Phương hướng xây dựng người phụ nữ Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Luận văn triết học quan niệm về tam tòng tứ đức trong nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với phụ nữ việt nam hiện nay (Trang 45)

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, người phụ nữ Việt Nam luôn thể hiện những phẩm chất tốt đẹp: lòng yêu nước, tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; có lòng nhân hậu, giàu tình yêu thương và đức hi sinh. Ngày nay phụ nữ Việt Nam một mặt tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức quý báu, những giá trị văn hóa tinh thần vô giá mà các thế hệ trước đã để lại; mặt khác họ cũng không ngừng hình thành và phát triển những phẩm chất tiên tiến phù hợp với các yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế; từng bước góp phần tạo dựng hình ảnh người phụ nữ hiện đại. Tuy nhiên trước những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và những ảnh hưởng tiêu cực của thời kì mở cửa hội nhập kinh tế khu vực và thế giới hiện nay, thì việc giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có nhiều thực tế đáng buồn. Một số giá trị tốt đẹp về phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam có phần bị mai một. Quan niệm về các giá trị đạo đức truyền thống đang dần bị phai mờ trong nhận thức và lối sống của một bộ phận phụ nữ. Một bộ phận phụ nữ sống thiếu lí tưởng, vô cảm, bàng quan trước các vấn đề bức xúc của xã hội; một bộ phận nữ thanh niên thích hưởng thụ, đua đòi, dễ bị lôi kéo vào con đường tệ nạn xã hội. Hoạt động phạm pháp của phụ nữ như tham gia tàng trữ và sử dụng ma túy, tham gia vào các hoạt động buôn bán phụ nữ và trẻ em, tham gia chơi lô đề, cờ bạc, mê tín dị đoan ngày càng gia tăng, hoạt động mại dâm diễn ra khá phức tạp, khó kiểm soát nhất là ở các khu du lịch, các thành phố lớn. Nhận thức của một bộ phận người dân hay của chính của phụ nữ về vai trò, chức năng giáo dục của gia đình còn hạn chế; trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xây dựng gia đình hạnh phúc có xu hướng bị xem nhẹ, tình trạng ngoại tình, ly hôn có chiều hướng gia tăng, lối sống thiếu văn hóa vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức gia đình đang là vấn đề đáng lo ngại

Trong xã hội, nhất là trong giới trẻ đang có xu hướng sống thực dụng, có quan niệm lệch lạc trong tình yêu và hôn nhân. Xu hướng lấy chồng ngoại quốc chỉ vì lợi ích vật chất trước mắt đã xuất hiện ở một bộ phận nữ thanh niên. Những cuộc hôn nhân theo hình thức thương mại hóa này đã dẫn đến những hệ lụy đau lòng cho người phụ nữ. Bên cạnh đó một bộ phận phụ nữ còn hạn chế về mặt nhận thức, quen sống thụ động, tự ti, an phận, chấp nhận bị đối xử bất bình đẳng, chưa biết tự bảo vệ quyền lợi

của mình dẫn đến tình trạng bạo lực trong gia đình, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý thậm chí là thiệt hại tính mạng của người phụ nữ.

Những thực trạng cơ bản nêu trên đã cho thấy những yếu tố này đang làm tổn hại nghiêm trọng đến phẩm giá đạo đức và làm sai lệch hình ảnh tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Vì vậy cần phải có những những phương hướng cụ thể để làm chuẩn mực cho việc xây dựng nội dung, hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Đảng và Nhà nước ta luôn rất coi trọng vấn đề phụ nữ và nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội nên cũng đã có rất nhiều văn bản được đưa ra để giải quyết vấn đề này như Nghị quyết số 11 – NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ chính trị về công tác phụ nữ trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hay Đề án tuyên truyền, giáo dục, giáo dục phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 2010 – 2015) ban hành ngày 12/03/2010.

Thời đại mới đã đặt ra những chuẩn mực mới đối với người phụ nữ, vươn tới những chuẩn mực này chính là khai thác những khía cạnh tích cực của “Tam tòng, tứ đức” kết hợp với yếu tố thời đại, giúp cho sự phát triển của bản thân nói riêng và của nữ giới nói chung; đẩy lùi những tiêu cực của xã hội. Vì vậy, phương hướng xây dựng người phụ nữ Việt Nam hiện nay phải dựa trên những chuẩn mực được xây dựng trên nền tảng truyền thống và hiện đại.

Chuẩn mực đầu tiên được đặt ra là người phụ nữ Việt Nam dù ở trong hoàn cảnh nào cũng phải xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng là: Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang. Trong thời kì hòa bình, đất nước ta đang tập trung phát triển kinh tế thì hai tiêu chí Trung hậu, Đảm đang sẽ được nêu bật hơn. Hai tiêu chí này không chỉ là đạo lý làm người mà nó còn bao gồm trong nó cả yêu tố nhân đạo. Chính vì thế mà người phụ nữ Việt Nam đã lao động sáng tạo, tham gia tích vào các hoạt động từ thiện, hoạt động cứu trợ nạn nhân của các thảm họa thiên tai, phòng và chống các tệ nạn xã hội. Đây cũng là chuẩn mực về đạo đức mà người phụ nữ Việt Nam trong xã hội mới cần đạt được

Thứ hai là chuẩn mực về học vấn, được thể hiện ở trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, kiến thức văn hóa chung. Người phụ nữ hiện nay cần phấn đấu để có một trình độ học vấn nhất định để có khả năng nắm bắt thông tin phục vụ cho công việc. Người phụ nữ phải tự mình nâng cao nghiệp vụ, trình độ chuyên môn, tham gia tích cực vào công tác đào tạo. Ngày nay, người phụ nữ Việt Nam đã thể

hiện mức độ tự yêu cầu cao về trình độ học vấn cũng như niềm khao khát được học tập, được đào tạo.

Thứ ba là chuẩn mực về nghề nghiệp, để khẳng định vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội người phụ nữ hiện nay cần phải phấn đấu có việc làm ổn định, tức là có nghề, tinh thông trong nghề và có thu nhập từ nghề đó. Để đáp ứng yêu cầu của xã hội, người phụ nữ cần phải được đào tạo cơ bản về nghề, tích cực tham gia vào các khóa đào tạo định kì để nâng cao tay nghề và có sáng tạo không ngừng trong nghề. Trước đây người vợ thường chỉ biết lo toan việc nhà là chính, ngày nay những công việc trong gia đình người phụ nữ vẫn phải làm thật tốt nhưng vẫn phải đảm bảo là sẽ đảm đương được công việc xã hội. Ngày nay, tiêu chuẩn về nghề nghiệp, có khả năng kinh tế được đánh giá rất cao trong hôn nhân và là điều kiện cơ bản để xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Thứ tư là chuẩn mực về ý thức pháp luật. Lao động trong xã hội xã hội chủ nghĩa đòi hỏi cao về kỉ luật, thói quen, cách tư duy trong cuộc sống, thời gian phải được sử dụng một cách khoa học, có chất lượng, giờ nào việc nấy. Rèn luyện ý thức pháp luật trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công việc đối với người phụ nữ hiện đại là điều cần thiết. Bên cạnh đó, việc am hiểu những bộ luật có liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của mình như luật bình đẳng giới, luật hôn nhân và gia đình, luật lao động… cũng là cách giúp cho người phụ nữ nâng cao được vị thế của mình trong xã hội và tránh không bị lợi dụng hay bóc lột, hành hạ về cả vật chất lẫn tinh thần.

Thứ năm là chuẩn mực về tác phong, thói quen lối sống thanh lịch, thuộc phạm trù tâm hồn. Người phụ nữ hiện nay phấn đấu để trở thành những người năng động, linh hoạt, sắc sảo, nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố duyên dáng, lịch lãm, tế nhị và luôn tôn trọng người khác. Chuẩn mực này là sự thể hiện của đức “dung” và “ngôn” trong “Tứ đức” nhưng là trong sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Thứ sáu là chuẩn mực xây dựng mối quan hệ của các thành viên trong gia đình. Nâng cao ý thức nuôi dưỡng tình cảm giữa mọi người, cùng nhau bàn bạc, quyết định việc lớn, biết sử dụng kinh tế có hiệu quả để nâng cao đời sống vật chất cho gia đình, biết sắp đặt không gian gia đình gọn gàng, sạch sẽ, có thẩm mĩ, cá nhân được quan tâm, cộng đồng được coi trọng. Mọi người cùng có trách nhiệm san sẻ mọi công việc gia đình, có như vậy thì mới có được một gia đình hạnh phúc. Để thực hiện được điều này, người phụ nữ cần tự hoàn thiện bản thân với rất nhiều đức tính như thủy chung,

thật thà, nhường nhịn, tôn trọng, cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn, quan tâm đáp ứng nhu cầu chính đáng của các thành viên trong gia đình.

Cuối cùng là chuẩn mực gắn với mối quan hệ giữa gia đình và cộng đồng. Người phụ nữ hiện nay được đánh giá là có nếp sống văn hóa khi họ chủ động đoàn kết hòa thuận với cộng đồng, cụ thể là với hàng xóm, làng xã, phố phường hay cả với những người đồng nghiệp của mình.

Từ những phương hướng cơ bản này ta cũng đã thấy trách nhiệm đặt lên vai người phụ nữ ngày nay rất nặng nề. Để thực hiện được tất cả những chuẩn mực trên đây thì người phụ nữ trước hết phải có một thể lực tốt, có sức khỏe thì mới làm được kinh tế, có kinh tế thì mới có điều kiện xác định vai trò của người phụ nữ trong xã hội, người phụ nữ phải khỏe thì mới đẹp, đẹp về hình thức và đẹp cả trong trí tuệ, tâm hồn.

Một phần của tài liệu Luận văn triết học quan niệm về tam tòng tứ đức trong nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với phụ nữ việt nam hiện nay (Trang 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(57 trang)
w