ của Dave là mẫu phụ nữ có khả năng kết hợp hoàn mỹ nhiều vai trò: Làm cô giáo, làm lãnh đạo đoàn thể và làm mẹ. Hơn nữa, bà luôn cho tôi những góp ý để tôi xử lý tốt các vai trò của mình. Có lẽ bạn sẽ cảm thấy, do tôi đã được hưởng thụ một sự nghiệp tuyệt vời rồi mới có con, nên tôi có khả năng miễn dịch đối với triệu chứng mệt mỏi quá sức của phụ nữ. Thế nhưng, sau hai lần sinh nở, tôi đều mắc chứng đờ đẫn ngẩn ngơ do làm việc quá sức. Người đánh thức tôi thoát khỏi trạng thái này chính là Lenny. Có một hôm mẹ chồng thấy tôi mệt đến kiệt sức, mặt mày hốc hác, bà liền khuyên tôi phải dành ra một chút thời gian cho mình. Bà bắt tôi đi chơi quần vợt, đầu tiên là Dave đưa tôi đi, còn
hiện tại tôi đã chơi rất đều đặn. Quần vợt khiến tôi cảm thấy mình khỏe khoắn và mạnh mẽ, tôi rất thích cái cảm giác tuyệt vời này. Hiện tại, chơi quần vợt đã trở thành me-time của tôi.
Học cách nói “không”
Một phụ nữ mạnh mẽ là người biết làm thế nào để nói “không”. Một lần tôi thấy trên tờ The NewYorker có một bức tranh hoạt hình rất lớn. Một người đàn ông ngồi trong phòng làm việc, nhìn lịch, nói vào điện thoại: “Không, cuối tuần không được, thứ Năm tôi đã có kế hoạch rồi. Never (không bao giờ) thì sao, Never được chứ?” Tôi biết rất nhiều phụ nữ mạnh mẽ, nhưng tôi chưa biết những phụ nữ đó có thể nói “không” một cách dứt khoát như thế hay không; đó là vì, nói “không” là trái với điều mà phụ nữ chúng ta luôn được dạy: Phải nói “được”.
Điều đầu tiên chúng ta phải nói “không” là với bất kỳ hình thức lạm dụng nào trong cuộc sống. Làm việc quá sức chính là một hình thức lạm dụng, cho nên chúng ta phải cương quyết nói “không” với làm việc quá sức.
Đối với sự lạm dụng của người khác với mình, cũng phải cương quyết nói “không”. Khi tôi viết những dòng này, vụ ly hôn của người sáng lập ra Crazy English Lý Dương và vợ là Kim Lee đã lại một lần nữa làm dấy lên một cuộc tranh luận công khai về vấn đề bạo lực gia đình, và rất nhiều người đã đặt câu hỏi rằng liệu nó có liên quan đến văn hóa Trung Quốc hay không.
Theo báo cáo của Nhân dân nhật báo, Trung Quốc có 35% các gia đình từng phát sinh bạo lực gia đình, con số này tương tự với tình hình ở các nước khác trên thế giới. Nhưng con số này chỉ là thống kê bạo hành về thể xác, hoàn toàn chưa bao gồm bạo hành về tinh thần, mà so với bạo hành về thể xác, bạo hành về tinh thần là vấn đề còn nghiêm trọng và khó nắm bắt hơn.
Khi chúng ta không thể định nghĩa được một việc, thì không thể đưa ra biện pháp khắc phục. Trong vấn đề bạo hành gia đình này, điều khó khăn nhất đó là định nghĩa như thế nào là “bạo hành”. Đó cũng là lý do vì sao tôi rất thích một định nghĩa về “bạo hành” trong cuốn Những quy định mới về hôn nhân (The new rules of
marriage) của nhà tâm lý học Terence Lille, tác giả của hàng loạt sách bán chạy theo bình chọn của tờNew York Times:
Kêu gào la hét, lớn tiếng dọa dẫm;
• Lời lẽ gay gắt: Bất kỳ câu nào cũng mở đầu bằng: “Đúng là cái loại...”; • Sỉ nhục và chế giễu: Nói người khác là kẻ xấu xa hoặc đồ vô dụng; thái độ nhạo báng, chế giễu, châm biếm, hoặc trịch thượng;
• Hoa tay múa chân chỉ trỏ đối với một người đã thành niên, nói anh/cô phải làm những gì, suy nghĩ như thế nào mới là đúng;
• Luôn miệng hứa hẹn, nhưng chưa bao giờ giữ lời;
• Nói dối hoặc thao túng: Cố tình bóp méo thông tin, hoặc giả vờ giả vịt, tìm cách thao túng bạn bè. Ví dụ: “Đừng lo lắng cho tôi. Tôi có phải dầm mưa cũng không sao. Cô cứ chơi vui vẻ đi.”
Tiến sĩ Lille giải thích rằng, có một danh sách các hành vi bạo hành như thế này là rất hữu ích, nếu một hành vi cụ thể nào đó không xuất hiện trong danh sách này, thì nó không phải là bạo hành. Nam giới và nữ giới đều có thể trở thành kẻ bạo hành, cho nên trong tất cả các mối quan hệ bạn đều phải đề phòng bị bạo hành.
Sở dĩ bạo hành rất khó xác định, là do đa số những kẻ bạo hành hoàn toàn không phải là những kẻ tồi tệ độc ác giống như trong phim. Bản thân kẻ bạo hành cũng là người, có nghĩa rằng họ cũng vẫn tỏ ra tử tế và hào phóng, hơn nữa họ thường không biết là mình đang bạo hành người khác. Trong đầu họ, bản thân mình cũng là người bị hại, bị hiểu nhầm, bị công kích, hành vi bạo hành của bản thân chỉ chẳng qua là một phản ứng với các kích thích mà thôi. Nếu một người trưởng thành muốn chịu trách nhiệm đối với tất cả các mối quan hệ, thì phải có khả năng khống chế được cảm xúc của mình, còn rất nhiều những kẻ bạo hành rõ ràng ngay cả khả năng kiềm chế những cảm xúc cơ bản nhất cũng không có.
Thế nhưng, những kẻ bạo hành không ý thức được hành vi của họ, hoàn toàn không có ý thức giảm nhẹ đi sự nguy hiểm trong hành vi của mình, đặc biệt đối tượng bạo hành của họ lại thường là những người bên cạnh luôn muốn quan tâm chăm sóc cho họ. Khi chúng ta bỏ qua hoặc bao che cho sự bạo hành, nó sẽ không biến mất, mà chỉ càng trở nên nghiêm trọng hơn mà thôi. Nếu có trẻ em chứng kiến, thì hành vi bạo hành sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa đến sự phát triển tâm lý của chúng, bởi vì những đứa trẻ chứng kiến cảnh tượng bạo hành này, tương lai cũng có thể trở thành một kẻ bạo hành hoặc bị bạo hành.
Bạo hành tuyệt nhiên chẳng có bất kỳ lý do nào để trở thành một phần cuộc sống của bạn. Trên thế giới này có rất nhiều đàn ông và phụ nữ tốt, họ không bạo hành ai và cũng không chịu để ai bạo hành. Tuyệt đối không nên yêu hoặc lấy kẻ bạo hành bạn.
Nếu bạn đời có hành vi ngược đãi bạn, hãy lập tức tìm đến sự giúp đỡ của người thân. Bạn bắt buộc cũng phải yêu cầu cho mình một gia đình hoàn toàn lành mạnh.
Đồng thời, vì không mong muốn bạo hành tràn lan trong xã hội này, chúng ta cũng không nên dung túng cho hành vi bạo hành phát sinh từ anh chị em, bạn bè hoặc đồng nghiệp của mình. Chúng ta phải vứt bỏ vai trò thụ động truyền thống, ngăn chặn bạo hành lan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong xã hội, vì bản thân và những người mình yêu thương, hãy hói “không” với bạo hành.
Đồng thời, chúng ta cũng đang sáng tạo ra văn hóa, văn hóa đó sẽ thiết lập trên nền tảng giá trị nhân phẩm và tôn trọng lẫn nhau. Nếu chúng ta cùng chung tay nói ”không” với bạo hành, thì trong quá trình trưởng thành của một thế hệ, sẽ không còn bất cứ người nào nói rằng bạo hành là một phần thông thường trong văn hóa Á đông. Làm thế nào để tự thưởng cho mình
Tôi may mắn có thể liệt kê ra trong danh sách bạn bè của mình rất nhiều phụ nữ mạnh mẽ. Họ là những người:
• Mạnh mẽ, lạc quan, tự tin;
• Dù kiêm nhiệm nhiều vai trò của phụ nữ: Sự nghiệp, làm mẹ... họ đều có thể dễ dàng làm tốt bổn phận của mình, mà vẫn có thời gian gặp gỡ bạn bè;