Từ sau sự khôi phục của nhà nước Minh Trị năm 1868 đến trước năm 1945, Nhật Bản từng bước đưa ra các chế độ giúp đỡ những người gặp khó khăn và bảo hiểm xã hội để ngăn chặn nghèo đói. Nhưng điều kiện để được trợ cấp hết sức ngặt nghèo và mức trợ giúp thấp nên đảm bảo xã hội mới chỉ manh nha. Trong thời kỳ này, sự đảm bảo của xã hội còn rất hạn chế so với sự trợ giúp của các thành viên trong gia đình, sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của bà con xóm giềng và những hoạt động phúc lợi xã hội do các công ty tư nhân đảm nhiệm đối với người lao động.
Ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn do bị tàn phá nặng nề. Vấn đề siêu lạm phát, sự phá sản của các công ty sản xuất vũ khí và các công ty khác làm cho tình hình thất nghiệp trở nên trầm trọng. Thêm vào đó, việc trở về của hàng triệu người Nhật Bản từ nước ngoài, sự xuất hiện của trẻ mồ côi với số lượng lớn và các nạn nhân chiến tranh làm cho các vấn đề xã hội trở nên vô cùng khó khăn, phức tạp. Tình trạng này đã làm cho rất nhiều người rơi vào cảnh khốn cùng. Chính vì vậy, Luật Trợ giúp quốc gia (1946,1950) được ban hành để cung cấp sự trợ giúp công cộng và thay thế những luật trước chiến tranh nhằm xóa bỏ sự nghèo đói và cung cấp phúc lợi công cộng, và tiêu chuẩn nhận trợ cấp được nới lỏng rất nhiều. Đồng thời những luật mới cũng được thông qua như Luật Phúc lợi trẻ em (1947) và Luật Phúc lợi dành cho người tàn tật (1948). Bên cạnh đó, Luật Liên đoàn lao động (1945), Luật những chuẩn mực lao động (1947), Luật Bảo hiểm việc làm (1947), Luật Bảo hiểm đền bù cho người lao động (1947) và rất nhiều luật khác cũng được ban bố nhằm hỗ trợ và bảo vệ quyền của người lao động.
Từ cuối những năm 1950 đến 1973, chế độ bảo đảm xã hội không ngừng được mở rộng. Đến cuối thập kỷ 1950, nền kinh tế Nhật Bản đã được phục hồi ở mức trước chiến tranh. Chính vì vậy cùng với ý tưởng xây dựng
35
nhà nước phúc lợi, chính phủ Nhật Bản bắt đầu chú trọng hơn tới việc mở rộng các chính sách xóa bỏ nghèo đói trong dân chúng.
Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, chính phủ Nhật Bản đã có rất nhiều cố gắng trong việc cung cấp bảo hiểm xã hội để duy trì thu nhập và đảm bảo chăm sóc sức khỏe, trước hết là cho người lao động trong các công ty. Tuy nhiên, nông dân và những người làm tư không được hưởng bất kỳ chế độ hưu trí nào và tùy ý tham gia hay không bảo hiểm y tế ở địa phương. Vì vậy rất nhiều người không có bảo hiểm y tế, đặc biệt là ở các khu đô thị lớn.
Sự sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế quốc gia đã được thông qua vào năm 1958, quy định chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý bảo hiểm y tế. Luật Hưu trí quốc gia được Nhật Bản thông qua vào năm 1959. Theo luật, những người không đủ tiêu chuẩn tham gia vào chương trình hưu trí người làm công ăn lương cũng có thể hưởng chế độ hưu trí. Cả hai luật này đều có hiệu lực từ năm 1961 và từ đó bảo hiểm toàn dân và các chế độ hưu trí đã cung cấp bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm hưu trí cho mọi công dân Nhật Bản. Sau đó, đến năm 1973, nhờ có tăng trưởng kinh tế cao, các chế độ bảo hiểm y tế và bảo hiểm hưu trí được cải thiện đáng kể, mang lại lợi ích lớn hơn cho một số đối tượng. Thêm vào đó, do mức sống của người dân Nhật Bản được nâng lên, nhà nước đã thông qua một số luật mới để cải thiện điều kiện sống của người già, những gia đình thiếu cha, và những người không thể sống dựa hoàn toàn vào thu nhập từ việc làm. Những Luật này bao gồm Luật Phúc lợi đối với người có vấn đề về thần kinh (1960), Luật Phúc lợi dành cho người già (1963), Luật Phúc lợi bà mẹ và trẻ em (1964).
Từ năm 1974 đến nay, Nhật Bản luôn tiến hành chỉnh sửa các chế độ bảo đảm xã hội cho phù hợp với thế kỷ 21. Sau cuộc khủng hoảng dầu lửa tháng 10 – 1973, nề kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài. Trong khi đó, cũng trong giai đoạn này dân số Nhật Bản bắt đầu bị lão hóa
36
nhanh chóng. Chính vì vậy Nhật Bản đã nhận ra rằng cần phải sửa đổi hệ thống đảm bảo xã hội để phù hợp với với sự chuyển hóa sang xã hội người già thế kỷ 21. Trước tiên, trong gia đoạn suy thoái ngay sau cuộc khủng hoảng dầu lửa, Luật Bảo hiểm việc làm (1974) được ban hành thay thế cho Luật Bảo hiểm thất nghiệp năm 1947. Luật này đã đề cập toàn diện đến các khía cạnh của vấn đề việc làm, ngoài việc cung cấp lợi ích thất nghiệp còn ngăn chặn vấn đề thất nghiệp, ổn định công việc và giúp đỡ việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Vào đầu những năm 1980 bắt đầu có những cuộc cải cách bảo hiểm xã hội, chú trọng đến việc cải cách chế độ chăm sóc y tế và chế độ hưu trí, thắt chặt lợi ích, hạn chế việc tăng thuế và gánh nặng chi trả bảo đảm xã hội, và đề ra kế hoạch chiến lược 10 năm tăng cường sức khỏe và phúc lợi cho người già (Kế hoạch vàng) vào năm 1989. Chương trình đặt ra là mở rộng các cơ sở cho người già cần được chăm sóc và các dịch vụ tại nhà. Tiếp theo là Kế hoạch vàng mới vào năm 1994 nhằm khắc phục những hạn chế của Kế hoạch vàng. Tháng 4 năm 2000 chế độ bảo hiểm chăm sóc lâu dài ra đời đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc chăm sóc người già. Từ đó đến nay, Nhật Bản tiến hành nhiều cuộc cải cách nhằm điều chỉnh hệ thống BHXH cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Hiện nay, hệ thống BHXH của Nhật Bản đã tương đối hoàn thiện và phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân. [8, 14, 15].