Bài học kinh nghiệm.

Một phần của tài liệu Chính sách kích cầu của Việt Nam trong tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu (Trang 38)

CHÍNH SÁCH KÍCH CẦU CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM TRONG TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH

3.5 Bài học kinh nghiệm.

Từ các vấn đề của hai gói kích cầu, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm và những khuyến nghị về chính sách đối với Việt Nam như sau: Chỉ nên đưa ra gói kích cầu khi thực sự cần thiết và duy trì trong ngắn hạn nhằm tránh sự mất cân đối hàng tiền, vi phạm quy luật lưu thông tiền tệ, dẫn đến lạm phát. Để đảm bảo gói kích cầu phát huy được tác dụng, chính phủ cần có sự giám sát chặt chẽ sự phân bổ nguồn lực của gói kích cầu, tạo điều kiện cho nguồn lực được phân bổ đúng đối tượng, tránh tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và bất bình đẳng giữa các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là DN.

Với nội dung đa dạng và qui mô tương đối lớn, gói kích cầu cần được sự giám sát rộng rãi của xã hội, từ các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, đến bản thân người dân

cũng như cộng đồng doanh nghiệp, nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu của gói kích cầu với mức thâm hụt ngân sách nhỏ nhất có thể. Cụ thể:

• Thông tin về các cấu phần của gói kích cầu, đối tượng thụ hưởng, phương thức thực hiện cụ thể v.v… cần được công bố rộng rãi, để toàn bộ xã hội có thể tham gia vào việc giám sát, đặc biệt với những cấu phần liên quan đến an sinh xã hội.

• Với một số cấu phần quan trọng có thể cân nhắc thiết lập các đường dây nóng để người dân và doanh nghiệp tham gia hiệu quả hơn vào quá trình giám sát.

• Các cơ quan chuyên môn (Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia v.v…) tập trung giám sát vĩ mô các cán cân vĩ mô lớn cũng như những biến chuyển của nền kinh tế toàn cầu để kịp thời báo cáo Chính phủ và Quốc hội có những điều chỉnh chính sách kịp thời.

• Ngân hàng Nhà nước tập trung giám sát những khoản cho vay ưu đãi lớn dành cho các doanh nghiệp thâm dụng vốn để đảm bảo các khoản vay được sử dụng hiệu quả, tạo thêm việc làm trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua giảm giá sản phẩm để tạo hiệu ứng lan tỏa đối với nền kinh tế.

• Cần đảm bảo rằng sau khi vượt qua khủng hoảng và suy thoái tình hình thâm hụt ngân sách sẽ được cải thiện. Các biện pháp này có thể cần được luật hóa.

Sau khi thực hiện gói kích cầu, vấn đề đánh giá kết quả của gói kích cầu là hết sức cần thiết, xem xét xem gói kích cầu có thực sự giúp chúng ta vượt qua khủng hoảng hay không, vừa tránh được lãng phí, cũng như rút ra được bài học quí báu trong quản lý và điều hành nền kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. Đồng thời việc yêu cầu đánh giá hiệu quả gói kích cầu cũng sẽ ràng buộc trách nhiệm những người và cơ quan có liên quan. Và khi ràng buộc trách nhiệm, điều này sẽ làm cho việc thực hiện gói kích cầu đạt hiệu quả hơn.

Chính phủ phải chủ động trong việc đưa ra gói kích cầu với mục tiêu rõ ràng, tránh trường hợp xử lý tình huống như gói kích cầu thứ nhất. Mặt khác, chính phủ cần thiết kế gói kích cầu đúng mục tiêu, tránh trường hợp nhập nhằng giữa kích cầu và kích cung.

Cuối cùng, gói kích cầu chỉ mang tính chất hỗ trợ tạm thời nên kinh tế khi có khủng hoảng. Khi nền kinh tế đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, chính phủ cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững nhằm tránh sự bùng phát của những tàn dư sau khủng hoảng.

KẾT LUẬN

Trong năm 2009 và những năm sắp tới, Việt Nam đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa trong bối cảnh nền kinh tế biến động từng ngày. Chính phủ vẫn đang tiến hành những bước đi khá đúng đắn và bài bản bằng việc đưa ra hai gói kích cầu giúp nền kinh tế Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng và phát triển. Hai gói kích cầu nêu trên đã mang lại những hiệu quả tích cực nhất định, hỗ trợ các doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn của suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, các gói kích cầu này cũng bộc lộ những điểm yếu như định hướng chính sách kích cầu không rõ rang, kích cầu tạo ra mất mát không cần thiết, cạnh tranh không lành mạnh, bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Từ việc nhận ra những hạn chế của hai gói kích cầu, nhóm đã đưa ra các bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các gói kích cầu dành cho Việt Nam như cần có định hướng và sự chuẩn bị cần thiết đưa ra gói kích cầu, chỉ nên duy trì kích cầu trong ngắn hạn, giám sát chặt chẽ vốn kích cầu.

Một phần của tài liệu Chính sách kích cầu của Việt Nam trong tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(43 trang)
w