Nhà nước Arập mãi đến thế kỉ VII mới thành lập. Quá trình thành lập nhà nước Arập gắn liền với quá trình thành lập đạo Hồi do Môhamet (còn đọc là Muhamat) truyền bá.
Môhamet xuất thân từ một bộ lạc có thế lực ở Mecca. Năm 610 ông bắt đầu truyền bá đạo Hồi. Năm 622, bị tầng lớp quý tộc Mecca phản đối và hãm hại, Môhamet cùng tín đồ của mình phải chạy lên thành phố Yatơríp ở phía Bắc (cách Mecca 400km).
Năm xẩy ra sự kiện này (622) được coi là năm thứ nhất của kỉ nguyên Hồi giáo. Môhamet tự xưng là tiên tri, nên từ đó thành phố Yatơríp đổi tên thành Mêdina nghĩa là “thành phố của Tiên tri”. Tại đây, Môhamet dần dần thành lập được một lực lượng chính trị kết hợp với tôn giáo do ông cầm đầu. Để duy trì lựclượng, Môhamet thường xuyên tập kích các đội buôn của Mecca, do đó chiến tranh giữa Mêdina và Mecca đã diễn ra nhiều lần. Năm 628, Môhamet kí hòa ước ngừng chiến 10 năm với Mecca. Năm 629, Môhamet dẫn 2000 tín đồ ở Mêdina đến Mecca và đến thăm đền Caaba. Nhiều người ở Mecca và vung xung quanh cũng theo Hồi giáo.
Năm 630, nhận thấy mình đã đủ thế lực để chiếm Mecca, Môhamet đem 10.000 người tiến xuống thành phố này. Mecca không dám chống cự. Môhamet trở thành người đứng đầu nhà nước Arập mới thành lập. Các tượng thần bộ lạc trong đền Caaba bị vứt bỏ. Đền Caaba trở thành thánh thất chính của Hồi giáo và Mecca trở thành thánh địa chủ yếu của tôn giáo này.
Năm 632, Môhamet chết. Từ đó, người đứng đầu nhà nước và tôn giáo ở Arập gọi là Calipha (nghĩa là người kế thừa của tiên tri).
Để mở rộng đất đai và truyền bá đạo Hồi, Arập tích cực thi hành chính sách xâm lược bên ngoài. Kết quả Arập đã lần lượt chinh phục được Xiri (636), Palextin (638), Ai Cập (642), Ba Tư (651).
Sau khi Môhamet chết, từ năm 632 đến năm 661, các Calipha đều do giới quý tộc bầu ra. Năm 661, Calipha Ali vốn là em con chú và là con rể của Môhamet bị giết chết, viên tổng đốc ở Xiri thuộc họ Ômayát đã được lập lên làm Calipha. Từ đó ngôi Calipha trở thành cha truyền con nối. Như vậy, vương triều đầu tiên ở Arập - vương triều Ômayát (661-750) được thành lập. Đamát ở Xiri được chọn làm kinh đô của vương triều này.
Triều Ômayát tiếp tục thi hành chính sách chinh phục bên ngoài, kết quả Arập chiếm được một dải ở miền Bắc châu Phi và bán đảo Tây Ban Nha, do đó đến giữa thế kỉ VIII, Arập trở thành một đế quốc rộng lớn, lãnh thổ bao gồm đất đai của ba châu là châu Á, châu Phi, châu Âu. Đông đến lưu vực sông Ấn, Tây giáp Đại Tây Dương.
Năm 750, phong trào khởi nghĩa của nhân dân đã lật đổ triều Ômayát. Nhân đó, một địa chủ ở Irắc được lập lên làm Calipha, triều Abát thành lập. Năm 762, triều Abát dời kinh đô đến Bátđa. Đến thế kỉ X, đế quốc Arập không duy trì được sự thống nhất nữa, thế lực ngày càng suy yếu. Năm 1258, kinh đô Bátđa bị quân Mông Cổ chiếm. Đế quốc Arập diệt vong.
Những thành tựu chủ yếu của văn minh Arập
1. Tôn giáo
Điểm đáng chú ý nhất của văn hóa Arập là đạo Islam thường gọi là đạo Hồi vì hầu hết dân tộc Hồi ở Trung Quốc theo đạo này. Islam theo ngôn ngữ Arập có nghĩa là “phục tùng”, “tuân theo”. Giáo lí của đạo Hồi nằm trong bộ kinh Koran, gồm tất cả 30 quyển, 114 chương. Trong kinh Koran, luân lí và luật pháp, hòa trộn làm một. Theo Môhamet, kinh Koran là ghi lại những lời truyền dạy của thánh Ala.
- Giáo lí của đạo Hồi gồm có 6 tín ngưỡng lớn (Lục tín)
Tin chân thánh Chỉ tin duy nhất một thánh Ala. Ngoài thánh Ala, không công nhận một đấng thiêng liêng nào khác.
Tin thiên sứ Theo kinh Koran thì thiên sứ do thánh Ala tạo ra từ ánh sáng. Có nhiều thiên sứ, mỗi thiên sứ cai quản về một công việc, và ghi chép về tất cả những hành vi tốt, xấu của con người.
Tin kinh điển Bộ kinh điển duy nhất đáng tin, lấy đó làm thước đo mọi sự việc, đó là kinh Koran.
Tin sứ giả Mohamet là sứ giả của thánh Ala phái xuống để truyền giảng những điều dạy của thánh Ala. Mọi điều truyền giảng của Môhamet đều là chân lí.
Tin tiền địnhCác tín đồ của đạo Hồi tin rằng số phận của mỗi con người đều do thánh Ala an bài, con người không thể cưỡng lại được, đó là định mệnh.
Tin kiếp sauCác tín đồ Hồi giáo tin rằng, sau khi chết đi con người sẽ sống ở một thế giới khác và chịu sự phán xét của thánh Ala vào ngày tận thế.
- Nghĩa vụ của tín đồ Hồi giáo
Chỉ thừa nhận có thánh Ala và tuyệt đối tin tưởng vào thánh Ala. Môhamet là sứ giả của thánh Ala và là vị tiên tri cuối cùng.
Hàng năm tới tháng Ramadan phải trai giới một tháng. Trong tháng này, từ lúc mặt trời mọc tới lúc mặt trời lặn, tuyệt đối không được ăn, uống. Nhưng những người già, người bệnh, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 10 tuổi thì được miễn.
Phải làm việc thiện, bố thí cho người nghèo và trẻ mồ côi. Khalifa thứ hai là Omar có nói “Nhờ cầu nguyện chúng ta đi đến được nửa đường tới Thánh, nhờ trai giới, chúng ta tới được cửa Thiên cung của Ngài, nhờ bố thí, chúng ta sẽ vào được Thiên cung.”
Nếu ai có điều kiện, ít nhất trong đời phải hành hương về Thánh địa Mecca một lần. Người nào hoàn thành công cuộc hành hương này được coi là đã đắc đạo và được trao danh hiệu “Hadia”. Những Hadia được cộng đồng Hồi giáo ở quê hương rất kính nể.
Ngoài ra đạo Hồi còn có một số qui định như: cấm ăn thịt heo, cấm uống rượu, không thờ các tranh, tượng Thánh. Đàn ông ai cũng phải lấy vợ, ít nhất một lần, nhiều là bốn lần.
2. Văn học nghệ thuật
Văn học Bộ kinh Koran không chỉ là một bộ kinh thánh mà còn là một tác phẩm văn hóa đồ sộ. Trong kinh Koran chứa đựng những truyền thuyết, những câu chuyện lịch sử, những lời truyền giảng của Môhamet, cả một số cách chữa bệnh... Chính nhờ bộ kinh Koran mà chữ viết của các quốc gia theo đạo Hồi ở Tây Á và Bắc Phi được thống nhất. “Một nghìn lẻ một đêm” là một tác phẩm văn học vĩ đại của thế giới Arập. Tác phẩm này còn là một tác phẩm văn học vĩ đại của văn học thế giới. Chính vì vậy, dù là nước theo Hồi giáo hay không, tác phẩm Một nghìn lẻ một đêm vẫn được người dân ưa thích.
Nghệ thuật Do đạo Hồi cấm vẽ tranh, tạc tượng nên những tài hoa của nghệ thuật Hồi giáo chỉ còn đất thể hiện qua các công trình kiến trúc và các tấm thảm. Nghệ thuật kiến trúc Hồi giáo cũng tạo ra nhiều công trình kiến trúc độc đáo, có giá trị cao trong kho tàng những công trình kiến trúc nhân loại. Nhiều cung điện, thánh đường với những mái vòm, tháp nhọn, những hàng cột mảnh, ở trong được trang trí bằng những đường hình học.
3. Khoa học tự nhiên
Trong quá trình mở rộng lãnh thổ đế quốc của mình, những người cầm đầu đế quốc Arập cũng rất có ý thức lưu giữ, thu thập và phát triển những giá trị tinh thần. Nhờ đó mà rất nhiều tác phẩm có giá trị của nhân loại có từ thời cổ đại lại được lưu giữ dưới những dòng chữ Arập. Kinh Cựu ước, nhiều tác phẩm của Arixtôt, Platôn... cũng được các nhà thông thái Arập dịch ra. Khi còn sống, Môhamet cũng đánh giá rất cao những giá trị tinh thần, ông đã từng nói “Mực của nhà thông thái còn quí hơn máu của kẻ tử vì đạo”. Các tác phẩm dịch thuật hồi đó được trả bằng vàng theo trọng lượng cuốn sách.
Toán họcNgười Arập tiếp tục phát triển môn đại số, hình học, lượng giác và hoàn thiện hệ thống chữ số thập phân mà họ đã tiếp thu được từ người Ấn Độ. Các khái niệm sin, cosin, tang, cotang, là do chính các nhà toán học Arập đặt ra.
Vật lí Nhà thông thái Al Haitham của Arập đã viết ra cuốn “Sách quang học” được coi là cuốn sách có tính chất khoa học nhất thời trung đại.
Hóa họcNgười Arập đã biết chế tạo ra nồi nước cất để tạo ra nước tinh khiết sử dụng trong các thí nghiệm hóa học. Họ cũng biết nấu rượu rum từ đường mía.
Sinh họcCách ghép cây để tạo ra những giống cây trồng mới.
Y học Chữa nhiều loại bệnh nội, ngoại khoa đặc biệt nhãn khoa. 4. Giáo dục
Người Arập cũng rất chú trọng đến giáo dục. Môhamet đã từng nói “ Tìm hiểu và mở mang tri thức là đang đi trên con đường tới với Tháng Ala.”
Trong thời kì hùng mạnh của mình, những người cầm đầu đế quốc Arập đã xây dựng 3 trường đại học lớn ở Cairo (Ai Cập), Baghdad (Irăc), và Cordou (Tây Ban Nha).
Những thanh niên ưu tú trên toàn đế quốc được về đây học tập. Trường học không phải chỉ dạy kinh Koran mà còn dạy cả lịch sử, đạo đức, pháp luật, văn học, toán học và thiên văn...
Ngoài ra nhờ vai trò trung gian của người Arập mà những kĩ thuật làm giấy, thuốc súng, la bàn, nghề in của Trung Hoa mới được truyền sang Châu Âu; nhiều tác phẩm triết học của Hy Lạp, La Mã đã được truyền sang phương Đông; chữ số Ấn Độ, kĩ thuật dệt thảm, thuộc da của Siria thông qua các lái buôn Arập mà truyền bá khắp Á - Âu.