Nguyên tắc toàn diện trong nhận thức và thực tiễn 1 Cơ sở lý luận

Một phần của tài liệu KẾT CẦU ĐỀ THI HẾT MÔN TRIẾT HỌC SAU ĐẠI HỌC KHÔNG CHUYÊN TRIẾT (Trang 31)

1. Cơ sở lý luận

Nguyên tắc toàn diện trong nhận thức và hoạt động thực tiễn là một trong những nguyên tắc phương pháp luận cơ bản, quan trọng của phép biện chứng duy vật. Cơ sở lý luận của nguyên tắc toàn diện là nguyên lý về mối liên hệ phổ biến. Trong phép biện chứng duy vật, mối liên hệ phổ biến dùng để khái quát mối liên hệ, sự tác động qua lại, chuyển hóa lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay giữa các mặt, các giai đoạn phát triển của một sự vật, hiện tượng. Cơ sở của mối liên hệ phổ biến là tính thống nhất vật chất của thế giới; theo đó, các sự vật, hiện tượng trong thế giới dù có đa dạng, có khác nhau đến thế nào đi chăng nữa, thì cũng chỉ là những dạng cụ thể khác nhau của một thế giới vật chất duy nhất.

Các mối liên hệ có tính khách quan, phổ biến và đa dạng, chúng giữ vai trò khác nhau quy định sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng. Trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn, không nên tuyệt đối hóa mối liên hệ nào và cũng không nên tách rời mối liên hệ này khỏi các mối liên hệ khác bởi trên thực tế, các mối liên hệ còn phải được nghiên cứu cụ thể trong sự biến đổi và phát triển của chúng.

Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến khái quát bức tranh toàn cảnh về thế giới trong những mối liên hệ chằng chịt giữa các sự vật, hiện tượng của nó. Tính vô hạn của thế giới khách quan, tính có hạn của sự vật, hiện tượng trong thế giới đó chỉ có thể giải thích được trong mối liên hệ phổ biến và được quy định bằng nhiều mối liên hệ có hình thức, vai trò khác nhau. Từ nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, con người rút ra được những quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn.

2. Nội dung của nguyên tắc toàn diện trong nhận thức và thực tiễn

Nguyên tắc toàn diện đòi hỏi, muốn nhận thức được bản chất của sự vật, hiện tượng chúng ta phải xem xét sự tồn tại của nó trong mối liên hệ qua lại giữa các bộ phận, yếu tố, thuộc tính khác nhau trong tính chỉnh thể của sự vật, hiện tượng ấy và trong mối liên hệ qua lại giữa sự vật, hiện tượng đó với sự vật, hiện tượng khác; tránh cách xem xét phiến diện, một chiều. Nguyên tắc toàn diện đòi hỏi phải xem xét, đánh giá từng mặt, từng mối liên hệ và phải nắm được đâu là mối liên hệ chủ yếu, bản chất quy định sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng; tránh chủ nghĩa chiết trung, kết hợp vô nguyên tắc các mối liên hệ; tránh sai lầm của thuật ngụy biện, coi cái cơ bản thành cái không cơ bản, không bản chất thành bản chất hoặc ngược lại, dẫn đến sự nhận thức sai lệch, xuyên tạc bản chất sự vật, hiện tượng.

Trong nhận thức, nguyên tắc toàn diện là yêu cầu tất yếu của phương pháp tiếp cận khoa học, cho phép tính đến mọi khả năng của vận động, phát triển có thể có của sự vật, hiện tượng đang nghiên cứu, nghĩa là cần xem xét sự vật, hiện tượng trong một chỉnh thể thống nhất với tất cả các mặt, các bộ phận, các yếu tố, các thuộc tính cùng các mối liên hệ của chúng. Lênin cho rằng: “Muốn thực sự hiểu được sự vật, cần phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả các mối liên hệ và “quan hệ gián tiếp” của sự vật đó”, phải tính đến “tổng hòa những quan hệ muôn vẻ của sự vật ấy với những sự vật khác”. Tuy nhiên, cũng theo Lênin, chúng ta không thể làm được điều đó hoàn toàn đầy đủ nhưng sự cần thiết phải xem xét tất cả mọi mặt sẽ đề phòng không phạm sai lầm và cứng nhắc. Sở dĩ chúng ta không làm được điều đó hoàn toàn đầy đủ

bởi trong quá trình vận động, phát triển, sự vật, hiện tượng phải trải qua nhiều giai đoạn tồn tại, phát triển khác nhau; trong mỗi giai đoạn đó không phải lúc nào sự vật, hiện tượng cũng bộc lộ tất cả các mối liên hệ bên trong và bên ngoài của nó. Hơn nữa, tất cả những mối liên hệ ấy chỉ được biểu hiện ra trong những điều kiện nhất định. Và bản thân con người, những chủ thể nhận thức với những phẩm chất và năng lực của mình luôn bị chế ước bởi những điều kiện xã hội lịch sử, do đó không thể bao quát được hết những mối liên hệ bên trong và bên ngoài các sự vật, hiện tượng.

Nguyên tắc toàn diện còn đòi hỏi, để nhận thức được sự vật, hiện tượng chúng ta cần xem xét nó trong mối liên hệ với nhu cầu thực tiễn của con người. Mối liên hệ giữa sự vật, hiện tượng với nhu cầu của con người rất đa dạng, trong mỗi hoàn cảnh nhất định, con người chỉ phản ánh một số mối liên hệ nào đó của sự vật, hiện tượng phù hợp với nhu cầu nhất định của mình nên nhận thức của con người về sự vật, hiện tượng mang tính tương đối, không đầy đủ, trọn vẹn. Theo Lênin, phép biện chứng đòi hỏi người ta phải chú ý đến tất cả các mặt của những mối quan hệ trong sự phát triển cụ thể của những mối quan hệ đó, chứ không phải lấy một mẩu chỗ này, một mẩu chỗ kia. Như vậy, xem xét toàn diện nhưng không “bình quân, dàn đều” mà có “trọng tâm, trọng điểm”, phải tìm ra vị trí từng mặt, từng yếu tố, từng mối liên hệ ấy trong tổng thể của chúng, phải từ tri thức về nhiều mặt, nhiều mối liên hệ của sự vật, hiện tượng để khái quát, rút ra mối liên hệ chủ yếu nhất, bản chất nhất, quan trọng nhất chi phối sự tồn tại và phát triển của chúng.

Từ quan điểm toàn diện trong nhận thức, chúng ta rút ra cách nhìn đồng bộ trong hoạt động thực tiễn. Theo đó, muốn cải tạo sự vật, hiện tượng phải áp dụng đồng bộ một hệ thống các biện pháp, các phương tiện khác nhau để tác động làm thay đổi các mặt, các mối liên hệ tương ứng của sự vật, hiện tượng. Song trong từng bước, từng giai đoạn phải nắm đúng khâu trọng tâm, then chốt để tập trung lực lượng giải quyết.

3. Ý nghĩa của nguyên tắc toàn diện trong nhận thức và thực tiễn

Vì bất cứ sự vật, hiện tượng nào trong thế giới đều tồn tại trong mối liên hệ với các sự vật hiện tượng khác và mối liên hệ rất đa dạng, phong phú; do đó khi nhận thức về sự vật, hiện tượng chúng ta phải có quan điểm toàn diện, tránh quan điểm phiến diện chỉ xét sự vật, hiện tượng ở một mối liên hệ đã vội vàng kết luận về bản chất hay về tính quy luật của chúng.

Để nhận thức được sự vật, hiện tượng chúng ta cần xem xét nó trong mối liên hệ với nhu cầu thực tiễn của con người. Mối liên hệ giữa sự vật, hiện tượng

với nhu cầu của con người rất đa dạng, trong mỗi hoàn cảnh nhất định, con người chỉ phản ánh một số mối liên hệ nào đó của sự vật, hiện tượng phù hợp với nhu cầu nhất định của mình nên nhận thức của con người về sự vật, hiện tượng mang tính tương đối, không đầy đủ, trọn vẹn. Nắm được điều đó sẽ tránh tuyệt đối hóa những tri thức đã có về sự vật, hiện tượng và tránh coi những tri thức đã có là những chân lý bất biến, tuyệt đối, cuối cùng về sự vật, hiện tượng mà không bổ sung, phát triển. Bởi vậy, khi xem xét toàn diện tất cả các mặt của những mối quan hệ của sự vật, hiện tượng phải chú ý đến sự phát triển cụ thể của các quan hệ đó. Chỉ có như vậy mới thấy được vai trò của các mặt trong từng giai đoạn cũng như của toàn bộ quá trình vận động, phát triển của từng mối quan hệ cụ thể của sự vật, hiện tượng.

Nguyên tắc toàn diện đối lập với cách nhìn phiến diện, một chiều; đối lập với chủ nghĩa chiết trung và thuật ngụy biện. Chủ nghĩa chiết trung cũng chú ý đến nhiều mặt, nhiều mối liên hệ của sự vật, hiện tượng nhưng không rút ra được bản chất, mối liên hệ cơ bản của sự vật, hiện tượng mà xem xét bình quân, kết hợp vô nguyên tắc các mối liên hệ khác nhau, tạo thành một mớ hỗn tạp các sự kiện, cuối cùng sẽ lúng túng, mất phương hướng và bất lực trước chúng. Thuật ngụy biện đưa cái không cơ bản thành cái cơ bản, cái không bản chất thành cái bản chất. Cả chủ nghĩa chiết trung và thuật ngụy biện đều là những biểu hiện của phương pháp luận sai lầm trong việc xem xét các sự vật, hiện tượng. Sự khác nhau giữa chủ nghĩa chiết trung và thuật ngụy biện với phép biện chứng duy vật nằm ở chỗ, nếu thuật ngụy biện và chủ nghĩa chiết trung

áp dụng chủ quan tính linh hoạt toàn diện, phổ biến của các khái niệm thì phép biện chứng duy vật phản ánh sự vận động, phát triển trong tính toàn diện của quá trình vật chất và sự thống nhất của quá trình đó. Từ những phân tích trên cho thấy, lôgic của quá trình hình thành quan điểm trong nhận thức, xem xét sự vật, hiện tượng sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn, cơ bản là đi từ quan niệm ban đầu về cái toàn thể đến nhận thức mỗi mặt, mỗi mối liên hệ cụ thể của sự vật, hiện tượng rồi đến nhận thức nhiều mặt, nhiều mối liên hệ của sự vật, hiện tượng đó và cuối cùng đi tới khái quát những tri thức phong phú đó để rút ra tri thức về bản chất của sự vật, hiện tượng.

Trong mọi hoạt động cần quán triệt nguyên tắc toàn diện. Việc nghiên cứu trong các ngành khoa học tự nhiên không tách rời nhau, ngược lại phải trong mối liên hệ với nhau, thâm nhập vào nhau. Có nhiều sự vật, hiện tượng đòi hỏi phải có sự nghiên cứu liên ngành giữa các khoa học. Trong lĩnh vực xã hội,

nguyên tắc toàn diện cũng có vai trò quan trọng. Chúng ta không thể hiểu được bản chất một hiện tượng xã hội nếu tách nó ra khỏi những mối liên hệ, những sự tác động qua lại với các hiện tượng xã hội khác.

Tóm lại, trong mọi hoạt động cần phải quán triệt nguyên tắc toàn diện. Chúng ta không thể hiểu được bản chất của sự vật, hiện tượng nếu tách nó ra khỏi những mối liên hệ, những sự tác động qua lại với các sự vật, hiện tượng khác.

Một phần của tài liệu KẾT CẦU ĐỀ THI HẾT MÔN TRIẾT HỌC SAU ĐẠI HỌC KHÔNG CHUYÊN TRIẾT (Trang 31)