Đánh giá lựa chọn phương pháp khoan kiểm soát áp suất

Một phần của tài liệu Đồ Án Thiết kế kỹ thuật khoan kiểm soát áp suất cho giếng ST-1P mỏ Sư Tử Trắng bể Cửu Long (Trang 60)

Trong công tác thi công các giếng khoan thăm dò (ST-1X, ST-2X, ST- 3X, ST-4X) thuộc cấu tạo Sư Tử Trắng với điều kiện địa chất phức tạp, đặc biệt là giếng có nhiệt độ và áp suất cao, khi khoan đoạn thân giếng 12-1/4” qua thành hệ yếu ILM ( Intra Lower Miocence) đã xảy ra sự cố sập lở thành giếng gây bó kẹt cột cần khoan và hiện tượng dòng xâm nhập, buộc phải tăng tỉ trọng của dung dịch khoan. Tuy nhiên khi khoan đến đoạn tiếp theo lại xảy ra hiện tượng mất tuần hoàn. Lưu lượng bơm được giảm xuống để vừa xoay vừa kéo cột cần lên. Nhưng khi kéo lên độ sâu thấp hơn lại bị kẹt cột cần và không tuần hoàn được dung dịch. Đội khoan ngay lập tức bổ sung vật liệu bít nhét vào vành xuyến và bơm đầy vào vùng mất dung dịch. Cột cần khoan được giải phóng nhưng tỉ trọng của dung dịch tăng lên và hiện tượng mất dung dịch lại xảy ra. Tốc độ mất dung dịch tăng lên buộc phải chống ống chống lửng để cách ly thành hệ không ổn định. Khi khoan đoạn thân giếng tiếp theo qua thành hệ yếu bên dưới chân đế ống chống 9-5/8” cũng xảy ra sự cố sập lở thành hệ, bó kẹt cột cần khoan và hiện tượng dòng xâm nhập ở độ sâu 3916m, đội khoan bắt buộc phải tăng tỉ trọng dung dịch khoan và hiện tượng mất dung dịch lại xảy ra. Thời gian kiểm soát giếng và chi phí để xử lý các phức tạp tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, công tác thử vỉa cho các giếng này không thành công. Nguyên nhân do vỉa sản phẩm đã bị nhiễm bẩn trong quá trình khoan. Công tác thử vỉa được tiến hành nhiều lần tuy nhiên lưu lượng thu được thấp và dòng không ổn định, nguyên nhân được xác định do dung dịch khoan được sử dụng để cân bằng áp suất vỉa có tỉ trọng cao gây nhiễm bẩn vỉa sản phẩm.

Hai vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu cần phải sử dụng một công nghệ khoan phù hợp hơn cho các giếng khai thác với tỉ trọng dung dịch nhẹ hơn, tránh nhiễm bẩn thành hệ và hạn chế tối đa các sự cố kèm theo do tính chất phức tạp của điều kiện địa chất nói chung và các giếng nhiệt độ áp suất cao (HPHT) nói riêng.

Với điều kiện địa chất phức tạp của giếng HPHT ST-1P và cấu tạo Sư Tử Trắng, rất dễ xảy ra các sự cố khi có một biến động nhỏ của áp suất đáy giếng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng (tốn thời gian, chi phí để xử lý thậm chí phải ngừng khoan để đóng giếng). Kiểm soát chính xác áp suất đáy

61

giếng bằng cách giữ đáy giếng ổn định trong giới hạn khoan giữa áp suất vỉa và áp suất vỡ vỉa là mục tiêu được đặt ra.

Bằng những ưu điểm vượt trội, công nghệ khoan kiểm soát đáy giếng với phương pháp khoan cố định áp suất đáy giếng (CBHP) là một giải pháp phù hợp, giải quyết thành công những phức tạp cho giếng khoan ST-1P, đáp ứng các yêu cầu và mục tiêu cho giếng khoan.

Công nghệ khoan kiểm soát áp suất được thiết kế và ứng dụng cho 2 đoạn thân giếng khoan 12-1/4” và 8-1/2” với thông số hoạt động khác nhau.

Một phần của tài liệu Đồ Án Thiết kế kỹ thuật khoan kiểm soát áp suất cho giếng ST-1P mỏ Sư Tử Trắng bể Cửu Long (Trang 60)