SINH KHẢ DỤNG CỦA THUỐC TIÊM

Một phần của tài liệu Giáo trình bào chế và kiểm nghiệm thuốc - P6 (Trang 27 - 30)

Trường hợp khi tiêm tĩnh mạch: Toàn bộ lượng dược chất trong liều thuốc được đưa trực tiếp vào máu, đến nơi tác dụng của thuốc tạo ra đáp ứng sinh học mà không qua quá trình hấp thu.

Trường hợp thuốc được đưa trực tiếp vào cơ quan đích như dịch não tuỷ, màng cứng, tim, túi bao khớp…cũng không có quá trình hấp thu dược chất.

Khi SC, IM muốn gây ra đáp ứng sinh học, dược chất phải được giải phóng khỏi dạng thuốc, hoà tan vào pha nước của dịch sinh học tại chỗ tiêm, hấp thu qua màng sinh học vào hệ tuần hoàn và đến các cơ quan đích. Phần trăm lượng dược chất được hấp thu và tốc độ hấp thu lượng dược chất đó (SKD của thuốc) bị chi phối bởi 2 nhóm các yếu tố : Các yếu tố dược học thuộc về dạng thuốc và các yếu tố sinh học thuộc về người dùng thuốc.

5.1 Ảnh hưởng của các yếu tố dược học đến SKD của thuốc tiêm

5.1.1 Độ tan và tốc độ hoà tan của dược chất

Yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến mức độ và tốc độ hấp thu dược chất từ liều thuốc đã tiêm là tốc độ hoà tan của các tiểu phần dược chất rắn vào dịch mô tại nơi tiêm thuốc và chỉ có phần dược chất ở dạng dung dịch mới có khả năng khuyếch tán qua màng hấp thu. Quá trình này xảy ra trong trường hợp:

- Thuốc tiêm dạng hỗn dịch

- Thuốc tiêm là dung dịch thuốc nhưng có pH khác quá xa với pH sinh lý

- Thuốc tiêm là dung dịch thuốc nhưng đã sử dụng hỗn hợp dung môi để làm tăng độ tan của dược chất, khi tiêm dung môi bị pha loãng bởi dịch mô tại chỗ tiêm và làm giảm độ tan của dược chất, gây kết tủa dược chất dưới dạng các tiểu phần.

Tốc độ hoà tan của các tiểu phần dược chất rắn trong thuốc tiêm hỗn dịch hoặc tiểu phần dược chất rắn bị tủa lại khi tiêm phụ thuộc trước hết vào kích thước tiểu phần dược chất rắn, tốc độ hoà tan dược chất càng nhanh khi diện tích bề mặt hoà tan càng lớn có nghĩa là kích thước của các tiểu phần dược chất càng nhỏ.

Như vậy có thể bào chế thuốc tiêm hỗn dịch có tác dụng kéo dài bằng cách tăng kích thước tiểu phần dược chất.

5.1.2 Hệ số phân bố dầu nước của dược chất

Phân tử dược chất phải có tính thân Lipid nhất định mới có khả năng thấm qua màng. Tính thân Lipid của phân tử dược chất được xác định bởi hệ số phân bố Dầu - Nước của dược chất đó. Dược chất có hệ số phân bố dầu - nước cao sẽ có tốc độ khuyếch tán qua màng cao hơn.

5.1.3 Mức độ đẳng trương của thuốc tiêm

Nhìn chung các công thức thuốc tiêm đều phải được tính toán và cho thêm các chất thích hợp để thuốc đẳng trương với dịch cơ thể, nhằm giảm đau, giảm kích ứng, giảm hoại tử mô tại chỗ tiêm, đảm bảo an toàn khi tiêm. Ngoài ra mức độ đẳng trương của thuốc tiêm còn ảnh hưởng nhất định tới sinh khả dụng của thuốc. Như vậy có thể làm tăng hoặc giảm tốc độ hấp thu dược chất từ thuốc tiêm bằng cách điều chỉnh mức độ đẳng trươg của thuốc so với dịch cơ thể.

5.1.4 Thể tích tiêm

Nếu cùng một lượng dược chất, tiêm với một thể tích nhỏ sẽ làm tăng hấp thu thuốc, đồng thời giảm thể tích tiêm còn giúp giảm đau khi tiêm

5.1.5 Cấu trúc lý hoá của thuốc tiêm

Các thuốc tiêm có cấu trúc lý hoá khác nhau sẽ có tốc độ giải phóng dược chất từ dạng thuốc khác nhau và chính tốc độ giải phóng dược chất ra khỏi dạng thuốc là bước hạn chế tốc độ và mức độ hấp thu dược chất từ liều thuốc đã tiêm.

5.1.6 Tương tác giữa dược chất với các thành phần khác trong dạng thuốc

Các thành phần được gọi là các chất trơ trong một công thức thuốc tiêm có ảnh hưởng đáng kể đến sự hấp thu dược chất. Nhất là các chất có phân tử lượng lớn thường không có khả năng hấp thu do có kích thước rất lớn nên rất khó vượt qua màng bằng cách thấm lọc hoặc bằng cách hoà tan trong lipid và khuyếch tán thị động qua màng.

Nếu phức hợp với dược chất dễ dàng phân ly để trả lại dược chất ở dạng tự do thì sinh khả dụng của thuốc không bị giảm, ngược lại sự hình thành phức hợp giữa dược chất với các chất có đặc tính hoà tan tốt trong lipid hơn bản thân dược chất thì sẽ làm tăng hấp thu của dược chất.

Tương tác giữa dược chất và các chất phụ trong một công thức thuốc tiêm không chỉ ảnh hưởng tới tốc độ ổn định của thuốc mà còn làm thay đổi độ hấp thu dược chất và có thể vận dụng trong xây dựng công thức tạo ra các thuốc tiêm có độc tính thấp, có tác dụng kéo dài.

5.2 Ảnh hưởng của yếu tố sinh học đến SKD của thuốc tiêm

5.2.1 Đường tiêm thuốc

- Tiêm thuốc trực tiếp vào mạch máu không có bước hấp thu, vì vậy các yếu tố sinh lý không có tác động gì tới sự hấp thu dược chất. Thời gian tác dụng của thuốc phụ thuộc vào thời gian bán thải của dược chất và liều thuốc đã tiêm và thường rất ngắn. Nếu muốn duy trì nồng độ dược chất trong máu ở mức nồng độ điều trị phải áp dụng tiêm truyền TM liên tục.

- Thuốc SC hay IM, dược chất phải qua hấp thu vào máu, nồng độ dược chất đạt được trong máu thường thấp hơn khi IV (cùng liều) nhưng lại duy trì được nồng độ dược chất trong máu lâu hơn.

- IM dược chất hấp thu nhanh hơn SC

5.2.2 Tuổi người bệnh

Người già có mô mỡ giảm làm giảm thời gian lưu thuốc tại mô, nhất là đối với các dược chất có hệ số phân bố D/N cao, nên sinh khả dụng cao hơn ngưởi trẻ. Trẻ sơ sinh, trẻ em có tổng lượng nước cao so với cân nặng nên có thể tích phân bố lớn, nồng độ dược chất trong máu thấp hơn người lớn.

5.2.3 Tình trạng bệnh tật

Bệnh nhân suy tim lưu lượng máu đến các cơ giảm do đó mức độ và tốc độ hấp thu thuốc sau tiêm bắp thường giảm.

Bệnh nhân ưng thư quá trình chuyển hoá thuốc tăng nên nồng độ thuốc ở mô thường thấp.

VI.Kiểm nghiệm thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền

I. Định nghĩa:

Chế phẩm dùng để tiêm là chế phẩm vô trùng dùng để tiêm, truyền, cấy vào cơ thể người hoặc động vật.

Quá trình pha chế có thể thêm tá dược để tạo đẳng trương, điều chỉnh pH, tăng độ tan, chống phân huỷ hoạt chất hoặc có tính chất kháng khuẩn thích hợp mà không ảnh hưởng xấu tới tác dụng điều trị và ở nồng độ sử dụng không được gây ngộ độc và kích ứng tại chỗ.

Chế phẩm dùng để tiêm có 5 loại là thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền, dung dịch đậm đặc dung tiêm hoặc truyền, thuốc cấy.

Thuốc tiêm là dung dịch, nhũ dịch hoặc dịch treo vô trùng được pha chế bằng cách hoà tan, nhũ hoá hoặc tạo dịch treo hoạt chất và tá dược trong nước cất pha tiêm, dung môi hoặc hỗn hợp môi trường hoà tan vô trùng, thích hợp.

Thuốc tiêm truyền là dung dịch hoặc nhũ dịch trong nước vô trùng, đẳng trương, được đưa vào cơ thể với thể tích lớn. Thuốc truyền không được chứa chất bảo quản, kháng khuẩn nào.

Dung dịch đậm đặc dùng tiêm hoặc truyền là dung dịch vô trùng để tiêm hoặc truyền ngay sau khi pha loãng, chúng đạt các yêu cầu qui định đối với thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền.

Thuốc bột dùng tiêm hoặc truyền là chế phẩm vô trùng dạng rắn đựng trong lọ, khi lắc với thể tích dung môi vô trùng quy định thì tạo ngay thành dung dịch

trong suốt, không có các tiểu phân lạ hoặc dịch treo đồng nhất. Sau khi hoà tan hoặc tạo dịch treo chúng đạt các yêu cầu quy định đối với thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền.

Thuốc cấy là chế phẩm vô trùng ở dạng rắn với kích thước và hình dạng phù hợp dùng để cấy vào cơ thể và phóng thích hoạt chất trong khoảng thòi gian nhất định. Mỗi liều dùng trong một bao gói vô trùng.

Một phần của tài liệu Giáo trình bào chế và kiểm nghiệm thuốc - P6 (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(32 trang)
w